Những chiến sĩ áo blouse trắng trong trận chiến chống dịch Covid-19

Bài 2: Thắng trận đầu chống “giặc Covid-19”

NDO -

NDĐT- Thời gian qua, những chiến sĩ áo blouse trắng tỉnh Nghệ An đã nỗ lực, kiên cường vượt qua khó khăn, góp phần vào chiến thắng đầu trên mặt trận chống “giặc Covid-19” của tỉnh.

Lực lượng y tế kiểm tra thân nhiệt người nhập cảnh trước khi vào khu cách ly.
Lực lượng y tế kiểm tra thân nhiệt người nhập cảnh trước khi vào khu cách ly.

Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Dương Đình Chỉnh cho biết: Ngành y tế Nghệ An là một trong những đơn vị đầu tiên trong cả nước chủ động và triển khai rất sớm công tác phòng, chống dịch Covid-19. Khi Việt Nam xuất hiện các ca dương tính đầu tiên với virus SARS-CoV-2, Sở Y tế Nghệ An đã họp khẩn và yêu cầu Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh (CDC) phối hợp cùng phòng Nghiệp vụ Y ngay lập tức phải tham mưu công điện khẩn trình UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt, chỉ đạo các địa phương, các ngành đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh. Theo đó, Sở Y Tế Nghệ An với tư cách là Ban Thường trực Phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh, đã kịp thời tham mưu cho tỉnh và các ngành, đơn vị liên quan ra gần 200 văn bản chỉ đạo.

Tinh thần “chống dịch như chống giặc” được quán triệt từ lãnh đạo, ban chỉ đạo đến từng cán bộ, nhân viên trong toàn ngành. Từ Tết Nguyên đán đến nay, không ít cán bộ, nhân viên ngành y tế làm công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở Nghệ An hầu như chưa có một đêm tròn giấc ngủ. Nỗi lo dịch bệnh và tinh thần trách nhiệm với sức khỏe người dân đã trở thành sức mạnh giúp họ “cầm cự” với những “đêm trắng”.

Các trung tâm y tế, bệnh viện dưới sự chỉ đạo của ngành, hỗ trợ của địa phương, các nhà hảo tâm đã được đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại, ưu tiên chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, vật tư y tế, thuốc men, thành lập các khu điều trị cách ly để thu dung và điều trị cho bệnh nhân và những người nghi nhiễm. Công tác tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hành về công tác phòng chống dịch cho các giám đốc trung tâm y tế, trưởng khoa truyền nhiễm, y tế dự phòng của 21/21 huyện, thành, thị trong tỉnh được triển khai kịp thời. Công tác phòng chống dịch được khẩn trương triển khai một cách quyết liệt từ các bệnh viện, trung tâm y tế, từ tuyến xã đến tận thôn bản.

Bài 2: Thắng trận đầu chống “giặc Covid-19” ảnh 1

Kiểm tra thuốc và phương tiện phòng chống dịch tại Trung tâm y tế Kỳ Sơn.

Là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh Nghệ An, qua theo dõi và cập nhật tình hình dịch bệnh ở Vũ Hán (Trung Quốc), ngày 16-1, Bệnh viện đa khoa Hữu nghị Nghệ An đã ra văn bản đề nghị các khoa, phòng, trung tâm trong bệnh viện tăng cường công tác giám sát và phòng chống bệnh viêm phổi nặng do virus gây ra. Đây là một trong những văn bản được đưa ra sớm nhất trong toàn ngành y tế về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bệnh viện tiến hành công tác tập huấn phòng chống dịch cho toàn thể đội ngũ y, bác sĩ ngay sau đó.

Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa hữu nghị tỉnh Nghệ An) Quế Anh Trâm cho biết: Mặc dù khuôn viên khá chật, nhưng Trung tâm đã ngăn, tách riêng khu khám và điều trị dành cho bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 hay có biểu hiện nghi nhiễm với 30 giường bệnh cùng phòng mổ, phòng đẻ dã chiến. Nhờ đó, Trung tâm đã kịp thời, tiếp nhận điều trị, theo dõi những ca bệnh đầu tiên của tỉnh có biểu biện nghi ngờ liên quan đến dịch bệnh từ các địa phương chuyển đến. Đến nay đã điều trị và theo dõi, thực hiện cách ly cho hơn 70 trường hợp liên quan…

Là một trong những bệnh viện được chọn làm điểm điều trị cho những bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2, chỉ trong thời gian ngắn, Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc (thị xã Thái Hòa) đã hoàn thành khu vực điều trị cách ly với hàng chục giường bệnh đáp ứng các yêu cầu cần thiết. Do đó, khi có trường hợp sản phụ vào cách ly đến thời gian sinh nở, khu cách ly này đã đáp ứng được ngay. Được biết, hiện tại sức khỏe của hai mẹ con sản phụ ổn định, Bệnh viện tiếp tục theo dõi, chăm sóc trong suốt thời gian 14 ngày cách ly.

Bài 2: Thắng trận đầu chống “giặc Covid-19” ảnh 2

Bé trai nặng 2,8kg chào đời tại khu cách ly Bệnh viện đa khoa khu vực Tây Bắc.

Bên cạnh đó, để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả, cán bộ kỹ thuật Bệnh viện còn sáng chế máy đo thân nhiệt từ xa và rửa tay bằng nước sát khuẩn nhưng không chạm vào bình chứa nước sát khuẩn. Các thiết bị này được đặt trước cổng bệnh viện, để kiểm soát và phục vụ tất cả mọi người ra vào bệnh viện được dư luận hoan nghênh.

Các trạm y tế xã được tăng cường thêm trang thiết bị, thuốc men để kịp thời phục vụ cho công tác cách ly và điều trị ban đầu, kịp thời cho những người có triệu chứng nghi nhiễm bệnh như ho, sốt, khó thở… Các nhân viên y tế cũng ngày đêm nỗ lực trong công tác chống “giặc” Covid-19 tại cơ sở. Đó là tuyên truyền hằng ngày, hằng giờ để mọi người chấp hành nghiêm các quy định, đồng thời giám sát, chăm sóc sức khỏe cho những người từ vùng dịch trở về thực hiện cách ly, cùng các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh từ xa. Ở vùng biên viễn, nhân viên y tế đang cùng bộ đội biên phòng lập phòng tuyến ngăn chặn dịch bệnh bằng công tác tuyên truyền đến từng nhà, từng bản vùng sâu, vùng xa, hay lập các chốt kiểm soát dịch bệnh ở các đường mòn, lối mở khu vực đường biên giới.

Giữ vai trò nòng cốt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Nghệ An chính là đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng viên được điều động đến các trung tâm cách ly tập trung để theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho hàng nghìn người. Hằng ngày, họ đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao khi thường xuyên tiếp xúc với những người trở về từ vùng dịch. Cũng như những người thực hiện cách ly trong khu cách ly, đội ngũ các y, bác sĩ, các nhân viên y tế cũng phải xa gia đình nhiều tuần liền để trực chiến chăm sóc sức khỏe cho những người thực hiện cách ly.

Nhằm chia sẻ khó khăn với những bệnh nhân nghèo đang điều trị nội trú tại bệnh viện trong dịch Covid-19, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã mở gian hàng “0 đồng” ngay trong bệnh viện để phát miễn phí các nhu yếu phẩm, vật dụng hằng ngày như: nước sát khuẩn tay, khăn mặt, bỉm, sữa, mì gói, bánh kẹo, cháo dinh dưỡng, nước suối…cho bệnh nhân. Nguồn kinh phí để mở gian hàng là từ sự đóng góp của các y, bác sĩ của Bệnh viện và các nhà hảo tâm. Sau hơn một tuần phát động, gian hàng đã vận động được số lượng hàng hóa, tiền mặt ủng hộ trị giá hơn 70 triệu đồng.

Bài 2: Thắng trận đầu chống “giặc Covid-19” ảnh 3

Trao đổi cùng lực lượng Bộ đội biên phòng tại cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn.

Là tỉnh “đất rộng, người đông”, có nhiều đầu mối giao thông quan trọng, có đường biên giới với nước bạn dài hơn 419 km, có cửa khẩu quốc tế; lại là địa phương có rất nhiều người đi làm ăn ở nước ngoài và các tỉnh thành trong cả nước nhưng tuyệt đại đa số người dân Nghệ An đều chấp hành đúng quy định của Chính phủ; thực hiện khai báo đầy đủ, cách ly nghiêm túc khi trở về địa phương…Tuy số người phải thực hiện cách ly phát sinh lớn gấp nhiều lần so với dự kiến ban đầu, nhưng Nghệ An đã nhanh chóng thành lập 28 điểm cách ly tập trung tuyến tỉnh cùng các điểm tập trung khác để đón nhận gần 10 nghìn công dân từ nước ngoài về cách ly tập trung và theo dõi.

Thật may mắn, đến nay kết quả xét nghiệm ở Nghệ An đều 100% âm tính với virus SARS-CoV-2 và nguy cơ dịch bùng phát trên địa bàn được đánh giá là không cao. Đây có thể được xem là “trận thắng đầu” của Nghệ An trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của những “chiến sĩ” áo blouse trắng.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 hiện còn diễn biến phức tạp, tỉnh Nghệ An nói chung và ngành y tế nói riêng cần tuyệt đối không được chủ quan. Trên đà thắng “trận đầu”, tỉnh Nghệ An cần xem xét, củng cố lại “trận địa”, nhất là tăng cường, củng cố cơ sở vật chất cho công tác phòng, chống dịch cho cộng đồng cần mang tính lâu dài.

Bài 1: Ghi ở Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh Nghệ An