Bác sĩ truyền nhiễm không chùn bước trước cuộc chiến với Covid-19

NDO -

NDĐT – Các bác sĩ truyền nhiễm hay nói đùa với nhau, có lẽ vì tiếp xúc và điều trị nhiều mặt bệnh truyền nhiễm như lao, sốt xuất huyết, sởi, cúm… nên ai cũng có miễn dịch. Nhưng với bệnh Covid-19, thì sự miễn dịch là điều không một ai dám nói đùa. Nguy hiểm cho tính mạng, áp lực cho sự an toàn của cả bệnh viện, nhân viên y tế và người bệnh… là những thách thức đối với các bác sĩ truyền nhiễm trong tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 diễn tập khi có ca mắc Covid-19.
Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 diễn tập khi có ca mắc Covid-19.

Sẵn sàng cho mọi kịch bản xảy ra, hỗ trợ tốt nhất cho quân y các tuyến

Gần cuối tháng 1, ca bệnh Covid-19 đầu tiên thâm nhập vào Việt Nam. Trước đó, các cửa ngõ biên giới đã căng mình chống dịch. Tại các tuyến đường biên giới, nhất là các đường mòn, lối mở, những chiến sĩ áo xanh ngày đêm túc trực canh gác, triển khai khai báo y tế để sàng lọc các đối tượng nghi ngờ. Các chiến sĩ quân đội phải nhường nơi ăn, chỗ ở cho người dân ở cách ly tập trung.

Tại tuyến Trung ương, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng khẩn trương xây dựng các kịch bản để đối phó với mọi tình huống dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, khó lường. Trong đó, ưu tiên dành mọi sự quan tâm, hỗ trợ về chuyên môn cho các bác sĩ quân y ở tuyến đầu, xây dựng các phương án sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 cho quân nhân, đồng thời làm tốt công tác phòng chống dịch bảo đảm để dịch bệnh không xảy ra tại bệnh viện.

Về chuyên môn, trong giai đoạn chống dịch căng thẳng, ngoài nhiệm vụ phòng chống dịch, không để dịch thâm nhập và lây lan trong bệnh viện, bảo đảm cho mọi hoạt động khám chữa bệnh của bệnh viện được diễn ra an toàn; tổ chức sàng lọc, khám bệnh, thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm và nhiễm Covid-19 tại Viện lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm; các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tham gia các buổi hội thảo trực tuyến để hướng dẫn, huấn luyện cho quân y các tuyến cơ sở trong phòng, chống dịch Covid-19.

Bác sĩ truyền nhiễm không chùn bước trước cuộc chiến với Covid-19 ảnh 1

Các bác sĩ luôn sẵn sàng cho mọi tình huống xảy ra.

Bệnh viện cũng thành lập hai đội cơ động phòng chống dịch, hai tổ chuyên khoa truyền nhiễm để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch, hỗ trợ tuyến dưới và triển khai các nhiệm vụ đột xuất. Vừa qua, các tổ cơ động phòng chống dịch đã hoàn thành tốt những nhiệm vụ đặc biệt liên quan phòng, chống dịch Covid-19, như bảo đảm quân y cho Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN, cho chuyến thăm của đoàn Quân sự cấp cao Nhật Bản tại Việt Nam.

TS, BS Vũ Viết Sáng, Phó Viện trưởng – Chủ nhiệm khoa Bệnh lây đường hô hấp và hồi sức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, toàn bộ Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm được đặt vào tình trạng báo động đỏ, bởi “nhiệm vụ chống dịch như chống giặc”, hằng ngày đều có nhiều ca bệnh nghi nhiễm, có yếu tố dịch tễ đi về từ vùng có dịch đến khám bệnh tại bệnh viện, và bất cứ lúc nào cũng có thể phát hiện ca bệnh dương tính với Covid-19.

Ba phòng khám Truyền nhiễm được phân chia nhiệm vụ rõ ràng, trong đó có phòng khám truyền nhiễm thông thường và phòng khám Covid-19 riêng. Khu cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 cũng được xác định nhiệm vụ cho từng giai đoạn, từng cấp độ dịch với đầy đủ các bộ phận phục vụ đi kèm như phòng xét nghiệm, chụp X-quang, siêu âm, máy thở, máy lọc máu, phòng mổ và các phương tiện, trang thiết bị bảo hộ cá nhân.

Theo BS Sáng, dựa trên kịch bản của Ban Chỉ đạo phòng chống chống dịch Bộ Quốc phòng, khi dịch bước sang cấp độ 3 có ca lây nhiễm trong cộng đồng, Viện có sẵn 100 giường bệnh để sẵn sàng điều trị cho bộ đội. Những người bệnh đến khám có biểu hiện nghi ngờ sẽ được cách ly tại Viện và xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime-PCR, nếu âm tính sẽ được chuyển các khoa điều trị thông thường. Những ca bệnh nghi nhiễm không phải là quân nhân, sẽ được bệnh viện chuyển tuyến đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Toàn bộ 72 cán bộ của Viện bắt đầu bước vào những ngày trực căng thẳng, được chia ca làm việc, ca trực luân phiên nhau. Trong những ngày dãn cách xã hội, mặc dù số bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện giảm khoảng 50%, nhưng bệnh nhân có các triệu chứng viêm đường hô hấp, viêm phổi, sốt khoảng 30-40 ca/ngày.

Công việc lúc này, phải căng mình giữa hai nhiệm vụ, một là nâng cao tinh thần cảnh giác, khám sàng lọc kỹ lưỡng các đối tượng đến khám nghi ngờ. Bên cạnh đó, BS Sáng và các đồng nghiệp còn thực hiện nhiệm vụ tại khoa hồi sức truyền nhiễm, cấp cứu, điều trị hồi sức tích cực cho những bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm khác.

“Bất kỳ một sai sót nào cũng sẽ dẫn tới nguy hiểm bởi nguy cơ lây nhiễm cho cán bộ y tế, người bệnh chung quanh và những người tiếp xúc gần, thậm chí cả bệnh viện phải cách ly. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của các bác sĩ quân y tại Viện Lâm sàng là thực hiện kiên quyết việc không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong bệnh viện”, BS Sáng cho hay.

Nguy hiểm nhưng không chùn bước

Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm là các vi sinh vật rất nhỏ bé như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng. Đây là những kẻ thù “vô hình” rất nguy hiểm, có thể gây bệnh cấp tính, chết người nhanh chóng và hàng loạt, dễ lây nhiễm. Chúng không thể nhìn bằng mắt thường, chỉ có thể phát hiện qua kính hiển vi quang học, kính hiển vi điện tử hoặc các phương pháp xét nghiệm hiện đại khác. Lịch sử loài người đã chứng kiến những vụ đại dịch gây chết hàng chục triệu người như đại dịch cúm A, bệnh tả, bệnh đậu mùa..

Bác sĩ truyền nhiễm không chùn bước trước cuộc chiến với Covid-19 ảnh 2

Những bác sĩ ở tuyến đầu trong chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm.

Xác định làm bác sĩ truyền nhiễm là luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức khi thường xuyên phải tiếp xúc với các nguồn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm A, bệnh do não mô cầu, tả, uốn ván, hoại tư sinh hơi, nhiễm khuẩn máu, sốt xuất huyết cho đến các bệnh mới nổi như SARS, MERS-CoV-2 và bây giờ là Covid-19.

BS Vũ Viết Sáng tâm sự “Chúng tôi xác định dịch bệnh thường xuyên xảy ra, hết dịch bệnh này tới dịch bệnh khác và chúng có thể xảy ra bất cứ khi nào. Dịch bệnh nào cũng nguy hiểm và khi dịch xảy ra thì không nơi nào là nơi trú ẩn an toàn. Do đó, các bác sĩ truyền nhiễm chúng tôi luôn xác định rõ nhiệm vụ của mình”.

Năm 2017, Hà Nội rơi vào đợt dịch sốt xuất huyết. Các bệnh viện căng mình chống dịch. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng khám bệnh và thu dung một ngày 400-500 người đến khám. Khu điều trị nội trú quá tải. Khu điều trị dã chiến ban ngày được triển khai ngay tại phòng khám bệnh với 200 giường bệnh để điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết có triệu chứng nhẹ và vừa. Nhiều ca bệnh đến trong tình trạng nặng, bị suy đa tạng, biến chứng do sốt xuất huyết đã được cứu sống. Những ngày chống dịch, có nhiều đêm các bác sĩ phải trải qua những “cuộc chiến” rất dài để hồi sinh cho từng sự sống.

Bác sĩ truyền nhiễm không chùn bước trước cuộc chiến với Covid-19 ảnh 3

Khu dã chiến và sự nỗ lực của các y, bác sĩ trong đợt phòng chống dịch sốt xuất huyết 2017.

BS Sáng kể, bệnh truyền nhiễm là bệnh cấp tính và bệnh nhân có thể tử vong nhanh do diễn biến suy đa tạng nên công việc khẩn trương, áp lực và rất vất vả. Nhân viên y tế vừa phải cấp cứu bệnh nhân để hạn chế tử vong thấp nhất, nhưng phải vừa tự bảo vệ mình bằng các biện pháp bảo hộ cá nhân phòng chống lây nhiễm vì mầm bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm và bất kỳ nhân viên y tế nào cũng có thể bị lây nhiễm.

Bước vào cuộc chiến với dịch Covid-19 – một chủng virus mới gây ra viêm đường hô hấp cấp tính vô cùng phức tạp mà chúng ta chưa hiểu rõ về nó, nên về mặt tinh thần, các bác sĩ và điều dưỡng tại viện cũng khá căng thẳng. Ngoài tâm lý lo ngại bản thân mắc bệnh, tất cả đều có chung một mối lo đến sự an toàn của toàn bệnh viện.

“Dịch Covid-19 là một kẻ thù vô hình, một loại virus mà cả thế giới còn đang tìm hiểu về nó, vì thế ở giai đoạn cao trào, mọi bệnh nhân vào viện phải sàng lọc, nhận định được các trường hợp nghi ngờ để làm xét nghiệm từng trường hợp. Các bệnh nhân có biểu hiệm viêm phổi, có yếu tố dịch tễ liên quan đều xây dựng quy trình giống như bệnh nhân nghi ngờ Covid-19 đưa vào khu cách ly và tiến hành các biện pháp xét nghiệm, chẩn đoán”, BS Sáng cho hay.

Theo số liệu gần nhất, số lượng bệnh nhân vào viện được làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 khoảng 800-900 ca và đến nay chưa có ca nào được phát hiện dương tính với virus này.

Tuy nhiên, khi dịch đang có những diễn biến phức tạp trên thế giới, và tại Việt Nam đã có những ca bệnh không phát hiện được F0 và có sự lây lan trong cộng đồng, với một tâm lý không được chủ quan, các bác sĩ mang quân hàm xanh vẫn phát huy tinh thần của bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn luôn sẵn sàng trực chiến để vừa là tuyến đầu cho các tuyến quân y khác, vừa sẵn sàng chia lửa với các bệnh viện tuyến Trung ương nếu dịch bước sang cấp độ mới, với mức lây nhiễm lớn trong cộng đồng để làm nơi thu dung, điều trị cho những ca mắc Covid-19.