17 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng: Phấn khởi nhưng không chủ quan

NDO -

NDĐT – 17 ngày liên tiếp, Việt Nam không ghi nhận thêm ca lây nhiễm nào trong cộng đồng, cho thấy sự thành công của một đợt trong cuộc chống dịch Covid-19. Đây là một kết quả đáng ghi nhận của Việt Nam trong hành trình dài chống dịch một cách kiên định và linh hoạt .

PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.
PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

Tuy nhiên, PGS, TS Trần Đắc Phu cho rằng, kết quả phấn khởi này càng cho thấy, chúng ta không thể chủ quan, lơ là để dịch diễn biến phức tạp.

Phóng viên Báo Nhân Dân điện tử có cuộc phỏng vấn với PGS, TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam về những thành quả trong một giai đoạn chống dịch Covid-19 của Việt Nam đến nay và khuyến cáo người dân cần phải chủ động để sống chung an toàn với dịch bệnh như thế nào khi dịch còn diễn biến phức tạp trên thế giới và nguy cơ tiềm ẩn trong cộng đồng còn cao.

Phấn khởi nhưng không chủ quan

Phóng viên: Thưa PGS, TS Trần Đắc Phu, 17 ngày qua, Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm mới trong cộng đồng. Điều này có ý nghĩa như thế nào với Việt Nam trong giai đoạn chống dịch Covid-19 hiện nay?

PGS, TS Trần Đắc Phu: Đây là điều phấn khởi và lạc quan. Hiện nay kết quả xét nghiệm các trường hợp được khoanh vùng, trong diện nghi ngờ không thấy trường hợp nào dương tính. Trong cộng đồng, chúng ta cũng chưa phát hiện có ca nào mới. Điều đó khẳng định việc chúng ta chống dịch thành công ở cộng đồng sau khi tiến hành giãn cách xã hội.

Ngoài ra, mấy ổ dịch lớn như thời gian qua như Hạ Lôi, Bạch Mai, quán bar Buddha, Samsung đều được khống chế tốt. Ổ dịch Hạ Lôi sẽ được dỡ phong tỏa vào ngày 5-5… cho thấy chúng ta đã làm phong tỏa tốt, không phát hiện ca mới ở các ổ dịch.

Phóng viên: Chúng ta đang có hy vọng và niềm tin vào một ngày gần nhất, Việt Nam sẽ công bố hết dịch Covid-19?

PGS, TS Trần Đắc Phu: Theo quy định của chống dịch, phải đáp ứng điều kiện không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định. Đối với bệnh Covid-19 là 28 ngày, được tính từ ngày trường hợp mắc bệnh gần nhất được cách ly tại cơ sở y tế.

Theo Quy định số 02 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì khi phải xác định dịch hết nguy cơ và phải đưa ra được các biện pháp triển khai tiếp các việc phòng, chống bảo đảm không còn lây lan mới được công bố hết dịch.

Tuy nhiên, trong bối cảnh người nhập cảnh vẫn còn về Việt Nam thời gian tới, nguy cơ trong cộng đồng vẫn còn nên chưa thể xác định được điều gì. Để công bố hết dịch hay không, Chính phủ còn phải xem xét, phân tích kỹ lưỡng trên mọi khía cạnh.

Phóng viên: Xin ông có thể đưa ra nhận định của cá nhân ông về diễn biến của dịch Covid-19 tới đây tại Việt Nam?

PGS, TS Trần Đắc Phu: Tôi nghĩ tới đây Việt Nam cũng ổn, nhưng chúng ta phải đề phòng, không chủ quan. Nếu có ca mắc sẽ là ca nhập cảnh về thì mình tiếp tục cách ly, khống chế không để lây lan. Còn hiện tại, chúng ta đang thực hiện giãn cách cộng đồng tốt nhưng chưa thể dứt điểm 100% ca mắc.

Linh hoạt và quyết liệt trong phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch

Phóng viên: Xin ông đánh giá về những thành công đến giai đoạn hiện nay của Việt Nam trong công tác dự phòng chống dịch Covid-19?

PGS, TS Trần Đắc Phu: Chúng ta đã ngăn chặn được dịch ngay từ những ngày đầu tiên khi dịch xuất hiện bằng cách cách ly những người nhập cảnh về Việt Nam. Việt Nam làm tốt việc cách ly, khoanh vùng. Ngay cả một ổ dịch lớn như Bệnh viện Bạch Mai – là nơi khám, chữa bệnh cho hàng chục nghìn bệnh nhân chúng ta cũng đã làm rất tốt và làm quyết liệt.

Theo tôi, chúng ta thành công vì có mấy điểm cần lưu ý.

Thứ nhất, Việt Nam truy tìm dấu vết rất tốt, thông qua khai báo y tế điện tử, qua phỏng vấn, qua điều tra dịch tễ với người tiếp xúc, người tiếp xúc với người tiếp xúc gần để phong tỏa. Hàng chục nghìn người từ ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai về các địa phương, hàng nghìn công nhân Samsung về Hạ Lôi cũng được điều tra và quản lý tốt… nên chúng ta phát hiện được các ca bệnh trong các ổ dịch. Chúng ta khống chế tại chỗ, tại ổ dịch để tránh lây nhiễm ra cộng đồng.

Thứ hai, chúng ta làm giãn cách cộng đồng sớm, quyết liệt nên dịch không bùng phát. Trong khi đó, rất nhiều nước triển khai giãn cách xã hội muộn nên dù ban đầu có nhiều nước có số mắc ban đầu bằng Việt Nam nhưng chỉ trong thời gian ngắn, họ bị bùng phát lên hàng nghìn ca bệnh, tử vong nhiều dẫn tới bị vỡ trận, phá vỡ hệ thống điều trị. Đó là bài học cho Việt Nam.

Thứ ba, tôi cho rằng đó là sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, huy động quân đội, công an vào cuộc, ngành y tế tham mưu cho các cấp chính quyền trong chống dịch. Đặc biệt, chúng ta có sự ủng hộ, đồng tình rất lớn của người dân. Nhiều nước người dân còn biểu tình chống phong tỏa, còn chúng ta làm tốt, thực hiện tốt. Đó là điều rất đáng nói.

Tổ chức Y tế Thế giới và nhiều nước đánh giá cao Việt Nam dù có nguồn lực hạn chế nhưng khống chế tốt dịch. Đến thời điểm này số mắc ít, số tử vong không có, khống chế tốt hơn nhiều quốc gia nguồn lực tốt hơn nhưng số ca mắc và tử vong lớn hơn rất nhiều.

Phóng viên: Như ông đã chia sẻ, Việt Nam đã rất thành công trong việc giám sát cả những ổ dịch rất lớn liên quan đến điều tra dịch tễ hàng chục nghìn người. Theo ông, chúng ta đã linh hoạt và quyết liệt thế nào trong công tác phòng, chống dịch Covid-19?

PGS, TS Trần Đắc Phu: Như tôi đã nói, thành công của Việt Nam là đã phát hiện và truy tìm dấu vết để tiến hành khoanh vùng, dập dịch kịp thời.

Chúng ta đã triển khai điều tra dịch tễ thấy nơi nào có nguy cơ thì mới tiến hành khoanh vùng và phong tỏa theo từng cấp độ, chứ không phải khoanh vùng không khoa học.

Chúng ta linh hoạt ở chỗ, nếu nơi nào cần thiết thì phong tỏa, chỗ không cần thiết phong tỏa thì dỡ bỏ. Nhưng việc phong tỏa phải đi đôi với điều tra dịch tễ và xác định nguy cơ. Phong tỏa rất cần thiết để khoanh vùng, dập dịch nhưng khoanh vùng đến đâu phải có sự điều tra dịch tễ, nếu có lây lan thì sẽ phong tỏa nếu không có sự lây lan, chúng ta thu nhỏ diện phong tỏa lại.

Thí dụ như ổ dịch tại Nhà máy Samsung, nếu thấy ổ dịch này lớn chúng ta có thể phong tỏa trên diện toàn bộ nhà máy. Nhưng khi xác định dịch chỉ ở một đơn vị phân xưởng thì diện phong tỏa hẹp hơn. Chúng ta đã và đang linh hoạt trong phong tỏa, khoanh vùng, không để ảnh hưởng tới đời sống kinh tế, an sinh xã hội của người dân.

Chung sống an toàn với dịch Covid-19

Phóng viên: Khi xác định dịch Covid-19 còn kéo dài, chúng ta cũng như nhiều nước khác, phải xác định tâm thế sống chung một cách an toàn với dịch bệnh. Theo ông, Việt Nam sẽ phải xác định tâm thế như thế nào?

PGS, TS Trần Đắc Phu: Việt Nam rất may chỉ làm giãn cách xã hội, chứ chưa phải phong tỏa cả đất nước như cách nhiều nước đang phải thực hiện. Việt Nam mới giãn cách, vẫn duy trì các hoạt động thiết yếu, công nhân vẫn đi làm… đó là điều may mắn. Chúng ta xác định sống chung với dịch phải sống an toàn, bảo đảm mục tiêu kép, vừa chống dịch Covid-19, vừa làm kinh tế - xã hội.

Do đó, tôi nghĩ, chúng ta cần phải lưu ý, phát triển kinh tế phải đặt sức khỏe lên hàng đầu. Trong mỗi loại hình, mỗi cơ sơ sản xuất kinh doanh cung ứng dịch vụ phải thực hiện các điều kiện phòng bệnh cho người dân. Dựa trên hướng dẫn cơ bản của Bộ Y tế, các ngành sẽ xây dựng những quy định riêng về giao thông, ăn uống, đi lại, khám – chữa bệnh…

Bộ Y tế đã đưa ra các hướng dẫn, cố gắng xây dựng thành tiêu chí để cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở dịch vụ dễ áp dụng và dễ kiểm tra. Bộ Y tế khuyến cáo là trước mắt các cơ sở tự kiểm tra, nếu không đủ tiêu chuẩn thì phải tự dừng cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, các ngành, các cấp phải kiểm tra, nếu cơ sở không đủ tiêu chuẩn phải tạm dừng chờ khắc phục mới cho mở cửa trở lại.

Bên cạnh đó, chúng ta phải thực hiện hướng dẫn người dân năm an toàn: đeo khẩu trang, không tụ tập đông người, tránh giao tiếp gần. Khi đi ra ngoài, nhất là người có bệnh nền, mãn tính, người già hết sức phải để ý. Chúng ta cũng phải thực hiện vệ sinh khử khuẩn, không chỉ phòng Covid-19, mà còn phòng bệnh cúm, đặc biệt bệnh tiêu hóa khi chuẩn bị vào mùa hè. Người dân tiếp tục khai báo y tế khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở…

Với cơ quan y tế, chính quyền các cấp đặc biệt áp dụng biện pháp ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng một cách triệt để, dập dịch quyết liệt.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh, việc đeo khẩu trang rất quan trọng. Việt Nam làm tốt đeo khẩu trang từ sớm nên dịch không lây lan. Tuy nhiên, hiện nay có một bộ phận người dân đã chủ quan, đi uống bia, cà phê và không thực hiện giãn cách, bảo đảm an toàn.

Người dân cứ thấy không công bố thêm ca bệnh mới thì coi như an toàn nhưng thực tế không phải vậy. Đây là điều phải cảnh giác. Chính quyền phải tăng cường kiểm tra để người dân phải tuân thủ các quy định đã được khuyến cáo.

Phóng viên: Ông từng nhận định Việt Nam sẽ khó có làn sóng thứ 2 như nhiều quốc gia khác. Vậy để không xảy ra làn sóng thứ 2, Việt Nam sẽ cần làm gì?

PGS, TS Trần Đắc Phu: Tôi cho rằng, Việt Nam không có làn sóng thứ 2 như Singapore, Nhật Bản… nhưng mình cũng phải làm tốt việc tổ chức tiếp tục ngăn chặn dịch từ nước ngoài về vì dịch nước ngoài về rất phức tạp, phải làm tốt cách ly.

Hiện nay, dịch bệnh ở nước ngoài còn phức tạp, có những nơi trên thế giới còn căng, xác định dịch kéo dài 18-24 tháng nên chúng ta phải tiếp tục làm tốt việc cách ly những người công dân Việt Nam từ nước ngoài về hoặc khi mở cửa hơn nữa cũng phải tiếp tục ngăn chặn những ca nhập cảnh để phòng, chống.

Thứ hai, phải thực hiện tốt việc phát hiện, khoanh vùng, phát hiện cách ly khoanh vùng dập dịch, có dịch nào phát hiện được ngay từ ca đầu tiên càng sớm càng tốt. Chúng ta không để như Singapore, làm tốt các vùng khác nhưng lại bỏ qua vùng dân nhập cư lao động nên đến giờ chưa khắc phục được. Chúng ta mong rằng Việt Nam sẽ chỉ có những ổ dịch rất nhỏ, như các đốm cháy nhỏ, dập tắt được ngay không để thành đám lửa.

Xin cảm ơn PGS, TS Trần Đắc Phu!