Tự chủ đại học

Xu thế cần nhân rộng

Tên tuổi những trường đại học của Việt Nam được đứng trong bảng xếp các trường đại học uy tín bậc nhất của thế giới luôn chỉ là mục tiêu phấn đấu và ước mơ xa vời xưa nay.
Ảnh | ANH ĐỨC
Ảnh | ANH ĐỨC

Tuy nhiên, một tinh thần lạc quan đang nhen nhóm khi Tự chủ đại học - các trường đại học công lập được tự quyết về học thuật, tổ chức bộ máy, tài chính... đang là xu thế tích cực, được đồng thuận bởi các văn bản quy phạm pháp luật và chính các trường. Từ chỗ “toàn thể hệ thống giáo dục đại học Việt Nam như một trường đại học lớn, chịu sự quản lý nhà nước chặt chẽ về mọi mặt thông qua Bộ GD&ĐT” đến chỗ “các trường đại học đã dần được trao quyền tự chủ” như đánh giá của chính Bộ GD&ĐT là một sự đột phá về nhận thức từ chính các cấp, các ngành. Tuy nhiên, từ thuận lợi, khách quan của cơ chế chính sách dần thông thoáng hơn, đến thực tiễn ứng dụng vào hoạt động thường nhật là thách thức mà người trong cuộc luôn phải đối mặt bởi tư duy dựa dẫm vào “bầu sữa” ngân sách vẫn còn phổ biến. Những thành tựu và cả áp lực mà các trường được thí điểm tự chủ đại học đã và đang gặp phải, còn vướng mắc nào cần tháo gỡ từ cơ chế chính sách..., xu thế hiện đại, tiệm cận với thế giới này có được nhân rộng thêm nữa, chính là các câu hỏi mà Nhân Dân hằng tháng sẽ cùng giải đáp trong Tiêu điểm tháng 4: Tự chủ đại học - Xu thế cần nhân rộng, khi mà Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7 này.