Vì sao các nhà máy gây ô nhiễm vẫn cố thủ?

Theo lộ trình đến năm 2020, các CSSXCN ô nhiễm phải di dời ra khỏi nội đô, nhưng đến thời điểm hiện tại trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn hàng loạt nhà máy, CSSXCN chưa chịu di dời. Đâu là nguyên nhân?

Nhà máy Cao-su Sao Vàng. Ảnh: Phạm Thắng
Nhà máy Cao-su Sao Vàng. Ảnh: Phạm Thắng

“Đường đi khó”

Để triển khai thực hiện Quyết định số 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường (ONMT) và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị trên địa bàn thành phố; giao Sở Tài nguyên và môi trường chủ trì rà soát kỹ từng cơ sở sản xuất phải di dời theo ba nhóm: nhóm cơ sở phải di dời gây ONMT nặng; nhóm gây ONMT nhưng có thể khắc phục bằng các biện pháp công nghệ, nhóm cơ sở sản xuất phải di dời theo quy hoạch xây dựng để báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Sở Tài nguyên và môi trường đã tổ chức đối thoại với các DN có cơ sở sản xuất gây ONMT (cơ bản các DN thống nhất với chủ trương di dời, một số đã lập kế hoạch chuẩn bị di dời như Công ty Thuốc lá Thăng Long, Công ty cổ phần In và thương mại Thống Nhất); chủ trì phối hợp các sở, ngành và 12 quận tổng hợp, chuẩn hóa danh mục, số lượng các cơ sở đề xuất di dời là 117 cơ sở. Theo số liệu báo cáo của Sở Công thương, diện tích khu, cụm công nghiệp còn trống trên địa bàn thành phố có thể bố trí để các cơ sở gây ô nhiễm và không phù hợp quy hoạch di dời đến là 447,3 ha đất.

Tuy nhiên, công tác di dời các CSSXCN gây ô nhiễm còn chậm, manh mún. Lý giải về sự chậm trễ này, UBND thành phố Hà Nội cho rằng, do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về tài chính, cơ chế, chính sách hỗ trợ, hình thức di dời, việc bàn giao lại quỹ đất sau di dời cho thành phố. Thực tế các cơ sở đã thực hiện di dời chủ yếu do DN chủ động thực hiện.

Còn các DN - những người trong cuộc - nói gì về điều này?

Chúng tôi đến Nhà máy thuốc lá Thăng Long, trong khu công nghiệp “Cao - Xà - Lá” đình đám một thời, chung quanh đậm đặc mùi thuốc lá vốn ngày đêm tỏa ra khu dân cư hàng chục năm nay. Đại diện công ty chia sẻ: “Vấn đề di dời nhà máy đã được đặt ra từ thế kỷ trước, giờ càng trở nên cấp bách, nhưng đến năm 2010 chúng tôi mới hoàn thành thiết kế nhà máy mới, năm 2015 công ty mới được giao đất và đã chủ động đầu tư xây dựng xưởng sản xuất tại nơi mới. Theo kế hoạch được phê duyệt, trước 31-12-2019, công ty phải hoàn thành. Đến tháng 11-2019 công ty sẽ tiến hành chạy thử tại nơi mới (KCN Thạch Thất - Quốc Oai).

Vị cán bộ này phủ nhận việc DN cố tình chây ỳ di dời vì muốn giữ “đất vàng”: “Đất của nhà máy ở quận Thanh Xuân là của Nhà nước, nếu có bán thì phải nộp vào ngân sách, chứ có phải DN được hưởng đâu. Cái khó ở đây là chúng tôi không được cấp ngân sách để di dời nên rất khổ. Chi phí hết sức tốn kém”.

Nhà máy bia Hà Nội nằm sát mặt đường Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) với diện tích năm ha. Diện tích này theo quy hoạch sẽ làm vườn hoa, công viên và trường học. Nhưng cho đến nay việc di dời vẫn “án binh bất động”. Ông Ngô Quế Lâm, Tổng Giám đốc CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) lý giải: “Diện tích này thuê hằng năm của Hà Nội, khi nào thành phố có nhu cầu sử dụng và đền bù thì Habeco sẵn sàng di dời. Habeco đang sở hữu quỹ đất 22 ha tại huyện Mê Linh, ngoại thành Hà Nội và đã có nhà máy công suất 200 triệu lít/năm. Trong khi sản lượng của dây chuyền sản xuất tại quận Ba Đình chỉ chiếm 1/10 sản lượng của Tổng công ty nên di dời khỏi khu đất này cũng không gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh”.

Nhưng vấn đề di dời không đơn giản như câu chuyện của Habeco. Căn cứ Quyết định 86/2010/QĐ-TTg năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế tài chính phục vụ di dời cơ sở gây ONMT và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị cho phép các tổ chức, cơ quan, cơ sở sản xuất, kinh doanh được bán tài sản trên đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng.

Chẳng hạn như khu đất Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông có thể chuyển đổi mục đích để đầu tư dự án khác thông qua việc liên doanh, hoặc thành lập pháp nhân mới... Đến nay, công ty này vẫn chưa có kế hoạch di dời nhà máy cụ thể; địa điểm nhà máy mới rộng tám ha ở Khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) lại chưa được xây dựng. DN này hoàn toàn có thể lập pháp nhân mới để hợp tác đầu tư với một DN bất động sản khác phát triển dự án, như cách Công ty Cơ khí Hà Nội, Cao-su Sao Vàng, Dệt kim Đông Xuân... đã từng áp dụng.

Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng nguyên nhân của việc chậm di dời các CSSXCN ra khỏi nội đô vì thiếu cơ chế đặc thù, thiếu sự hỗ trợ về ngân sách, vốn. Ông Nghiêm đặt câu hỏi: “Nhà nước có gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở để kích cầu, nhưng tại sao với các cơ sở gây ô nhiễm nặng trong nội đô lại không có gói hỗ trợ để di dời?”.

Những bài học kinh nghiệm

Một số nhà máy gây ô nhiễm đã di dời thành công khỏi nội đô là những bài học kinh nghiệm quý. Đó là trường hợp của Công ty TNHH MTV Dệt 8-3 trước đây có nhà máy ở phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) gây ô nhiễm nghiêm trọng suốt nhiều năm. Lãnh đạo công ty chia sẻ: “Có thể nói, với một DN, thì di dời là một cuộc cách mạng, đòi hỏi không chỉ có định hướng, tầm nhìn đúng đắn, nhất quán mà còn cần sự chuẩn bị chi tiết, kỹ lưỡng với kế hoạch, lộ trình rõ ràng, tổng thể cả về đầu tư, tài chính lẫn đào tạo nguồn nhân lực, tuyển dụng lao động... Công ty nhận thấy, để có thể di dời thành công rất cần một chiến lược phát triển mới rõ ràng, cập nhật cả về thị trường, công nghệ và phương thức kinh doanh. Công tác di dời phải được thực hiện nhanh và phải có địa điểm trước để thực hiện đầu tư năng lực sản xuất mới trước một bước so với thời điểm di dời, như vậy sẽ không bị gián đoạn sản xuất và mất mát nguồn nhân lực. Chính sách thu hút, đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu mới cũng không thể thiếu. Để có được điều kiện như thế, thì cần có quyết định nhanh của các cấp, ngành có liên quan cho DN di dời”.

Vì sao các nhà máy gây ô nhiễm vẫn cố thủ? ảnh 1

Nhà máy sợi Yên Mỹ, Công ty TNHH Một thành viên dệt 8-3 tại huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.Ảnh: Trần Anh

Thực tế khi di dời sang tỉnh Hưng Yên, đã có rất nhiều cán bộ, công nhân lành nghề của công ty xin nghỉ. Để tháo gỡ khó khăn, công ty tập trung tuyển dụng, đào tạo lớp cán bộ kỹ thuật công nghệ kế cận nhằm bảo đảm nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất sau di dời, xây dựng chế độ thu nhập linh hoạt, hấp dẫn nhằm thu hút được lực lượng lao động tại địa phương và các tỉnh lân cận.

Tín hiệu đáng mừng sau khi di dời, Công ty TNHH MTV Dệt 8-3 đã bước sang trang mới, đổi mới công nghệ, hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều khởi sắc.

Dệt 8-3 là một trong số ít nhà máy di dời thành công. Nhìn chung vấn đề di dời các nhà máy khỏi nội đô Hà Nội vẫn trong tình trạng “đường đi khó”. Trong vấn đề này, bài học kinh nghiệm di dời Nhà máy Dệt Nam Định cũng rất cần được tham khảo.

Nhà máy Dệt Nam Định - diện tích bằng 1/6 diện tích TP Nam Định - cái nôi của ngành dệt may Việt Nam đến nay tuổi đời đã hơn 100 năm - nhưng nằm trong diện phải chuyển khỏi thành phố vì gây ô nhiễm môi trường.

Để tạo nguồn vốn thực hiện di dời và nâng cấp nhà máy khi không dựa vào sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, UBND tỉnh Nam Định quyết định chấp thuận đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị Dệt may Nam Định với diện tích hơn 24,8 ha trên nền đất cũ của Nhà máy Dệt Nam Định (đường Trần Phú, thành phố Nam Định). Dự án này do Công ty cổ phần phát triển đô thị Dệt may Nam Định làm chủ đầu tư, với kinh phí dự kiến 412 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hải Hà, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: «Dự án chia làm ba giai đoạn, thực hiện từ năm 2015 - 2020, gồm các bước như di dời xưởng nhuộm; di dời xong toàn bộ phần còn lại gồm xưởng may, cơ sở sản xuất sợi. Chúng tôi chủ trương không tối ưu hóa diện tích đất để xây dựng nhà ở, biệt thự cao tầng. Trong toàn bộ khu đất, đơn vị chủ trương dành khoảng chín ha (tương đương 30% diện tích) làm nhà ở thấp tầng. Không có chuyện xây chung cư, khách sạn. Những diện tích còn lại để làm bệnh viện, vườn hoa, trường học và hạ tầng liên quan. Sau khi dự án hoàn thành sẽ tạo quỹ đất sạch có hạ tầng đồng bộ, hoàn chỉnh theo quy hoạch, là điều kiện cần để chuyển quyền sử dụng đất nhằm tạo nguồn tài chính đáp ứng vốn cho dự án di dời».

Năm 2016, nhà máy dệt “lớn nhất Đông Dương” này về cơ bản đã được di dời. Thay thế cho những xưởng sản xuất đã “nhuốm màu thời gian” là Nhà máy Dệt Nam Định mới đang trong giai đoạn hoàn thiện với quy mô 30 ha tại Khu Công nghiệp Hòa Xá. Nhà máy mới sẽ tạo ra trang sử mới trong sự phát triển của Dệt Nam Định với dây chuyền máy móc hiện đại được đầu tư tạo điều kiện mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ theo hướng 4.0 đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Với cách làm này, vừa bảo đảm kinh phí để xây dựng nhà máy mới, nhưng diện tích cũ vẫn được sử dụng hài hòa, không nhồi dày đặc cao ốc như nhiều trường hợp ở Hà Nội. Ở Hà Nội, nhiều nhà máy dời đi để lại “đất vàng” và những khu đô thị hiện đại được xây dựng. TS, KTS Phạm Anh Tuấn, Khoa Kiến trúc quy hoạch (Đại học Xây dựng) nhấn mạnh: “Ở Thủ đô mà thực hiện quy hoạch lại thường có sự đối lập lại với quy hoạch ban đầu, thực tế không gian xanh khi các nhà máy di dời không những không được mở rộng thêm mà còn bị giảm đi”.

KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội KTS Hà Nội bày tỏ: “Nếu các CSSXCN có thể gây thảm họa môi trường, sau khi di dời diện tích đất đó biến thành các khu đô thị thì lại gây thảm họa cho thành phố theo một cách khác. Đó là mất cân đối về hạ tầng, giao thông, ngập lụt, không khí không thể nhìn thấy được”.

Các chuyên gia đánh giá sự chuyển đổi này chưa thể gọi là “thành công”, vì về thực chất chẳng khác nào thay thế bất cập này bằng một bất cập khác, thay “bi kịch” ô nhiễm môi trường bằng “bi kịch” quá tải dân số nội đô.