Vi phạm gia tăng

Những rắc rối liên quan quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong các loại hình văn hóa, nghệ thuật và giải trí xuất hiện ngày càng nhiều, với mức độ ngày càng nghiêm trọng đã biến “vi phạm bản quyền” trở thành vấn đề được quan tâm đặc biệt của dư luận trong suốt năm 2018. Trong kỷ nguyên số, khi mạng internet trở thành công cụ hữu hiệu giúp lan tỏa sản phẩm văn hóa rộng khắp toàn cầu, khi thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bằng những thành tựu kỹ thuật phát triển với tốc độ chóng mặt, nỗ lực bảo vệ bản quyền sản phẩm văn hóa cho các chủ thể sáng tạo ngày càng đặt các đối tượng liên quan trước nhiều bài toán nan giải.

123Movies - trang phim lậu quy mô lớn nhất thế giới được điều hành tại Việt Nam.
123Movies - trang phim lậu quy mô lớn nhất thế giới được điều hành tại Việt Nam.

Tranh chấp bản quyền, “chuyện thường ngày”

Tinh hoa Bắc Bộ, vở diễn thực cảnh đầu tiên của Việt Nam đã nhận về những phản hồi rất tích cực là phía công chúng từ khi chính thức ra mắt vào tháng 10 năm 2017. Nhưng bên cạnh sự ngợi khen về chất lượng nghệ thuật của vở diễn, Tinh hoa Bắc Bộ còn thu hút sự quan tâm đặc biệt của công luận, khi phải song hành cùng vụ kiện tranh chấp bản quyền kéo dài. Không chỉ gây chú ý bởi số tiền đòi bồi thường lớn mà còn bởi thái độ kiên quyết muốn đi tới tận cùng, với mong muốn tạo một “án lệ” trong lĩnh vực bảo vệ quyền tác giả từ phía những người trong cuộc.

Một vụ kiện có tới ba bên liên quan giữa công ty Tuần Châu Hà Nội cùng công ty ds và đạo diễn Hoàng Nhật Nam. Một vụ tranh chấp với diễn tiến rắc rối, giữa bản quyền “hệ sinh thái sáng tạo” của Thủa ấy. Xứ Đoài, bản quyền kịch bản Ngày xưa (được đăng ký bản quyền từ tháng 8 năm 2016) và kịch bản chương trình Tinh hoa Bắc Bộ (đã được cấp chứng nhận quyền tác giả vào tháng 7 năm 2017). Một vụ việc mà ba bên liên quan phải lần lượt thay đổi vai trò nguyên đơn và bị đơn, trong ba đơn kiện với nội dung hoàn toàn khác nhau gửi tới tòa án. Lá đơn cuối mà đạo diễn Hoàng Nhật Nam yêu cầu đạo diễn Việt Tú chấm dứt hành vi xâm phạm danh dự, uy tín của cá nhân mình đã được Tòa án nhân dân quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) thụ lý từ hơn nửa năm trước. Nhưng cho tới giờ phút này, ai sai - ai đúng trong vụ tranh chấp bản quyền này vẫn chưa thể phân định ngã ngũ. Điều đó cho thấy, ngay cả khi đã có trong tay những công cụ pháp lý đầy đủ, cơ quan thực thi pháp luật cũng không thể dễ dàng đưa ra lời phán xét, khi tính chất và nội dung các vụ việc tranh chấp ngày càng phức tạp.

Vi phạm bản quyền trực tuyến là hình thức chỉ xuất hiện trong kỷ nguyên số. Tuy vấn nạn này không mới nhưng lúc nào cũng nóng hổi tính thời sự, bởi cách thức vi phạm ngày càng tinh vi, trắng trợn khiến các “khổ chủ” chỉ biết khóc ròng khi phát hiện đứa con tinh thần bị sao - chép - đạo - nhái, từ “hồn nhiên” đến “ngang nhiên”. Nói như bà Trương Thị Thu Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp ghi âm (RIAV) Việt Nam thì “tình trạng xâm phạm bản quyền các bản ghi âm, ghi hình thuộc quyền sở hữu ngày càng phổ biến. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin đã khiến việc xâm phạm này ngày càng nghiêm trọng, khó kiểm soát”.

Ngành xuất bản bất lực trước sự hoành hành của hàng loạt website xâm phạm bản quyền sách điện tử (ebook), sách nói (audio book). Theo một thống kê không chính thức từ năm nhà cung cấp ebook có bản quyền, con số ebook chính thống chỉ hơn 50 nghìn tựa sách trong khi lượng sách điện tử được truy cập và tải xuống miễn phí (chỉ tính bản tiếng Việt) xê dịch từ 500 nghìn tới cả triệu bản.

Lĩnh vực phim ảnh trực tuyến cũng đang khiến các nhà cung cấp tuân thủ pháp luật cực kỳ đau đầu. Danh sách sáu nhà cung cấp dịch vụ dẫn đầu thị trường OTT Việt Nam, tính theo lượng người sử dụng của Kantar Media cho thấy, có tới ba website xem phim trực tuyến (HD Viet, Phimmoi.net, Phimbathu). Điều đáng nói là cả ba đều bị xếp vào danh sách 83 trang web có dấu hiệu vi phạm bản quyền nội dung chương trình truyền hình của Cục Phát thanh - truyền hình và thông tin điện tử công bố cuối năm 2017. Theo bà Ngô Thị Bích Hạnh (Phó Chủ tịch Công ty BHD), trong khi chỉ 5 -10 triệu lượt người xem phim từ những website có bản quyền thì con số ủng hộ cho các trang phim lậu lên tới 150 triệu views mỗi tháng. Đầu năm 2018, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh Mỹ cung cấp một thông tin gây chấn động: trang phim lậu quy mô lớn nhất thế giới 123Movies với xấp xỉ gần 100 triệu lượt views/tháng được điều hành tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ bài viết này, khó có thể liệt kê đầy đủ những vụ việc vi phạm, ở mọi loại hình nghệ thuật - giải trí đang diễn ra từng ngày từng giờ trong ngành công nghiệp văn hóa đang manh nha thành hình tại Việt Nam. Từ mỹ thuật, với những vụ việc đạo - nhái tranh ngày càng trắng trợn (ký tên giả vào tranh chép, tranh của họa sĩ này bị gắn với tên tuổi họa sĩ kia, một bức tranh nổi tiếng có nhiều bản chép cùng tồn tại song song, một số website rao bán công khai tranh giả - tranh nhái với giá rẻ mạt...) đến các gameshow đình đám trên sóng truyền hình (sử dụng tràn lan tác phẩm của các tác giả đã mất cũng như còn đang sống mà không hề xin phép, không trả tác quyền). Từ vi phạm bản quyền phim truyền hình tới vi phạm bản quyền các giải đấu thể thao (mà trường hợp Diên hy cung lược suýt phải ngừng phát sóng và vụ việc xoilac TV ngang nhiên phát lậu nội dung thi đấu bóng đá nam tại ASIAD 2018 là những thí dụ cụ thể). Từ đạo ý tưởng trong lĩnh vực thiết kế (design) đến đạo hình ảnh, ý tưởng để thực hiện các sản phẩm artwork (như trường hợp nhà thiết kế Maxk Nguyễn, người nổi tiếng với bộ tranh Vịt lộn, vịt dữa, cút lộn bị tố đạo nhái tác phẩm của cả nghệ sĩ trong và ngoài nước)...

Đã có thêm những công cụ giám sát và bảo vệ

Từ những thí dụ kể trên, chúng ta nhận thấy vi phạm bản quyền có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi, ở mọi loại hình nghệ thuật, với mọi chủ thể quyền. Dù được đối tượng vi phạm bao biện bằng lý do gì (nhận thức còn yếu, hiểu biết về pháp luật còn non kém, ý thức về SHTT chưa cao...

hay tệ hại hơn là “mượn có sáng tạo”, “trùng hợp ý tưởng”, “tưởng tài nguyên trên mạng là của chung nhân loại nên vô tư sử dụng”...) thì những hành động này (dù vô tình hay cố ý nhằm mưu lợi nhờ chất xám của người khác) đều không thể chấp nhận được. Nhiều công cụ pháp lý đã được xác lập, bằng bộ luật và các văn bản dưới luật. Nhiều tổ chức, trung tâm, hiệp hội đã được thành lập, với cùng một mục đích cao cả, chung tay xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, bảo vệ công sức lao động nghệ thuật một cách nghiêm ngặt, chính xác và công bằng nhất cho các chủ thể sáng tạo.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đã tham gia Công ước Bern 1979 về bảo hộ tác phẩm văn học nghệ thuật từ rất lâu, đã cam kết với cả thế giới về việc xây dựng và tuân thủ các biện pháp bảo hộ quyền tác giả, đấu tranh chống vấn nạn này. Trong nước, chúng ta có Luật Sở hữu trí tuệ chính thức có hiệu lực từ 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2009. Về cơ sở pháp lý, ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) phân tích cụ thể: “Trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực này được phân công như sau: lĩnh vực SHTT thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, lĩnh vực bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bộ Thông tin và Truyền thông phòng, chống và ngăn chặn vi phạm về SHTT và bản quyền trên hạ tầng thông tin, truyền thông”.

Ở lĩnh vực âm nhạc, Trung tâm Bảo vệ bản quyền âm nhạc đã hoạt động vô cùng tích cực, trong lĩnh vực thu phí tác quyền. Đó là chưa kể vai trò của các tổ chức khác như Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam, Hội Truyền thông điện tử TP Hồ Chí Minh... Đội ngũ các nhà văn được sự bảo hộ của Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam... Trong lĩnh vực phim ảnh, một số đơn vị có tiếng như VTV, Casbaa, MPPA, K+, BHD... đã chọn cách chung tay thành lập Liên minh Chủ sở hữu bản quyền Việt Nam. Mới đây, để bảo vệ giới họa sĩ trước vấn nạn đạo - nhái - sao chép tranh nói riêng, giới nghệ sĩ tạo hình nói chung, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đổi tên Trung tâm Triển lãm, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh thành Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh (thuộc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm). Với ba hội đồng, do ba nghệ sĩ uy tín đứng đầu, đây là một tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh cuộc chiến không cân sức trong phân định thật - giả tác phẩm hội họa đã trở thành một vấn nạn nhức nhối suốt thời gian qua.

Kỷ nguyên số với sự lan tỏa rộng khắp của mạng internet, các website chia sẻ trực tuyến, mạng xã hội đã biến hàng tỷ thành viên của cộng đồng mạng toàn cầu trở thành những tai mắt thính nhạy, với mỗi vi phạm dù nhỏ nhất trong lĩnh vực bản quyền sản phẩm văn hóa. Mạng giúp mỗi tác phẩm có cơ hội đến với cả thế giới, nhưng mạng cũng khiến mọi hành động “ăn cắp chất xám” nhanh chóng bị phát hiện, bị cộng đồng lên án và tẩy chay. Những nghi án, những dấu hỏi mà cư dân mạng đặt ra hiếm khi sai, những nghệ sĩ coi nhẹ SHTT sau đó đều nhận những kết cục không vui. Nhẹ thì phải xin lỗi, phải bồi thường. Nặng thì phải ra tòa, mất danh dự, ảnh hưởng đến tên tuổi nhiều năm vất vả gây dựng.

Nâng cao nhận thức về SHTT là yếu tố tiên quyết

Như đã phân tích ở trên, vi phạm bản quyền trong mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa là một vấn nạn. Mặc dù các cơ quan hữu trách, các cấp có thẩm quyền cùng đông đảo nghệ sĩ đã xây dựng, hình thành nhiều “công cụ hữu hiệu” nhằm bảo vệ tác quyền, bảo hộ SHTT nhưng những kết quả thu được vẫn còn ít ỏi, so với nhu cầu đòi hỏi chung về một môi trường văn hóa lành mạnh, thượng tôn pháp luật.

Vi phạm gia tăng ảnh 1

Tinh hoa Bắc Bộ thu hút sự quan tâm đặc biệt của công luận, khi phải song hành cùng vụ kiện tranh chấp bản quyển kéo dài.

Những người làm nghệ thuật thiếu tài và thiếu tâm sẵn sàng vay mượn, trộm cắp chất xám của đồng nghiệp để cầu danh, mưu lợi không hiếm. Chủ thể bị xâm hại thì ngại mất thời gian, công sức lẫn tiền bạc nên chọn cách hoặc im lặng, hoặc chịu đựng. Ồn ào chỉ dừng ở việc lên mạng xã hội viết vài dòng, khi người vi phạm chọn cách thương lượng hoặc đăng đàn xin lỗi là cho qua. Người tiêu dùng chưa sẵn sàng trả tiền cho các dịch vụ trực tuyến, lại thêm tâm lý thích “xài chùa” bất chấp chất lượng sản phẩm rất thấp. Nói như luật sư Phạm Duy Khương (Công ty Luật SB Law), “tư duy dùng chùa đã len lỏi vào nhiều người dân nên thấy có cơ hội là dùng phần mềm không xin phép, vi phạm bản quyền mà không hề thấy gợn”. Đã thế, việc xử lý các trường hợp tranh chấp, tố cáo vi phạm bản quyền của các cơ quan chức năng thường kéo dài mà hiệu quả lại khá thấp. Ngoài ra, nhiều ý kiến đánh giá hành lang pháp lý và chế tài xử phạt còn nhẹ tay nên chưa đủ sức răn đe. Thêm vào đó, quy định còn tồn tại nhiều kẽ hở cùng cách quản lý chồng chéo cũng tạo điều kiện cho các đối tượng “lách luật” dễ dàng.

Để giải quyết vấn nạn này, điều quan trọng nhất vẫn nằm ở việc tăng cường nhận thức và nâng cao ý thức cho cả cộng đồng. Trong nội dung Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, Việt Nam đặt trọng tâm xây dựng và phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Kỷ nguyên số đang đặt ra rất nhiều bài toán nan giải, nhưng bảo hộ quyền tác giả phải được coi là vấn đề thiết yếu, không chỉ thúc đẩy sự sáng tạo mà còn bảo vệ lợi ích chính đáng của các chủ thể quyền. Đó cũng là điều kiện cần để bảo đảm phát triển một ngành công nghiệp văn hóa như Chiến lược đề ra.

Ứng dụng công nghệ giúp bảo vệ bản quyền sản phẩm sáng tạo

Sự phát triển công nghệ vượt bậc cũng đã tạo ra nhiều ứng dụng phân định thật - giả rất hữu ích. Việc con người chưa thể giám định hiệu quả, giờ đã có máy móc hỗ trợ tích cực. Mới đây, nhóm chuyên gia công nghệ Cộng hoà Séc vừa tạo ra ứng dụng mới có tên OneProve, với khả năng phát hiện rất nhanh các bức tranh, các tác phẩm giả mạo chỉ thông qua một lần quét. Chỉ cần cài phần mềm này trên một chiếc điện thoại thông minh, chụp ảnh bức tranh cần kiểm tra, ứng dụng sẽ quét cơ sở dữ liệu sẵn có về bức họa gốc và có câu trả lời thật - giả.

Hay hãng Sony sẽ sử dụng công nghệ blockchain cho công cụ quản lý bản quyền nội dung số (Digital Rights Management), một công cụ mạnh mẽ chống lại các vi phạm bản quyền. Nhờ đó, Sony dễ dàng theo dõi tiến trình phát sinh “giao dịch”, từ thời điểm nội dung được tạo ra cho tới lúc được chia sẻ và vì thế, dễ dàng truy ngược nguồn gốc và xác thực chủ thể tạo ra nội dung. Bởi tính toàn vẹn của blockchain, các giao dịch kỹ thuật số trong chuỗi sẽ rất khó làm giả hoặc chỉnh sửa, giúp các chủ thể sáng tạo theo dõi sát sao sản phẩm của họ.