“Tử thần” rình rập mỏ khai thác đá núi

Những mỏ đá chênh vênh trên núi cao, máy móc công suất lớn trong khi người thợ đá không đồ bảo hộ vẫn ngày ngày làm việc, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động. Chúng tôi đã thâm nhập một số mỏ khai thác đá để tận thấy thực trạng này.

Một góc làng nghề khai thác và chế biến đá Yên Lâm.
Một góc làng nghề khai thác và chế biến đá Yên Lâm.

Thâm nhập mỏ đá

Những mỏ khai thác đá luôn là nơi “bất khả xâm phạm” đối với người lạ. Trong vai lao động tự do, chúng tôi đến xin làm thợ khai thác đá núi tại làng nghề khai thác và chế biến đá Yên Lâm (Yên Định, Thanh Hóa). Từ xa, khu vực mỏ hiện lên với những vách núi đồ sộ nham nhở, ẩn khuất sau lớp bụi đá. Càng đến gần, càng rõ tiếng máy móc, xe tải chạy ầm ầm. Con đường dẫn vào khu khai thác bụi trắng xóa mỗi khi có xe qua, khi trời mưa, ổ gà ổ voi lầy lội.

Qua nhiều mối quan hệ giới thiệu, chúng tôi đến gặp anh Nguyễn Văn Tâm, trưởng nhóm thợ khai thác đá núi tại khu vực mỏ của Công ty T.H. Vừa gặp, anh Tâm nhìn chúng tôi với con mắt dò xét rồi hỏi: Ai giới thiệu, quê ở đâu, đã từng làm thợ núi (người lao động khai thác đá trên các vách núi) hay chưa?

Sau khi trả lời hết những câu hỏi trên, nghe tên người giới thiệu, anh Tâm đồng ý nhận tôi vào làm. Không cần hồ sơ, giấy tờ tùy thân hay hợp đồng lao động, cũng không trao đổi về yêu cầu công việc, anh Tâm cho tôi theo chân những nhóm thợ lên mỏ đá.

Từ chân núi, chiếc xe tải cũ kỹ, ca-bin không kính, trơ lại khung sắt, không nắp ca-pô, trơ trọi động cơ, ì ạch chở theo chúng tôi bò lên mỏ khai thác. Tốp thợ gần chục người, ngồi chênh vênh trên chiếc thùng xe méo xệch. Tiếng xe gầm rú, ống xả khói đen sì, lầm lũi bò ngược lên mỏ khai thác. Đoạn đường chừng một cây số dọc theo sườn núi với những khúc cua khúc khuỷu. Biết tôi lần đầu tiên ngồi xe, anh Quách Văn Hiếu, thợ đá núi đã làm việc ở đây một năm, dặn tôi nhớ bám chặt thùng xe, nếu không muốn bị rơi xuống chân núi.

Mỏ khai thác là vách núi đã xẻ nham nhở. Phía trên đầu, từng tảng đá chênh vênh nằm chờ thợ xẻ nhỏ để chở xuống xưởng chế biến. Có khối đá to như chiếc giường, cao chừng 2m nhưng chỉ kê tạm bằng viên đá nhỏ phía dưới, có thể lăn xuống chân núi bất cứ khi nào. Là thợ mới, tôi được anh Hiếu dạy việc. Bắt đầu buổi làm việc, anh Hiếu thoăn thoắt vác chiếc máy khoan đi đến tảng đá gần nhất. Mỗi chiếc máy khoan nặng khoảng 15 kg và cần khoan dài 1m. Máy được nối với ống dẫn hơi từ hệ thống máy nén trên đỉnh núi xuống. Trên tay cầm của máy khoan, lớp bọc cao-su bong tróc, dầu máy gỉ ra, lênh láng khắp bề mặt. Khi máy chạy, lớp bụi bột đá được thổi thẳng từ cần khoan lên mặt người điều khiển. Dù đứng bên cạnh anh Hiếu nhưng lớp bụi đá phả vào mặt, khiến tôi ho sặc sụa, vội tránh sang một bên.

Tay anh Hiếu giữ chặt cần khoan, đứng chơi vơi trên đỉnh tảng đá. Không khẩu trang, không mũ bảo hộ, không găng tay hay ủng chân, sau khoảng 10 phút, mặt anh trắng xóa vì bụi. Bộ quần áo phủ bụi trắng như vôi bột.

Cạnh đó, anh Trương Văn Huy (người cùng nhóm thợ với anh Hiếu) đang lầm lũi ghì chặt mũi khoan vào tảng đá. Bàn tay anh Huy chỉ còn hai ngón rung lên bần bật theo mũi khoan. Theo nghề khai thác đá gần chục năm, một lần đá chẹt khiến tay trái anh Huy chỉ còn hai ngón.

Sau khi hướng dẫn cách khoan tảng đá, anh Hiếu đưa tôi lên vách núi để học cách khoan vách và nổ nơ (tức nổ mìn). Đập vào mắt chúng tôi, tảng đá phẳng, dựng vào vách núi. Anh Hiếu một tay xách máy khoan, tay còn lại bám vào vách đá leo lên. Không giầy bảo hộ, không dây an toàn, chân anh đi đôi dép tổ ong, trên đầu chiếc mũ vải. Khoan tạo lỗ xong, anh Hiếu nhồi thuốc mìn, dây cháy chậm và dùng đất mịn lấp lỗ khoan, châm ngòi. Xong xuôi, anh Hiếu dẫn tôi ra chỗ nấp cách đó chừng 10m. Tiếng mìn nổ inh tai, tôi giật mình thon thót trong khi anh Hiếu thản nhiên châm điếu thuốc. Sau mỗi tiếng nổ, vài viên đá nhỏ bay đến gần chỗ chúng tôi ngồi.

“Anh em mình đứng cạnh đây xem mìn nổ, không cần trốn đâu. Ở đây, mình nổ trộm, chỉ một vài quả khó bị công an xã phát hiện lắm. Nổ xong, nhớ tìm chỗ trốn kẻo công an lên bắt”, anh Hiếu dặn dò.

Sau khi khoan các lỗ nhỏ trong tảng đá, các máy cắt bằng dây kim loại được sử dụng để tách các tảng đá khỏi vách núi. Kết thúc buổi đầu tiên, tôi theo nhóm thợ xuống chân núi. Ngay dưới mỏ là khu vực nhà xưởng chế biến đá. Các tảng đá núi được thợ đưa vào máy xẻ nhỏ thành viên đá trước khi xuất bán.

Máy xẻ gồm lưỡi cưa với đường kính từ một đến hai mét (tùy từng loại máy); dây dẫn nước, động cơ, hệ thống cẩu đá. Qua chiếc máy xẻ, từng khối đá lớn chia tách thành từng viên đá xây dựng, đá ốp lát. Tiếng máy xẻ inh tai, nước bắn tứ tung kèm bột đá trắng như nước vôi bột. Dù có nước làm mát dội thẳng vào phiến đá nhưng bụi vẫn bay mù mịt. Người thợ xẻ không găng tay, không khẩu trang hay mũ bảo hộ đứng điều khiển máy xẻ, người ướt đẫm nước bột đá.

Trong lúc nghỉ giải lao, anh Lê Văn Duy thợ đá xẻ chìa đôi tay sần sùi và đôi chân bong tróc vì nước bột đá cho tôi xem. Dù biết độc hại, nhưng vì miếng cơm manh áo, anh Duy phải bám lấy nghề. Anh Duy kể, sau ngày làm việc, tối về chân tay ngứa ngáy đành chấp nhận.

Ám ảnh tai nạn

Nhắc đến rủi ro khi làm việc, những người thợ đá ở làng nghề khai thác và chế biến đá Yên Lâm vẫn rùng mình khi nhớ lại vụ tai nạn xảy ra vào tháng 1-2016 tại khu vực khai thác của Doanh nghiệp Tuấn Hùng. Sáng hôm đó, chín công nhân đang làm việc tại mỏ, bất ngờ hàng nghìn khối đá lớn nhỏ sập xuống. Nghe tiếng động mạnh, công nhân bỏ chạy tán loạn, nhưng chỉ có một người may mắn sống sót, tám người còn lại bị vùi lấp hoàn toàn, trong đó, có sáu thợ núi là người tại xã Thiết Ống (Lang Chánh, Thanh Hóa) đều có gia cảnh nghèo khó. Trong số công nhân tử nạn, anh Đinh Văn Hoàng (34 tuổi) có hoàn cảnh éo le nhất. Anh Hoàng cưới vợ hơn 10 năm nhưng chưa có con. Theo người thân anh Hoàng kể lại, vì muốn dành dụm tiền đi chữa bệnh hiếm muộn nên theo bạn bè đi làm thợ đá núi. Chưa kịp dành tiền để chữa bệnh, anh Hoàng đã ra đi mãi mãi. Gần hai năm qua, chị Tư (vợ anh Hoàng) vẫn chưa thể quên ngày đen tối, đón chồng mình trở về trên chiếc xe tang lạnh lẽo. Trong ngôi nhà nhỏ, chị Tư vẫn ngày ngày hương khói cho chồng và không nguôi nỗi đau.

Cạnh nhà chị Tư là gia đình ông Trương Văn Đức, có con trai Trương Văn Danh cũng bị tai nạn cùng ngày với anh Hoàng. Nhớ đến đứa con trai, ông Đức ngậm ngùi kể lại: “Nhà nghèo, không được ăn học đến nơi đến chốn nên Danh phải xa nhà làm thuê để chăm lo cho hai đứa con mới đang học mẫu giáo. Trước khi bị tai nạn (hai tháng, nó còn bảo cố gắng làm nuôi con ăn học cho bằng người, rồi còn phải sửa sang lại ngôi nhà tranh đã xuống cấp. Ai ngờ chưa xong dự định, nó đã bỏ mạng”.

Theo ông Phạm Ngọc Tưởng, trưởng bản Cú (xã Thiết Ống), vụ tai nạn này là lần đầu tiên bản có ba người chết cùng một ngày. Họ đều trẻ tuổi, là trụ cột trong gia đình. Họ mất đi, để lại vợ trẻ, con thơ, bố mẹ già nghèo khó. Từ đó đến nay, nhắc đến công việc làm thợ đá, người dân đều khiếp sợ.

Trước khi vụ tai nạn thảm khốc này xảy ra, khu vực mỏ đá của làng nghề khai thác và chế biến đá Yên Lâm từng xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm khác. Vào tháng 3-2014, anh Lê Quang Quýnh (Xuân Du, Như Thanh, Thanh Hóa) bỏ mạng khi mang thuốc nổ lên mỏ khai thác tại Công ty TNHH Xuân Trường. Những người làm cùng anh Quýnh kể lại, do bất cẩn đã để mìn nổ ngay trên tay, khiến anh Quýnh mất tay phải, khuyết ổ bụng, tắt thở trên đường đi cấp cứu. Anh Quýnh chết khi vợ anh - chị Lê Thị Ngân (35 tuổi) đang mang bầu tháng thứ tám vẫn phải bươn chải chạy chợ bán rau nuôi ba con nhỏ.

“Anh Quýnh chết, người ta đền cho 150 triệu đồng và yêu cầu không khiếu nại, kiện cáo. Số tiền này đủ trả nợ vay xây nhà vừa xong. Ông bà nội không còn, họ hàng đều nghèo. Tôi phải gửi con gái thứ ba về huyện khác ở với ông bà ngoại. Con gái thứ hai sau giờ học mầm non phải nhờ hàng xóm đón về. Con gái đầu sau giờ học phải nấu cơm và trông em giúp mẹ”, chị Ngân kể.

Cũng nghèo khó như hoàn cảnh nạn nhân Quýnh, tháng 10-2013, thợ đá Hà Văn Đồng (Cao Thịnh, Ngọc Lặc, Thanh Hóa) cũng phải bỏ mạng tại mỏ vì đá rơi vào đầu, khi đang khoan đá tại mỏ đá của Công ty TNHH DV Kinh doanh Tổng hợp Tây Thành (Yên Lâm, Yên Định, Thanh Hóa). Anh Đồng chết để lại người vợ Phạm Thị Thứ với căn bệnh tim dai dẳng. Con trai chị Thứ cũng làm thợ đá và bị đá rơi làm chấn thương sọ não, dập một tai. Khi anh Đồng chết, chị Thứ ngất lên ngất xuống, chủ mỏ đá đem 80 triệu đồng đến đền, được họ hàng nhận giúp và viết đơn cam kết không kiện cáo.

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, Chánh Thanh tra sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa Lê Việt Quang cho biết, với chức năng quản lý thanh tra an toàn lao động có các đợt kiểm tra đầy đủ. Mỗi lần kiểm tra có lịch và kế hoạch với các làng nghề trong đó có khai thác đá. Trả lời câu hỏi về công tác an toàn của làng nghề khai thác và chế biến đá Yên Lâm (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa), đại diện Thanh tra Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa cho rằng, công tác này cũng tương tự với các địa phương khác trên cả nước và từ chối bình luận thêm.