Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) chọn “Du lịch và phát triển nông thôn” làm chủ đề cho Ngày Du lịch thế giới 2020, trong một năm mà ngành công nghiệp không khói toàn cầu lao đao vì đại dịch Covid-19. Bởi “thế mạnh tiềm năng của nông nghiệp và nông thôn sẽ giúp phục hồi ngành du lịch một cách nhanh chóng, hiệu quả và bền vững nhất”, như nhận định chung của nhiều đại biểu tham dự cuộc tọa đàm cùng chủ đề do Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe) tổ chức. Tuy nhiên, hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn (NNNT) thời gian qua chủ yếu mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ và chưa được đầu tư đúng mức, tiềm năng đang bị bỏ ngỏ và chưa mang lại kết quả xứng tầm.

Không gian yên bình cùng cảnh quan tuyệt đẹp của làng quê là điểm nhấn thu hút du khách lựa chọn sản phẩm du lịch NNNT.
Không gian yên bình cùng cảnh quan tuyệt đẹp của làng quê là điểm nhấn thu hút du khách lựa chọn sản phẩm du lịch NNNT.

Mỏ vàng chờ khai thác
 
 Ở một đất nước mà lịch sử gắn chặt với nền văn minh lúa nước và có tới gần 70% dân số sống ở nông thôn thì cái bắt tay giữa du lịch và nông nghiệp sẽ mang tác động tương hỗ tích cực. Hoạt động nông nghiệp là tiền đề để phát triển sản phẩm du lịch. Du lịch lớn mạnh sẽ góp phần phát triển ổn định khu vực nông thôn, giữ gìn bản sắc văn hóa, thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ, giúp gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp.
 
 Du lịch nông nghiệp đã trở thành một xu hướng quen thuộc trên khắp thế giới, với cái tên chung agritourism. Đây là loại hình du lịch chủ yếu dựa vào việc khai thác những giá trị cốt lõi của hoạt động sản xuất nông nghiệp, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa cộng đồng nông thôn và biến chúng trở thành sản phẩm phục vụ khách du lịch. Du lịch nông thôn (rural tourist) là những trải nghiệm ở vùng thôn quê, luôn gắn với không gian mở, có tính liên ngành và liên vùng cao.

Tiềm năng còn bỏ ngỏ -0

 Có thể nói, khu vực nông thôn và giá trị NNNT phong phú là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, đóng vai trò là điểm đến, cung cấp không gian và các dịch vụ giúp cho ngành du lịch hình thành hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng, có tính hấp dẫn cao. Theo TS Đoàn Mạnh Cương, Văn phòng Quốc hội thì hiện nay, “lượng khách quan tâm tới du lịch nông nghiệp ngày càng lớn vì đa số rất quan tâm tới thực phẩm ngon, sạch và không gian sinh hoạt của các nông hộ, các trang trại, các cộng đồng nông nghiệp gắn với làng xã, thôn bản. Một không gian sống thoáng đạt hòa mình với thiên nhiên, mang tính đồng quê luôn có sức lôi cuốn đặc biệt. Nội dung của sản phẩm du lịch nông nghiệp rất phong phú sẽ trở thành tiền đề để phát triển các sản phẩm khác như du lịch ẩm thực đồng quê, du lịch nâng cao sức khỏe, du lịch học đường, du lịch chuyên đề, du lịch trải nghiệm... Du lịch nông nghiệp luôn đem lại cho du khách những cảm xúc mới lạ mà gần gũi không bao giờ nhàm chán”.
 
 Trên cơ sở phân loại tài nguyên cùng các hình thức khai thác, trong thời gian qua, chúng ta đã phát triển một số loại hình sản phẩm du lịch dựa trên khai thác giá trị cảnh quan sinh thái nông thôn (tour mùa nước nổi đồng bằng sông Cửu Long, tour săn mây trên các đỉnh núi phía bắc, tour trải nghiệm mùa hoa trái từng địa phương...), hoạt động sản xuất nông nghiệp (tour du lịch canh nông Lâm Đồng, tour một ngày làm nông dân ở Quảng Nam...) và giá trị văn hóa cộng đồng nông thôn (tour du lịch làng nghề, ẩm thực, tour chăm sóc sức khoẻ, chữa bệnh bằng thảo dược...). Ngoài ra, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng nông thôn chất lượng cao với mô hình trang trại nghỉ dưỡng (farmstay) cùng sản phẩm nông nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch dưới nhiều hình thức (thực phẩm, đồ uống, đặc sản vùng miền, quà tặng, đồ trang trí, hàng lưu niệm...) cũng đang được phát triển tại nhiều địa phương và mang lại những hiệu quả ban đầu khá tích cực.
 
 Cú huých từ xây dựng nông thôn mới
 
 Tính đến hết năm 2019, cả nước có hơn 34 nghìn trang trại nông nghiệp, hơn 17 nghìn hợp tác xã (HTX) và 68 liên minh HTX nông nghiệp. Trong thu nhập ước đạt 3,6 triệu đồng/tháng của người dân nông thôn thì 87% đến từ các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp và dịch vụ. Bởi thế, đa dạng hóa các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, trong đó có phát triển du lịch là một hướng đi đúng đắn nhằm tăng sự đa dạng về sinh kế, thu nhập cho bà con. Thế nhưng, theo số liệu ước tính do Bộ NN&PTNT cung cấp thì hiện chỉ có một bộ phận nhỏ các trang trại nông nghiệp (từ 3% đến 5% tổng số trang trại của từng địa phương) có kết hợp thêm các hoạt động du lịch NNNT và đa số không có hoạt động lưu trú qua đêm cho du khách. Đất đai, tài sản và lực lượng lao động sản xuất và kinh doanh đa phần của chính trang trại hay nông hộ, với quy mô hoạt động đều khá nhỏ bé. Có thể kể tới trang trại giáo dục và sinh học hữu cơ T-Farm (Thanh Hóa), trang trại nho Ba Mọi (Ninh Thuận) hay mô hình trang trại miệt vườn sông nước đặc trưng tại đồng bằng sông Cửu Long...
 
 Các HTX sở hữu mô hình phát triển du lịch đa dạng hơn, có thể phân thành hai dạng chính. Điển hình cho HTX sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch có thể kể đến mô hình sản xuất và chế biến cây dược liệu và kết hợp giới thiệu, bán sản phẩm cho các cơ sở du lịch cộng đồng và homestay trong bản đã mang lại nguồn thu lớn cho HTX Cộng đồng Nặm Đăm (Quản Bạ, Hà Giang). Từ các sản phẩm thảo dược quý ban đầu, HTX H’Mông Cát Cát (San Sả Hồ, Sa Pa) đã có thể xây dựng cả nhà hàng cùng nhà nghỉ tại thị trấn Mộc Châu để phục vụ khách lưu trú. Mô hình HTX phát triển du lịch cộng đồng kết hợp nghỉ dưỡng (homestay) gắn liền với bản sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng thôn bản nổi bật là HTX du lịch nông thôn Bản Áng (Sơn La), HTX du lịch thôn Đại Thành (Hà Giang), HTX dịch vụ Buôn Jun (huyện Lắk). Du lịch đã giúp tăng thu nhập bình quân hằng năm cho người dân bản Lác từ ba triệu đồng (năm 2003) lên 27 triệu đồng (năm 2019). Du lịch cũng đã giúp Chày Lập Farmstay (Quảng Bình) trở thành khu nghỉ dưỡng theo tiêu chuẩn quốc tế được du khách trong và ngoài nước đặc biệt yêu thích khi đến với thiên đường hang động Quảng Bình. Khu du lịch sinh thái Ako- Ea (Buôn Ma Thuột) là điểm nghỉ dưỡng thu hút du khách tham quan, trải nghiệm bản sắc văn hóa của đồng bào Ê-đê. Như vậy, khi tham gia vào chuỗi du lịch NNNT, HTX vừa giúp cho ra đời các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng vừa tạo dựng tour khép kín cho du khách đến tham quan, trải nghiệm đồng thời tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn hiệu quả.
 
 Những kết quả bước đầu trên hành trình phát triển du lịch NNNT có sự đóng góp không nhỏ của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), sau hơn 11 năm triển khai. Tính đến cuối tháng 10-2020, cả nước đã có hơn 5.404 xã, 167 đơn vị cấp huyện của 46 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt chuẩn/ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Nguồn tài nguyên du lịch với trữ lượng vô tận mà 1.062 làng nghề cùng 889 làng truyền thống được công nhận, được khôi phục cũng như bảo tồn và phát triển trên cả nước đang sở hữu cũng là một thế mạnh tiềm năng cho du lịch NNNT. Những làng gốm Bát Tràng và làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội), làng hoa giấy Thanh Tiên và Tranh dân gian làng Sình (Thừa Thiên Huế), làng gốm Thanh Hà và làng mộc Kim Bồng (Quảng Nam), làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp)... nằm trong danh sách 9% làng nghề gắn với phát triển du lịch, với tổng cộng hàng trăm nghìn lượt khách thu hút được mỗi năm. Hoạt động xúc tiến, quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn, sản phẩm OCOP (chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”) được thường xuyên thực hiện trên cơ sở lồng ghép với các hoạt động trong Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia tại các sự kiện, hội chợ du lịch trong và ngoài nước. Nỗ lực chung tay xây dựng những “miền quê đáng sống” với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, môi trường trong lành, hạ tầng ngày càng phát triển của cả chính quyền địa phương lẫn bà con đã trở thành động lực giúp du lịch NNNT phát triển.
 
 Vẫn còn rất nhiều việc phải làm
 
 Đón đoàn khách du lịch ghé thăm HTX Tương Sa Nam (xóm 2, Nam Anh, Nam Đàn), chị Hồ Thị Xuân Hương - chủ cơ sở sản xuất món tương đặc sản đã đi vào ca dao tục ngữ “nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn” tỏ ra khá lúng túng. Giữa khoảnh sân ken chặt những chum tương thành phẩm, chị bối rối giải đáp từng câu hỏi từ những du khách tò mò mà hoàn toàn không có sự chuẩn bị từ trước. Khách đến với HTX Sen quê Bác (Liên Mậu 2, Kim Liên, Nam Đàn) cũng chỉ được Giám đốc Phạm Kim Tiến mời uống trà, được nghe giới thiệu thông tin sản phẩm rồi bận rộn chọn mua đặc sản. Bởi thế, nét đặc trưng cùng câu chuyện hấp dẫn ẩn sau vị ngon nổi tiếng của món tương, của giống hoa quý Nam Đàn mong muốn xây dựng thành thương hiệu du lịch quê Bác mà nhóm khách chờ đợi không được đáp ứng. Tuy sau đó, lượng sản phẩm mà đoàn mua về làm quà khá lớn nhưng gương mặt mỗi người đều lộ vẻ không vui. Nam Đàn (Nghệ An) cùng Nghi Xuân (Hà Tĩnh) là hai huyện được chọn xây dựng mô hình huyện NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch. Giàu tiềm năng là thế nhưng để tới đích, chính quyền và bà con hai huyện vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
 
 Hiện trạng, bà con nông dân, vốn chỉ quen với sản xuất nông nghiệp nên kỹ năng phục vụ du khách chuyên nghiệp rất thiếu. Sản phẩm chất lượng cao chưa nhiều, nên chưa tận dụng tối đa được lợi thế để thu hút và tăng khả năng chi tiêu của khách du lịch. Hàng hóa, sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm thường do các hộ gia đình tự sản xuất nên không có thương hiệu, mẫu mã và bao bì kém bắt mắt. Ngoài ra, tính liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và điểm đến còn hạn chế, liên kết vùng chủ yếu chỉ dừng lại ở chia sẻ kinh nghiệm nên chưa tạo ra sức mạnh tổng hợp cho thương hiệu du lịch NNNT cả vùng, hoạt động xúc tiến quảng bá chưa được đầu tư đúng mức và chuyên nghiệp cũng là những nguyên nhân chính khiến đà tăng trưởng chưa cao.
 
 Nhìn nhận một cách khách quan, hiện tại các hoạt động du lịch NNNT vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún và trùng lặp. Sản phẩm chưa thật sự hấp dẫn và ít được chú trọng về thương hiệu, thậm chí na ná giữa các khu vực có nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, tập quán sinh hoạt và văn hóa cộng đồng. Giá trị nông nghiệp bản địa, bản sắc văn hóa truyền thống chưa được nghiên cứu bài bản để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao. Cơ sở lưu trú (nếu có) chưa được đầu tư bài bản và đạt chuẩn. Sản phẩm nghỉ dưỡng nông thôn chất lượng cao chưa nhiều. Giá trị cốt lõi của NNNT, bản sắc cùng dấu ấn vùng miền trong các sản phẩm du lịch chưa được khai thác một cách bài bản và chuyên nghiệp. Ngoài ra, một số mô hình đã khai thác trong nhiều năm nhưng không được đầu tư làm mới, chủ yếu dựa vào môi trường sinh thái tự nhiên sẵn có nên giảm sút sức hấp dẫn.
 
 Hai năm trước, một hội thảo toàn quốc về “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM” đã được tổ chức nhằm định hướng giải pháp để phát triển du lịch NNNT, nâng cao hiệu quả và chất lượng xây dựng NTM gắn với phát triển sinh kế, bảo tồn các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường tại các địa phương. Nội dung này cũng được đưa vào Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình MTQG về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 với bốn định hướng chính: phát triển du lịch NNNT gắn với bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, gắn với sản phẩm OCOP là các điểm du lịch cộng đồng, gắn với xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn và gắn với đa dạng hóa ngành nghề. Cuối tháng 11-2020, Chương trình phối hợp xây dựng đời sống văn hóa, phát triển du lịch nông thôn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong Chương trình MTQG về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 cũng đã được Bộ NN&PTNT cùng Bộ VHTT&DL bắt tay ký kết nhằm phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng hiện có của hai ngành để triển khai hiệu quả các định hướng kể trên. Đích đến đã được xác định, lộ trình đã được vạch ra, giờ chỉ còn chờ đợi sự chung tay góp sức của cả xã hội.