Thu hút từ những trải nghiệm thực tế

Là người gốc Việt có quốc tịch và sinh sống tại một nước phát triển ở Tây Âu, trong năm 2019 chị VTH đã nhiều lần về Việt Nam để thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Có dự định làm đẹp, sau khi tham khảo đầy đủ thông tin về việc đáp ứng các nhu cầu của mình, chị VTH đã quyết định chọn một bệnh viện công ở Hà Nội vì lý do: chi phí rẻ hơn, tay nghề của bác sĩ lại được tôi luyện qua thực tế nhiều hơn và thêm nữa, chị có cơ hội được về thăm quê hương, thăm bà con họ hàng...

Bệnh nhân quốc tịch Czech cảm ơn y bác sĩ khi xuất viện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh ngày 30-3. Ảnh | Hữu Khoa
Bệnh nhân quốc tịch Czech cảm ơn y bác sĩ khi xuất viện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh ngày 30-3. Ảnh | Hữu Khoa

Những tính toán như chị VTH hiện không phải là ít vì trong những năm gần đây, hiện tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài chủ động về nước sử dụng dịch vụ y tế đã mỗi lúc một cao hơn...

Lạc quan với tham vọng “dây rút ngược”

Thống kê không chính thức cho biết, hằng năm có khoảng 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài khám, chữa bệnh, tiêu tốn chừng hai tỷ USD. Thực tế, từ quan sát của nhiều người trong cuộc, con số này còn lớn hơn nhiều. Những số liệu này, theo PGS,TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, ra nước ngoài điều trị không chỉ là gánh nặng tài chính đối với người bệnh, kể cả người thu nhập cao, mà còn ảnh hưởng tới uy tín của hệ thống bệnh viện trong nước. Tuy nhiên tâm lý chuộng ngoại còn tồn tại trong nhiều mặt của đời sống xã hội chính là rào cản khiến người dân, dù rất tin cậy vào chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ nước nhà, vẫn có lựa chọn khác cho mình. “Trước đây từng có bệnh nhân đến chỗ chúng tôi, được tiếp đón, thăm khám tư vấn rất kỹ lưỡng, nhưng cuối cùng họ vẫn ra nước ngoài. Tới khi có một doanh nhân rất nổi tiếng và thành đạt mắc trọng bệnh, đã sang bệnh viện lớn của nhiều nước cả Á, cả Âu, cả Mỹ chữa trị nhưng không tiến triển, anh về nước gặp chúng tôi, được chúng tôi chữa trị, may mắn quá trình điều trị của anh đạt hiệu quả. Từ đấy vị doanh nhân này hết sức nhiệt tình quảng bá, PR cho chúng tôi, góp ý cho nhiều người đang do dự giữa đi hay ở và thuyết phục họ bằng chính trải nghiệm của anh”, PGS,TS Trịnh Văn Đồng, Phó Giám đốc Trung tâm gây mê và hồi sức ngoại khoa, Trưởng khoa hồi sức tích cực 2 - Bệnh viện Việt Đức chia sẻ.

Dù ra nước ngoài khi bị bệnh vẫn là một xu thế, nhưng ở phía đối trọng, trong nhiều năm trở lại đây, hệ thống y tế Việt Nam đã đón nhận nhiều người nước ngoài, người Việt mang quốc tịch nước ngoài hoặc người Việt Nam sinh sống dài hạn ở nước ngoài về điều trị. Nhiều tín hiệu lạc quan phát ra, thể hiện đúng bước tiến của hạ tầng y tế Việt Nam cả về cơ sở khám, chữa bệnh cũng như chất lượng chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ. Tại 329 bệnh viện, qua một khảo sát nhanh do Cục Quản lý khám, chữa bệnh thực hiện tháng 8-2019, riêng trong sáu tháng đầu năm 2019 đã có gần 90.000 lượt người nước ngoài tới khám, chữa bệnh và hơn 10.000 người điều trị nội trú. Đáng mừng là con số này hiện tăng dần theo mỗi năm. Tham vọng từ Đề án của Bộ Y tế, được mệnh danh là đề án “dây rút ngược”, hút ngược người về nước khám, chữa bệnh, tới năm 2030, tuyến trung ương sẽ có 100% bệnh viện xây dựng đề án khám, chữa bệnh chất lượng cao, kỹ thuật cao, tuyến địa phương là 20% và tư nhân 15% (hiện nay mới có 22% số bệnh viện có khu điều trị theo yêu cầu và khoa khám, chữa bệnh theo yêu cầu); Cũng tới năm 2030 dự kiến 95% bệnh viện tuyến trung ương có khu điều trị quốc tế chất lượng cao được công nhận... Hạ tầng này sẽ tương thích với số người bệnh tới Việt Nam tăng theo mong muốn và qua đó thúc đẩy sớm quá trình hình thành nền “công nghiệp y tế” Việt Nam, như kỳ vọng của ngành y tế.

Vừa khám chữa bệnh, vừa nghỉ dưỡng

Nhạy bén, năng động, tích lũy được kinh nghiệm từ hoạt động thực tế, ngay năm 2018 ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đã phát hành “Cẩm nang du lịch y tế” với những chỉ dẫn chi tiết bằng song ngữ Anh - Việt gửi tới các công ty lữ hành, dịch vụ... Hội chợ giới thiệu tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch y tế TP Hồ Chí Minh cũng được tổ chức, nhằm quảng bá cho thị trường có ước tính hai tỷ USD một năm này. Từ sự kết hợp của cả ngành y tế và du lịch, nhiều cơ sở y tế của thành phố đã vươn lên dẫn đầu cả nước về hiệu quả thu hút người nước ngoài tới khám, chữa bệnh như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP Hồ Chí Minh... Nhiều chuyên gia phân tích rằng, lợi thế trước hết của y tế Việt Nam chính là y học cổ truyền và... nha khoa, do y học cổ truyền quy tụ vốn quý của hàng nghìn năm, đến bây giờ còn được hỗ trợ bởi các thiết bị công nghệ cao. Nha khoa ở Việt Nam chất lượng không thua kém các nước, nhưng đặc biệt giá rẻ hơn rất nhiều lần. Vừa sở hữu nụ cười như ý muốn, vừa được tận hưởng kỳ nghỉ ở những cơ sở lưu trú 5 sao với bãi biển tuyệt đẹp, số tiền bỏ ra chỉ bằng một phần nhỏ khi muốn trồng răng sứ ở các nước phát triển, nha khoa thẩm mỹ đang là gói sản phẩm hấp dẫn với khách hàng đến từ bên ngoài biên giới quốc gia. Kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm sớm được triển khai và phổ biến ở Việt Nam cũng có sức hút với người Việt ở nước ngoài. Chừng 100 triệu đồng cho một ca thụ tinh ống nghiệm với tỷ lệ thành công lên tới 65% cũng là mục tiêu nhắm tới của nhiều khách hàng đang nung nấu ước mơ được làm cha, làm mẹ. Yếu tố tiên quyết tạo nên sức hấp dẫn vẫn là kết quả khám chữa, điều trị của người bệnh và hơn nữa, chính là chi phí bằng một phần nhỏ so với các nước.

Không thua kém nước ngoài về chất lượng chuyên môn, nhất là phân khúc kỹ thuật cao, tuy nhiên vì làm dịch vụ, dù là dịch vụ y tế, nên việc định dạng các sản phẩm, gói sản phẩm và tiếp thị, PR bài bản sản phẩm chính là điều ngành y tế Việt Nam còn đang lúng túng. Do nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan, các bệnh viện lớn ở Việt Nam hầu như chưa thực hiện được thanh toán bảo hiểm quốc tế cũng là bất lợi cần khắc phục sớm nhằm giảm thiểu những thiệt thòi không đáng có. Đã có những thí dụ đáng tiếc, khi khách hàng đã chọn được gói dịch vụ y tế phù hợp ở một bệnh viện công, nhưng cuối cùng đành sang một nước khác trong khu vực vì không thành toán được bảo hiểm. Hạn chế về giao tiếp, như khả năng sử dụng tiếng Anh cũng như các ngoại ngữ thông dụng khác của nhân viên y tế cũng làm cản trở giao tiếp giữa người bệnh và y, bác sĩ, tác động đến tâm lý khách hàng. Hiện nay nhiều công ty lữ hành, nhiều doanh nghiệp lớn đẩy mạnh quảng bá các tour khám, chữa bệnh kết hợp du lịch, nhưng tiếc rằng mới chỉ ở một chiều, là đưa người Việt Nam ra nước ngoài mà chưa nhắm đến chiều ngược lại. Một số bệnh viện lớn của một nước ngay khu vực Đông - Nam Á đang có đại diện ở Việt Nam, tiếp cận trực tiếp đến người Việt Nam cũng là gợi ý cho hệ thống y tế Việt trong một cuộc chơi chúng ta đang giữ nhiều lợi thế, mà lợi thế ưu việt nhất chính là tay nghề đã vươn lên tầm quốc tế của đội ngũ bác sĩ đầu ngành, mà kết quả từ cuộc chiến phòng, chống vi-rút SARS-CoV-2 đang là sự quảng bá không gì thuyết phục, ý nghĩa hơn...