Rộn ràng đổi rác lấy cây

Bắt đầu từ đề xuất "Hố rác góc vườn", phân loại rác hữu cơ làm phân bón, rác vô cơ tập kết tại các điểm quy định đến phong trào "Mỗi hố rác một cây xanh", chị em phụ nữ xã Hoàn Trạch (nay là thị trấn Hoàn Lão) huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình... đã góp phần làm tươi tốt thêm mảnh đất của gia đình mình, làm đẹp thêm lối xóm và từ đó nâng cao nhận thức về môi trường, cảnh quan thiên nhiên của bà con trong vùng. "Mỗi hố rác một cây xanh" được nhân rộng tại nhiều địa phương suốt dọc dải miền trung và các vùng miền cả nước, cùng với nhiều cuộc vận động tự giác khác, hàng nghìn hàng triệu cây xanh đã được trồng, chăm sóc tại không gian chung, không gian công cộng...

Sáng kiến đổi rác thải nhựa lấy cây xanh của Hội LHPN phường Hiệp Tân (Tây Ninh). Ảnh: BTNO
Sáng kiến đổi rác thải nhựa lấy cây xanh của Hội LHPN phường Hiệp Tân (Tây Ninh). Ảnh: BTNO

Bắt đầu từ "mỗi hố rác một cây xanh"...

Từ Quảng Bình đến Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, vào tận Long An rồi ngược ra Vĩnh Phúc..., nhiều năm qua sáng kiến "Mỗi hố rác một cây xanh" đã trở thành sinh hoạt thường lệ nề nếp, được phổ biến tới tận các chi hội phụ nữ cơ sở. Người dân kể cả vùng sâu vùng xa đã tạo thói quen không vứt rác bừa bãi, tập thuần thục các thao tác phân loại rác, một hành vi rất nhỏ nhưng tác động dẫn đến sự thay đổi lớn. Rác hữu cơ được ủ thành phân, và từ mỗi "đống rác cũ" ấy, những cây mới được trồng, xanh tươi theo ngày tháng. Ngay sau Tết nguyên đán Tân Sửu, hưởng ứng Đề án trồng một tỷ cây xanh của Chính phủ, hòa cùng không khí "Mùa xuân là Tết trồng cây", cũng nhiều cơ sở đoàn đội tiếp tục phát huy ý tưởng "Đổi rác lấy cây xanh", khuyến khích trẻ em, học sinh sinh viên mang rác thải vô cơ, rác thải gây nguy hại môi trường như nhựa, pin đã qua sử dụng... đổi lấy cây xanh mang về nhà chăm bón. Đi học trở lại sau thời gian nghỉ Tết dài phòng chống dịch, ngay trong tháng ba - tháng thanh niên - nhiều trường phổ thông cấp tiểu học ở Nha Trang đã rộn ràng tươi vui khi các em nhỏ hãnh diện đem tới ống hút nhựa, ly trà sữa, túi nilon, giấy vụn giao cho thầy cô và hân hoan đem về những cây cảnh được ươm trong các chậu nhỏ xinh. Tại TP Hồ Chí Minh, đô thị lớn và sôi động nhất nước, nhiều bạn trẻ đã hào hứng cam kết: mỗi người sẽ tự trồng và chăm sóc một cây xanh, để đẩy nhanh hơn đích đến của con số một tỷ cây xanh trồng mới như định hướng Chính phủ đã đề ra...

Thành lập từ năm 2012, "Quỹ một triệu cây xanh cho Việt Nam" do Vinamilk phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý đã sớm cán đích vào cuối năm 2020 với hơn 1,1 triệu cây được trồng mới tại 56 tỉnh, thành phố. Chủ yếu hướng tới lứa tuổi học sinh sinh viên, chương trình "Quỹ một triệu cây xanh cho Việt Nam" ngoài lợi ích trước mắt là tạo thêm màu xanh, phủ xanh những vùng đất trống đồi trọc khô cằn, còn khích lệ thúc đẩy tình yêu thiên nhiên, vun xới ý thức bảo tồn gìn giữ thiên nhiên trong học đường. Thành quả đạt được đã giúp Quỹ được vinh danh "Top 10 hoạt động vì môi trường xuất sắc nhất Giải thưởng CSR toàn cầu" (the Global CSR Award) năm 2020... Thông điệp "Vì triệu cây cao cho một Việt Nam xanh" mà Bộ Tài nguyên và Môi trường và Vinamilk đưa ra, gần 10 năm qua đã được tiếp nối bằng những hành động cụ thể hữu ích nhất...

Đến những công viên mới, những cánh rừng mới...

Ngay dịp trước Tết, trên trang facebook của chương trình Hạnh phúc xanh xuất hiện một chia sẻ thật dễ thương của nick name Nguyên Anh: "Hàng năm, khi ăn Tết xong, nhà nhà ở TP Hồ Chí Minh vứt chậu nhựa trồng cúc trưng cửa, và mình luôn nhờ các em đổ rác gom các chậu đất này ở các khu phố và bỏ lại trước nhà mình, cho mình tận dụng trồng cây con. Năm nay trước Tết, cây trong vườn xum xuê quá nhưng vẫn không tỉa, chờ sau Tết sẽ ươm thêm cây con tặng bạn bè dịp giêng hai. Hy vọng có những món quà xanh cho những người bạn mới quen trong năm mới"... Lâu nay, truyền thông mạnh mẽ về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đã tác động thực tế tới ý thức của một bộ phận người dân, thúc đẩy sự thay đổi trong nếp sống, nếp sinh hoạt của họ. Mầu xanh mát mắt của cây cối, hoa lá đã dễ dàng nhận biết hơn trên ban công căn hộ tiện nghi ở các khu nhà cao tầng nơi đô thị lớn. Cũng với tiêu chí cụ thể rành mạch: "tăng mật độ cây xanh ở Việt Nam, tăng sự kết nối giữa con người và tự nhiên, nâng cao nhận thức của con người về cuộc sống xanh, có trách nhiệm, thúc đẩy thái độ sống khiêm nhường hài hòa với tự nhiên", chương trình Hạnh phúc xanh trực thuộc Quỹ Sống (Quỹ Hỗ trợ phát triển cộng đồng sống bền vững thành lập dựa trên Quyết định số 2470/QĐ/BNV ban hành ngày 7-11-2018) đã tiến được những bước dài. Với sự ủng hộ của nhiều cá nhân, sự vào cuộc của địa phương, công viên Hạnh phúc xanh đã đi vào hoạt động tại quận 12, TP Hồ Chí Minh. Từ một công viên bị bỏ hoang, với sự đầu tư chăm sóc nghiêm ngắn của Sống Foundation và sự thăng hoa sáng tạo của kiến trúc sư Đồng Viết Ngọc Bảo, Hạnh phúc xanh đã lột xác, trở thành một công viên hội tụ đủ các điều kiện: xanh, mở, đa năng... phục vụ các nhu cầu thường ngày trong sinh hoạt của người dân quanh khu vực. Kế hoạch năm 2021, một công viên Hạnh phúc xanh nữa cũng sẽ hình thành tại Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam), cùng với đó rất nhiều cây xanh sẽ được hỗ trợ trồng mới tại ngoại ô phố cổ nổi tiếng này. Thời điểm đầu năm, hầu hết cán bộ nhân viên cơ hữu của Sống Fouddation đều tập trung tại Sóc Trăng. Dự kiến 50 ha rừng ngập mặn ven biển bắt đầu được trồng tại thị xã Vĩnh Châu trong năm 2021 với kinh phí hoàn toàn từ sự đóng góp của cộng đồng. Theo thông tin từ Hạnh phúc xanh, rừng ngập mặn sẽ tạo thành các vành đai xanh phòng hộ ven biển, góp phần chống xói mòn, cung cấp ô xy, bảo vệ bờ biển, xử lý nước thải của nuôi trồng thủy sản, và có thể tăng diện tích đất bồi canh tác...

Khởi nguyên từ những suy tư lãng mạn "cây xanh chữa lành tâm hồn", Hạnh phúc xanh được dẫn dắt bởi Phạm Thị Hương Giang - vẫn quen được cộng đồng gọi bằng biệt danh Jang Kều - người đã tạo được uy tín và nổi tiếng với dự án gây quỹ xây Nhà chống lũ cho người dân vùng lũ, chương trình đã lan tỏa niềm yêu thích trồng cây tới nhiều cư dân trẻ của các đô thị. Một khối lượng công việc ngồn ngộn đang chờ đợi Hạnh phúc xanh như trồng, dặm và chăm sóc cây dương liễu tại Cửa Đại, Hội An; chăm sóc cây bóng mát đã trồng tại Hà Nội năm 2018; tham gia trồng rừng khô hạn tại Ninh Thuận và rừng đầu nguồn tại Gia Lai, Kon Tum...; hàng trăm hàng nghìn cây xanh đã và đang được ươm mầm, vun xới, lớn lên mỗi ngày từ tình yêu đất nước, tình yêu thiên nhiên, ý thức công dân và tinh thần cộng đồng của rất nhiều những người trẻ, nhiệt huyết, những người luôn ôm ấp khát vọng "Vì triệu cây cao cho Việt Nam xanh" và chung tay hiện thực hóa khát vọng ấy...

KHÁNH LAM