Những hệ lụy đau lòng

Đang đi trên đường bị thanh sắt từ công trình xây dựng rơi xuống gây tử vong, hay bốn người chết vì điện giật khi đang lao động trên cánh đồng giữa thanh thiên bạch nhật chỉ là những thí dụ mới nhất cho thực trạng tai nạn lao động đang gia tăng đến mức báo động, không chỉ về số vụ mà cả về mức độ nghiêm trọng.

Nhiều tai nạn lao động có thể tránh được nếu tuân thủ các quy định ATLĐ.
Nhiều tai nạn lao động có thể tránh được nếu tuân thủ các quy định ATLĐ.

Tai nạn lao động trở thành “chuyện thường ngày”

Ngày 26-10-2018, thôn nghèo Hưng Dương, xã Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) phải tiễn đưa bốn nạn nhân tử vong vì điện giật trong một tai nạn lao động đáng tiếc. Nhà chức trách nhận định, trong quá trình kéo cáp viễn thông, bốn công nhân vi phạm khoảng cách an toàn nên bị điện 35 kV phóng tử vong. Căn nhà cấp bốn lụp xụp của gia đình bà Trần Thị Khươm (mẹ nạn nhân Nguyễn Văn Cường, 26 tuổi) vang lên nhiều tiếng khóc. Giữa sân, bên cạnh chiếc bàn thờ lập vội, nhiều người ngồi bệt xuống lau nước mắt.

Theo ông Phan Văn Anh, Trưởng phòng Thanh tra An toàn lao động (ATLĐ) (Công ty Điện lực Hà Tĩnh) những ai đăng ký làm việc liên quan vấn đề mạng lưới điện trong tỉnh đều được đưa vào kế hoạch trong tuần và rà soát hằng ngày, phải được các cấp phê duyệt. Tuần qua, điện lực không nhận được một công lệnh hay công điện gì xin đăng ký cắt điện từ phía các đơn vị liên quan sự cố. Về nguyên tắc công nhân khi thi công kéo lưới điện phải có chuyên môn, được đào tạo, huấn luyện về kỹ thuật an toàn lao động thường xuyên, nhưng bốn người bị tử vong đều là lao động tự do.

Đó chỉ là một trường hợp đau lòng về những cái chết vì TNLĐ như vậy thường xuyên xuất hiện trên các mặt báo thời gian gần đây.

Cuối tháng 9 vừa qua, đường Lê Văn Lương (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đang kín đặc người và xe thì bỗng dưng từ trên cao một thanh sắt rơi xuống. Thanh sắt rơi trúng làm hai người gục ngay tại chỗ. Nạn nhân là chị Dương Thị Hằng, sinh năm 1987 và ông Nguyễn Hùng Cường, sinh năm 1956. Chị Hằng đã tử vong ngay sau đó, ông Cường may mắn hơn, sau khi được đi cấp cứu đã có thể về nhà.

Nguyên nhân, sau khi điều tra làm rõ thì cũng không có gì mới: tai nạn xảy ra do bất cẩn, không tuân thủ đúng các quy định về ATLĐ của những người đang xây dựng công trình Trung tâm thương mại và Văn phòng cho thuê. Bộ phận giữ của hệ thống sàn treo gondola phục vụ việc thi công hạng mục vách kính bị bật khỏi vị trí và rơi xuống đường.

Tai nạn lao động chỉ riêng trong khu vực Trung Hòa - Nhân Chính - Mỹ Đình của Hà Nội mấy năm qua đã trở thành “chuyện thường ngày”, vì nơi đây có mật độ các công trình xây dựng dày đặc, các cao ốc liên tiếp mọc lên. Với người trong nghề xây dựng, một tòa nhà chung cư sau khi hoàn thành, chết năm, bảy mạng công nhân không còn là chuyện lạ. Dự án Keangnam - xây những tòa nhà cao nhất Hà Nội do chủ đầu tư Hàn Quốc thực hiện cách đây mấy năm, chỉ trong một tuần lễ liên tiếp xảy ra ba vụ tai nạn lao động, làm bốn người chết. Hai công nhân thi công tại đây thiệt mạng vì đa chấn thương do ngã từ tầng 13 xuống đất khi đang làm việc. Hai ngày sau, tại công trình này có thêm hai công nhân nữa tử vong vì tai nạn lao động.

Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra, cùng Công an huyện Từ Liêm điều tra sự việc. Sau khi xác định được ba công nhân, một kỹ sư đều bị nạn do ngã từ trên cao xuống, đoàn kiểm tra của Sở ghi nhận hiện trường và yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng việc thi công để điều tra cũng như rà soát, kiểm tra lại toàn bộ công tác bảo đảm an toàn cho người lao động, tại các công trường của tổ hợp tòa nhà Keangnam. Sau năm ngày tạm dừng thi công, thì ngay sau đó, hai công nhân và một kỹ thuật viên của đơn vị thi công tòa nhà Keangnam Ha noi Landmark lại bị trượt chân từ tầng 13, hầm thang máy, tòa tháp A, làm một người bất tỉnh, hai người còn lại bị chấn thương ở lưng. Các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra đã xác định công trình tòa nhà này chưa thực hiện bảo đảm ATLĐ. Năm 2017, thành phố Hà Nội đã xảy ra 254 vụ tai nạn lao động làm 31 người chết, 238 người bị thương, thuộc loại cao của cả nước nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với TP Hồ Chí Minh.

Theo số liệu từ Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh, tình hình TNLĐ trên địa bàn luôn ở mức “vượt trội” so với các tỉnh, thành phố khác. Năm 2017, TP Hồ Chí Minh xảy ra hơn 1.500 vụ việc với hơn 1.500 người bị nạn, trong đó có 123 người tử vong, chiếm tỷ lệ cao nhất nước. Riêng trong ba tháng đầu năm 2018, thành phố xảy ra 17 vụ TNLĐ làm 16 người tử vong. Các vụ TNLĐ làm thiệt hại gần 19 tỷ đồng cho các chi phí bồi thường, trợ cấp, y tế, trả lương trong thời gian điều trị và mỗi năm đều tăng khoảng 13% số vụ.

45% nguyên nhân từ chủ sử dụng lao động

Nhìn rộng ra trên địa bàn cả nước, theo báo cáo từ Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH, trong năm 2017 cả nước đã xảy ra 8.956 vụ TNLĐ (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động). Trong đó, đã có tới 898 vụ làm 928 người chết, số người bị thương nặng trong các vụ TNLĐ là 1.915 người. Xét trong chiều dài của gần hai thập kỷ qua, TNLĐ luôn trong xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Không chỉ tăng về số vụ mà còn tăng cả mức độ nghiêm trọng. Có nhiều cái chết vì những nguyên nhân lãng xẹt như trượt chân ngã, tường đổ, đứt cáp, thiếu dụng cụ phòng hộ cá nhân... Trong chín vụ tai nạn nghiêm trọng của năm 2017 thì cả chín vụ đều có thể tránh được nếu tuân thủ các quy định về ATLĐ. Chẳng hạn như vụ sập giàn giáo ở Đà Nẵng, hơn 20 m2 sàn bê-tông bị tụt, vụ ba công nhân rơi vào hố thang máy tử vong ở dự án chung cư Newlife Tower, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH có hơn 45% nguyên nhân xảy ra do người sử dụng lao động. Doanh nghiệp để xảy ra TNLĐ thường vi phạm vào “ba không”, gồm: Không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 14,6% tổng số vụ; Không huấn luyện hoặc huấn luyện ATLĐ chưa đầy đủ cho người lao động chiếm 12,31%; Không có thiết bị bảo đảm an toàn, chiếm 10%...

Ngoài ra, 20% nguyên nhân của TNLĐ đến từ phía người lao động, trong đó, lỗi vi phạm quy trình quy chuẩn ATLĐ chiếm 16,9% tổng số vụ, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân chiếm 3,1% tổng số vụ. Có những người lao động không tuân thủ các quy định về ATLĐ theo kiểu “điếc không sợ súng” đến lúc sự cố xảy ra thì đã muộn. Chị Đ.T.H làm ca trong nhà máy dệt ở Nghệ An, theo quy định, chị phải buộc mái tóc dài của mình lại. Nhưng trong đêm làm ca, chị H chủ quan để mai tóc dài không búi khiến mái tóc của chị bị cuốn vào máy quay sợi gây nên tai nạn thương tâm.

Trên thực tế, những số liệu về TNLĐ chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động cho hay, mỗi năm có khoảng 900 người chết vì TNLĐ, nhưng đó chỉ là số liệu thống kê từ 10% doanh nghiệp báo cáo lên.

Qua số liệu điều tra từ phía các cơ sở y tế và bệnh viện, số người chết do TNLĐ hơn nhiều con số thống kê. Hiện chỉ có các DN Nhà nước, DN FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) báo cáo về tình hình TNLĐ, còn các DN vừa và nhỏ thì hầu như không. Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH chỉ ra các số liệu thống kê TNLĐ chưa sát với thực tế là do DN thỏa thuận, bưng bít thông tin. Khi để xảy ra tai nạn, nhiều đơn vị sử dụng lao động (đặc biệt là trong khai thác khoáng sản tư nhân, xây dựng nhà ở dân dụng) đã thỏa thuận đền bù với gia đình người bị nạn hoặc điều chỉnh sai lệch hồ sơ, tính chất vụ việc nhằm che đậy những sai sót trong công tác bảo đảm ATLĐ.

Chỉ tính riêng trong lĩnh vực xây dựng, ngành xây dựng chiếm 20,8% tổng số vụ tai nạn và 19,7% tổng số người chết năm 2017 cũng có thể thấy rõ điều đó.

Anh Nguyễn Mại, học chưa hết cấp 2, quê Thanh Hóa ra Hà Nội làm phụ hồ và được nhận “hợp đồng miệng” vào làm cho dự án chung cư ở khu vực Linh Đàm. Hằng ngày anh đi dép tổ ong, đầu trần di chuyển giữa các tầng cao của tòa nhà chung cư đang ngổn ngang giàn giáo, sắt thép, gạch đá. Gần trưa của một ngày cuối thu năm 2018, một hòn gạch vỡ rơi từ trên cao trúng đầu anh Mại đang ở tầng 20, khiến anh choáng váng ngã xuống tầng một, tử vong ngay tại chỗ. Vì không được ký hợp đồng lao động, không bảo hiểm, nên anh Mại chết nhưng chẳng được bồi thường gì từ phía Nhà nước, thậm chí chủ sử dụng lao động cũng tìm cách “ỉm” vụ tai nạn mà không báo cáo cho các cơ quan chức năng. Cái chết của anh sẽ không được ghi vào con số thống kê của ngành LĐ-TB&XH. Chủ sử dụng lao động đã thương lượng với gia đình anh một khoản tiền đền bù khoảng vài trăm triệu đồng.

Ông Nguyễn Anh Thơ - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, tai nạn lao động trong năm 2017 còn làm tăng chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương tới 1.541 tỷ đồng; thiệt hại về tài sản là 4,8 tỷ đồng. Đặc biệt, tai nạn lao động làm thiệt hại thời gian tới 136.918 ngày làm việc. Nhưng những hệ lụy từ TNLĐ thì không thể tính đếm được bằng tiền hay số ngày công.