Nhận diện nguy cơ, chủ động phòng ngừa

Những trạng thái rối loạn sức khỏe tâm thần không còn xa lạ trong xã hội hiện đại, bất cứ ai cũng có thể đối diện với mối nguy bệnh tật này. Nhận diện về rối loạn sức khỏe tâm thần, phòng ngừa và đối diện với nó để vượt qua, chia sẻ từ các chuyên gia đầu ngành sức khỏe tâm thần, các bác sĩ và chính những người bệnh sẽ mang lại nhiều trải nghiệm bổ ích cho mỗi người:

Tích cực luyện tập thể dục thể thao góp phần nâng cao sức khỏe. Ảnh | HẢI THANH
Tích cực luyện tập thể dục thể thao góp phần nâng cao sức khỏe. Ảnh | HẢI THANH
PGS_TS_TTND_Tran_Van_Cuong-1608865230936.png
 

PGS-TS-TTND Trần Văn Cường, nguyên Chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam: Chú trọng nghiên cứu hội chứng trầm cảm liên quan đến Covid-19:

Nhận thức của xã hội nói chung về sức khỏe tâm thần đã tăng lên rất nhiều, nhưng một phần người dân và cả không ít lãnh đạo vẫn còn định kiến rằng tâm thần tức là điên. Sức khỏe của một con người ngày nay được định nghĩa ở cả ba trạng thái: sức khỏe thể chất; sức khỏe tâm thần và sức khỏe xã hội… Sức khỏe tâm thần gồm cả sức khỏe tinh thần và trí tuệ của một cá nhân ngày càng được nhân loại coi trọng, hiểu biết sâu rộng, kỹ càng hơn.

Ở nhiều quốc gia có điều kiện, trong học đường họ đã khám, sàng lọc phân loại sức khỏe tâm thần của từng học sinh để đưa ra các biện pháp giáo dục cũng như phân bổ học sinh đó vào môi trường thuận lợi, phù hợp nhất cho các em có điều kiện phát triển. Ở nước mình tất nhiên chưa đủ hạ tầng, cơ sở vật chất và các yêu cầu liên quan để thực hiện kế hoạch tiên tiến này. Thế nhưng dù còn thiếu thốn khó khăn đến đâu thì vẫn cần và rất cần đội ngũ chuyên gia tâm lý, y học theo dõi phát hiện sớm những rối loạn tâm thần trong học đường và các môi trường xã hội khác, để có biện pháp điều trị sát sao, tránh tình trạng nặng lên gây cản trở cho quá trình phục hồi của người bệnh. Học sinh của mình phải chịu quá nhiều áp lực. Áp lực với chính bản thân khi kết quả học tập không được như mong muốn, áp lực với gia đình - với những kỳ vọng của bố mẹ và áp lực với xã hội khi cuộc sống ngày càng có nhiều sức ép: học nhiều đến độ không tiêu hóa kịp kiến thức thành căng thẳng, học xong ra trường không xin được việc làm. Các nguyên nhân đó khiến bệnh trầm cảm gia tăng, lại không được nhận biết, không được phát hiện điều trị khiến người bệnh tiêu cực dẫn đến tự tử. Nhiều bà mẹ sau sinh có hành vi sát hại con đẻ của mình cũng xuất phát từ các rối loạn tâm thần, trầm cảm nặng, lại ít nhận được sự chia sẻ, động viên, quan tâm của các thành viên trong gia đình.

Một số nước đã có riêng cơ quan nghiên cứu về trầm cảm, chỉ ra những liên quan giữa trầm cảm và tự tử để đề xuất các giải pháp ngăn ngừa. Hiện tại chúng tôi đang quan tâm đến hội chứng trầm cảm do Covid-19, được dự đoán là gia tăng vì những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh kéo dài. Đề án Sức khỏe tâm thần liên quan đến đại dịch Covid-19 chúng tôi đã hoàn thành, nhưng chưa được duyệt triển khai vì các cơ quan liên quan hẹn đến sang năm. Có điều càng chậm trễ thì càng mất đi tính thời sự và gia tăng những nguy cơ tiềm ẩn các yếu tố liên quan đến sức khỏe tâm thần của cá nhân, cộng đồng và xã hội…

Nhận diện nguy cơ, chủ động phòng ngừa -0
...

Phạm Văn Quân, sinh năm 1987, nguyên là nhân viên ngành thêu ở Hàn Quốc: Tôi đã mắc trầm cảm và quyết tâm mới vượt qua được

Vài năm trước, tôi từ quê Hà Nam sang Hàn Quốc làm việc. Khoảng hai năm đầu thì rất vui và phấn khích. Mọi thứ đều mới lạ hiện đại, nên tôi luôn muốn đi chơi ngắm cảnh tìm hiểu và tận hưởng cuộc sống. Sau đó công việc bắt đầu bấp bênh, những rào cản văn hóa và ngôn ngữ ở xứ người làm hạn chế quá trình hội nhập của tôi. Sức ép công việc, cộng với cô đơn thiếu vắng tình cảm gia đình bạn bè, tôi liên tục thấy buồn, chán nản. Cấp độ của sự buồn chán tăng dần lên, dẫn đến mất ngủ. Tôi mệt mỏi kinh khủng. Quá nhiều cảm xúc tiêu cực tác động cả từ tâm trạng bên trong và hoàn cảnh bên ngoài, dù vậy vẫn phải cố làm việc. Lúc đó tôi chưa nhận ra mình bị trầm cảm. Mãi sau này có người nói tôi mới biết mình đã gặp vấn đề. Tình thế căng thẳng. Xu hướng tâm lý của người trầm cảm luôn tự dằn vặt bản thân, trách móc gia đình, thù hận cuộc sống. Tôi cảm giác chỉ còn một khoảng mong manh nữa thôi là mình phát điên. Tôi đã cố gắng tìm hiểu về bệnh tình và tìm cách vượt qua. Ở xa đất nước, nhiều thứ không thuận lợi nên tôi không thể đi gặp bác sĩ. Nhiều người khuyên nên vận động thể thao. Nhưng người trầm cảm làm gì có năng lượng. Tôi chỉ muốn ở lỳ trong phòng và ngủ. Ngủ mê man... Mọi chuyện càng tồi tệ hơn. Tôi luôn nghĩ đến cái chết,  may mắn bản năng sinh tồn vẫn mạnh hơn.

Rồi tôi có duyên gặp được phương pháp thiền. Dần dần tôi bớt các ý nghĩ tiêu cực, cố xem các bài học về phát triển bản thân. Tôi xin về nước sớm. Hai năm qua ở trong nước, tôi đỡ dần. Tôi đọc các cuốn sách hoặc nghe nói về các vấn đề giúp mình có tư duy tiến bộ hơn. Tôi cũng hay chia sẻ, động viên, truyền kinh nghiệm cho các bạn cùng cảnh ngộ. Nhiều bạn bị trầm cảm có ham muốn tự tử để giải thoát. Tôi cũng từng như vậy nên thấu hiểu. Cũng có bạn nghĩ trầm cảm không thể chữa khỏi và quá khó để vượt qua. Tôi luôn nói với các bạn, bệnh chữa được, nhưng cần sự quyết tâm rất lớn. Đừng bao giờ dại dột hủy hoại bản thân, không những không giải thoát được khổ đau mà sẽ phải đau khổ gấp nghìn lần. Người trầm cảm thường ngủ rất muộn… Các bạn hay lên facebook để xem ai đó và so sánh với mình rồi càng thấy bản thân kém cỏi dẫn đến chán ghét bản thân hơn. Tôi khuyên các bạn ngủ sớm dậy sớm, tránh xa facebook, hãy yêu thương chính con người mình bởi không ai yêu mình hơn chính bản thân mình cả. Và cũng không ai giúp được mình nếu chính mình không nỗ lực vượt qua bệnh tật…

Nhận diện nguy cơ, chủ động phòng ngừa -0
...

Bác sĩ Trần Văn Phúc: Bệnh viện Saint Paul (Hà Nội): Bất kì ai cũng có thể đối mặt với trầm cảm

Trong công việc hằng ngày, tôi luôn phải tiếp xúc với các bệnh nhân có dấu hiệu trầm cảm. Nhưng không chỉ ở viện, mở mạng xã hội, thấy có rất nhiều biểu hiện trầm cảm mà chính bản thân họ không biết. Lấy câu chuyện trái tim lông ở Hồ Gươm gần đây là thí dụ. Người có sức khỏe tâm thần bình thường họ sẽ xem xét ở nhiều góc độ, sẽ tìm hiểu và thấy rằng đó là sản phẩm của người dân một làng nghề mang đi dự hội chợ. Nếu tìm hiểu sâu hơn thì đó là trái tim của núi ở Khao Chakan (Thái-lan). Và người ta nếu có thể, sẽ đưa ra những bình luận ở các góc độ, bày tỏ quan điểm cá nhân, góp ý mang tính tích cực để mọi chuyện phát triển theo hướng tốt đẹp hơn. Những người ứng xử như vậy, thì họ đang tự làm chủ được bản thân, có năng lượng tốt, tư duy tích cực nên không bị trầm cảm. Những người chỉ nhìn vào trái tim lông lá, rồi chửi bạt mạng, trong khi họ chẳng có bất cứ một thông tin gì cả, chửi chỉ để thỏa mãn nhu cầu được chửi, đấy cũng có thể là biểu hiện của trầm cảm.

Tôi có người bạn, ngày không chửi vô tội vạ được hơn hai tiếng, thì không ăn không ngủ được. Có hôm tôi chiều bạn, cố ngồi nghe được 1,5 giờ rồi phải về vì quá khuya, thế là ông ấy đi tìm người tiếp để nghe chửi. Vợ ông ấy bảo khổ lắm, hôm nào không có người nghe ông ấy chửi, thì ở nhà vợ con chịu trận, bản thân ông ấy mất ăn mất ngủ. Ai cũng có thể bị rơi vào trạng thái trầm cảm, nhưng khi những rối loạn ấy kéo dài quá hai tuần, thì nó có nguy cơ trở thành bệnh thực sự, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm sinh lí, chất lượng cuộc sống của chính mình và tác động tiêu cực tới gia đình, xã hội.

Trầm cảm là sự kết hợp của tổn thương sinh lý và tâm lý phức tạp, để vượt qua nó thì phải căn cứ từng người cụ thể, từng nguyên nhân gây trầm cảm cụ thể, nhưng tập thể dục đúng cách, sinh hoạt điều độ, thăm khám y tế đều đặn là các biện pháp khá hữu hiệu để vượt qua.