Marketing tốt thì địa phương phát triển

Trong một môi trường cạnh tranh toàn cầu hiện nay, với cách tiếp cận thị trường hiện đại, các địa phương cần xác lập và thực hiện kế hoạch marketing mang tính chiến lược để phát triển địa phương mình một cách toàn diện và hiệu quả nhất.

Hạ Long thay đổi hình ảnh thành phố du lịch khi Sungroup vào đầu tư.
Hạ Long thay đổi hình ảnh thành phố du lịch khi Sungroup vào đầu tư.

Những đặc tính khác biệt

Theo các chuyên gia, marketing địa phương là tập hợp các biện pháp có chủ đích được địa phương thực hiện nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh, thu hút “khách hàng”, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Muốn vậy, các cơ quan và lãnh đạo địa phương phải thực hiện đổi mới tổ chức, hoạt động theo hướng hiệu quả, năng động, sáng tạo hơn, xây dựng cho địa phương mình một hình ảnh và triển vọng tươi mới. Bắt đầu bằng sự đồng thuận, nhất quán giữa ý chí, lý tưởng hành động của các cơ quan và lãnh đạo địa phương với ý nguyện, nỗ lực của người dân cùng hướng đến những mục tiêu tốt đẹp, thực hiện các biện pháp xây dựng thương hiệu địa phương là cơ sở tạo dựng thành công. Đồng thời, phải làm nổi bật những khác biệt, để cùng với những yếu tố tự nhiên như vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, địa phương trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư, chính khách, du khách và kể cả những nhân công có chất lượng - những khách hàng dưới góc nhìn marketing. Có như vậy, địa phương mới tạo được thương hiệu, thu hút được đầu tư, các nguồn lực, mới bán được các sản phẩm, dịch vụ của mình và qua đó đem lại lợi ích kinh tế, xã hội cho địa phương, cho người dân của mình.

Thực tế, tại nhiều nước trên thế giới, marketing địa phương đang phổ biến và mang lại những lợi thế cạnh tranh vượt trội bền vững hơn so với địa phương, quốc gia thụ động khác, bởi tư duy mới, chính quyền phục vụ người dân, doanh nghiệp và xem bản thân địa phương mình cũng là một thương hiệu. Sự phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương, một vùng đất, một cộng đồng, thậm chí một quốc gia thực chất không thể thiếu những nỗ lực thực hiện chiến lược marketing địa phương hiệu quả.

Cũng cần nói thêm, mặc dù marketing địa phương có nhiều điểm tương đồng so với marketing một sản phẩm cụ thể, nhưng do địa phương là một loại “sản phẩm đặc biệt” nên marketing địa phương có nhiều đặc trưng khác biệt. Hơn nữa, khi nói đến một địa phương, chúng ta không chỉ mường tượng đến một không gian địa lý, một thị trường với một cộng đồng cư dân nhất định mà còn hình dung đến các yếu tố “vô hình” như văn hóa, xã hội, lịch sử, dân tộc.

Thuật ngữ marketing địa phương dường như còn xa lạ với nhiều người nhưng thực chất chúng ta đã thực hiện ở những mức độ khác nhau. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, nhiều địa phương đã và đang có những nỗ lực đáng kể với ý thức xây dựng thương hiệu địa danh, thương hiệu ngành và sản phẩm, thương hiệu nông sản hay làng nghề... và bước đầu đã mang lại những thành công tích cực cả về kinh tế và nhận thức cộng đồng. Một số thí dụ điển hình cho thương hiệu địa phương là TP Hồ Chí Minh - được biết đến như trung tâm kinh tế năng động nhất cả nước; Bình Dương - địa phương thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài; Nha Trang - thành phố du lịch; Đà Nẵng - thành phố đáng sống; Lâm Đồng - với nông nghiệp công nghệ cao, hay “ngôi sao” mới nổi Bắc Ninh - một trong những trung tâm sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới... Không ít địa phương khác cũng đang thực hiện những biện pháp marketing địa phương nhưng chưa đồng bộ hoặc kết quả chưa như mong muốn.

Cần có chiến lược

Các chuyên gia cũng khẳng định để thu hút đầu tư một cách hiệu quả, đòi hỏi các địa phương phải có những cách thức và giải pháp nhằm tuyên truyền, quảng bá và mời gọi các nhà đầu tư về với địa phương mình. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ này, việc có một chiến lược marketing địa phương là điều vô cùng cần thiết.

Thiết kế chiến lược marketing địa phương là cách thức mà các chủ thể marketing địa phương cần phải đầu tư thực hiện để gia tăng hiệu quả marketing tại địa phương mình. Thông thường các nhà marketing địa phương sử dụng các chiến lược xây dựng thương hiệu địa phương như: tạo dựng hình ảnh địa phương; làm nổi bật các nét đặc trưng riêng có của địa phương; phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp và xây dựng, quảng bá về những nét đẹp văn hóa, con người của địa phương.

Marketing hình ảnh địa phương được thực hiện thông qua việc tạo nên một hình ảnh tốt, một hình tượng hấp dẫn có ấn tượng cho các thị trường mục tiêu của địa phương. Yêu cầu này thực hiện thông qua việc xây dựng các “nét độc đáo” cho thương hiệu địa phương để làm hấp dẫn khách hàng mục tiêu. Thành phố Paris - “Thủ đô ánh sáng”, Singapore - “con rồng kinh tế châu Á”... là những minh chứng cho sự sáng tạo độc đáo trong marketing địa phương. Tuy nhiên, cần chú ý là không phải mọi ý tưởng đều mang đến giá trị độc đáo. Có nhiều ý tưởng marketing gây nhàm chán do sự bắt chước, hay sao chép của các địa phương khác.

Bên cạnh đó, việc thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài cũng được thực hiện thông qua biện pháp marketing đặc trưng nổi bật của địa phương (có thể do thiên nhiên ưu đãi như tài nguyên thiên nhiên, phong cảnh..., lịch sử hay do địa phương xây dựng lên như các chính sách luật pháp...). Đặc trưng nổi bật của mỗi địa phương thường gắn liền với hình ảnh mà địa phương mong muốn được marketing để bảo đảm tính thống nhất trong thông điệp thu hút các nhà đầu tư.

Bổ sung cho hình tượng địa phương với những đặc trưng hấp dẫn nhà đầu tư là hoạt động marketing cơ sở hạ tầng địa phương. Hạ tầng là yếu tố hỗ trợ thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện trình độ phát triển của địa phương. Hệ thống giao thông tiện lợi và hiện đại, đường bộ, sân bay, cảng biển, mạng lưới thông tin liên lạc, công viên khoa học, hạ tầng đô thị, dịch vụ tiện ích... là những yếu tố luôn được các địa phương quan tâm đầu tư, phát triển để thu hút khách du lịch và nhà đầu tư.

Và con người luôn là nhân tố quan trọng mà các nhà marketing địa phương rất quan tâm bởi nhân tố này có khả năng thay đổi nhanh. Rõ ràng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo địa phương có vai trò đặc biệt quan trọng vì họ có thể tạo ra hệ thống cơ chế, chính sách hay các điều kiện cần thiết để nền kinh tế địa phương phát triển bền vững, hiệu quả; các doanh nghiệp có được sự tin tưởng để đầu tư, tạo thêm công ăn việc làm cho địa phương hay đổi mới và tìm kiếm những cơ hội phát triển đa dạng khác, cải thiện mức sống của dân địa phương...