Ký FTA tạo động lực đa dạng hóa thị trường

Trước những biến động của thị trường ngày càng nhiều và phức tạp, muốn mở rộng thị trường, hơn ai hết chính các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu các hiệp định thương mại FTA để nắm được những quy định có lợi nhất cho mình. Đó là những chia sẻ thẳng thắn của Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh (ảnh bên).
Lễ ký kết Hiệp định thương mại tự do EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA giữa Việt Nam và liên minh châu Âu. Ảnh | NHẬT BẮC
Lễ ký kết Hiệp định thương mại tự do EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA giữa Việt Nam và liên minh châu Âu. Ảnh | NHẬT BẮC
Ký FTA tạo động lực đa dạng hóa thị trường ảnh 1

Trước những tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, Bộ Công thương đánh giá như thế nào về những thiệt hại đối với các ngành hàng của Việt Nam và có giải pháp gì nhằm định hướng hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với tình hình dịch bệnh?

Bộ Công thương đã vào cuộc từ rất sớm để xử lý tác động của dịch. Ngay từ trong Tết, chúng tôi đã có công văn cảnh báo các tỉnh về khả năng gián đoạn lưu thông tại các cửa khẩu biên giới phía bắc để các tỉnh chủ động điều tiết nhịp độ đưa hàng lên biên giới. Bộ Công thương cũng là Bộ đầu tiên có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ vào ngày 5-2 về tác động của dịch bệnh tới sản xuất công nghiệp, thương mại và xuất nhập khẩu (XNK), đồng thời đề xuất thực hiện một loạt giải pháp để khắc phục.

Nhờ có các giải pháp nhanh chóng và đồng bộ như chuyển hướng xuất khẩu và nhập khẩu, xây dựng quy trình giao nhận hàng hóa phù hợp để khôi phục giao thương tại các cửa khẩu biên giới phía bắc, kêu gọi các doanh nghiệp logistics giảm giá lưu kho, lưu bãi để hỗ trợ các sản phẩm tạm thời bị ùn ứ, kêu gọi hệ thống siêu thị vào cuộc để giải quyết lượng trái cây dư thừa, đưa doanh nghiệp dệt may vào cuộc để khắc phục tình trạng thiếu hụt khẩu trang, tăng cường giám sát, quản lý thị trường trong nước..., tình hình đã được cải thiện khá nhanh chóng. Sau khoảng 7-10 ngày gián đoạn, xuất khẩu rau quả và nhập khẩu linh phụ kiện đã được khôi phục, giá thanh long, dưa hấu phục hồi mạnh và không cần phải “giải cứu” nữa. Giá cả hàng hóa trong nước ổn định, siêu thị không thiếu hàng và cũng không xuất hiện tình trạng đổ xô mua vét nhu yếu phẩm như ở một số nước khác.

Ông có nhận xét gì về các phong trào “giải cứu” hàng hóa, nhất là các nông sản khi thị trường có biến động? Xin ông đánh giá về vai trò quản lý cũng như sự hỗ trợ của Nhà nước để thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ?

Trên thực tế, vì nhiều nguyên nhân, tình trạng tạm thời gián đoạn chuỗi cung ứng thỉnh thoảng vẫn xảy ra, không chỉ ở nước ta mà ở tất cả các nước trên thế giới. Ngoài ra, không chỉ nông sản, hàng hóa nào cũng có thể gặp phải tình trạng “đứt chuỗi”, kể cả các mặt hàng xa xỉ như túi xách, đồng hồ. Trong trường hợp của ta hay của Thái-lan, Malaysia, Philippines... tình hình có thể căng hơn một chút do một số mặt hàng như thanh long, dưa hấu, sầu riêng, chuối... phụ thuộc quá mạnh vào một thị trường là Trung Quốc. Khi Trung Quốc gặp khó, chuỗi cung ứng bị gián đoạn thì các sản phẩm này lập tức bị “dội chợ”, gây ra tình trạng dư cung cục bộ. Do hoa quả là mặt hàng có tính thời vụ, rất khó chuyển đổi thị trường trong thời gian ngắn nên chỉ còn trông vào tiêu thụ nội địa. Từ đây xuất hiện các tình huống “giải cứu”.

Về nguyên tắc thì giải pháp căn cơ nhất sẽ là sản xuất theo đơn đặt hàng, chứ không sản xuất tự phát, đi đôi với đa dạng hóa thị trường. Nhưng nói thì dễ, làm mới khó. Long An đã sản xuất thanh long theo đơn đặt hàng và nhận tiền đặt cọc rồi đấy nhưng một khi cửa khẩu đóng thì cũng đành chịu. Đa dạng hóa thị trường thì các bộ, ngành và bà con cũng đã làm nhưng để tìm được khách hàng mới mua hàng chục ngàn tấn thanh long trong một, hai tuần thì thật sự không thể. Cho nên, có những trường hợp, có những thời điểm ta buộc phải chấp nhận và coi đó là rủi ro trong sản xuất, kinh doanh.

Nói như vậy không có nghĩa là ngồi yên chấp nhận rủi ro. Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ vẫn kiên trì thuyết phục bà con nông dân giảm sản xuất tự phát, chuyển sang sản xuất theo đơn đặt hàng, theo hợp đồng để khi rủi ro xảy ra, cả người bán và người mua sẽ cùng chung tay xử lý. Đi đôi với đó là các giải pháp nhằm giảm nhẹ tác động tiêu cực khi xảy ra hiện tượng “đứt chuỗi“ như khai thông ách tắc tại cửa khẩu, bảo hiểm rủi ro trong nông nghiệp, tăng diện tích kho bảo quản tạm thời, đầu tư thêm vào chế biến sâu nông sản, v.v.

Hiệp định EVFTA tới đây sẽ có hiệu lực, theo ông doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì để tận dụng một cách có hiệu quả các cơ hội từ thị trường châu Âu?

Hiệp định EVFTA kết thúc đàm phán và công bố từ giữa năm 2015, đến nay đã được 5 năm. Đã có hàng trăm hội thảo và hàng nghìn bài phân tích về cơ hội, thách thức. Doanh nghiệp nên tìm đọc để nắm thông tin tổng quan, sau đó, tùy theo lĩnh vực kinh doanh của mình, tổ chức nghiên cứu sâu hơn để tìm hiểu thêm về cơ hội cũng như thách thức. Không có nguồn lực để tìm hiểu thì nhờ Hiệp hội, nhờ VCCI. Nhà nước không thể làm thay doanh nghiệp được.

Bên cạnh những cơ hội là những thách thức về các điều kiện khắt khe của thị trường “khó tính” hàng đầu này, các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các cơ quan chính sách cần phải hợp tác với nhau như thế nào để có thể đáp ứng được những yêu cầu đặt ra?

Trên thực tế, các điều kiện của châu Âu không khắt khe hơn nhiều so với điều kiện của ta. Trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm, điều kiện của ta cũng rất khắt khe nhưng vì thương người dân một nắng hai sương nên ta thực thi không nghiêm như họ. Làm ăn quấy quá, vệ sinh không bảo đảm nhưng ít khi bị phạt, hàng làm ra vẫn bán được nên lâu ngày hình thành thói quen sản xuất, kinh doanh dưới chuẩn, sản phẩm làm ra vì vậy chỉ bán được ở sân nhà hoặc gần nhà.

Để vào được thị trường châu Âu, doanh nghiệp cần sản xuất và kinh doanh tử tế hơn. Thực tiễn cho thấy một số hộ gia đình, một số vùng trồng hoa quả đã cương quyết chuyển sang hướng này. Chi phí có cao hơn vì phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm nhưng thị trường là vô hạn, hàng làm ra không đủ để đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, để giúp người nông dân, có lẽ chúng ta nên nghiêm túc hơn trong tiêu thụ. Một khi 100 triệu người tiêu dùng kiên quyết quay lưng với sản xuất dưới chuẩn, sản xuất nông nghiệp sẽ phải thay đổi. Mà đã đáp ứng được luật của ta rồi thì vào châu Âu, châu Mỹ cũng không quá khó như mọi người vẫn nghĩ.

Cùng với các Hiệp định thương mại khác đã có hiệu lực và tới đây là EVFTA, chúng ta làm thế nào để có thể một nền kinh tế độc lập, tự chủ, không bị lệ thuộc vào bất cứ một thị trường nào?

“Không bị lệ thuộc vào bất cứ một thị trường nào” trong thời đại toàn cầu hóa này là điều không thể, trừ phi ta có phép màu để quay lại thế kỷ 19. Cách tiếp cận đúng đắn nhất là chấp nhận các mối liên kết kinh tế như một thực tiễn khách quan nhưng có giải pháp để không phụ thuộc quá mức vào một thị trường nhất định. Việc ký các FTA với các khu vực thị trường trọng điểm, thí dụ như châu Âu, châu Mỹ... để tạo động lực chuyển hướng thương mại và đa dạng hóa thị trường là một trong những giải pháp như vậy.

Trân trọng cảm ơn ông!