TS, KTS Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững:

“Kích cầu du lịch không chỉ giảm giá mà phải tăng chất lượng, làm mới sản phẩm”

Làm thế nào để ngành du lịch hậu Covid-19 biến nguy thành cơ, cần chính sách vĩ mô như thế nào để kích cầu du lịch có hiệu quả và du lịch hậu Covid-19 sẽ thay đổi ra sao? TS, KTS Nguyễn Thu Hạnh (ảnh bên), Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển du lịch bền vững (STDe) trao đổi chung quanh những vấn đề này.

“Kích cầu du lịch không chỉ giảm giá mà phải tăng chất lượng, làm mới sản phẩm”

Cần chính sách đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương để kích cầu du lịch

Kích cầu là giải pháp cấp thiết, trước mắt và cần làm ngay để cứu sống ngành du lịch sau tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, để kích cầu hiệu quả, cần phải có những nghiên cứu đánh giá sâu sắc và toàn diện về thị trường du lịch hậu Covid-19: Con người cần gì, muốn gì, nhu cầu và tâm lý ra sao? Từ đó xây dựng các nhóm sản phẩm du lịch phù hợp để xúc tiến bán. Kích cầu muốn hiệu quả thì phải biết mình đang bán sản phẩm cho ai? Bán cái gì? Người mua cần sản phẩm phải bảo đảm những tiêu chí gì?

Theo nghiên cứu đánh giá gần đây của STDe: Covid-19 đã khiến cho nhiều người hoang mang, hoảng loạn, tìm mọi cách để sống sót qua đại dịch. Một số khác tranh thủ sống gấp, sống buông thả, bất cần đời... Hầu hết mọi người đều cần an toàn tính mạng, bảo đảm tốt sức khỏe cho bản thân và gia đình. Cần cảm giác bình an, thanh thản, an nhiên, tự tại. Nhiều người nhận ra: kiếp người thật mỏng manh và vô thường, họ muốn tranh thủ làm những điều quan trọng mà trước đây chưa kịp làm, muốn được sống trong tình thương gia đình ruột thịt để được có cảm giác ấm cúng, an toàn và được chở che...

Chính vì vậy, hậu Covid-19, xu hướng du lịch và hình thức du lịch sẽ thay đổi theo hướng du lịch nghỉ dưỡng, hồi phục và chăm sóc sức khỏe (cả thể chất lẫn tinh thần) được ưu tiên hàng đầu. Phương thức du lịch theo nhóm nhỏ: gia đình, bạn bè thân,... bằng phương tiện ô-tô tự lái, hoặc phương tiện vận chuyển quy mô nhỏ... sẽ được nhiều người lựa chọn. Du lịch trở về thiên nhiên hoang dã, môi trường trong sạch, yên tĩnh (du lịch sinh thái rừng, biển, sinh thái nông nghiệp) sẽ là loại hình tạo cảm giác an toàn cao. Du lịch cách ly (du lịch tìm về chính mình); ở trong những khu du lịch có mật độ thấp, nhà nghỉ độc lập, tự cung tự cấp, sử dụng công nghệ 4.0 để khám phá và trải nghiệm các điểm du lịch sẽ trở thành loại hình du lịch được lên ngôi.

Với nhu cầu và tâm lý thị trường như vậy thì những khu du lịch có mật độ xây dựng thấp, nhà nghỉ độc lập, tự cung tự cấp (resort, nhà nghỉ nông thôn, khu du lịch sinh thái rừng, biển,...) sẽ là những điểm đến an toàn phù hợp nên được quảng cáo và rao bán mạnh. Các slogan, các chính sách giá và sản phẩm cần phải được tư duy liên kết theo chuỗi để gia tăng sức hấp dẫn về giá thành và sự đa dạng sản phẩm. Hiện nay: các chuỗi liên kết như: Hà Nội - Hạ Long - Ninh Bình; Huế - Đà Nẵng - Hội An... đang được quảng cáo hấp dẫn và thu hút với combo giảm giá sâu bao gồm cả giá lữ hành - hàng không - dịch vụ... 

Theo chị, cần chính sách vĩ mô nào từ cơ quan quản lý để kích cầu du lịch hiệu quả?

Chính sách kích cầu là cơ hội vàng để du khách khám phá các điểm du lịch hàng đầu của Việt Nam, cơ hội để giới thiệu nhiều điểm du lịch còn chưa được biết đến. Tuy nhiên, kích cầu không đơn thuần là giảm giá mà doanh nghiệp phải cam kết tăng chất lượng dịch vụ, làm mới chính những sản phẩm đang có và bảo đảm tiêu chí an toàn sức khỏe.

Mặt khác, các doanh nghiệp cần có cơ chế hợp tác, thống nhất mức giảm giá, thời gian giảm giá chung, công khai, minh bạch, không gây nhiễu loạn thị trường, bảo đảm chất lượng và ổn định tài chính của mỗi doanh nghiệp.

Bên cạnh các chính sách về thuế, thị thực nhập cảnh, giá điện... cần chính sách đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện cho người dân đi du lịch như kéo dài một số kỳ nghỉ lễ, miễn giảm các khoản thu phí tham quan, tăng cường truyền thông quảng bá, xúc tiến du lịch.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cần sớm nghiên cứu xây dựng đề án phát triển du lịch Việt Nam sau đại dịch để bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch và định hướng cũ đã không còn phù hợp sau đại dịch Covid-19. Cần đào tạo nghiệp vụ và nâng cao sức đề kháng cho doanh nghiệp để có thể sống chung và thích ứng với dịch bệnh cũng như nhiều biến động thiên nhiên, xã hội khác.

Đại dịch Covid-19 là cơ hội để thay đổi phương thức khai thác tài nguyên

Chị đánh giá thế nào về các hoạt động kích cầu của Nhà nước phối hợp với doanh nghiệp trong thời gian vừa qua?

Trong thời gian vừa qua, rất nhiều hội nghị bàn về chính sách và giải pháp kích cầu do cơ quan quản lý nhà nước phối hợp Hiệp hội du lịch, doanh nghiệp và các địa phương để đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá các gói sản phẩm giảm giá mạnh nhằm hâm nóng lại thị trường du lịch sau thời gian ngủ đông. Có nhiều sáng kiến và giải pháp của các địa phương và doanh nghiệp đã được thực hiện và đang dần phát huy hiệu quả? Các slogan như: Việt Nam điểm đến an toàn, người Việt Nam đi du lịch Việt Nam... là các khẩu hiệu cần thiết và sát hợp với bối cảnh du lịch hiện nay, nhưng hình như nó vẫn còn thiếu sức mạnh truyền cảm hứng nên chưa chạm được đến tâm lý cảm xúc người Việt, chưa tạo ra được những hiệu ứng và các cơn sốt cho trào lưu du lịch hậu Covid-19. Chúng ta nên học tập cách vận động toàn dân bằng khẩu hiệu rất sáng tạo của ngành y trong giai đoạn cao trào Covid-19 như: “Chống dịch là chống giặc”, “Ở nhà là yêu nước”, “Chúng tôi đi làm vì bạn - xin hãy ở nhà vì chúng tôi” và rất nhiều bài thơ, bài hát, tranh vẽ cổ động cho việc chống dịch rất sinh động và đi vào lòng người... Tinh thần đoàn kết và quyết tâm chống dịch của toàn dân cũng nhờ vậy mà gia tăng rất nhiều.

Giá các tour du lịch đang được giảm rất nhiều, nhưng phải chăng điều cần làm để phát triển du lịch bền vững hậu Covid-19 chính là thay đổi tư duy làm du lịch, thay đổi tư duy khai thác tài nguyên và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch chứ không chỉ đơn thuần giảm giá?

Đại dịch Covid-19 không chỉ là một thảm họa lớn được ví như ngày tận thế, nó được gửi đến để nhắc nhở về những bài học quan trọng mà con người dường như đã quên. Và điều quan trọng hơn là con người có nhận ra được các thông điệp của nó hay không? Covid-19 nhắc nhở chúng ta rằng, ngôi nhà Trái đất bị bệnh do sự khai thác tài nguyên quá tải của con người. Con người phải biết bảo vệ và trân quý mẹ thiên nhiên. Đại dịch nhắc chúng ta nhớ rằng, những thứ thiết yếu và giá trị mà chúng ta thật sự cần cho cuộc sống là (thực phẩm, nước, không khí...) trái ngược với những thứ xa xỉ không cần thiết mà đôi khi chúng ta chi quá nhiều tiền để mua. Nó cho chúng ta thấy có nhiều giá trị tinh thần sẵn có, không mất tiền mua nhưng chúng ta không biết cách khai mở và hưởng thụ. Con người đã quá mải mê theo đuổi nhu cầu vật chất mà quên đi các giá trị tinh thần cốt lõi. Đại dịch cũng khiến ta phải thay đổi nhận thức về khung giá trị sống, thay đổi các thói quen ăn ở và sinh hoạt...

Những thông điệp của đại dịch Covid-19 là cơ hội quý báu để chúng ta bắt buộc phải thay đổi phương thức khai thác tài nguyên thô sang “khai thác tinh” với hàm lượng chất xám cao hơn. Có như vậy mới có thể tiết kiệm tài nguyên, tạo ra chuỗi sản phẩm phong phú và đem lại doanh thu cao. Song song với việc điều chỉnh phương thức khai thác tài nguyên là điều chỉnh phương thức quy hoạch xây dựng các công trình kiến trúc phục vụ con người, trong đó có quy hoạch và kiến trúc du lịch theo mô hình sinh thái bền vững...

Đại dịch cũng mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới: kinh doanh online (phục vụ các nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt), kinh doanh thiết bị y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, sức khỏe dự phòng, dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao trong nhà, du lịch sinh thái thiên nhiên, du lịch vào thế giới ảo.

Để giúp cho con người có được sự bình tĩnh, lạc quan và thái độ sống tích cực trước những thách thức, cam go của đại dịch và của nhiều biến động thiên nhiên xã hội khác, các doanh nghiệp nên đầu tư cung cấp những loại hình du lịch mới để có thể gia tăng kỹ năng sống cho du khách sau đại dịch. Thí dụ: Du khách sẽ được tham gia trải nghiệm cuộc sống cách ly trong đại dịch với bối cảnh sinh hoạt tự cung, tự cấp, tự chăm sóc để vượt qua sự tiến công của Covid-19. Du khách sẽ được ở trong khách sạn có cấu trúc đặc biệt (có thể thích nghi với đại dịch), ăn các món ăn đặc biệt để phòng, chống dịch bệnh. Du khách trẻ tuổi sẽ được học cách kết nối và đối thoại với thế giới đồ vật chung quanh, học cách tự sáng tạo ra các hoạt động vui chơi giải trí trong nhà, học cách nấu ăn, chơi đàn, vẽ tranh, làm đồ hand-made. Du khách trung niên và lão niên sẽ được sống trong không gian tĩnh lặng để suy nghĩ, chiêm nghiệm về cuộc đời, về các giá trị sống, về quy luật vô thường và về chu trình sinh - lão - bệnh - tử để có được tâm thái bình yên trước mọi biến động.

Xin trân trọng cảm ơn chị!