GS, TS Nguyễn Bá Ðức - Phó Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam:

Không nên dùng sản phẩm chưa được khoa học kiểm chứng

GS, TS Nguyễn Bá Đức - nguyên Giám đốc Bệnh viện K, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam (ảnh bên) trao đổi về thị trường các sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư hiện nay, làm thế nào để bệnh nhân ung thư không bị đánh lừa trong “ma trận” sản phẩm đang bủa vây và gây nhiễu loạn thông tin cho người dùng này.

Điều trị hóa chất là một trong bốn phương pháp điều trị ung thư chính thống đang được Bệnh viện K áp dụng hiệu quả. Ảnh | THANH HÀ
Điều trị hóa chất là một trong bốn phương pháp điều trị ung thư chính thống đang được Bệnh viện K áp dụng hiệu quả. Ảnh | THANH HÀ
Không nên dùng sản phẩm chưa được khoa học kiểm chứng ảnh 1

GS đánh giá thế nào về thị trường các sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư hiện nay?

Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể, chính xác về tỷ lệ bệnh nhân chọn cách bổ sung sản phẩm hỗ trợ điều trị. Tuy nhiên, có thể nói khá nhiều người bệnh ung thư và gia đình tự ý sử dụng mà không hề tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa. Nguyên nhân không phải vì không tin bác sĩ mà do tâm lý muốn thêm sản phẩm để hy vọng và yên tâm hơn về hiệu quả điều trị.

Một vấn đề, rất đáng lo ngại là tình trạng quảng cáo, nói vống về công dụng của các sản phẩm này diễn ra rất phổ biến, nhằm trục lợi từ người bệnh. Chẳng hạn như thuốc có công dụng kháng u, tiêu diệt tế bào ung thư, ngăn chặn tái phát di căn hay dự phòng ung thư. Đây là những quảng cáo không đúng về tác dụng của TPCN. Nhìn chung, không hề có các nghiên cứu đảm bảo tính khoa học chứng minh hiệu quả điều trị ung thư của TPCN, đó là điều chắc chắn.

Vụ việc “thuốc” chữa ung thư làm bằng than tre bị phanh phui đã cho thấy một thực tế là rất nhiều bệnh nhân ung thư bị đánh lừa bởi những lời quảng cáo sai sự thật để rồi “tiền mất tật mang”. Nguyên do chính nằm ở đâu, thưa ông?

Tôi nghĩ họ dễ dàng bị đánh lừa là do tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” của người Á Đông, cũng như quá tin và nghe theo các quảng cáo, truyền thông sai lạc về thuốc Vinaca mà không có sự kiểm chứng, không tham vấn ý kiến bác sĩ điều trị và đội ngũ chuyên gia ung thư để có được những thông tin khách quan, đầy đủ và chính xác nhất.

Ma trận sản phẩm hỗ trợ điều trị đang bủa vây người bệnh. Bệnh nhân có thể dễ dàng mua những loại “thần dược” này từ rất nhiều nguồn: các địa chỉ bán hàng xách tay, mua online qua các website, trang mạng xã hội và cả theo lời tư vấn của các nhà thuốc. Theo GS, làm thế nào để phân biệt được thật - giả, nhận diện được giá trị thật của các sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư trên thị trường hiện nay?

Theo tôi, cách tốt nhất là người bệnh nên tham vấn các bác sĩ chuyên khoa tại các cơ sở uy tín. Các bác sĩ sẽ giúp tư vấn người bệnh về nguồn gốc của thuốc hỗ trợ, có được sử dụng phổ biến ở các quốc gia khác hay không? Đã được các cơ quan tổ chức có thẩm quyền phê duyệt, kiểm nghiệm, cấp phép chưa? Đã được nghiên cứu một cách khoa học, có ảnh hưởng đến chức năng các cơ quan gan - thận hay không? Có ảnh hưởng tương tác với các thuốc hay phương pháp điều trị chính thống? Cần phải có câu trả lời chính xác cho những câu hỏi đó trước khi đưa ra quyết định sử dụng sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư. Tránh những hiểu biết mơ hồ, nhầm lẫn, ảo tưởng về tác dụng.

Hiện nay chỉ có bốn phương pháp điều trị ung thư chính. Điều trị phẫu thuật được chỉ định cho ung thư giai đoạn khu trú. Điều trị xạ trị là sử dụng tia bức xạ i-on hóa để tiêu diệt tế bào ung thư, chủ yếu chỉ định cho ung thư giai đoạn tại chỗ tại vùng. Điều trị hóa chất là sử dụng các thuốc gây độc tế bào nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này chỉ định chủ yếu cho ung thư giai đoạn di căn, sau đó là vai trò bổ trợ cho ung thư giai đoạn khu trú sau điều trị tại chỗ, có nguy cơ cao tái phát di căn. Điều trị nhắm đích (Targeted therapy) là sử dụng các thuốc ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của tế bào ung thư bằng cách cản trở các phân tử đặc hiệu liên quan đến quá trình sinh ung thư và sự phát triển của khối u, bao gồm các kháng thể đơn dòng (monoclonal antibody - mab) và các thuốc phân tử nhỏ (small-molecule drugs, inhibitor - ib). Bệnh Viện K Trung ương đã và đang ứng dụng điều trị hiệu quả tất cả các phương thức này, giúp cải thiện tỷ lệ đáp ứng, tăng thêm thời gian sống cũng như chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, góp phần cứu chữa hàng trăm nghìn người bệnh.

GS có lời khuyên nào cho bệnh nhân ung thư và người nhà, trước khi quyết định sử dụng các sản phẩm?

Người bệnh nên sáng suốt tuân thủ chỉ định, hướng dẫn dùng thuốc của các bác sĩ chuyên khoa, tại các cơ sở khám chữa bệnh ung thư uy tín. Không nên dùng thuốc theo lời truyền tai, đồn đại, chưa được khoa học kiểm chứng. Nếu quyết định sử dụng TPCN cần được bác sĩ chuyên khoa ung thư tư vấn cẩn thận. Họ sẽ có trách nhiệm tìm hiểu kĩ lưỡng nguồn gốc sản xuất, thành phần, hàm lượng cũng như bằng chứng khoa học của sản phẩm để trao đổi, giải đáp nhằm giúp người bệnh an tâm sử dụng. Nếu muốn tìm hiểu các thông tin về bệnh ung thư, cần tham khảo các nguồn thông tin, tài liệu chính thống về phòng, chống căn bệnh này từ các bác sĩ chuyên khoa và các cơ sở y tế khám chữa, các hiệp hội ung thư uy tín. Bệnh nhân ung thư cần hỏi bác sĩ chẩn đoán, điều trị của mình thật nhiều để hiểu rõ về bệnh tình, các phương pháp điều trị, khả năng đáp ứng và tiên lượng. Điều trị ung thư là vấn đề rất lớn, rất phức tạp và đòi hỏi chuyên môn sâu, kết hợp đa mô thức, đa chuyên khoa mới có thể hiệu quả. Không nên dễ dàng cả tin, tốn kém tiền bạc, thời gian, đánh mất cơ hội điều trị chính thống vì lựa chọn các phương pháp không chính thống, chưa có cơ sở khoa học.

Theo GS các cơ quan chức năng của Bộ Y tế, lực lượng quản lý thị trường, các cơ quan truyền thông... có vai trò gì và cần phải làm gì để đẩy lùi, ngăn chặn những hoạt động kinh doanh nhằm trục lợi trên nỗi đau của bệnh nhân ung thư?

Tôi nghĩ phải có sự kết hợp liên ngành, đặc biệt các cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành và quản lý thị trường để làm sao bài trừ tận gốc nạn thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được kiểm nghiệm, không được cấp phép. Các cơ quan truyền thông cần lên án, phê bình các quảng cáo quá mức, nói vống thậm chí sai lạc về hiệu quả phòng ngừa hay điều trị của các sản phẩm hỗ trợ nhằm trục lợi trên nỗi đau của bệnh nhân ung thư. Cũng cần nói thêm là nếu thực sự có bằng chứng chắc chắn về tính hiệu quả và an toàn trong điều trị ung thư, dược chất đó sẽ được xếp vào nhóm thuốc điều trị đặc hiệu và đưa vào trong các phác đồ điều trị chứ không phải là thực phẩm chức năng hay sản phẩm hỗ trợ mà ai cũng có thể dễ dàng mua dùng được.