Không gian xanh đang ngày càng bị thu hẹp, kém chất lượng

Nhận thức rõ tầm quan trọng của không gian xanh (KGX), các chính quyền đô thị (CQĐT) chú trọng phát triển, hướng tới mục tiêu đô thị văn minh hiện đại và bền vững. Tuy nhiên, KGX còn thiếu cả về số lượng và chất lượng, nhất là trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh.

Tỷ lệ diện tích cây xanh đô thị hiện nay còn thấp. Ảnh | ĐỨC ANH
Tỷ lệ diện tích cây xanh đô thị hiện nay còn thấp. Ảnh | ĐỨC ANH

Thiếu hụt về lượng

Khái niệm KGX đã được sử dụng trong một số đồ án quy hoạch chung đô thị theo hướng dẫn tại Thông tư 06/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng, tuy nhiên đến nay chưa có định nghĩa một cách rõ ràng trong hệ thống văn bản pháp luật. Có hai dạng KGX trong đô thị là KGX tự nhiên (sông hồ tự nhiên, thảm thực vật...) và KGX nhân tạo, bao gồm công viên, vườn hoa, cây xanh trong các khu dân cư, công trình công cộng, trụ sở cơ quan, cây xanh đường phố. Để xây dựng được KGX trong đô thị, phải trải qua quy trình lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch đô thị, xây dựng kế hoạch đầu tư các dự án “công viên cây xanh, thể dục, thể thao” được xác định trong các đồ án quy hoạch đô thị. Công tác quản lý KGX trong đô thị được thực hiện theo các quy hoạch đô thị được phê duyệt, căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như: Luật Quy hoạch đô thị; Luật Xây dựng; các Nghị định của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị; về quản lý CXĐT; Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam số 01:2019/BXD, các thông tư hướng dẫn...

Thời gian qua, nhiều thành phố đã nỗ lực bảo vệ, giữ gìn KGX đã có, tạo thêm một số KGX để người dân thụ hưởng, điển hình 30 tuyến phố tại TP Hồ Chí Minh được tăng cường mảng xanh công cộng và cải tạo 50 nghìn m2 vỉa hè, bờ tường theo mô hình phủ xanh của Singapore. Các khu đô thị mới “xanh”, “sinh thái” có tỷ lệ diện tích cây xanh, mặt nước lớn so với tổng diện tích đất khu đô thị ngày càng nhiều, minh chứng xu hướng xanh đã từng bước được các nhà đầu tư nắm bắt và phát triển. Có thể kể đến khu Ecopark (Hưng Yên), Vinhomes Riverside (Hà Nội), khu đô thị FPT và Golden Hills (Đà Nẵng), khu đô thị Phú Mỹ Hưng (TP Hồ Chí Minh)...

Thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn không ít gam mầu trầm lắng. Tỷ lệ diện tích cây xanh tại một số đô thị hiện nay còn thấp, chỉ từ 2 - 4m2/người (theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng QCVN 01:2019/BXD, diện tích tối thiểu đất cây xanh sử dụng công cộng cho từng loại đô thị là từ 4 - 7 m2/người, chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10 m2). Tại Hà Nội, ngoài quận Hoàng Mai có diện tích công viên Yên Sở lớn, bốn quận nội thành cũ đều có chỉ tiêu diện tích cây xanh trên đầu người thấp, với tổng diện tích công viên hiện nay là 135 ha, bình quân đầu người là 1,3 m2 (thậm chí các quận đang đô thị hóa nhanh như Đống Đa, Thanh Xuân và huyện Gia Lâm chỉ đạt 0,05 m2).

Nghịch lý các công viên phân bố không đều và bất hợp lý cũng đang tồn tại ở TP Hồ Chí Minh. Theo Sở Xây dựng thành phố, hiện nay diện tích công viên khu vực nội thành cũ (13 quận) là 273,13 ha, đạt bình quân 0,67 m2/người, cao hơn khu vực quận mới (6 quận) là 172,01 ha, đạt bình quân 0,71 m2/người, trong khi đó khu vực ngoại thành (5 huyện) có diện tích công viên là 46,02 ha, tỷ lệ bình quân chỉ đạt 0,3 m2/người mặc dù có quỹ đất quy hoạch CVCX rất lớn. Mật độ bê-tông hóa, đô thị hóa nhanh chóng đã khiến thành phố biển Đà Nẵng dần ngột ngạt và thiếu khoảng xanh, tỷ lệ diện tích CXĐT chỉ đạt một nửa so với tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhận định thành phố đang gặp khó khăn khi cải thiện tỷ lệ cây xanh, bởi dân số sẽ tăng cao nhưng quỹ đất phát triển không gian đô thị không còn nhiều, tương lai còn thiếu KGX hơn vì hàng loạt dự án đô thị mới đang tiếp tục đầu tư xây dựng.

Trong khu vực lõi một số đô thị phát triển mức độ “nén” rất cao xảy ra tình trạng không còn quỹ đất dành cho đầu tư, xây dựng các CVCX. Ngay cả một số tỉnh miền núi phía bắc (Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên) có địa hình phức tạp, không thuận lợi cho xây dựng cũng bị hạn chế về quỹ đất phát triển CVCX. Quy hoạch bị phá vỡ và KGX bị triệt tiêu ở Đà Lạt xuất phát từ sai phạm của nhiều dự án đầu tư địa ốc, du lịch, nông nghiệp. Điển hình như dự án của Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức, Công ty Thiên Nhân... tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm vi phạm pháp luật về xây dựng, xâm lấn trái phép đất rừng và đã triệt hạ nhiều diện tích rừng nguyên sinh. Tại khu vực các phường 4, 5, 7, 10 và các phường, xã vùng ven, nhiều diện tích rừng và núi đồi bị cạo trọc nhường chỗ cho những khối bê-tông mọc lên từng ngày. Một mối lo ngại khác mà các chuyên gia cảnh báo là mở rộng diện tích nhà kính, nhà lưới trồng rau, hoa vượt qua tầm kiểm soát khiến KGX của nhiều vùng bị phá vỡ, kết cấu địa chất, dòng chảy, thẩm thấu... thay đổi theo hướng tiêu cực. Từ năm 2010 đến nay, độ che phủ rừng nội ô Đà Lạt đang dưới 45%, trong khi đó diện tích nhà kính vẫn không ngừng tăng...

Giảm sút về chất

Dân số đô thị tăng nhanh, cục bộ tại một số khu vực thuận lợi trong đô thị, trong khi hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật chưa theo kịp dẫn đến thiếu CVCX, chỗ vui chơi giải trí cho dân cư. Nhiều sông hồ, mặt nước trải qua quá trình đô thị hóa đã dần mất đi. Tỷ lệ trồng mới còn thấp mặc dù chính quyền đô thị đã có nhiều cố gắng.

Hà Nội vốn ít KGX càng trở nên thiếu bởi diện tích KGX phát triển không tương xứng với phát triển dân số. Điển hình, khu đô thị Linh Đàm từng được đầu tư bài bản, công nhận là đô thị kiểu mẫu, dân số tăng rất nhanh trong khi không xây dựng thêm được CVCX làm cho hệ thống công viên cũ trở nên quá tải. Cây xanh không được chăm sóc, hệ thống tường rào, kè bờ, sân chơi hư hỏng nặng, toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng ở khu vực cổng chính và đường dạo quanh công viên bị cháy, vỡ, cột điện hoen gỉ, người dân tự ý trồng rau trên đất công viên, thậm chí còn mua bán, chuyển nhượng trao tay.

Hệ thống các công viên vui chơi giải trí cũ đều hoạt động không hiệu quả. Các công viên Bách Thảo, Lê Nin, Hòa Bình... phân bố rải rác trên địa bàn trung tâm Thủ đô với quy mô nhỏ và thiếu về số lượng cũng như chất lượng. Đa số các công viên đều chỉ trồng cây lấy bóng mát và trở thành nơi tập thể dục thể thao cho người dân. Tại một số công viên, ở cả khu đô thị mới và các khu dân cư đã bị chiếm dụng đất sử dụng sai mục đích thành nhà hàng và quán xá, hoặc bị bỏ hoang thành tụ điểm cho các tệ nạn xã hội. Tại các quận, huyện xa trung tâm hầu như không có công viên vui chơi giải trí, chỉ một số ít có bố trí khu vực vui chơi cho trẻ em với quy mô rất nhỏ.

Các công viên, vườn hoa đang phải đối mặt với sự thu hẹp của diện tích đất công cộng, cạnh tranh giữa sử dụng đất cho các tiện ích công cộng với các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, giữa các tiện ích công cộng với nhau. Nhiều công viên ở các thành phố lớn đưa vào khai thác từ lâu nay xuống cấp, sửa chữa, nâng cấp mang tính tạm thời, chắp vá. Thiếu quy hoạch chi tiết xây dựng tổng mặt bằng trong các công viên khiến sử dụng, kinh doanh, khai thác mặt bằng không thể kiểm soát, thiếu định hướng cho nâng cấp, cải tạo phù hợp nhu cầu hiện tại của người dân, cũng như cơ quan quản lý nhà nước không có cơ sở để kiểm tra chấn chỉnh.

Mặc dù hầu hết các loại quy hoạch ở TP Hồ Chí Minh đều có quỹ đất rất lớn để phát triển CVCX nhưng triển khai và thực thi khó khăn bởi tốn nhiều tiền và không ít thời gian. Nhiều khu đất quy hoạch là công viên ở nhiều tỉnh, thành nhưng không có nhà đầu tư, chậm vốn đầu tư, đất đai để hoang hóa, bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, theo thời gian nảy sinh các vấn đề phức tạp trong quản lý, giải phóng mặt bằng, gây lãng phí. Trước đây, phần lớn các khu nhà tập thể cũ đều thiết kế khu vực sân tập thể, bồn hoa, cây xanh phục vụ các hoạt động công cộng, nay bị lấn chiếm, “hô biến” thành chỗ kinh doanh, bãi đỗ xe và các hoạt động khác.

“Ngay cả những tòa nhà chung cư cao tầng mới xây dựng, để tận dụng tối đa diện tích của dự án, có chủ đầu tư đã “cắt gọt” nhiều phần đất không gian chung để xây dựng thêm các công trình”, GS,TS. Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam thẳng thắn chỉ rõ. Chưa kể, các chủ đầu tư thường chỉ tập trung xây dựng công trình nhà ở để bán thu lợi nhuận trước mắt, còn lại các công trình hạ tầng xã hội trong đó có CVCX theo quy hoạch đầu tư chậm, dở dang dẫn đến sử dụng kém hiệu quả, rất nhiều dự án sau khi đã bàn giao nhà ở vẫn chưa có các hạng mục này để cư dân sử dụng.

Điểm qua bức tranh thực trạng tại các đô thị cho thấy KGX còn thiếu hụt cả số lượng và chất lượng, mức độ quan tâm, đầu tư cho hệ thống này chưa đồng bộ. KTS Nguyễn Hồng Thục cảnh báo: “Các đô thị hậu hiện đại coi KGX như cấu trúc chính của thành phố. Thành phố mất đi KGX sẽ đánh mất nhân bản”.