TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư

“Hoạt động hiến máu tình nguyện sẽ có bước chuyển mình mới”

Làm thế nào để hoạt động hiến máu tình nguyện bền vững, hiệu quả, chất lượng, tránh được tình trạng no dồn đói góp, tránh được hiện tượng thiếu nguồn máu điều trị cục bộ? TS Bạch Quốc Khánh (ảnh bên) - Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương trao đổi với Nhân Dân hằng tháng chung quanh những vấn đề này.

Tình trạng thiếu máu cục bộ sẽ không còn khi những bất cập của phong trào hiến máu tình nguyện được giải quyết. ẢNH | THANH HÀ
Tình trạng thiếu máu cục bộ sẽ không còn khi những bất cập của phong trào hiến máu tình nguyện được giải quyết. ẢNH | THANH HÀ

Chăm sóc người hiến máu tình nguyện như chăm sóc “khách hàng”

TS Bạch Quốc Khánh cho biết: Ý thức hiến máu tình nguyện nói chung bây giờ khá tốt. Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng thiếu máu thời vụ một vài thời điểm nhất định trong năm, mặc dù không kéo dài nhưng cũng gây ra nhiều khó khăn cho các hoạt động về điều trị. Thí dụ như thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán (khoảng bốn tuần), hầu như không có người nào hiến máu cả trong khi bệnh nhân vẫn phải sử dụng máu, các bệnh viện vẫn phải có máu để điều trị. Để khắc phục điều này, trong thời gian tới hoạt động vận động hiến máu tình nguyện sẽ có bước chuyển mình mới, trong đó tập trung vào các vấn đề chính như có lịch hiến máu rõ ràng; xây dựng các điểm hiến máu cố định ở Hà Nội, tại đây, vào bất kỳ điểm nào trong ngày, người dân cũng có thể tham gia hiến máu. Viện sẽ cử cán bộ làm việc tại đó như làm việc ở mô hình bệnh viện. Người dân có thể dễ dàng tham gia hiến máu và được chăm sóc như khi đến hiến máu tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.

Thưa ông, hiện nay có thể nói, gánh nặng bảo đảm nhu cầu an toàn máu đang đặt lên vai thanh niên, trong khi độ tuổi hiến máu theo quy định từ 18-60. Làm thế nào để lôi kéo các lứa tuổi khác cũng hiến máu và bảo đảm việc hiến máu tình nguyện diễn ra bền vững, ổn định?

Hiện nay, đối tượng sinh viên hiến máu vẫn chiếm tới hơn 50% những người hiến máu và chúng ta phải làm sao đưa tỷ lệ này giảm xuống 30-40%, còn lại 60% là các tầng lớp xã hội khác. Tôi cho rằng việc dịch chuyển đối tượng hiến máu, vận động các tầng lớp nhân dân khác tham gia hoạt động tình nguyện này sẽ giúp tránh được tình trạng thiếu máu xảy ra trầm trọng tại một số thời điểm như hiện nay.

Một giải pháp quan trọng nữa là phải tăng tỷ lệ người hiến máu nhắc lại, giải pháp này phải đi đôi với giải pháp trên. Tỷ lệ hiến máu nhắc lại trong sinh viên rất thấp, bởi sinh viên hiến máu là hoạt động phong trào. Khi các bạn sinh viên đã vào những năm cuối đại học hoặc ra đi làm thì ít tham gia hiến máu hơn. Nếu hiến máu tình nguyện chuyển đổi sang cán bộ công chức và các tầng lớp xã hội khác thì việc người ta hiến máu một lần, sau đó người ta lại hiến máu nhắc lại không phải quá khó. Và nếu họ hiến máu nhắc lại thì không còn lo lắng xảy ra tình trạng thiếu máu cục bộ nữa.

Trong khi lượng người hiến máu nhắc lại ở các nước khác là 75-85% thì ở nước ta hiện mới dừng lại con số 40-45%. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến khích tăng tỷ lệ người hiến máu nhắc lại, nguồn máu nhắc lại là những đơn vị máu chất lượng nhất vì người hiến máu lần một họ sẽ biết rõ tình trạng nhóm máu của bản thân và cách để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe thế nào để nguồn máu của mình tốt nhất và họ luôn sẵn sàng cho việc hiến máu. Nếu tăng được tỷ lệ hiến máu nhắc lại thì sẽ chủ động được vấn đề bảo đảm nguồn máu bền vững cho người bệnh.

Thí dụ như Hà Nội, mỗi năm, một cán bộ viên chức hiến máu một lần thôi cũng thu về được hơn 30.000 đơn vị máu và nếu từng ấy người tham gia hiến máu nhắc lại, không hiến máu theo kỳ cuộc mà theo lời kêu gọi ở những thời điểm cần nguồn máu thì câu chuyện thiếu máu cục bộ sẽ được giải quyết. Dĩ nhiên, thông điệp truyền thông vận động hiến máu cũng cần có sự thay đổi.

Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú trọng chăm sóc những người hiến máu, xem họ như những “khách hàng” thân thiết. Chăm sóc không chỉ gửi một tin nhắn sau khi họ hiến máu. Chúng tôi đang xây dựng một ứng dụng trên điện thoại để người hiến máu có thể theo dõi những lần hiến máu của họ, theo dõi sức khỏe của họ và theo dõi các thông tin liên quan đến hoạt động hiến máu. Qua đó, cũng thể hiện sự quan tâm chăm sóc, tương tác với người hiến máu một cách chi tiết và thường xuyên hơn. Bộ Y tế đã đồng ý tặng gói quà xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người hiến máu. Hy vọng, gói quà tặng này có thể giúp ích cho người hiến máu biết được sức khỏe của mình cũng như cổ vũ, thu hút thêm nhiều đối tượng hiến máu.

Nếu làm tốt việc tăng tỷ lệ người hiến máu nhắc lại thì kinh phí để vận động hiến máu sẽ giảm xuống và vấn đề thiếu máu theo nhóm máu cũng được giải quyết. Lúc đó sẽ kêu gọi hiến máu theo nhóm. Tất nhiên, các sự kiện, phong trào hiến máu vẫn phải tiếp tục duy trì.

“Hoạt động hiến máu tình nguyện sẽ có bước chuyển mình mới” ảnh 1

Sẽ đề xuất Quốc hội xây dựng Luật Hiến máu

Theo ông, để tăng tỷ lệ những người hiến máu nhắc lại, trong đó nòng cốt là đối tượng cán bộ công chức, cần những giải pháp gì?

Câu chuyện tăng tỷ lệ những người hiến máu nhắc lại nếu chỉ một ngành huyết học - truyền máu và ngành y tế chắc không làm nổi mà cần những hoạt động truyền thông hết sức mạnh mẽ. Đặc biệt, cần có sự tham gia của nhiều lãnh đạo cấp cao, người nổi tiếng, bởi vì với sự có mặt của họ thôi cũng cho thấy vấn đề hiến máu quan trọng như thế nào. Để hoạt động hiến máu trở nên bền vững, rất cần sự quan tâm của những người đứng đầu các các đơn vị, các doanh nghiệp... nhằm tạo sự đồng thuận và khuyến khích nhân viên của mình tham gia. Đã có những cơ quan đơn vị, Đoàn Thanh niên mong muốn tổ chức cho thanh niên đơn vị mình hiến máu nhưng lãnh đạo lại không đồng ý.

Sắp tới, chúng tôi sẽ đề xuất lên Quốc hội để xây dựng Luật Hiến máu. Những vấn đề liên quan đến hoạt động hiến máu sẽ được luật hóa. Đã từng có ý kiến tranh luận là có nên xem việc hiến máu là bắt buộc hay không? Theo tôi, đã gọi là hiến máu tình nguyện thì không thể nào bắt buộc được. Nhưng Luật Hiến máu sẽ đưa ra những điều khoản để bảo đảm việc tình nguyện hiến máu thuận lợi nhất có thể. Thí dụ, một người dân muốn hiến máu tình nguyện hay công đoàn, Đoàn Thanh niên tổ chức hiến máu thì không ai được ngăn cản. Hoặc người dân muốn đi hiến máu thì phải được tạo các điều kiện, được quan tâm. Phải luật hóa những vấn đề chung quanh hoạt động hiến máu tình nguyện. Không bắt buộc hiến máu nhưng phải bảo đảm rằng nếu bất cứ ai muốn hiến máu tình nguyện, họ hoàn toàn được pháp luật bảo đảm để thực hiện điều này.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một quốc gia muốn đạt chuẩn an toàn về dự trữ máu cần có ít nhất 2% dân số tham gia hiến máu. Tỷ lệ dân số tham gia hiến máu ở Việt Nam mới đạt khoảng 1,6%, theo ông đây có phải là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu nguồn máu để phục vụ nhu cầu điều trị?

Đó ch là con s d tính, và là mc tiêu để chúng ta hướng ti, ch không có gì bo đảm 2% dân s đi hiến máu là đủ c. Vn đề ở đây là hot động hiến máu có đều đặn hay không. Bây giờ, kể cả có đủ 2% dân số hiến máu, tuy nhiên hoạt động hiến máu chỉ tập trung vào một số tháng, thời điểm không có người hiến máu thì vẫn không ổn, dẫn đến tình trạng no dồn đói góp. Chúng tôi muốn có hoạt động hiến máu tình nguyện bền vững, hiệu quả, chất lượng. Tôi không quan tâm lắm đến vấn đề một năm sẽ lấy được bao nhiêu đơn vị máu và có đạt được 2% dân số hiến máu hay không, tôi quan tâm hơn đến tỷ lệ người hiến máu nhắc lại phải cao, đối tượng tham gia hiến máu là ai, tỷ lệ thế nào và có còn để xảy ra chuyện thiếu máu thời vụ, thiếu máu theo nhóm hay không?

Ngay cả những người làm công tác vận động hiến máu cũng phải thay đổi tư duy, không vận động hiến máu theo thời vụ, chỉ giải quyết trọn vẹn câu chuyện hiến máu tình nguyện trong một thời gian nhất định trong năm mà phải hướng tới sự bền vững, ổn định, chất lượng. Thời gian tới cần tăng tỷ lệ người hiến máu nhắc lại, tăng tỷ lệ người hiến máu đạt mức 350 ml/lần hiến sẽ tiết kiệm được số lượng người hiến máu.

Tôi tin trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ bảo đảm được nhu cầu an toàn máu. Các nước láng giềng chúng ta đã làm được điều này như Thái-lan, Singapore, Malaysia, vì vậy, không có lý do gì Việt Nam không làm được. Việt Nam vốn có truyền thống nhân ái, thương người như thể thương thân. Vấn đề chính là để thay đổi suy nghĩ, nhận thức về hiến máu tình nguyện của người dân không phải câu chuyện một sớm, một chiều.

Xin cảm ơn ông!