Hãy là “người tiêu dùng thông thái”

Đó là thông điệp xuyên suốt mà các chuyên gia, các nhà quản lý cùng nhà báo muốn chuyển tải tới độc giả của Nhân Dân hằng tháng, trong nỗ lực bảo vệ bệnh nhân ung thư không rơi vào thảm cảnh “tiền mất, tật mang”.

Người dân không nên mua và sử dụng sản phẩm hỗ trợ điều trị không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Người dân không nên mua và sử dụng sản phẩm hỗ trợ điều trị không rõ nguồn gốc xuất xứ.

PGS, TS Lê Văn Quảng - Phó Giám đốc Bệnh viện K, Chủ nhiệm Bộ môn Ung thư (Đại học Y Hà Nội): Cần sự phối hợp chặt chẽ từ cả ba phía.

Để không lạc lối trong ma trận sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư luôn bủa vây những bệnh nhân đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác và đẩy họ vào cảnh “tiền mất, tật mang”, điều quan trọng là phải có sự phối hợp hữu hiệu từ cả ba phía: người bệnh - bác sĩ điều trị và đơn vị quản lý.

Đối với người bệnh, cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và nhân viên y tế trong điều trị bệnh, kiểm soát tác dụng phụ, theo dõi, đánh giá kết quả điều trị cũng như các phương pháp hỗ trợ phù hợp. Bởi lẽ, phương pháp điều trị ung thư rất phức tạp, là sự tổng hợp của tất cả các chuyên khoa. Bác sĩ phải thay đổi phù hợp với từng loại bệnh, từng giai đoạn bệnh và từng cơ thể người bệnh. Kéo theo đó, các phương pháp điều trị hỗ trợ cũng phải thay đổi để phù hợp với từng loại bệnh, từng bệnh nhân cụ thể. Người bệnh không nên tự ý sử dụng các loại thuốc, các sản phẩm được coi là có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư mà không tham vấn ý kiến của bác sĩ. Lý do là bởi tương tác của các sản phẩm này với các loại thuốc trong phác đồ điều trị có thể làm xuất hiện các độc tính gây nguy hiểm tính mạng hoặc làm giảm kết quả của phương pháp điều trị chính.

Đối với bác sĩ, cần giải thích và cung cấp thông tin đầy đủ cho người bệnh và gia đình. Không chỉ dừng lại ở phương pháp điều trị, kiểm soát những tác dụng không mong muốn mà còn phải quan tâm đến cả những đặc điểm cá thể hóa phương pháp điều trị và chăm sóc hỗ trợ.

Đối với cơ quan quản lý, kiểm soát chặt chẽ các loại thuốc mới, các thử nghiệm lâm sàng và quản lý nghiêm việc phân phối và lưu hành các sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) là những phương pháp hữu hiệu để người bệnh được tiếp cận những phương pháp đúng trong quá trình điều trị cũng như hỗ trợ điều trị bệnh. Việc quảng bá bất hợp pháp, sai sự thật về các loại dược phẩm, sản phẩm hỗ trợ điều trị dưới mọi hình thức cần phải có biện pháp xử lý nghiêm minh, với chế tài xử phạt nghiêm khắc.

Cuối cùng, ở góc độ cá nhân, tôi nghĩ bệnh nhân và người nhà cần đề cao cảnh giác với mọi hình thức tiếp thị quảng cáo. Cần tham khảo ý kiến của người có chuyên môn và thông báo kịp thời, chính xác cho bác sĩ, nhân viên y tế những phương pháp, sản phẩm hỗ trợ điều trị mà mình đang áp dụng để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

PGS, TS Trần Thanh Hương, Phó Viện trưởng Viện Ung thư quốc gia: Mọi thông tin, quảng cáo liên quan đến sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư trên truyền thông cần kiểm duyệt nghiêm ngặt.

Theo ước tính của Bệnh viện K, có tới hơn 70% bệnh nhân ung thư tới viện khi đã ở giai đoạn muộn dẫn đến tình trạng khối u lớn, đã di căn tới những bộ phận khác khiến việc điều trị khó khăn, chi phí điều trị tốn kém mà hiệu quả chữa trị lại không cao. Đã thế, vì hiểu biết hạn chế, đa phần người Việt quan niệm ung thư là bệnh nan y, không thể chữa khỏi. Vì thế, hiện tượng bệnh nhân tự ý sử dụng những phương pháp, sản phẩm được quảng bá là có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư diễn ra khá phổ biến.

Cung cấp những hiểu biết chính xác cho người bệnh về các sản phẩm hỗ trợ điều trị là điều hết sức cần thiết, vì họ là người quyết định lựa chọn sản phẩm đó hay không. Hiện nay, bệnh viện K cũng đã thành lập những Câu lạc bộ bệnh nhân ung thư, được tổ chức sinh hoạt định kỳ nhằm bắc nhịp cầu nối giữa bác sĩ - người bệnh và chính những người đồng bệnh với nhau. Mô hình này giúp họ có thể tìm hiểu thông tin, tham vấn bác sĩ về mọi vấn đề phát sinh trong suốt quá trình điều trị, bao gồm cả việc có nên bổ sung sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư hay không. Viện Ung thư quốc gia của chúng tôi cũng đang trong quá trình xây dựng website, nhằm cung cấp cho người dân những thông tin chính xác nhất về căn bệnh này. Website dự kiến cũng sẽ có những box riêng về TPCN, giúp người bệnh có sự lựa chọn chính xác, an toàn và hiệu quả nhất cho bản thân, nếu có nhu cầu.

Nhìn từ góc độ truyền thông, tôi thấy khá nhiều luồng thông tin trái ngược được cùng lúc cung cấp cho độc giả, trên nhiều trang mạng nên dễ gây hoang mang, thậm chí hiểu lầm vì bị thổi phồng, quảng cáo sai sự thật. Tuy TPCN không phải là thuốc nhưng các cơ quan truyền thông cũng nên hết sức thận trọng khi đăng tải dạng bài này. Những thông tin chưa được khoa học kiểm chứng đầy đủ, chưa chắc chắn về độ chính xác thì không thể đưa lên mặt báo. Bởi những sản phẩm đó đều ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng điều trị và có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, thậm chí tính mạng người bệnh nên cần kiểm duyệt nội dung hết sức nghiêm ngặt trước khi đăng tải. Bệnh nhân có xu hướng tin tưởng tuyệt đối vào những gì báo chí cung cấp, vì thế hậu quả của những thông tin sai lệch sẽ rất nặng nề.

Ông Đỗ Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế): Không mua và sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo quy định tại Điều 4, Điều 6 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải thực hiện tự công bố sản phẩm/đăng ký bản công bố sản phẩm mới được phép lưu hành sản phẩm tại Việt Nam.

Sản phẩm chưa công bố/đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan có thẩm quyền đã lưu hành trên thị trường sẽ không kiểm soát được chất lượng và bảo đảm an toàn thực phẩm, do đó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng. Vì thế đối với các tổ chức, cá nhân không công bố các sản phẩm nêu trên mà lưu hành sản phẩm là vi phạm pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với các sản phẩm thực phẩm mà tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không thực hiện công bố sản phẩm mà vẫn bán trên thị trường, trường hợp phát hiện vi phạm đề nghị thông báo cho cơ quan chức năng nơi xảy ra vi phạm để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật. Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, người dân không mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm không được công bố theo quy định của pháp luật.

Tình trạng quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên thị trường hiện rất phổ biến nhằm mục đích bán sản phẩm, dưới hình thức quảng cáo (trên các trang mạng xã hội; youtube, facebook, zalo cùng các trang thông tin điện tử có tên miền từ nước ngoài) rất khó kiểm soát, gặp nhiều khó khăn trong xác định chủ thể quảng cáo. Hiện nay, Cục ATTP đang phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan quản lý các tên miền và các đơn vị truyền thông, quảng cáo để kiểm soát các quảng cáo thực phẩm.

Hãy là “người tiêu dùng thông thái” ảnh 1

Bác sĩ điều trị sẵn sàng tư vấn khi bệnh nhân cần cung cấp thông tin chính xác nhất. Ảnh | TRẦN HẢI

Ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế): Người dân nên mua thuốc tại các cơ sở đã được cấp phép.

Ngành dược là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên theo quy định tại khoản 2 Điều 32 và Điều 33 Luật Dược 105/2016 ban hành ngày 6-4-2016 thì cơ sở kinh doanh dược (như bán buôn, bán lẻ thuốc...) phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và một trong các điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược là cơ sở phải có các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự đáp ứng các tiêu chuẩn Thực hành tốt do Bộ Y tế công bố.

Mặt khác, căn cứ các quy định pháp luật về kinh doanh dược, việc kinh doanh thuốc không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, bán lẻ thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc, kinh doanh tại nơi không phải địa điểm kinh doanh dược đã đăng ký và kinh doanh dược không thuộc phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược là vi phạm các quy định hiện hành về kinh doanh dược.

Trường hợp các cơ sở kinh doanh dược có sử dụng trang thông tin điện tử để quảng cáo, thông tin thuốc, ngoài việc phải đáp ứng các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng cung cấp thông tin trên mạng điện tử còn phải được Bộ Y tế xác nhận nội dung quảng cáo, thông tin thuốc trước khi đăng tải trên trang thông tin điện tử. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh dược có tham gia hoạt động thương mại điện tử thì còn phải tuân thủ các quy định tại Mục 2 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16-5-2013 của Chính phủ về thương mại điện tử và Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 5-12-2014 của Bộ Công thương quy định về quản lý website thương mại điện tử.

Do đó, để bảo đảm được sử dụng thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá cả hợp lý, người dân nên đến các cơ sở bán lẻ thuốc đã được cơ quan chức năng cấp phép để được tư vấn, cung cấp thông tin đầy đủ về thuốc.