Khởi nghiệp

Hành trình sống của thanh niên

Chưa bao giờ phong trào khởi nghiệp, lập thân, lập nghiệp trong giới trẻ lại phát triển mạnh mẽ như vậy ở Việt Nam trong những năm gần đây. Hiện nước ta có khoảng 1.500 startup, xét về mật độ thì phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam còn lớn hơn cả Ấn Độ và Trung Quốc, trong đó công nghệ thông tin chiếm số lượng vượt trội. Tuy nhiên số lượng doanh nghiệp chết yểu lại chiếm tới 80%, đặt ra rất nhiều vấn đề cho thanh niên trong quá trình khởi nghiệp. Làm thế nào khơi gợi cổ vũ tinh thần khởi nghiệp sục sôi trong giới trẻ, biến nó thành những hành động thiết thực và có hiệu quả cụ thể, giảm thiểu những rủi ro thất bại khi bắt đầu quá trình khởi nghiệp là tiêu điểm của Nhân Dân hằng tháng tháng 3-2018: Khởi nghiệp: Hành trình sống của thanh niên.

Hành trình sống của thanh niên

Lựa chọn dành cho sự sáng tạo

Môi trường kinh doanh ở Việt Nam đang ngày càng được cải thiện nhờ các nỗ lực của Chính phủ. Nhiều chương trình, chính sách và quỹ hỗ trợ khởi nghiệp được xây dựng, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp. Kết quả này đã giúp cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam có thêm nhiều cơ hội và khả năng để khởi nghiệp thành công.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thời gian qua, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đã được thực hiện bài bản, phong phú hơn. Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đã thành lập Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) và thực hiện các hình thức hỗ trợ, tài trợ doanh nghiệp thông qua quỹ; ban hành Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam nhằm tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đào tạo, hỗ trợ để nâng cấp các sản phẩm, hỗ trợ truyền đạt bí quyết kinh doanh, tư vấn trong chương trình thúc đẩy khởi nghiệp nhằm thu hút vốn đầu tư mạo hiểm để hình thành và phát triển các doanh nghiệp khoa học và công nghệ; ban hành Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” với mục tiêu đến năm 2025, hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 100 doanh nghiệp tham gia Đề án được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập. Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Dự thảo Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp”, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã phát động Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2016-2021, ra mắt Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (sYs). Đồng thời, hơn 20 tỉnh, thành phố trong cả nước đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

Hành trình sống của thanh niên ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các sản phẩm công nghệ cao của các nhóm khởi nghiệp tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Ảnh | Trần Hải

Các tập đoàn lớn, ngân hàng lớn cũng tham gia huy động, sử dụng nguồn lực tài chính lớn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong hai năm 2016-2017: Quỹ Sáng tạo CMC, FPT Ventures, Viettel Venture, hay Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) hoạt động với bốn nhà đầu tư chính là FPT, Dragon Capital Group, Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) và Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV) đã ra đời. Các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cũng hết sức quan tâm và chung tay hỗ trợ phát triển khởi nghiệp.

Các chính sách mới, sự hỗ trợ kịp thời góp phần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Năm 2017, các mô hình kinh doanh mới đã chinh phục được nhà đầu tư nước ngoài, thể hiện bằng những dự án đã gọi được vốn đầu tư tương đối lớn. Theo bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon Việt Nam, các dự án được hỗ trợ vốn thành công có thể kể đến như Ship60, Hachi, Torki Kebab... Ship60 hiện nay đang là đối tác về công nghệ và vận chuyển hàng hóa siêu tốc cho các công ty lớn như VN Post, Lazada... Hachi phát triển từ mô hình trồng rau thủy canh tự động bằng các giàn đứng cho các không gian đô thị trở thành công ty chuyên cung cấp hệ thống trồng rau tự động cho các trang trại lớn hàng nghìn mét vuông. Hệ thống của Hachi cho năng suất gấp hai, ba lần cách trồng thông thường. Các khách hàng của Hachi có thể thu lại tiền đầu tư hệ thống ban đầu chỉ sau một năm sử dụng và thu hoạch. Hachi đồng thời giúp các nhà hàng tự trồng rau thủy canh chất lượng cao để tự kiểm soát nguồn cung mà không cần diện tích canh tác lớn. Kebab Torki phát triển từ hai xe bán bánh Kebab thành một chuỗi franchise với hơn 60 địa điểm, giải quyết được cho hơn 300 việc làm trong vòng một năm. Tại một số địa điểm, người mua franchise của Kebab Torki có thể thu được lợi nhuận 10 - 15 triệu một ngày từ việc bán hàng.

TS Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH và CN (Bộ KH và CN) đánh giá, thuận lợi của môi trường khởi nghiệp là các founders (sáng lập viên) người Việt, nòng cốt là các du học sinh học đã từng hoặc đang học tập tại nước ngoài đã thổi một luồng gió mới vào các dự án khởi nghiệp sáng tạo trong nước và giúp cho các nhà đầu tư nhìn nhận Việt Nam là một địa chỉ rất tiềm năng để đầu tư, phát triển thị trường cho các sản phẩm sáng tạo, mô hình kinh doanh mới, đặc biệt dựa trên các công nghệ của I.4.0 như nền tảng công nghệ thông tin, mạng điện tử kết nối vạn vật, điện thoại di động, phầm mềm, trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, hoạt động khởi nghiệp ở giới trẻ thường có tâm lý làm theo người khác, làm theo đám đông. Đây là điều không tránh khỏi ở bất kỳ quốc gia nào khi bắt đầu phát động tinh thần doanh nhân và khởi nghiệp. Sau quá trình chọn lọc tự nhiên, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những dự án khởi nghiệp dựa trên mô hình kinh doanh truyền thống sẽ có thể nhanh chóng bị loại khỏi cuộc đua vì không thể tăng trưởng nhanh được và không thể gọi vốn đầu tư. Vì vậy, sẽ chỉ còn sót lại những mô hình kinh doanh mới thật sự có tính sáng tạo.

Nhiều chuyên gia cũng lo ngại, nếu không có định hướng thì khởi nghiệp dễ theo phong trào. Kết quả khảo sát của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu (GEN) đánh giá, Việt Nam được xếp vào nhóm 20 nền kinh tế khởi nghiệp cao nhất nhưng lại nằm trong nhóm 20 quốc gia có khả năng thực hiện các kế hoạch kinh doanh thấp nhất. Điều này cảnh báo việc các khởi nghiệp trẻ mới tập trung vào ý tưởng sản phẩm mà quên việc lên bài toán lớn về năng lực và khả năng vận hành của bản thân doanh nghiệp. Ông Trịnh Minh Giang, Chủ tịch Công ty đầu tư VMCG, Chủ tịch nhóm công tác khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2017 (VPSF) cũng khuyến cáo: “Nếu Việt Nam làm đại trà, doanh nghiệp khởi nghiệp nào cũng đầu tư, đẩy lên, thì số thất bại sẽ rất lớn. Chúng ta cần chọn ra doanh nghiệp khởi nghiệp nào thật sự cần đầu tư, startup nào thật sự có năng lực để tập trung phát triển startup đó”. Thứ trưởng Bộ KH và CN Trần Văn Tùng cho biết, để không biến thành phong trào, bản thân các startup phải được đào tạo, có kiến thức và có kỹ năng để làm cho đúng. Còn những người không có nền tảng đó thì không nên tham gia theo người khác. Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng chia sẻ, người khởi nghiệp luôn phải sẵn sàng xác định chấp nhận thất bại vì 100 người nhận được hỗ trợ khởi nghiệp thì chỉ có năm, sáu, thậm chí không quá 10 người thành công.

Để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đi vào thực chất hơn nữa, các nhóm khởi nghiệp cần chú trọng tìm kiếm thông tin công nghệ, khai thác kho dữ liệu về tài sản trí tuệ, sáng chế, nghiên cứu tìm hiểu kỹ các mô hình kinh doanh mới, học tập kinh nghiệm từ câu chuyện thành công cũng như bài học thất bại, từ đó đưa ra chiến lược kinh doanh, thiết kế sản phẩm, dịch vụ mới và nhanh chóng đưa ra thị trường để thử nghiệm theo mô hình khởi nghiệp tinh gọn. Không nên xây dựng dự án khởi nghiệp chỉ mang tính chất lý thuyết, mơ hồ, không dựa trên nhu cầu thực tế của khách hàng, số liệu thị trường cụ thể. Đối với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cần chú ý xây dựng mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ và thực tế thử nghiệm thị trường càng nhiều càng tốt. Đại diện VCCI cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc ổn định kinh tế vĩ mô, gỡ bỏ các rào cản, nhằm xây dựng lại lòng tin cho người làm kinh doanh, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Các chính sách phải dễ dự đoán, dễ tiên liệu để người dân dự kiến được kế hoạch kinh doanh của mình. Ngoài ra, cần phải đổi mới chương trình đào tạo ở bậc phổ thông theo hướng “học để làm gì” chứ không phải “học cái gì”. Cần hoàn thiện các chương trình đào tạo doanh nhân ở các trường đại học, cao đẳng và hướng dẫn cho các sinh viên các trường kỹ thuật, trường nghề về kỹ năng khởi sự doanh nghiệp để các sinh viên có thể tự tạo việc làm bằng các kết hợp sử dụng chuyên môn kỹ thuật của mình khởi sự trong ngành, lĩnh vực mà mình có chuyên sâu...