Giữa “ma trận” thật, giả...

Gõ cụm từ khóa “thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư” (TPCN), Google lập tức cung cấp cho người dùng 30,8 triệu kết quả. Gõ bất cứ tên sản phẩm nào đó, sẽ có ngay mọi thông tin chi tiết, từ thành phần, công dụng đến giá cả và phương thức mua hàng vô cùng đơn giản, thuận tiện. Nhấp chuột vào đường link nào cũng thấy những từ ngữ quảng cáo kêu choang choang như “thần dược”, “đánh bật ung thư”, “tiêu diệt tận gốc tế bào ung thư”... Giữa ma trận sản phẩm hỗ trợ điều trị bất phân thật giả, công dụng khó lường, bệnh nhân ung thư là đối tượng đang phải gánh chịu mọi hậu quả, đa phần rất đau xót, khi tiền vẫn mất mà tật vẫn mang.

Cung cấp hiểu biết chính xác cho người bệnh là cách thức hữu hiệu giúp họ tránh được cảnh “tiền mất, tật mang”. Ảnh | THANH HÀ
Cung cấp hiểu biết chính xác cho người bệnh là cách thức hữu hiệu giúp họ tránh được cảnh “tiền mất, tật mang”. Ảnh | THANH HÀ

Từ những quảng cáo “trên trời”

Bệnh viện K, cơ sở I tại 43 Quán Sứ trong một ngày Hà Nội đang ở đợt cao điểm nắng nóng. Những dãy ghế trước dãy phòng khám ở khu Ngoại B chật kín bệnh nhân đợi chờ từ sáng sớm. Những gương mặt mệt mỏi, lo lắng của cả bệnh nhân lẫn người nhà đang kiên nhẫn chờ được bác sĩ gọi tên. Ngồi kế bên tôi là ông Nguyễn Văn Hưng, quê Thái Thuỵ, Thái Bình. Khăn gói đưa vợ lên Hà Nội, khi khối u ở vú trái của bà đã tăng kích thước gấp bốn, so với lần đầu phát hiện. Hỏi sao không điều trị sớm, ông rơm rớm nước mắt. “Bà ấy bảo nhiều người khuyên đừng phẫu thuật vì đụng dao kéo thì chết nhanh lắm. Lại nghe họ hàng mách dùng thuốc nam của ông lang tận Thái Bình. Rồi bỏ cả đống tiền mua Vidatox chiết xuất từ nọc bọ cạp xanh Cuba, mua Fucoidan của Nhật Bản để thúc đẩy tế bào ung thư tự chết. Nọc bọ cạp gần 6 triệu một lọ. Nano Fucoidan dạng gói thì gần 8 triệu một hộp. Xấp xỉ 200 triệu đội nón ra đi, giờ thì bác sĩ bảo ung thư đã ở giai đoạn ba, điều trị đã khó lại tốn nhiều tiền mà khả năng chữa khỏi rất thấp”.

Tại khu Ngoại E, bà Đàm Thị Hằng, 50 tuổi (Xuân Trường, Nam Định) sụt sùi chia sẻ với tôi, về hành trình chạy chữa khối u buồng trứng đầy gian nan của mình. Nhận kết quả sinh thiết cách đây nửa năm nhưng bà kiên quyết bỏ qua phác đồ điều trị mà bệnh viện đa khoa tỉnh đề xuất. Nghe một số người truyền tai phương pháp thực dưỡng Ohsawa theo quy luật cân bằng âm dương, rồi nhịn ăn để khối u không nhận được dưỡng chất sẽ tự teo đi, bà lao vào thực hiện cho tới khi lả đi vì suy nhược. Bệnh ngày một nặng, bà chuyển qua dùng Sun Ginseng của Hàn Quốc với giá 8 triệu đồng một hộp, rồi Agel UMI một hộp cũng 2,5 triệu đồng. Rồi White L - Glutathione, rồi nấm lim xanh 2,6 triệu đồng một lọ, rồi bộ sản phẩm tảo mặt trời 3,1 triệu đồng... Ai mách gì bà cũng mua, đọc trên mạng thấy quảng cáo “thần dược” gì bà cũng cố đặt hàng về cho bằng được. Tiền của trong nhà đã cạn kiệt, một mảnh đất đã bán mà bệnh tình được xác định đã bước sang giai đoạn cuối, bà đành tìm tới bệnh viện đầu ngành, may ra “còn nước còn tát”. Hỏi sao dễ tin vào những lời quảng cáo như thế, bà ngậm ngùi, “Con tôi bảo, đó đều là những trang web tin cậy. Rồi đọc công dụng loại nào cũng có dòng chữ chống lại tế bào ung thư, ngăn chặn tế bào ung thư phát triển, chống di căn. Rồi đều là những sản phẩm có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) của Bộ Y tế, sao có thể không tin cho được?”.

Hỏi một số bệnh nhân rằng, vì sao không nhờ bác sĩ chuyên khoa tư vấn trước khi sử dụng, họ đều lắc đầu. “Hỏi loại gì bác sĩ cũng đều bảo không nên dùng, vì chưa được kiểm nghiệm, vì chưa chứng minh được tác dụng, vì không có bất cứ một loại TPCN nào điều trị được ung thư. Thôi thì đành liều, người đồng bệnh mách nhau thì phải tin, sản phẩm phải có hiệu quả thì nhà sản xuất và phân phối mới dám mạnh miệng quảng cáo đến thế”.

Người bệnh phải gánh chịu mọi hậu quả

Theo Thạc sĩ, BS Phạm Tuấn Anh - Phó Trưởng khoa Điều trị A (Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều), việc bệnh nhân tự ý sử dụng các phương pháp, sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư mà không nắm được những thông tin chính xác đã gây ra nhiều tác hại khó lường cho quá trình điều trị. Trường hợp thứ nhất là các bệnh nhân vì đặt lòng tin tuyệt đối vào sản phẩm nên đã bỏ qua giai đoạn vàng trong điều trị, bệnh nặng mới tới viện thì đã muộn. Trường hợp thứ hai, vì quá kỳ vọng vào những “thần dược” được quảng cáo tràn lan nên bỏ ngang phác đồ điều trị đang tiến hành tại bệnh viện. Lượng thứ ba, rất đông thì tự ý sử dụng từ một đến nhiều loại sản phẩm cùng lúc song song với quá trình chữa trị làm tăng nguy cơ tương tác thuốc tiềm ẩn.

Cũng tại khoa Điều trị A, tôi gặp một bệnh nhân K đại tràng khá đặc biệt. Ông xin được giấu tên, vì bản thân từng là một thầy thuốc có tiếng trong lĩnh vực điều trị ung thư của Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Câu chuyện mà ông chia sẻ với tôi, vì vậy, có góc nhìn đa chiều từ cả hai phía: bệnh nhân và bác sĩ chuyên khoa. Theo ước tính của cá nhân ông, từ quan sát thực tế sau nhiều năm trực tiếp điều trị, tỷ lệ bệnh nhân ở trường hợp đầu chiếm khoảng 5% chủ yếu là người dân vùng sâu vùng xa, dân trí thấp và có mức thu nhập khiêm tốn. Nhiều hơn, chiếm khoảng 10% thuộc trường hợp thứ hai. Hầu hết bệnh nhân ung thư thuộc trường hợp thứ ba, vừa điều trị chính thống vừa âm thầm kết hợp một vài sản phẩm hỗ trợ.

Ông cũng cho hay, hậu quả nhãn tiền của việc sử dụng không đúng sản phẩm gây nguy cơ tương tác thuốc là làm tăng men gan, suy giảm chức năng thận... Nhiều trường hợp, vì thế, không thể áp dụng phương pháp hóa trị dù đó là hướng điều trị duy nhất có thể (chẳng hạn như căn bệnh ung thư hệ thống hạch). Tác dụng nâng cao sức đề kháng, cải thiện sức khỏe chưa thấy đâu, bác sĩ lại phải mất nhiều tâm sức cải thiện chức năng của các cơ quan, trước khi bắt tay vào chiến đấu với căn bệnh ung thư. Có trường hợp trong thành phần TPCN có một chất gây hóa ứng động mạch làm phát triển biểu mô của mạch máu thì sẽ gây hại rất nhiều cho quá trình điều trị chính thống.

Cũng theo vị bác sĩ giấu tên này cho biết, chỉ những bệnh nhân quen biết, họ hàng hoặc bạn bè mới tham khảo ý kiến của ông, trước khi quyết định sử dụng một loại sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư nào đó. “Về nguyên tắc, tôi không thể tư vấn không dùng bởi như thế là đi ngược với mong muốn của chính họ. Tôi chỉ cố gắng đưa ra thông tin trung thực, chính xác nhất, bằng thái độ đồng cảm và chia sẻ với nỗi đau thể xác và tinh thần mà họ đang phải chịu đựng. Quyền lựa chọn luôn thuộc về chính họ. Chỉ có điều, dù đã nhiệt tình dành rất nhiều thời gian cho khâu tư vấn này, tôi chỉ thuyết phục được khoảng 30% bệnh nhân, 70% còn lại vẫn quyết định bấu víu vào niềm hy vọng duy nhất”. Ông cũng cho hay, bệnh nhân thường luôn có xu hướng giấu nhẹm những sản phẩm mình đang sử dụng. Chỉ tới khi chúng gây ra những tác dụng phụ không thể cứu vãn mà bác sĩ điều trị dễ dàng phát hiện ra nhờ các chỉ số xét nghiệm, 15 - 20% người bệnh mới chịu khai thật. Điều này rất có hại, cho chính bệnh nhân, khi quá trình điều trị ung thư chính thống (bao gồm bốn phương pháp chính: phẫu thuật - xạ trị - hóa chất và điều trị miễn dịch) luôn lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ.

Trục lợi trên lòng tin của người bệnh là tội ác

Khách quan mà nói, các chuyên gia đều cho rằng, sản phẩm hỗ trợ - đặc biệt là TPCN không chỉ hoàn toàn gây hại. Chúng cũng có tác dụng tích cực, nếu được sử dụng để hỗ trợ điều trị đúng cách và không bị nhập nhèm thông tin là thuốc điều trị, là “thần dược”. BS Phạm Tuấn Anh phân tích, “Nếu TPCN đã được các cơ quan quản lý có thẩm quyền cấp phép thì nhìn chung có thể yên tâm về tác dụng hỗ trợ sức khỏe cũng như tính an toàn ở góc độ thực phẩm. Tuy nhiên xét trên khía cạnh y học thực chứng, không có dữ liệu nghiên cứu khoa học chắc chắn về hiệu quả điều trị ung thư của các sản phẩm này. Chúng cũng không hề có trong các khuyến cáo, hướng dẫn thực hành điều trị ung thư quy chuẩn, uy tín của quốc tế. Và vì không có bằng chứng khoa học chắc chắc về tác dụng điều trị ung thư của các sản phẩm này, do vậy sẽ rất sai lầm nếu coi đây là các phương thuốc chữa bệnh ung thư mà từ bỏ các phương pháp chính thống. Người bệnh sẽ mất cơ hội điều trị quy chuẩn và hiệu quả đã được khoa học y học kiểm chứng. Thậm chí nếu dùng những loại thuốc hỗ trợ không rõ nguồn gốc, chưa được cấp phép lưu hành thì không những không có tác dụng mà có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cũng như hiệu quả điều trị”.

Điểm mấu chốt ở đây nằm ở sự trung thực trong cung cấp thông tin cho người dùng, từ phía các nhà sản xuất - nhập khẩu - phân phối lẫn một số cơ quan truyền thông. Xin được thí dụ một số sản phẩm đang đường hoàng khoác lác, thổi phồng tác dụng trên nhiều phương tiện truyền thông. Nano Fucoidan Extract “hoạt hóa sự tự chết, ức chế khả năng nhân lên của tế bào ung thư, giúp hạn chế sự lan rộng của ung thư”. Cuma Gold có “tác dụng đối kháng và loại bỏ dần các tế bào ung thư”. Fucoidan là “thần dược dụ tế bào ung thư vào chỗ chết”. “Thần dược” nano vàng hoành tráng hơn, khi xuất hiện trên nhiều tờ báo uy tín với những cái tít “hạt nano vàng phát nổ có thể tiêu diệt tận gốc tế bào ung thư”, “đánh bật ung thư nhờ nano vàng”, “dùng vàng chữa khỏi hoàn toàn ung thư”... Sau vụ việc thuốc điều trị ung thư Vinaca giả làm từ bột than tre bị phanh phui mới đây, công luận mới giật mình khi phát hiện ra nhãn hàng này từng lọt vào Top 10 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu Việt Nam và Gương mặt doanh nhân tiêu biểu năm 2017 do chính Viện chống làm giả thuộc Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cấp giấy chứng nhận!

Người bệnh luôn có tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, rồi “còn nước còn tát”. Đối mặt với căn bệnh nan y, bệnh nhân và thân nhân đều xác định không tiếc tiền, với hy vọng kéo dài thời gian sống. Đứng trước ma trận quảng cáo, thậm chí chứng nhận chất lượng sản phẩm nhiễu loạn, thật giả khó lường này, phân định chất lượng thông tin đủ độ tin cậy đến đâu để đưa ra quyết định chính xác dường như là việc nằm ngoài khả năng của họ.

Mỗi năm Việt Nam có tới 126 nghìn ca mắc mới, 94 nghìn người tử vong vì ung thư. Sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư đều có giá trên trời, từ trên dưới triệu đồng đến 15 triệu đồng/lọ. Điều trị lâu dài, chi phí lớn, lại phải chịu nỗi đau thể xác và tinh thần kéo dài, người bệnh ung thư dường như đã ở tột cùng của sự bất hạnh. Vì thế, rất cần những biện pháp mạnh tay và quyết liệt từ nhiều phía, để bảo vệ người bệnh không rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”, từ những đơn vị và cá nhân có tham vọng trục lợi bất chấp tất cả. Bởi nói như vị thầy thuốc giấu tên kể trên, “mọi hành động trục lợi trên niềm hy vọng và lòng tin của bệnh nhân - đặc biệt là bệnh nhân ung thư đều phải coi là tội ác”.