Gian nan hành trình đỏ

Tôi đã chứng kiến đội quân bán máu chuyên nghiệp ở Bệnh viện Việt Đức, họ giống nhau ở mầu da tái và không ít người đã ngất xỉu vì “lách luật” để bán máu quá số lần quy định. Đội quân bán máu đó đã dần biến mất khi có sự xuất hiện của những người hiến máu tình nguyện. Để làm được điều đó là cả một chặng đường gian nan của nhiều thế hệ bác sĩ Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Hành trình đỏ của những người hiến máu đã đẩy lùi những mùa thiếu nguồn máu triền miên ở các bệnh viện và truyền cảm hứng cho những người mới tiếp tục chìa cánh tay của mình để trao gửi sự sống...

Lượng máu từ người hiến máu tình nguyện hiện chiếm khoảng 98% tổng số đơn vị máu thu được. Ảnh | CÔNG THẮNG
Lượng máu từ người hiến máu tình nguyện hiện chiếm khoảng 98% tổng số đơn vị máu thu được. Ảnh | CÔNG THẮNG

Một giọt máu bằng sáu bát cơm

GS,TS Nguyễn Anh Trí, Anh hùng lao động, đại biểu Quốc hội khóa XIV, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương vẫn nhớ rõ chặng đường gian nan để đưa phong trào hiến máu tình nguyện trở nên lớn mạnh như ngày hôm nay. Ông chia sẻ: “Quan niệm máu là vô giá đã ăn sâu vào tư duy người Việt Nam, ngày nhỏ chính bố tôi đã dạy tôi: “Một giọt máu bằng sáu bát cơm”. Chính vì thế, vào những thập niên 80 của thế kỷ trước kêu gọi hiến máu rất khó khăn. Nhưng thời điểm đó GS Bạch Quốc Tuyên - người thầy của tôi - Viện trưởng đầu tiên, đã khởi xướng phong trào hiến máu tình nguyện. Mặc dù vậy, do nhiều khó khăn như nhận thức của người dân về hiến máu chưa đúng, khó khăn về kinh phí, kỹ thuật... nên chưa có sự đột phá. Lúc đó, nguồn máu phụ thuộc vào những người bán máu chuyên nghiệp. Từ năm 1990, GS,TSKH Đỗ Trung Phấn - Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương hồi ấy đã thúc đẩy phong trào hiến máu tình nguyện chủ yếu nhắm vào đối tượng thanh niên. Phong trào hiến máu trong thanh niên bắt đầu được khơi dậy, các CLB thanh niên vận động hiến máu được thành lập. Kỹ thuật sàng lọc máu (Elisa) được đưa vào làm cho việc hiến máu trở nên nhanh và an toàn hơn. Đầu thế kỷ 21, nhận thức của người dân về hiến máu có sự thay đổi rõ, hiến máu đúng cách không những không có hại mà còn có lợi cho sức khỏe, chính vì thế, từ năm 2005 trở đi phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng lớn mạnh”.

Trước nhu cầu nguồn máu phục vụ cấp cứu và điều trị ngày càng trở nên cấp thiết, quyết định sự sống còn của bệnh nhân cần máu trên cả nước, ngày 26-2-2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 235/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện. Thành phần Ban chỉ đạo bao gồm: Trưởng ban là Bộ trưởng Bộ Y tế và ba Phó trưởng ban, trong đó Phó trưởng ban thường trực là Chủ tich Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, cùng với hai Phó trưởng ban là Thứ trưởng Bộ Y tế và Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Mô hình và các thành phần trong Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện thể hiện sự tham gia đầy đủ các tổ chức, bộ, ban, ngành mà chưa nước nào có được.

Ngay sau khi kiện toàn Ban chỉ đạo quốc gia, Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cấp tỉnh, huyện của 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc cũng được thành lập. Bộ Tài chính và Bộ Y tế cũng đã xây dựng thông tư liên tịch về kinh phí cho công tác tuyên truyền vận động và thu gom máu và đơn vị máu an toàn cho Ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Từ năm 2008 đến nay, phong trào hiến máu tình nguyện trong cả nước đã có những thay đổi rõ rệt, số đơn vị máu tiếp nhận tăng liên tục, năm sau cao hơn năm trước và đạt chỉ tiêu đề ra, với mức tăng trung bình hằng năm là 8,5%. Đến năm 2012 tăng gấp gần hai lần và đến năm 2017 tăng hơn gần ba lần so với năm 2008. Nếu năm 2008, cả nước vận động tiếp nhận được hơn 518.000 đơn vị máu thì năm 2017 vận động tiếp nhận được hơn 1,3 triệu đơn vị. Đồng thời, số đơn vị máu của người hiến máu tình nguyện ngày càng chiếm ưu thế, số đơn vị máu của người hiến máu lấy tiền và người nhà cho máu ngày càng giảm mạnh... Hơn 10,2 triệu đơn vị máu được tiếp nhận từ năm 2008 - 2017 đã căn bản đáp ứng nhu cầu máu phục vụ cấp cứu và điều trị người bệnh.

Gian nan hành trình đỏ ảnh 1

Lễ hội Xuân Hồng năm 2019.

Những lễ hội của lòng nhân ái

Trong những năm làm Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, GS,TS Nguyễn Anh Trí đã cùng các cộng sự tổ chức thành công nhiều chiến dịch truyền thông và sự kiện hiến máu tình nguyện như: Chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết, Lễ hội Xuân Hồng, Chủ nhật đỏ... “Mỗi giọt máu - Một tấm lòng”; “Cuộc đi bộ vì phong trào hiến máu tình nguyện”; “Hành trình Trái tim Việt Nam”... hay các chương trình: “Giọt máu nghĩa tình”; “Giọt máu yêu thương”; “Trái tim tình nguyện”. Cũng trong 10 năm qua, cả nước đã thành lập hơn ba nghìn câu lạc bộ (CLB) với 135 nghìn thành viên tham gia như: CLB hiến máu dự bị, CLB máu hiếm, CLB gia đình máu hiếm, CLB vận động hiến máu tình nguyện.

Lễ hội Xuân Hồng được tổ chức vào dịp đầu xuân để thay đổi tâm lý e ngại hiến máu vào dịp đầu năm mới. Ít ai ngờ, qua 12 kỳ lễ hội đã có hàng trăm nghìn người tham dự và hiến cả trăm nghìn đơn vị máu, cứu sống nhiều người bệnh đang chờ máu sau Tết Nguyên đán.

Ngày Valentine năm 2012, 500 đôi tình nhân thay vì những bông hồng, thỏi chocolate đã cùng hàng nghìn sinh viên, học sinh đã tham gia hiến máu tại lễ hội Xuân Hồng tổ chức ở sân vận động Mỹ Đình. Nhiều gia đình thay vì chen chúc đi lễ chùa đầu năm mới đã tới Lễ hội Xuân hồng để cùng hiến máu.

Năm 2010, anh Nguyễn Hữu Thuận được xác nhận là người hiến máu nhiều nhất Việt Nam (88 lần) tâm sự: “Ngày còn nhỏ, một lần tình cờ vào Bệnh viện Nhi đồng 2 thăm em gái bị sốt xuất huyết, tôi đã gặp một bà mẹ trên tay bế đứa con nhỏ đi xin máu nhưng không nhận được sự giúp đỡ. Đứa bé sau đó đã mất trên tay mẹ. Điều đó luôn ám ảnh tôi, nên mỗi lúc có cơ hội tôi đều hiến máu cứu người”. Có lần Thuận hiến 450 ml máu cho một người đàn ông mổ tim, người đó sống thêm được 20 năm nữa. Trung bình mỗi năm, Thuận hiến máu bốn lần, tính ra anh đã hiến 45 lít máu trong 23 năm qua. Thuận trở thành phó chủ nhiệm CLB những người hiến máu nhiều lần của TP Hồ Chí Minh và thường xuyên kêu gọi bạn bè người thân đi hiến máu. CLB này từ vài chục thành viên ban đầu nay lên tới cả nghìn người. Thuận vẫn ở nhà thuê trong con ngõ nhỏ ở TP Hồ Chí Minh, cuộc sống khó khăn nhưng anh vẫn đều đặn hiến máu. “Mình nghèo tiền nghèo bạc, chỉ có máu là giàu thôi”, Thuận cười nói.

Những năm gần đây, số người tình nguyện hiến máu không chỉ giới hạn ở thanh niên mà đã lan ra nhiều lứa tuổi khác, trong đó có không ít quan chức, doanh nhân, nghệ sĩ nổi tiếng. Điều này có sức lôi kéo rất lớn nhiều người khác đi hiến máu... Ông Mai Bá Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Hồ Chí Minh - có nhóm máu hiếm B-Rh - thường xuyên tham gia hiến máu. Có lần nửa đêm nhận được điện thoại cần máu gấp, ông cũng khẩn trương để đến bệnh viện kịp thời.

Nếu cách đây 20 năm, tỷ lệ hiến máu tình nguyện ở nước ta là 0%, nay con số ấy là 1,6% dân số - đó là một bước tiến rất dài. Năm 2018, cả nước có hơn 1,4 triệu lượt người hiến máu, đáp ứng hơn 75% nhu cầu máu cho điều trị. Vì thế, nguồn máu điều trị vẫn có những thời điểm giống như tấm chăn quá hẹp, người này ấm thì người kia lạnh.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện nhận định: Công tác hiến máu tình nguyện còn gặp các khó khăn, thách thức, đó là: nhu cầu điều trị máu và các chế phẩm từ máu của người bệnh tiếp tục tăng; công tác tuyên truyền, vận động hiến máu chưa liên tục, rộng khắp tới mọi người có tiềm năng hiến máu. Cần giải quyết những bất cập trên để đạt được mục tiêu đến năm 2020-2022 Việt Nam đạt 100% số lượng máu thu được từ người hiến máu tình nguyện và 2% dân số hiến máu.