Đường băng để “cất cánh”...

Tự chủ đại học (TCĐH) luôn được coi là xu hướng tất yếu và tinh thần này sẽ ngày càng thấm sâu vào giáo dục đại học (GDĐH). Tới đây, các trường đại học công lập (ĐHCL) tự chủ sẽ được “bảo hộ” bằng hành lang pháp lý quan trọng nhất - đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH. Việc Luật mở rộng gần như tối đa cơ chế tự chủ được kỳ vọng giúp các trường ĐHCL bứt phá về học thuật, nghiên cứu khoa học, nhân sự và tài chính. Nhưng từ câu chuyện tự chủ, tự chịu trách nhiệm này thực tiễn đã nảy sinh nhiều rào cản, mà nếu không được tháo gỡ kịp thời, triệt để, các trường sẽ không được tự chủ đúng nghĩa...

Đêm chung kết cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawai do CLB Nhà Doanh nghiệp tương lai Đại học Ngoại thương tổ chức.
Đêm chung kết cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawai do CLB Nhà Doanh nghiệp tương lai Đại học Ngoại thương tổ chức.

Trường được chọn trò - Trò được chọn trường

Nếu như trước đây GDĐH đào tạo theo kế hoạch, chương trình đào tạo theo khung định sẵn, Nhà nước định biên về cơ cấu tổ chức và đội ngũ cán bộ giảng viên, Ngân sách Nhà nước cấp toàn bộ kinh phí, còn cứng nhắc thì từ khi thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, nhiều trường ĐHCL đã được “cởi trói”. Đó cũng là đòi hỏi thực tiễn của xu thế phát triển khi hệ thống các trường đại học lớn dần lên, chiếc áo cơ chế đã trở nên chật chội. Là một trong 23 trường ĐHCL thí điểm tự chủ, ĐH Bách khoa Hà Nội đã có nhiều thay đổi tích cực về học thuật, áp dụng mô hình đào tạo đổi mới theo hướng hội nhập quốc tế, đổi mới cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý: thành lập và phân cấp quản lý cho các viện, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ tại các đơn vị; cải cách hành chính, chuẩn hóa toàn bộ hệ thống và quy trình quản lý, phù hợp tiêu chuẩn ISO 9001:2008; tăng cường hợp tác quốc tế; tối ưu hóa nguồn lực, tài chính hiện có và chú trọng lấy sinh viên là trung tâm, dân chủ lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp để điều chỉnh kịp thời, trả lương cán bộ, giảng viên gồm hai khoản (lương một tính theo bảng lương Nhà nước, lương hai tùy vào giao kết của đơn vị với trường). Theo Phó Hiệu trưởng Trần Văn Tớp, thành công bước đầu khẳng định quá trình đổi mới cơ chế hoạt động đang đi đúng hướng, xuất phát từ đổi mới quan điểm và nhận thức về TCĐH phải gắn với trách nhiệm xã hội, chất lượng đi đôi với hiệu quả.

Ngay từ ngày đầu thành lập trường năm 1993, Đại học Mở Hà Nội đã phải tự xoay sở để tự chủ chi thường xuyên nên lãnh đạo nhà trường hết sức năng động. Trường đầu tư mạnh về công nghệ (dạy học trực tuyến qua hạ tầng truyền thông, học liệu điện tử), tăng cường đào tạo từ xa để tạo điều kiện cho nhiều người ở các địa bàn, lứa tuổi theo học, giảm chi phí đào tạo và xác định chuẩn đầu ra theo từng năm. Lấy hình ảnh mua một mớ rau ở siêu thị, trích mã cốt sẽ có đầy đủ thông tin về giống, nơi trồng, quá trình sản xuất..., hiệu trưởng Trương Tiến Tùng chia sẻ “bí quyết” để ít nhất 94% sinh viên nhà trường tốt nghiệp có việc làm ngay sau sáu tháng là công khai và đổi mới chương trình đào tạo, nghiên cứu kỹ thị trường lao động để có sản phẩm “đầu ra” phù hợp, chủ động kiểm định chất lượng và tính toán thu mức học phí hợp lý. Thực tiễn minh chứng thí sinh đăng ký dự tuyển vào trường ngày càng đông, trường có được cơ sở vật chất 6 ha hoàn toàn do vốn của nhà trường quay vòng và quỹ phát triển đầu tư, đời sống cán bộ, giảng viên càng nâng cao.

Nhiều trường thực hiện tự chủ cũng có những thay đổi tích cực, chủ động dừng các ngành đào tạo không phù hợp nhu cầu người học và thị trường lao động, thay thế bằng ngành mới đáp ứng nhu cầu xã hội như ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh thêm 16 chương trình, ngành đào tạo, ĐH Tôn Đức Thắng thêm 13 chương trình, ngành đào tạo, ĐH Ngoại thương hiện có 11 ngành đào tạo, lấy các yêu cầu của thị trường quốc tế để xây dựng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo. Về lộ trình thực hiện tự chủ thời gian tới khi được phê duyệt, GS, TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho biết, trong bối cảnh hội nhập, mặc dù là trường có thương hiệu nhưng vẫn phải xây dựng những chương trình tiên tiến đạt chuẩn quốc tế để sản phẩm “đầu ra” được cả trong nước và quốc tế chấp nhận, thậm chí thu hút cả người nước ngoài đến học, đồng thời tích cực triển khai nghiên cứu khoa học, thành lập doanh nghiệp chuyển giao công nghệ, đầu tư phát triển bệnh viện đại học Y, tăng cường đào tạo theo địa chỉ để có thêm nguồn thu, hỗ trợ lại kinh phí đào tạo.

Không ít rào cản

Bên cạnh thuận lợi vẫn còn không ít rào cản mà trước hết là xuất phát từ nhận thức. Câu hỏi thường trực của đội ngũ cán bộ, giảng viên nhiều trường là đời sống chúng tôi có khá lên không? Nhà nước cắt ngân sách thì lấy nguồn thu nào bù vào? Từ trước đến nay trường vẫn được bao cấp ngân sách, việc gì phải rời “bầu sữa” để tự chủ? Đích thân lãnh đạo ĐH Bách khoa đã kiên trì “phủ sóng” tuyên truyền, giải thích trong các hội nghị, cuộc họp để mọi người hiểu rõ ưu việt của tự chủ, chia sẻ, ủng hộ chủ trương và cam kết thu nhập không giảm. Thách thức đã hiển hiện trước mắt: ngân sách Nhà nước hằng năm vẫn cấp khoảng 120 tỷ đồng, tổng các khoản thu bù đắp mới được 40 tỷ, vậy còn 80 tỷ lấy ở đâu? Trong khi đó, thu học phí thấp không đủ bù chi, không thu hút được thầy giỏi, được phép tăng nhưng lại không được vượt trần, mà thu quá cao lại khó tuyển sinh. Trường buộc phải tính toán tiết kiệm, tiết giảm từ những cái nhỏ nhất: khoán chi phí điện, nước, giải quyết dần đội ngũ bảo vệ, lao công, tạp vụ 200 người bằng cách không tuyển thêm mà chuyển hướng thuê dịch vụ...Đào tạo kỹ thuật rất tốn kém, sinh viên không thể học chay, nếu Nhà nước không tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu khoa học và trang thiết bị hiện đại, các trường khó có thể bươn chải. “Tương tự nhà có con lớn cho ra ở riêng, bố mẹ không chỉ cho nhà mà vẫn phải hỗ trợ thêm để kiếm kế sinh nhai mới có thể trưởng thành vững vàng”, TS Trần Văn Tớp bộc bạch.

Đường băng để “cất cánh”... ảnh 1

Sinh viên Đại học Mở Hà Nội trên giảng đường. Ảnh | ANH ĐỨC

Rồi câu chuyện mua sắm trang thiết bị, góp vốn, liên doanh liên kết đầu tư để phát triển đào tạo khoa học công nghệ ra sao cũng không dễ dàng. Nhiều trường phản ánh, quy định đã có nhưng đôi khi ranh giới đúng sai chưa rõ ràng nên gặp nhiều vướng mắc phát sinh, khó thực thi. ĐH Bách khoa muốn vay vốn ngân hàng để xây tòa nhà bảy tầng nhưng vướng tài sản thế chấp bảo đảm nên không thể vay và đương nhiên không được hưởng hỗ trợ lãi suất. ĐH Ngoại thương vẫn phải sử dụng nhiều xe ô-tô cũ bởi vướng mắc về thủ tục phê duyệt khi trình cơ quan chức năng... TS Trương Tiến Tùng băn khoăn, trường chi theo cơ chế thị trường nhưng mức thu bị áp trần học phí, đội ngũ vẫn phụ thuộc định biên trong khi quỹ lương trường tự lo, cách trả lương theo ngạch bậc do Bộ Nội vụ quy định hạn chế mức phấn đấu trong khi tự chủ đòi hỏi họ cống hiến, sáng tạo hết mình, một số nội dung thị trường có nhu cầu nhưng lại chưa có trong mã ngành đào tạo Bộ GD&ĐT cho phép (chẳng hạn như tâm lý rô-bốt) mà tiên phong đào tạo thì rất khó.

Phân tích của PGS, TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông và lãnh đạo một số trường cũng cho thấy vướng mắc căn bản nhất khi thực hiện TCĐH là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ, nhiều quy định “cởi trói” không thể vượt qua các luật hiện hành như Luật Khoa học công nghệ, Luật Đầu tư công, Luật Viên chức... Tự chủ chưa gắn với đổi mới quản trị đại học nên sử dụng nguồn lực còn kém, hiệu quả và chất lượng đào tạo chưa nâng cao, quyết toán kinh phí nghiên cứu khoa học theo Luật Ngân sách Nhà nước còn rất phức tạp. Bày tỏ những thành công từ khi tự chủ, bộ máy lãnh đạo được quyết định nhiều hơn trong kiến tạo nhà trường, mảng liên kết quốc tế trong đào tạo gặt hái nhiều thành công nhưng PGS, TS Nguyễn Văn Trào, Hiệu trưởng ĐH Hà Nội cũng bày tỏ quan ngại: “Trong khi tự chủ nguồn chi khá ổn thì tự chủ nguồn thu của trường gặp khó khăn. Muốn làm dịch vụ thì phải hài lòng đối tượng sử dụng dịch vụ, phải đầu tư cơ sở vật chất, con người và vận hành tốt, phải có cơ chế thỏa đáng để lấy thu bù chi. Điều này thì nhiều trường chưa làm được”. Nhiều hạn chế, vướng mắc cũng đã bộc lộ khi thực hiện TCĐH như trường mở chuyên ngành chưa bảo đảm các yêu cầu theo quy định, chưa thực hiện thẩm định chương trình đào tạo (trước khi tuyển sinh), lơ là tiêu chí về diện tích sàn xây dựng và tiêu chí sinh viên, giảng viên, hoặc tuyển sinh vượt chỉ tiêu.

Được tự chủ nhưng không bị “bó buộc”, đó là nguyện vọng của nhiều trường đại học. Tự chủ chỉ đúng nghĩa khi các hành lang pháp lý đồng bộ, nhất quán và thông thoáng, nhưng theo một số Hiệu trưởng, hiện TCĐH mới chỉ được điều chỉnh bằng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH là chưa đủ. Hiện Bộ GD&ĐT đã hoàn thành dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật nói trên để xin ý kiến rộng rãi trước khi trình Chính phủ. Theo tinh thần của dự thảo Nghị định, các trường gần như được “tự chủ tối đa”, tuy nhiên rất cần một cơ chế giám sát đủ mạnh để các trường không chỉ “hưởng quyền” mà còn phải có nghĩa vụ với người học và xã hội.