Đối diện nguy cơ về dân số

Tỷ lệ sinh ở các viện phụ sản trong nước đang giảm, tốc độ già hóa dân số nhanh khiến các trại dưỡng lão quá tải, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ chưa giàu đã già, lại nợ đầm đìa...

 Tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam rất nhanh.
Tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam rất nhanh.

Tỷ lệ sinh giảm, người già tăng nhanh

Vợ chồng bà Dương Thị Lý ở xã Long Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An đã gần 70 tuổi nhưng vẫn phải làm công việc đồng áng nặng nhọc. Làm cỏ, bỏ phân, gặt lúa, cấy hái, hai ông bà phải nai lưng ra dù cặp vợ chồng này sinh được bốn người con trai. Nhưng họ đều đang đi làm thuê ở phía nam, cũng chỉ làm phụ hồ, công nhân chế biến thủy sản, thợ sơn. Đôi vợ chồng già mà vẫn cơ cực đã đành, nhưng cả bốn người con đều đang bước qua sườn dốc cuộc đời mà cuộc sống vẫn vô cùng khó khăn.

Cũng giống như bố mẹ họ, bốn người con bà Lý đang đối diện với nỗi sợ về già không lo nổi cho bản thân vì họ không có bảo hiểm xã hội để được nhận lương, không có bảo hiểm y tế để chi trả lúc ốm đau. Ở xã Long Thành có rất nhiều cảnh ngộ giống như gia đình bà Lý, hầu hết lao động chính đều đi làm thuê nơi đất khách, để lại những xóm làng, chỉ còn lại trẻ em và ông bà già. Nhìn rộng ra, trên cả nước, tình trạng trên khá phổ biến mà các chuyên gia dân số gọi là nguy cơ "chưa giàu đã già". Điều đáng nói là nguy cơ ấy sẽ ngày càng cận kề vào thời điểm Việt Nam đang trong thời kỳ đỉnh cao của dân số vàng.

Bà Tô Thị Kim Hoa, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ TP Hồ Chí Minh, cho biết: Năm 2013, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh nở tại TP Hồ Chí Minh là 1,48 con. Trong khi đó, thống kê năm 2015 cho thấy số con trung bình giảm xuống chỉ còn 1,45 con. So với tỷ lệ sinh trung bình trên cả nước là 2,1 con thì TP Hồ Chí Minh đang là địa phương có mức sinh thấp nhất. Thực tế mức sinh ở TP Hồ Chí Minh liên tục giảm trong 10 năm qua. Các địa phương có tỷ lệ sinh cao hầu hết tập trung ở khu vực trung du và miền núi phía bắc, trung bình 2,5 con trên một phụ nữ trong tuổi sinh đẻ. Ở các tỉnh Đông Nam Bộ, tỷ lệ sinh khoảng 1,56 con và ở đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng 1,84 con trên một phụ nữ ở tuổi sinh sản.

Tỷ lệ sinh có dấu hiệu ngày càng giảm ở TP Hồ Chí Minh khiến chính quyền thành phố lo ngại xảy ra tình trạng già hóa dân số và thiếu hụt lao động trong tương lai. Tại kỳ họp thứ 5 Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh khóa IX, sáng 4-7, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị phải triển khai nhiều biện pháp khuyến khích một phụ nữ sinh hai con, nhằm tăng tỷ suất sinh bảo đảm nguồn lao động cho thành phố. "Phải kéo tỷ suất sinh đang duy trì chín năm qua lên, nếu không sẽ mất lực lượng lao động. Những cặp vợ chồng nếu đã có hai con thì mới nên triệt sản. Đẻ vì đất nước, vì thành phố", Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Ở Bệnh viện phụ sản Hà Nội, lại thể hiện một thực tế đáng lo ngại khác của bức tranh dân số. Một bác có thâm niên đỡ đẻ 10 năm ở đây cho hay, tỷ lệ bé trai chào đời luôn cao hơn bé gái. Thậm chí có những thời điểm 10 trẻ chào đời thì đã có tới 7 đến 8 bé trai.

Theo kết quả thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình 6 tháng đầu năm 2017 của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh trên địa bàn vẫn ở mức cao hơn trung bình của cả nước. Cụ thể, tỷ lệ giới tính khi sinh của Hà Nội là 114 trẻ trai/100 trẻ gái, trong khi bình quân cả nước là 112,7 trẻ trai/100 trẻ gái. Tổng số sinh trên toàn thành phố tính đến hết quý II-2017 là 46.965 trẻ (tăng 510 trẻ so với cùng kỳ năm 2016), trong đó tỷ lệ sinh con thứ ba cũng tăng và đa số là trẻ trai. Những huyện có tỷ lệ sinh con thứ ba tăng cũng chính là địa bàn có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh ở mức cao nhất. Đây là một trong những nguyên nhân khiến vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh "nóng" trở lại.

Tỷ lệ sinh giảm và số người cao tuổi ngày càng nhiều hơn, thực tế đó có thể nhìn thấy ở các viện dưỡng lão. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Nhân Ái - nơi đang kinh doanh dịch vụ trại dưỡng lão chia sẻ: "Người già vào viện dưỡng lão ngày càng nhiều, năm sau cao hơn năm trước và với tốc độ già hóa dân số nhanh như hiện nay, theo dự đoán của tôi, các trại dưỡng lão sẽ quá tải". Cụ bà Nguyễn Thị Ngân ở Trung tâm này cho biết: "Tôi sống ở trại dưỡng lão đã ba năm nay, lúc đầu cũng chỉ có một ít các bạn già, nhưng bây giờ thì các cụ vào đây đông lắm". Ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các trung tâm dưỡng lão có giá từ 7 triệu đồng/tháng đang hút khách.

Theo Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), một trong những đặc điểm nổi bật của dân số Việt Nam hiện nay là mức sinh giảm, làm cho tỷ lệ dân số dưới 15 tuổi của Việt Nam giảm từ 42% vào năm 1979 xuống còn 25% vào năm 2015. Ngược lại, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động (15-64) tăng từ 53% lên 68,4%. Hiện nay với khoảng 63 triệu người trong độ tuổi lao động - nền tảng cơ hội vàng cho Việt Nam có thể thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên cơ hội vàng ấy đang qua rất nhanh. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam cho hay, nước ta đang nhanh chóng trở thành một nước có dân số già. Nếu trong năm 2010, cứ 11 người Việt Nam có một người cao tuổi, thì đến năm 2030 cứ sáu người Việt Nam sẽ có một người cao tuổi. Nếu tiếp tục như vậy, sau 50 năm nữa, cứ bốn người Việt Nam sẽ có một người cao tuổi, và nếu chính sách dân số không có gì thay đổi, chỉ 20 năm tới kể từ ngày hôm nay, số người trẻ và người già của Việt Nam sẽ bằng nhau. Trong khi đó, nếu như các nước trên thế giới phải trải qua nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ, thì Việt Nam chỉ mất khoảng 15 năm để chuyển từ giai đoạn dân số trẻ sang giai đoạn dân số già.

Dân số già, thu nhập thấp

Theo một báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố vào đầu tháng 5 vừa qua, Việt Nam nằm trong danh sách các nước châu Á có nguy cơ "già trước khi giàu" - hiện tượng một quốc gia không đạt được ngưỡng thu nhập cao trước khi dân số bị già hóa.

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn - giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright phân tích: Năm 2013, Việt Nam ở cùng nhóm thu nhập với các nước như Lào, Campuchia, Ấn Độ, Philippines, Indonesia, tức các nước thuộc nhóm thu nhập trung bình từ 3.000-5.000 đô-la Mỹ (tính theo ngang bằng sức mua PPP). Tuy nhiên, trong số nhóm nước này thì Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số già cao nhất, khoảng 7% dân số trên 65 tuổi, trong khi Lào và Philippines chỉ là 4%; Campuchia, Indonesia, Ấn Độ chỉ 5%. Trong số các nước này thì có lẽ chỉ trừ Ấn Độ, còn lại thì Việt Nam đều có tỷ lệ nợ công trên GDP cao hơn.

Khi giai đoạn dân số vàng chấm dứt, thu nhập đầu người (tính theo giá cố định năm 2005) của Nhật là 30.000 USD, Hàn Quốc là 20.000 còn Thái-lan và Trung Quốc chỉ có độ 4.000 USD. Nhật và Hàn Quốc phát triển nhanh trong giai đoạn dân số vàng nên khi bước vào giai đoạn dân số lão hóa họ đã giàu. Trung Quốc và Thái-lan mới trung lưu thì đã sắp già. Họ phải cố gắng vượt bậc trong giai đoạn sau mới giải quyết được các vấn đề trong một xã hội lão hóa. Còn Việt Nam? GDP đầu người năm 2013 mới độ 1.900 USD (nếu tính theo giá cố định năm 2005 thì chỉ độ 1.000 USD). Từ mức cơ bản rất thấp này, khi hết giai đoạn dân số vàng, thu nhập đầu người sẽ là bao nhiêu?

Theo giáo sư Trần Văn Thọ - Đại học Waseda Nhật Bản, nếu chọn năm 2020 làm mốc đánh dấu chấm dứt giai đoạn dân số vàng và thử đưa ra các kịch bản phát triển, ta thấy dù trong kịch bản tốt (từ nay đến năm 2020 thu nhập đầu người phát triển trung bình mỗi năm 7%, tức kinh tế phát triển độ 8%), GDP đầu người theo giá 2005 vào năm 2020 chỉ có 1.600 USD. Nếu dời mốc đến năm 2025 chẳng hạn, con số đó cũng chỉ tăng lên được độ 2.000 USD, bằng 1/2 mức tương đương của Trung Quốc và Thái-lan, bằng 1/10 của Hàn Quốc và 1/15 của Nhật Bản.

Phân tích ở trên cho thấy Việt Nam rất khó tránh khỏi nguy cơ chưa giàu đã già với rất nhiều thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất là thay đổi cơ cấu lao động. Tỷ lệ người ở độ tuổi lao động cao (từ 45 đến dưới 60 tuổi) sẽ tăng lên và tỷ lệ dân số gia nhập thị trường lao động sẽ có xu hướng giảm đi. Và như vậy, để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho nền kinh tế, cũng như nhiều nước phát triển, chúng ta phải sử dụng lao động già hơn (đồng nghĩa với việc tăng tuổi nghỉ hưu). Nhìn ở góc độ kinh tế thì già hóa dân số và dân số già có ảnh hưởng kép đến nền kinh tế của quốc gia và toàn cầu.