Doanh nghiệp phải tham gia sâu vào chuỗi giá trị

Việt Nam có năng lực sản xuất nông sản phong phú và đa dạng, tiềm năng xuất khẩu cao và mang lại nguồn thu lớn cho đất nước. Tuy vậy, làm thế nào để phát huy được thế mạnh xuất khẩu, khai thông những điểm nghẽn nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường quốc tế... Các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia và doanh nghiệp đề xuất nhiều giải pháp thiết thực.

 Bảo quản vải thiều bằng công nghệ CAS (bảo quản nông sản, thực phẩm đông lạnh nhanh). Ảnh: Bắc Đoàn
Bảo quản vải thiều bằng công nghệ CAS (bảo quản nông sản, thực phẩm đông lạnh nhanh). Ảnh: Bắc Đoàn

Ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản: "Muốn chế biến tốt phải có công nghệ hiện đại và sự vào cuộc đồng bộ của các thành phần kinh tế"

Xuất khẩu tạo ra giá trị thặng dư lớn cho nông sản nhưng muốn xuất khẩu được phải đáp ứng các tiêu chuẩn, đòi hỏi của thị trường. Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã nỗ lực phối hợp các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp khác tổ chức sản xuất theo chuỗi hàng hóa, tập trung đột phá vào khâu chế biến và tổ chức lại thị trường nông sản.

Trong đó, quan trọng nhất là tập trung vào liên kết sản xuất - chế biến để nâng cao khả năng cung cấp nguyên liệu cho chế biến, bảo đảm đủ về số lượng, chất lượng, giá cả hợp lý và ổn định. Muốn khâu chế biến tốt, phải chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, hiện đại hóa trang thiết bị để đa dạng hóa sản phẩm, có giá trị gia tăng cao, giá thành hợp lý, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Chẳng hạn ngoài quả tươi, còn có thể làm hoa quả sấy khô, đóng hộp hay nước quả cô đặc... được nhiều thị trường nước ngoài ưa chuộng. Đối với những loại hoa quả ngắn ngày thì tập trung vào công tác sơ chế, bảo quản. Hiện đã có nhiều ứng dụng công nghệ sinh học để bảo quản hoa quả tươi, kéo dài thời gian sử dụng, nhằm đi được những thị trường quốc tế có khoảng cách xa về địa lý. Ngoài ra để chế phẩm thêm hấp dẫn cũng cần chú trọng vào khâu đóng gói, mẫu mã bao bì sản phẩm sao cho bắt mắt. Muốn vậy cần nâng cao năng lực dịch vụ ngành nghề nông thôn, phát huy sáng kiến, sức sáng tạo của bà con, các địa phương để ứng dụng vào thực tế tại địa phương mình. Cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp ở mọi thành phần kinh tế, tận dụng triệt để tiềm năng lợi thế của nông nghiệp và những chính sách của thu hút đầu tư vào nông nghiệp với những ưu đãi về vốn, đất đai... tạo được bước chuyển về nhận thức trong đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân và bà con nông dân. Mặt khác, cũng cần nâng cao chất lượng của đội ngũ nhân lực cho các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp thực phẩm, công nghệ sinh học... đang rất cần thiết đáp ứng nhu cầu hội nhập của ngành.

Về chính sách thị trường, tiếp tục đổi mới công tác quảng bá xúc tiến thương mại theo chuỗi để đưa nông sản tới tận tay người tiêu dùng, điều này cần sự vào cuộc của nhiều bộ ngành cả Nông nghiệp, Công thương, Ngoại giao, Văn hóa, Du lịch, đặc biệt là tại các địa phương... Đại sứ quán, các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài phát huy vai trò là cầu nối để mở rộng thị trường xuất khẩu. Thông tin thị trường cần xuyên suốt để các DN trong nước bắt nhịp được với các đòi hỏi của thị trường khi có sự thay đổi. Cuối cùng, truy xuất nguồn gốc xuất xứ nông sản cho biết toàn bộ quy trình từ khâu sản xuất đến khâu thu hoạch, đóng gói... là con đường tất yếu để mở rộng thị trường xuất khẩu, vì nhờ đó nông sản được bảo đảm chất lượng, tăng niềm tin trong người tiêu dùng quốc tế.

Doanh nghiệp phải tham gia sâu vào chuỗi giá trị ảnh 1

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương): "Xây dựng thương hiệu chung cho ngành thực phẩm"

Đây là một giải pháp hết sức quan trọng, mang tính thực tế khách quan và là sự lựa chọn hiệu quả nhất. Xuất phát từ thực tiễn trên cùng với nhu cầu của các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức xúc tiến thương mại và các DN về việc xây dựng một hình ảnh chung, thống nhất cho ngành thực phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế, Bộ Công thương, đầu mối là Cục Xúc tiến thương mại, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan và Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu đã khởi động việc nghiên cứu từ năm 2015. Đến nay, Chương trình đã cơ bản hoàn thiện quá trình nghiên cứu và đề xuất phương án định vị thương hiệu, cấu trúc thương hiệu, thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu cho ngành thực phẩm Việt Nam và xây dựng Đề án phát triển thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Giai đoạn 2018-2020, Chương trình sẽ thực hiện các chiến dịch truyền thông, quảng bá hình ảnh ngành hàng thực phẩm Việt Nam và các phân ngành thực phẩm thông qua các kênh truyền thông và các sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; qua đó thúc đẩy ngành thực phẩm Việt Nam phát triển hiệu quả, bền vững, đóng góp lớn cho sự phát triển chung của nền kinh tế xã hội, đưa Việt Nam trở thành một trung tâm kinh doanh khu vực của ngành thực phẩm quốc tế, tạo môi trường thuận lợi ươm mầm cho các dự án sản xuất, kinh doanh thực phẩm của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, Chương trình cũng tập trung nghiên cứu, xây dựng hệ thống tiêu chí để lựa chọn các DN có sản phẩm đủ điều kiện tham gia nhằm tập trung hỗ trợ một cách có hiệu quả.

Doanh nghiệp phải tham gia sâu vào chuỗi giá trị ảnh 2

TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam: "Xuất khẩu nông sản phải hướng đến thị trường cao cấp"

Về xuất khẩu gạo, chúng ta đã chuyển đổi cơ cấu sang sử dụng giống lúa chất lượng cao với quá trình khá nhanh và quyết liệt. Nhờ vậy gạo Việt Nam có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, có những thời điểm giá gạo của ta cao hơn giá gạo của Thái, đó là tín hiệu tốt. Tuy nhiên, trong tương lai ta cần có gạo chất lượng cao hơn hẳn để vào được những thị trường cao cấp. Muốn vậy cần thay đổi Nghị định 109 về xuất khẩu gạo, tạo điều kiện cho các DN nhỏ với các loại gạo đặc sản chất lượng đặc biệt, và như thế mới tạo nên thương hiệu gạo Việt.

Ngành rau quả có tiềm năng xuất khẩu lớn, tất cả các vùng đều có cây đặc sản có thể xuất khẩu được. Chúng ta có những hoa quả rất ngon như xoài cát, vải thiều, chuối tiêu hồng... ít nước nào bằng, nhưng chất lượng cuối cùng chưa cao. Đó là bởi thiếu một tầm nhìn chiến lược về phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tập trung quá nhiều vào sản xuất tươi sống mà ít quan tâm đến công nghệ sau thu hoạch và chế biến. Để thúc đẩy nông sản xuất khẩu, cần đầu tư mạnh vào công nghệ sau thu hoạch để đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, tạo sân chơi cho các DN tư nhân tham gia với các chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước. Chẳng hạn, vùng vải thiều ở Bắc Giang hiện chỉ có hai, ba DN đầu tư được dây chuyền chế biến và xử lý đạt tiêu chuẩn, trong khi đó mỗi thị trường lại có một yêu cầu quy chuẩn chất lượng khác biệt. Đòi hỏi đặt ra là phải nhập dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới nhưng DN gặp rất nhiều khó khăn vì đa phần quy mô nhỏ, vốn ít. Phát triển mạnh các hợp tác xã lớn hơn và chuyên nghiệp hơn để giảm chi phí và hoạt động hiệu quả, kết nối chặt chẽ giữa các hợp tác xã sản xuất với các DN chế biến là hướng đi khả quan.

Cần thúc đẩy nghiên cứu thị trường hoa quả của các nước trong khu vực và các tiêu chuẩn của họ để thấy trước xu thế và tư vấn cho nông dân. Phải tìm hiểu kỹ thị trường trước khi xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, không bao giờ phụ thuộc vào một người mua. Mạnh dạn đầu tư nâng cao chất lượng nông sản để xuất khẩu vào các thị trường cao cấp phải là mục tiêu chiến lược, còn chỉ nhăm nhăm bán giá rẻ là sai lầm vì thị trường cấp thấp không ổn định và về lâu dài sẽ giảm dần. Cũng cần nghiên cứu rõ vấn đề thời vụ để có chiến lược xem lúc nào xuất khẩu thì phù hợp và được giá, vì Trung Quốc và các nước trong khu vực cũng có nhiều loại nông sản tương tự.

Hầu hết nông sản Việt xuất khẩu là hàng tươi sống như thủy sản, rau quả vì vậy đầu tư công nghệ lạnh là cấp thiết. Công nghệ lạnh đòi hỏi chuỗi giá trị lạnh, phải đồng bộ từ kho lạnh từ vùng sản xuất cho đến xe tải lạnh, kho lạnh ở cảng... Rõ ràng hệ thống logistics lạnh chuyên phục vụ nông sản còn yếu và thiếu. Đây là mảnh đất màu mỡ cho DN và hiện một số DN nước ngoài đang rất quan tâm đến lĩnh vực này.

Doanh nghiệp phải tham gia sâu vào chuỗi giá trị ảnh 3

Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam (VITAS) Nguyễn Hữu Tài: "Tập trung vào chất lượng để nâng cao giá trị chè xuất khẩu"

Doanh nghiệp phải tham gia sâu vào chuỗi giá trị ảnh 4

Việt Nam là nước sản xuất chè lớn thứ bảy và xuất khẩu chè lớn thứ năm toàn cầu, với 124 nghìn ha diện tích trồng chè và hơn 500 cơ sở sản xuất, chế biến chè với công suất đạt hơn 500 nghìn tấn chè khô/năm. Tuy nhiên, chè Việt Nam hiện mới chỉ được xuất khẩu chủ yếu dưới dạng nguyên liệu, thương hiệu vẫn còn hạn chế và chủ yếu xuất sang Trung Đông, Đài Loan (Trung Quốc) và Nga. Do chủ yếu xuất thô nên giá chè của Việt Nam bình quân hiện chỉ đạt khoảng 1,5 USD/kg, trong khi đó giá chè cao cấp của Srilanka ở mức năm USD/kg, giá chè của Ấn Độ là bốn USD/kg, giá chè đen truyền thống của Kenya là 3,5 USD/kg. Có thể thấy giá trị gia tăng của sản phẩm chè Việt quá thấp so với các nước cùng xuất khẩu. Muốn nâng cao giá xuất khẩu phải tập trung nâng cao chất lượng chè và định hướng xuất khẩu vào những thị trường cao cấp. Hiện đã có một số DN sản xuất bắt đầu sản xuất chè bền vững đạt các chứng nhận quốc tế như Organic, Rainforest Alliance, Fairtrade... và từng bước tiếp cận các thị trường có giá trị gia tăng cao như Mỹ, Nhật và EU nhưng con số này còn ít và hiệu quả rất khiêm tốn. Nguyên nhân là do việc quy hoạch vùng nguyên liệu chè gắn với cơ sở chế biến ở nước ta chưa được thực hiện nghiêm, dẫn đến việc đẩy mạnh liên kết, sản xuất theo chuỗi rất khó thực hiện. Khi không có vùng quy hoạch, liên kết chuỗi thì ắt kéo theo khó khăn trong áp dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Vấn đề chất lượng chè, vệ sinh an toàn thực phẩm vì thế cũng không được kiểm soát đồng bộ nên không thể đáp ứng được yêu cầu cao của những thị trường khó tính.

Thay đổi thực trạng này là thách thức lớn đối với mỗi công ty sản xuất và xuất khẩu cũng như cả ngành chè Việt Nam. Bởi lẽ, khách hàng thế giới lâu nay thường mặc định về ngành hàng chè Việt Nam là khả năng cung cấp khối lượng lớn, giá rẻ chứ không phải là chất lượng cao. Chính vì vậy, Hiệp hội Chè Việt Nam cũng luôn khuyến cáo các DN phải tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị thông qua tìm hiểu thị hiếu và xu hướng tiêu dùng của từng thị trường để tạo ra những sản phẩm hoàn thiện, phù hợp với thị trường đó chứ không chỉ là xuất nguyên liệu. Điều này sẽ đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, nhưng nếu muốn tăng giá trị cho sản phẩm, định danh được thương hiệu thì DN không thể không làm.

Doanh nghiệp phải tham gia sâu vào chuỗi giá trị ảnh 5