Căng thẳng cuộc đua "chạy" trường, chọn lớp

Với các phụ huynh (PH) có con vào học đầu cấp, nhất là ở các thành phố lớn, chọn trường nào, thầy cô giáo nào dạy luôn là mối quan tâm hàng đầu. Tuyển sinh đầu cấp năm nay nóng hơn nhiều bởi lứa học sinh (HS) sinh năm đẹp "rồng vàng", "lợn vàng", "dê vàng" tăng đột biến và phương thức tuyển sinh ở nhiều trường thay đổi. Cạnh tranh càng khốc liệt gắn liền với tâm lý thấp thỏm, lo âu.

Các thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT năm học 2018 -2019 chuẩn bị làm bài thi môn Ngữ văn tại điểm thi trường THPT Yên Hòa (Hà Nội). Ảnh: Thủy Nguyên
Các thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT năm học 2018 -2019 chuẩn bị làm bài thi môn Ngữ văn tại điểm thi trường THPT Yên Hòa (Hà Nội). Ảnh: Thủy Nguyên

Tìm "cửa" vào trường "hot"

Kết thúc năm học 2017-2018, cả nước có hơn 1,88 triệu trẻ sáu tuổi vào lớp một, hơn 1,54 triệu HS vào lớp 6 và hơn 1,26 triệu HS lớp 9 thi tuyển vào lớp 10 hoặc phân luồng học nghề, lao động sản xuất. Nếu ở nông thôn, miền núi, tuyển sinh đầu cấp gặp khó khăn, vất vả do cha mẹ chưa quan tâm nhiều đến chuyện học của con, thì ngược lại ở thành phố, cuộc đua vào trường điểm, trường chất lượng cao luôn căng thẳng.

Lo lắng là tâm lý thường thấy của PH. Chị Lê Hồng Huệ ở Khương Mai (Hà Nội) có hai con vào lớp 10 và lớp 6 thì nỗi lo gấp bội. Cấp 1 chị cho hai con học gần nhà, nhưng lên cấp 2 chọn học trường tư chất lượng cao với mong muốn tạo bước đệm thi đỗ trường công cấp ba, vốn tỷ lệ chọi căng không kém thi đại học. "Bé út dự tuyển không đỗ còn về học đúng tuyến chứ cô chị hôm trước thi chuyên Sư phạm Ngoại ngữ cả nhà căng như dây đàn vì quá đông thí sinh. Thi xong lại thấp thỏm chờ kết quả, chỉ khi báo đỗ mới thở phào nhẹ nhõm", chị Huệ trải lòng.

Ngay khi kết thúc học kỳ một, nhiều PH đã đôn đáo tìm "cửa" lo trường cho con. Không yên tâm về chất lượng trường gần nhà, chị Phương ở phường Vĩnh Tuy (Hà Nội) cả tháng ngược xuôi chạy vạy xin cho con học ở một trường tiểu học tại quận Hoàn Kiếm. "Không biết tuổi rồng vàng có làm nên trò trống gì không mà xin học đến mệt. May mà chạy đúng cửa nên chỉ mất vài triệu cảm ơn. Nếu trường linh hoạt, tạo điều kiện nhận thêm HS có bố mẹ làm ở các cơ quan đóng trên địa bàn thì chúng tôi cũng bớt cực", chị Phương thở dài. Còn anh Long mặc dù nhà ngay gần Trường THCS Cát Linh nhưng vẫn tìm mối xin cho con vào học tại Trường THCS Chu Văn An, ít hôm sau lại đổi ý chuyển sang THCS Giảng Võ vì nghe mọi người nói là "xịn" hơn.

Với không ít người, lo cho con ăn học còn hơn lo kế sinh nhai nên không ngại đầu tư tốn kém. Tâm lý nôn nóng, sợ chậm chân con không vào được trường tốt nên có PH sẵn sàng chi phí "đặt chỗ" bởi "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn", có người lo xa nhờ cậy người quen, người thân cho nhập khẩu để đủ tiêu chuẩn nhập học đúng tuyến ở trường đã chọn, PH ở quê lên thành phố tìm cách nhờ vả, "lót tay" để có được giấy tạm trú hoặc chuyển hộ khẩu lên Hà Nội xin học cho con. "Con gà tức nhau tiếng gáy", nhiều PH nhà có điều kiện thậm chí còn chọn cả thầy, cô giáo chủ nhiệm.

Người nọ rỉ tai người kia và cứ thế câu chuyện "chạy" trường này tốn thế nào, vào trường kia mất bao nhiêu cứ âm ỉ, len lỏi và "giá cả" leo thang theo những lời đồn thổi về độ "hot" của trường, giai đoạn nước rút càng nóng. Theo tính toán của nhiều PH thì lớp 1 cũng phải "chạy", đầu xuôi, đuôi mới lọt, thà tốn một cục "chạy" vào trường THCS công lập chất lượng cao còn rẻ hơn tiền đóng học bốn năm ở trường dân lập. Cứ thế, tiêu cực chọn lớp, "chạy" trường không còn là chuyện vặt, bởi tiền lo lót, "cảm ơn" có khi lên đến cả nghìn đô, đương nhiên "cò" và cả những người có quyền quyết định tuyển sinh hưởng lợi. Chưa kể, nhiều trường chuyên, trường "hot" mỗi kỳ tuyển sinh có cả nghìn thí sinh tham dự, nguồn thu lệ phí thi không hề nhỏ.

Nóng vì những quy định mới

Đối với HS dự thi vào lớp 10 thì việc ôn tập, luyện thi cũng nở rộ trong bối cảnh cách thức thi và đề thi liên tục thay đổi, chưa kể tác động do chính sách phân luồng ở phần lớn các địa phương, chỉ tiêu vào học THPT chiếm khoảng 70%-80% tổng số HS tốt nghiệp THCS, còn lại khoảng 20%-30% học nghề nhưng HS và PH chẳng mấy mặn mà.

Số HS tăng do nhập cư và ảnh hưởng năm sinh "vàng" khiến độ cạnh tranh suất học lớp 10 trường công năm nay tại TP Hồ Chí Minh thêm phần khốc liệt. Hơn 18 nghìn HS không vào được lớp 10 công lập, tỷ lệ chọi của đa số trường THPT công lập đều tăng đột biến, ngay cả trường vùng ven cũng cao không kém. Nóng nhất là ở Hà Nội, gần 30 nghìn HS chắc chắn trượt trường công và một thí sinh phải đấu với hơn chục bạn mới giành được suất học ở một số trường chuyên. Nhiều PH còn lo xa hơn, sang năm con mới thi vào lớp 10 nhưng giờ đã rục rịch tìm lớp học thêm, ôn luyện để làm quen dần với phương thức thi tổ hợp.

Cạnh tranh căng thẳng khiến nhiều PH lo đến "mất ăn, mất ngủ", dốc hầu bao cho con học thêm hy vọng đỗ được trường công mong muốn. Thi đại học không vào trường này thì trường khác, trượt thì sang năm thi tiếp còn không đỗ trường công buộc phải học ở trường dân lập hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên. Nhiều em do quá áp lực thi trượt trường công cũng vì chọn trường theo ý ba mẹ. Chị Thanh ở phường Điện Biên (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, theo phân tuyến con chị đăng ký nguyện vọng vào Trường THPT Phan Đình Phùng- một trường có điểm chuẩn diện tốp cao nên miệt mài "cày" ở lò luyện và thi "sơ cua" thêm một số trường. "Hai tuần thi ba trường, biết là con vất vả, nhưng đành cố để lọt sàng, xuống nia".

Nắm bắt thông tin 2 trường THPT và 7 trường THCS đào tạo song bằng nên nhiều PH thủ đô cũng dốc sức đầu tư cho con học cấp tốc tiếng Anh, thuê hẳn gia sư giỏi kèm riêng, sẵn sàng ứng thí. Tâm lý a dua, sính ngoại, có bằng quốc tế là sang lại có đất bùng phát. Và không còn lo áp lực kiếm giải, giấy khen, chứng chỉ để cộng điểm, PH lại đối mặt với nỗi lo trước phương án tuyển sinh mới: xét tuyển kết hợp kiểm tra, đánh giá năng lực của một số trường. Dạng bài tổ hợp hoàn toàn mới lạ khiến không ít PH hoang mang, đổ xô cho con đi luyện thi cấp tốc mới yên tâm phần nào. Có cầu ắt có cung, lò luyện thêm nhộn nhịp. Bên cạnh ôn kiến thức cơ bản ba môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh, hướng dẫn cách làm bài thi tổ hợp, nhiều trung tâm dạy cả toán và khoa học bằng tiếng Anh để bắt kịp xu thế. Cũng vì quá lo xa mà không ít PH "dở khóc dở cười" ngậm ngùi mất tiền triệu cho con ôn luyện kiểm tra, đánh giá năng lực nhưng các trường công lập lại quay về xét tuyển. Nhiều PH và HS Vĩnh Phúc cũng ngỡ ngàng và phàn nàn vì phương thức thi tuyển vào lớp 10 có thêm bài thi tổ hợp mà chỉ được thông báo trước ngày thi hai tháng.

Âu lo không kém nhưng một số PH lại chấp nhận cho con tự ôn vì năm đầu tiên kiểm tra tổ hợp nên chẳng biết cách giúp con ôn kiểu gì, mà ôn cấp tốc trong hai tháng cũng không hiệu quả. Chị Nguyễn Thúy Mai bộc bạch, cháu Nguyễn Xuân An con chị chăm chỉ ôn luyện ở nhà và dự tuyển vào nhiều trường dân lập chất lượng cao ở Hà Nội để có cơ hội cọ xát, đề phòng trượt trường nọ còn có trường kia bởi "xét tuyển còn biết trước khả năng trúng tuyển chứ thi cử chẳng ai nói trước được điều gì. Môn toán, tiếng Việt, ngoại ngữ còn đánh giá được sức học của con chứ trắc nghiệm tổ hợp khoa học tự nhiên, khoa học xã hội hễ quên là mất điểm".

Cần giải pháp căn cơ, triệt để

THCS là cấp học phổ cập nên học đúng tuyến là lựa chọn phù hợp, HS không mất nhiều thời gian đi lại, có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội hay kỹ năng sống. Thực tế chỉ vì PH suy nghĩ chưa thấu đáo, tự nguyện lao vào guồng quay "chạy" trường, chọn lớp mà con mình lại vất vả. Việc thực hiện không nghiêm túc của các cơ quan quản lý và nhà trường trong phân tuyến tuyển sinh cũng là tác nhân.

Ở một góc độ khác, cơ sở vật chất trường lớp tại một số thành phố, nhất là địa bàn khu đô thị mới xây nhiều chung cư, ít trường học cũng tạo thêm sức ép tìm trường, chọn lớp. Tại Hà Nội, từ năm 2012 đến 2016, một số quận có số dân tăng nhanh chóng như Long Biên tăng gần 206 nghìn người, Hà Đông tăng gần 68 nghìn người, Thanh Xuân tăng hơn 58 nghìn người nhưng lại chưa quan tâm đúng mức về quy hoạch, xây dựng trường học. HĐND TP Hà Nội đặt chỉ tiêu giai đoạn 2012-2016 xây mới 633 trường, đến giữa năm 2017 chỉ xây được 211 trường, và còn thiếu bảy trường mầm non, 17 trường tiểu học và 38 trường THCS công lập ở 12 quận, huyện, thị xã so với Nghị quyết đề ra năm 2012.

Trước hàng loạt bất cập như tâm lý PH còn chạy theo phong trào, quản lý tuyển sinh chưa nghiêm túc; thiếu trường lớp ở những khu vực đông dân cư các thành phố lớn; đổi mới thi, tuyển sinh đầu cấp nhỏ giọt, gây khó cho HS, khoảng cách chênh lệch quá lớn về cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục giữa các trường trên cùng một địa bàn, hướng nghiệp, phân luồng còn hạn chế, các trường "top" dưới thiếu chủ động vươn lên, nếu không có những giải pháp kịp thời, bài bản và căn cơ thì gánh nặng áp lực tuyển sinh đầu cấp vẫn còn là câu chuyện dài chưa có hồi kết.

Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD ĐT Hà Nội Phạm Quốc Toản:

Với số lượng HS thi vào lớp 10 tăng 22 nghìn HS so với năm trước, để đáp ứng đầy đủ chỗ học nhưng vẫn bảo đảm chất lượng giáo dục, nhiều giải pháp căn cơ được triển khai như thành lập mới 2 trường THPT công lập, 5 trường THPT ngoài công lập; đầu tư cải tạo 327 phòng học; tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho tất cả các trường THPT công lập, ngoài công lập nếu nhà trường đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định; sĩ số HS lớp 10 năm học 2018-2019 giao tăng thêm nhưng không vượt quá 45 HS/lớp; tăng cường học 2 ca/ngày ở các trường có đủ điều kiện.

Việc Sở GDĐT cho phép các trường THPT công lập tự chủ tài chính và trường THPT ngoài công lập được phép tuyển sinh theo phương thức xét tuyển từ kết quả học tập, rèn luyện của HS ở bậc THCS (HS không cần tham dự kỳ thi vào lớp 10 cũng có thể được tuyển sinh vào các trường này) đã phần nào giảm bớt áp lực tuyển sinh vào lớp 10 (hiện chỉ còn 94.499 HS dự thi trong số 104.585 HS lớp 9 dự xét tốt nghiệp THCS).