“Các doanh nghiệp đầu tư rất ít cho công tác an toàn lao động”

Ông Hà Tất Thắng (ảnh bên), Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trao đổi với Nhân Dân hằng tháng chung quanh những vấn đề đặt ra trong công tác an toàn lao động hiện nay, đặc biệt là những giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn lao động (TNLĐ) đang có chiều hướng gia tăng.

“Các doanh nghiệp đầu tư rất ít cho công tác an toàn lao động”

Ít doanh nghiệp báo cáo về tai nạn lao động

Ông Hà Tất Thắng cho biết: Theo số liệu từ các Sở LĐ-TB&XH các địa phương gửi về, mỗi năm có khoảng 900 người chết vì TNLĐ. Đây là số thống kê được từ 10% doanh nghiệp báo cáo. Có thể đó là 10% doanh nghiệp sản xuất và xảy ra TNLĐ nên họ báo cáo. Còn lại, rất nhiều doanh nghiệp không báo cáo, có nhiều lý do, hoặc là doanh nghiệp họ không xảy ra TNLĐ hoặc không thuộc ngành nghề có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ như dịch vụ, luật sư, giáo dục... Nhưng chúng tôi cho rằng con số thống kê này chưa chính xác, thực tế con số có thể nhiều hơn.

Thưa ông, muốn thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), trước hết cần có đủ các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trong lĩnh vực này. Hiện nay chúng ta đã có đủ các văn bản quy phạm pháp luật về ATVSLĐ chưa?

“Các doanh nghiệp đầu tư rất ít cho công tác an toàn lao động” ảnh 1

Cần tuyển dụng lao động được đào tạo đối với các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt.


Trong những năm qua, chúng tôi đã tham mưu cho Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Bộ LĐ-TB&XH ban hành nhiều văn bản quan trọng. Hiện nay, đã có chỉ thị số 629 năm 2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây là văn bản rất quan trọng, lần đầu tiên Ban Bí thư ban hành một chỉ thị riêng về công tác ATVSLĐ. Trong chỉ thị này có nhiều vấn đề, nhưng chung quy lại, yêu cầu các cấp các ngành, cả hệ thống chính trị phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm ATVSLĐ và mở ra một thời kỳ xã hội hóa, thu hút các nguồn lực xã hội để thực hiện công tác ATVSLĐ, đổi mới hệ thống pháp luật, hội nhập quốc tế. Chính từ chỉ thị này đã tác động rất nhiều đến các cơ quan trung ương, từ Chính phủ, các bộ ngành, các doanh nghiệp. Sau đó, chúng tôi tham mưu cho Chính phủ xây dựng trình Quốc hội ban hành Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015, có hiệu lực từ 1-7-2016. Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng và ban hành được Luật ATVSLĐ, luật cũng cơ bản đáp ứng được các vấn đề của xã hội và hội nhập quốc tế. Đặc biệt luật lần này có mở rộng công tác ATVSLĐ sang cả khu vực không có quan hệ lao động. Đây là khu vực rất đông lao động, chiếm hơn 62-63% với khoảng 34 triệu lao động.

Từ luật này, chúng tôi đã tham mưu cho các bộ ngành, đặc biệt là Bộ LĐ-TB&XH, đã tham mưu cho Chính phủ ban hành hàng chục nghị định, các bộ ban hành hàng trăm thông tư. Riêng Bộ LĐ-TB&XH đề xuất năm nghị định và hơn 70 thông tư quy chuẩn hướng dẫn về ATVSLĐ. Các nghị định và thông tư này đồng thời có hiệu lực cùng với Luật ATVSLĐ. Đây là một cuộc cải cách, lần đầu tiên luật ra thì có ngay các thông tư đồng bộ.

Xin ông cho biết công tác bảo đảm ATVSLĐ hiện nay đang gặp những khó khăn trở ngại nào?

Trong 5 năm qua, công tác ATVSLĐ đã được đặc biệt quan tâm, tuy vậy nền kinh tế chúng ta đang phát triển mạnh, ngoài doanh nghiệp nhà nước, chúng ta có rất nhiều lao động ở các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân và thậm chí các hộ gia đình, HTX... Mỗi năm có khoảng gần hai triệu lao động mới tham gia thị trường lao động, gần 100 nghìn doanh nghiệp mới ra đời, có nhiều công nghệ thiết bị mới, dẫn đến những khó khăn mới. Vì nếu tính theo tỷ lệ số người bị tai nạn lao động trên 100 nghìn người, số người lao động tăng lên thường thì tần suất TNLĐ cũng tăng lên. Nhiều doanh nghiệp mới, nhất là doanh nghiệp nhỏ hiểu biết về ATVSLĐ, đầu tư cho ATVSLĐ còn hạn chế.

Bên cạnh đó, lực lượng làm công tác thanh tra ATVSLĐ cũng quá mỏng. Cả nước hiện nay có khoảng 400 thanh tra về lao động, trong đó số thanh tra ATVSLĐ không quá 100 người, cả trung ương và địa phương. Điều này dẫn đến việc quá tải khi tổ chức thanh tra, vì thời điểm này đã có hơn bảy trăm nghìn doanh nghiệp, chưa kể khu vực ngoài quan hệ lao động. Cả trung ương và địa phương tập trung thanh tra ATVSLĐ nhưng chỉ thanh tra được không quá 2% số doanh nghiệp hằng năm.

Đầu tư cho công tác ATVSLĐ so với yêu cầu còn rất hạn chế. Các địa phương chưa dành ngân sách để hỗ trợ công tác ATVSLĐ được nhiều. Các doanh nghiệp, đa số các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp tư nhân đầu tư rất ít cho ATVSLĐ, cả về con người, về đào tạo, trang thiết bị. Cho nên TNLĐ xảy ra tương đối nhiều, nhất là khu vực ngoài quan hệ lao động, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng hay trong lĩnh vực khai khoáng, nhất là khai thác đá.

Chỉ khoảng 2-3% số vụ TNLĐ hằng năm bị khởi tố

Trước thực trạng ATVSLĐ đang diễn biến phức tạp như hiện nay, Cục An toàn lao động có những giải pháp quan trọng nào để ngăn chặn đẩy lùi TNLĐ?

Trước hết, vẫn phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về ATVSLĐ. Hiện nay chúng tôi đang thúc đẩy ban hành thông tư hướng dẫn việc đánh giá rủi ro TNLĐ, bệnh nghề nghiệp trong doanh nghiệp. Nghĩa là, trước khi xuất hiện công việc đó, đã biết phân tích những khả năng có thể xảy ra TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, từ đó có bộ giải pháp thực hiện triệt tiêu nó. Đây là việc rất quan trọng, thí dụ một công việc liên quan đến sử dụng điện, vận hành máy, thì có khả năng sẽ dẫn đến rủi ro như điện giật, cuốn, cán, kẹt... Vậy thì, những việc đó đều được tiên liệu, có giải pháp trước và người lao động phải học để phòng ngừa.

Chúng tôi cũng đang xúc tiến xây dựng đổi mới thông tư về danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để doanh nghiệp phải cải thiện điều kiện lao động tốt hơn.

Chúng tôi đang được Chính phủ giao cho việc hoàn thiện để ban hành nghị định về bảo hiểm TNLĐ tự nguyện trong khu vực không có quan hệ lao động. Khu vực có quan hệ lao động thì người sử dụng lao động đóng nhưng khu vực không có quan hệ lao động thì người lao động phải tự đóng và sẽ đề xuất Chính phủ hỗ trợ một phần cho người lao động để tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện như bảo hiểm y tế. Có bảo hiểm TNLĐ thì sẽ hỗ trợ cho người lao động rất nhiều.

Việc xử phạt hành chính về TNLĐ cũng cần thay đổi. Hiện nay, mức xử phạt rất thấp chưa đủ tính răn đe, ngăn chặn sự vi phạm của người sử dụng lao động. Nghị định sửa đổi dự kiến tháng 12 tới sẽ trình Chính phủ để năm tới thực hiện.

Một giải pháp rất quan trọng nữa là phải tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, huấn luyện về ATVSLĐ. Từ Trung ương đến địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác huấn luyện lao động, để người sử dụng lao động và người lao động hiểu và phòng tránh TNLĐ. Đổi mới công tác truyền thông, bây giờ là thời của truyền thông đa phương tiện, có thể tập huấn online, sử dụng tin nhắn điện thoại để cảnh báo TNLĐ. Làm sao để thông tin đến được với người lao động nhanh, gọn nhưng bổ ích.

Thưa ông, vấn đề thanh tra xử lý vi phạm về ATVSLĐ làm thế nào để bảo đảm tính răn đe, không bỏ lọt sai phạm khi mà lực lượng thanh tra trong lĩnh vực này đang quá mỏng?

Chúng tôi đang tích cực đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng thanh tra, để nâng cao năng lực công tác, trang bị các phương tiện, công cụ hỗ trợ cho thanh tra khi làm việc. Xử phạt nghiêm minh, ngoài phạt tiền, phải thu hồi giấy phép, thậm chí có những vụ TNLĐ phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Với đội ngũ thanh tra đang mỏng thì ngoài việc thanh tra, phải hướng dẫn để các doanh nghiệp có thể tự kiểm tra ATVSLĐ trong doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp, tôi cho rằng đây là lực lượng rất quan trọng trong việc thực thi bảo đảm ATVSLĐ. Với những công việc có yêu cầu nghiêm ngặt và nguy hiểm thì dứt khoát phải tuyển dụng lao động được đào tạo. Doanh nghiệp phải nghiên cứu triển khai từ các văn bản pháp luật để biến thành các quy trình, nội quy phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp mình. Ngoài ra, cần phân tích, đánh giá rủi ro để có biện pháp ngăn chặn TNLĐ, tổ chức bộ máy công tác ATVSLĐ, đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại. Chẳng hạn, nhiều mỏ đá, người lao động phải làm việc thủ công, cheo leo trên vách núi, nổ mìn không bảo đảm. Nhưng khi có doanh nghiệp đầu tư máy cưa đá bằng dây có gắn kim cương thay vì khoan nổ mìn thì an toàn cho người lao động đã được bảo đảm tốt hơn.

Với người lao động, đầu tiên phải làm cho họ hiểu bảo đảm ATVSLĐ trước hết là bảo vệ cho sức khỏe và tính mạng của bản thân mình. Khi làm những việc đòi hỏi tay nghề, họ phải học nghề, phải bảo đảm an toàn thì mới nhận công việc. Phải tuân thủ sự điều hành, phối hợp nhóm tốt. Phối hợp nhóm không tốt, một người sơ suất có thể dẫn tới cả nhóm tai nạn. Sử dụng đúng, đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân. Có nhiều người lao động vì ngại mà không sử dụng phương tiện bảo hộ lao động, thí dụ được trang bị dây đai bảo vệ an toàn làm việc trên cao, nhưng vì sợ vướng, đi lại khó khăn nên đeo vào người nhưng không móc vào giá treo an toàn. Hay khi phát hiện nguy cơ mất ATLĐ thì phải rời bỏ ngay vị trí đó và báo ngay cho người có trách nhiệm để xử lý. Như vụ sập giàn giáo ở Fomosa, người lao động ba lần cảnh báo cho quản đốc là giàn giáo có nguy cơ bị tụt và họ đã chạy ra ngoài nhưng quản đốc yêu cầu họ quay lại, dẫn tới tai nạn đáng tiếc. Người lao động có quyền rời bỏ vị trí nếu thấy nguy cơ mất ATLĐ, điều này được quy định rõ trong luật, trong nghị định. Chúng tôi đang tiến hành xây dựng văn hóa an toàn trong doanh nghiệp để người lao động từ bắt buộc chuyển sang tự giác thực hiện những quy đinh về ATVSLĐ.

Nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra nhưng số vụ bị khởi tố rất ít làm cho tính chất răn đe của pháp luật bị coi nhẹ. Vì sao lại xảy ra hiện tượng này?

Chỉ khoảng 2-3% số vụ TNLĐ hằng năm bị khởi tố, rất ít. Khởi tố nằm ngoài thẩm quyền của ngành lao động mà phụ thuộc vào công an, Viện Kiểm sát địa phương có quyết định là có khởi tố hay không. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị các cơ quan công an, Viện Kiểm sát lưu ý điều này. Số đề nghị khởi tố nhiều hơn, nhưng số vụ khởi tố ít hơn. Ở cấp bộ, Bộ LĐ-TB&XH đã nhiều lần có ý kiến. Hiện nay, những vụ TNLĐ chết từ hai người trở lên chúng tôi đều tham mưu cho lãnh đạo bộ có ngay văn bản chỉ đạo các địa phương phải điều tra xử lý nghiêm.

Xin cảm ơn ông!