Bảo vệ toàn diện quyền trẻ em là yêu cầu cấp thiết

Đưa ra những khuyến nghị cùng giải pháp thiết thực nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu vấn đề LĐTE, để từ đó bảo vệ toàn diện quyền trẻ em tại Việt Nam là nội dung mà các vị khách mời của Nhân Dân hằng tháng cùng hướng tới, trong cuộc tọa đàm lần này.

Đói nghèo là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới LĐTE. Ảnh | huynh lam / ilo
Đói nghèo là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới LĐTE. Ảnh | huynh lam / ilo


Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động: “Doanh nghiệp phải tuân thủ triệt để các quy định về sử dụng LĐTE”.

 Bảo vệ toàn diện quyền trẻ em là yêu cầu cấp thiết ảnh 1


Đối với các doanh nghiệp trong khu vực chính thức, để không bị vi phạm về việc sử dụng LĐTE thì ngay từ khâu tuyển dụng đến trong quá trình sử dụng lao động cần tuân thủ theo đúng quy định pháp luật về lao động. VCCI đã xây dựng Bộ quy tắc ứng xử về LĐTE nhằm cung cấp thông tin và kiến thức cơ bản cũng như trách nhiệm của VCCI cùng các Hiệp hội doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, chế biến thủy sản... trong việc ngăn ngừa và giảm thiểu LĐTE. Ngoài ra, VCCI cũng đã tổ chức đào tạo giảng viên nguồn về LĐTE để triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức, thông qua việc lồng ghép các nội dung về LĐTE vào các chương trình tập huấn khác nhau cho doanh nghiệp.

Tham gia vào các Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới sẽ mang lại cơ hội nhưng đồng thời cũng đặt ra sức ép về cạnh tranh ở khu vực và thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ triệt để các quy định về sử dụng LĐTE - một trong những nội dung cam kết về lao động trong các Hiệp định CPTPP, EVFTA.

Hệ thống pháp luật lao động Việt Nam cần được điều chỉnh một số nội dung liên quan đến cam kết về lao động trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt làm rõ những khái niệm và quy định về LĐTE. Cần cung cấp cho doanh nghiệp kiến thức nhận diện về vấn đề LĐTE và giúp doanh nghiệp nắm rõ các quy định về sử dụng LĐTE trong pháp luật lao động Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải được cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của việc không tuân thủ. Nâng cao năng lực cho doanh nghiệp về kỹ năng quản lý, giám sát chặt chẽ các khâu nuôi, trồng, chế biến, thu mua, cung cấp trong chuỗi cung ứng sản phẩm, tránh yếu tố LĐTE trong từng khâu cũng là việc cần làm ngay.

Doanh nghiệp cũng cần sẵn sàng hành động hoặc khắc phục, đồng thời cần thiết lập và triển khai sẵn các quy trình khắc phục phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và hướng dẫn của chuyên gia khi làm phát sinh hoặc góp phần làm phát sinh vấn để sử dụng LĐTE.


Bà Nguyễn Mai Oanh, Quản lý Dự án ENHANCE thuộc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO): “Cần sự phối hợp đa ngành đồng bộ”.

 Bảo vệ toàn diện quyền trẻ em là yêu cầu cấp thiết ảnh 2


ENHANCE là Dự án Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia Phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE ở Việt Nam do Bộ LĐ, TB&XH kết hợp với ILO thực hiện, trong thời gian từ 2015 đến 2019 với ba hợp phần: xây dựng năng lực - nâng cao nhận thức và can thiệp trực tiếp.

Chúng tôi nhận thấy, trong thực tế, vấn đề LĐTE nói chung, đặc biệt là LĐTE trong những công việc ĐHNH chỉ chủ yếu tồn tại ở khu vực kinh tế phi chính thức, trong khi Luật Lao động hiện nay chỉ áp dụng cho khu vực kinh tế chính thức. Cụm từ LĐTE cũng chưa xuất hiện trong luật mà mới chỉ tồn tại khái niệm “lao động chưa thành niên”. Việt Nam đã phê chuẩn hai Công ước cơ bản 138 và 182 của ILO liên quan đến LĐTE, trong đó quan niệm trẻ em là người dưới 18 tuổi. Nhưng ở ta, độ tuổi trẻ em hiện nay được quy định thấp hơn hai năm, tức là dưới 16. Ngay cả chương trình quốc gia 1023 (phòng ngừa giảm thiểu LĐTE giai đoạn 2016-2020) đang được thực hiện cũng chỉ hỗ trợ, can thiệp áp dụng cho trẻ em dưới 16 tuổi nên tạo độ vênh, gây khó khăn cho các đơn vị thực thi. Vì thế, việc thống nhất quy định về độ tuổi trẻ em và mở rộng, chỉnh sửa chính sách luật pháp để tiếp cận đối tượng LĐTE là vô cùng cần thiết. Ngoài ra, khi đã chuẩn hóa bằng các văn bản pháp luật thì phải tăng cường hệ thống giám sát, xây dựng cơ chế xử phạt cụ thể, nghiêm minh.

Trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi xác định rào cản chính ngăn cản sự thay đổi về hành vi và thái độ đối với việc phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE nằm ở nhận thức của các đối tượng liên quan (chính quyền địa phương, cộng đồng, doanh nghiệp, gia đình và bản thân các em). Đói nghèo và di cư là hai nguyên nhân chính khiến các em phải tham gia lao động và chia sẻ gánh nặng kinh tế cùng gia đình. Vì thế, ngoài nỗ lực giám sát và xử lý vi phạm (tức là phần ngọn) thì việc hỗ trợ sinh kế, tăng cường xây dựng mạng lưới chính sách bảo trợ và phúc lợi xã hội, giải quyết công ăn việc làm ổn định, tăng cường an toàn vệ sinh và cải thiện điều kiện lao động (tức là phần gốc của vấn đề LĐTE) đòi hỏi sự phối hợp đa ngành đồng bộ, nhịp nhàng và hiệu quả (trong đó chú trọng vai trò của truyền thông, chính quyền địa phương cùng các tổ chức giám sát...). Việc xây dựng hệ thống cơ sở thông tin cấp quốc gia giữa các đơn vị liên quan cùng đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi (được tính toán hợp lý tùy thuộc yếu tố vùng miền, đối tượng hướng tới) cũng là việc cần làm ngay.

Bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc - UNICEF tại Việt Nam: “Có thể phòng ngừa LĐTE bằng phương pháp tiếp cận tổng thể”.

 Bảo vệ toàn diện quyền trẻ em là yêu cầu cấp thiết ảnh 3


Nhìn từ Công ước LHQ về quyền trẻ em và sứ mệnh “thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em” mà UNICEF đang gánh vác, chúng tôi xác định, bảo vệ quyền trẻ em trong vấn đề LĐTE là một yêu cầu cấp thiết.

LĐTE có thể phòng ngừa bằng phương pháp tiếp cận tổng thể, khi cùng một lúc giải quyết vấn đề nghèo đói, thiệt thòi và bất bình đẳng; cải thiện tiếp cận chất lượng giáo dục và các chương trình giáo dục kỹ năng làm việc cho trẻ em và người sắp thành niên; huy động sự ủng hộ của cộng đồng tôn trọng quyền trẻ em.

Những hoạt động phòng chống LĐTE hiệu quả cần phải giải quyết đầy đủ một loạt các vấn đề gây tổn thương cho trẻ em. Do đó, những bước tiến trong việc xóa bỏ LĐTE gắn liền với việc giảm thiểu những vấn đề dễ gây tổn thương cho trẻ, giảm nhẹ những cú sốc về kinh tế, hỗ trợ cho các gia đình dễ bị tổn thương có một mức thu nhập thường xuyên đủ để sinh hoạt và tăng cường các chính sách bảo trợ xã hội như trợ cấp xã hội, bảo hiểm y tế và các dịch vụ hỗ trợ xã hội.

Cần phải đưa ra quy định về điều kiện làm việc đối với những trẻ em đủ tuổi lao động; thay đổi những quan niệm xã hội và thái độ của người dân theo hướng không chấp nhận LĐTE, lồng ghép các vấn đề về LĐTE vào kế hoạch của ngành giáo dục; khuyến khích khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội hành động chấm dứt LĐTE.

Nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ LĐTE, UNICEF đã hỗ trợ Bộ LĐ, TB&XH xây dựng Chương trình Quốc gia Phòng ngừa Giảm thiểu LĐTE đầu tiên của Việt Nam, giai đoạn 2016-2020. Chúng tôi cũng đang hỗ trợ Bộ trong công tác sửa đổi Bộ luật Lao động ở những nội dung liên quan đến người lao động chưa thành niên. UNICEF cũng đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng Hệ thống Bảo vệ Trẻ em dựa vào cộng đồng với mục đích: củng cố cấu trúc bảo vệ trẻ em để phòng ngừa, phát hiện và cung cấp các dịch vụ can thiệp sớm hiệu quả hơn; nâng cao nhận thức của cộng đồng và gia đình trong việc bảo vệ trẻ em; bảo vệ cũng như công tác chuyển tuyến những trẻ em có nguy cơ bị sao nhãng, xâm hại và bóc lột đến những dịch vụ phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Hòa Bình, Nguyên Trưởng phòng Thanh tra chính sách về trẻ em và xã hội, Thanh tra Bộ LĐ, TB&XH: “Cần xếp thanh tra lao động là hoạt động thanh tra đặc thù”.

 Bảo vệ toàn diện quyền trẻ em là yêu cầu cấp thiết ảnh 4


Từng đồng hành cùng công tác thanh tra lao động - trong đó có lĩnh vực LĐTE, tôi nhận thấy đây là một vấn đề hết sức nan giải. Việc thanh tra, kiểm tra lao động vốn rất khó tiếp cận đối với khu vực kinh tế phi chính thức, nơi phần lớn hình thức LĐTE đang hiện diện vì quy trình, thủ tục thanh tra được quy định trong Luật Thanh tra hiện nay chỉ có thể áp dụng với khu vực kinh tế chính thức. Với thủ tục bắt buộc gồm nhiều bước nghiêm ngặt và rất khó tiến hành thanh tra đột xuất, việc có thể thanh tra một doanh nghiệp sử dụng LĐTE ngay khi phát hiện dấu hiệu vi phạm là điều gần như không thể.

Trong thời gian công tác, chúng tôi đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra lao động, trong đó có lao động chưa thành niên nhưng chưa có cuộc nào riêng biệt về LĐTE và vì thế, cũng chưa hề xử phạt được trường hợp nào. Bởi ngay cả khi được báo giới phát hiện, được ban hành quyết định thanh tra đột xuất thì khi cán bộ thanh tra xuống tới nơi, địa phương cũng đã vào cuộc rất nhanh và doanh nghiệp thường chọn giải pháp cho thôi việc toàn bộ. Trẻ đã bỏ học đi làm thì rất khó có cơ hội quay về môi trường học tập, cách giải quyết tiêu cực đó đẩy gia đình các em vào chỗ khó khăn hơn, phải tiếp tục tìm một công việc có thể nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại nào đó để tiếp tục làm việc và kiếm tiền.

 Bảo vệ toàn diện quyền trẻ em là yêu cầu cấp thiết ảnh 5


Vì thế, nếu được xếp vào nhóm đặc thù, khu vực kinh tế phi chính thức được đưa vào nội dung bộ luật và xác lập một quy trình riêng cho đối tượng LĐTE thì công tác thanh tra LĐTE sẽ hiệu quả hơn, xử lý nhanh nhạy và bảo vệ quyền lợi của các em tốt hơn. Có như thế, giải pháp quan trọng mà Chương trình 1023 về phòng ngừa giảm thiểu LĐTE giai đoạn 2016-2020 đặt ra: “Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng trẻ em lao động trái quy định của pháp luật” mới có thể mang lại hiệu quả như mong muốn.