Báo động về “rác” ngôn ngữ

“Ngọc Trinh lại vừa lộ hàng, phô “cả nhà máy” sữa các thím ạ. Nữ hoàng nội y trở thành hot girl cũng vì những màn chụp ảnh tự sướng khoe hàng...”. Đó là một đoạn trong bài viết đăng trên một tờ báo có uy tín ở Việt Nam. Cụ Nguyễn Đức Cầm, 70 tuổi, ở khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội) cầm bài báo lên, ngơ ngác lẫn hoang mang vì không hiểu nổi đoạn viết trên nói gì. Ngôn ngữ trên bài báo đã khác trước nhiều quá, đến mức với nhiều người đọc báo tiếng Việt mà muốn hiểu một số câu từ thì cần phải... phiên dịch. Sự lệch chuẩn ngôn ngữ trên truyền thông báo chí đang diễn ra một cách đáng báo động, không chỉ g

Trên báo mạng xuất hiện nhan nhản ngôn ngữ tự chế gây sốc cho người đọc.
Trên báo mạng xuất hiện nhan nhản ngôn ngữ tự chế gây sốc cho người đọc.

Ngôn ngữ “tự chế” tung hoành

Theo khảo sát của PGS, TS Đào Thanh Lan (Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐHKH Xã hội & Nhân văn, ĐHQG Hà Nội), trong khoảng 130 bài báo các loại được tập hợp theo sự đa dạng về nội dung, thể loại thì có tới 61 bài có lỗi, chiếm gần 50%. Trong đó có bốn lỗi thuộc phạm vi văn bản (đặt tiêu đề chưa phù hợp nội dung, lỗi phân đoạn, lỗi dùng phép liên kết câu...) và 93 lỗi thuộc phạm vi câu, tổng cộng là 97 lỗi. Như vậy, mức độ bài báo có lỗi dùng tiếng Việt khá phổ biến và đáng báo động về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên báo chí.

Trên báo chí, xuất hiện nhan nhản thứ ngôn ngữ tự chế với tần suất sử dụng dày đặc. Nào là “hot girl”, “hot boy”, “lộ hàng”, “khoe hàng”. Chỉ cần đánh từ “khoe hàng” trên Google sẽ cho ra tới 14 triệu 700 nghìn kết quả trên các trang web từ Việt Nam. Tương tự, từ “lộ hàng”, “đụng hàng”, “khoe ngực khủng”, “khoe chân dài miên man” xuất hiện trên báo như nấm mọc sau mưa.

PGS, TS ngôn ngữ Phạm Văn Tình phân tích: “Bởi nếu “hàng hóa” được định nghĩa là “sản vật dùng để bán nói chung” thì lối dùng từ kể trên đánh giá nghệ sĩ, thân thể nghệ sĩ thành một thứ hàng hóa thật sự là một điều bất bình thường, hoàn toàn không nhân văn”.

Gắn liền với thứ ngôn từ tự chế kia là các tít báo đầy giật gân và lệch chuẩn tiếng Việt. Thí dụ như: “Top ngực trần nhất làng sao Việt”; “Diễn viên Thủy Top: Tôi nổi tiếng không phải vì ngực khủng”, “Làm thế nào để nâng cấp “núi đôi”?

Những ngôn ngữ tự chế được dùng nhiều rồi dần dần quen thuộc chễm chệ trên báo chí như một thứ chuẩn mực đã được thẩm định. Có một tờ báo dành cho lứa tuổi học trò học đòi tiếng Anh, còn tự thêm chữ ‘s” vào từ “quý tộc” trong bài báo. Và kể từ đó khi viết từ “quý tộc” thì tờ báo này sẽ viết là “quýs tộc”. Từ “quýs tộc” đã nhanh chóng lan đi như một thứ mốt thời thượng, nghiễm nhiên được coi là “chuẩn không cần chỉnh”.

Một dạo, trên nhiều báo, hai từ “đắng lòng” xuất hiện quá nhiều trong các tiêu đề. Tần suất xuất hiện nhiều đến mức trở thành một trào lưu trên mạng xã hội, có nhiều người hễ viết gì thế nào cũng có từ “đắng lòng”. Nếu thử lên Google gõ từ “đắng lòng” thì bạn sẽ nhận được khoảng 834 nghìn kết quả trong 0,53 giây. Nhiều như vậy nhưng nhiều người vẫn hiểu theo nghĩa đen đắng lòng là chỉ bộ lòng của lợn, bò, gà... bị đắng và chúng ta ăn phải sẽ cảm thấy đắng ở trong lòng. Thế là lại có những tít báo mạng kiểu như: “Cách chọn lòng để không bị đắng”.

Bà Thanh Thảo (Hà Nội) nhận định: “Tôi tra từ điển thì biết “đắng lòng” chỉ một trạng thái đau đớn thấm thía về tinh thần, việc báo chí sử dụng từ “đắng lòng” quá nhiều không phải là sáng tạo mà có nguy cơ làm lệch chuẩn tiếng Việt, nhưng nhiều tờ báo, nhất là báo mạng không ngại giật tít để tăng lượt xem. Đã dần có sự phớt lờ với sự trong sáng của ngôn ngữ tiếng Việt”.

Nghìn lẻ kiểu lệch chuẩn

GS, TS Nguyễn Văn Khang, Viện Ngôn ngữ học khẳng định: “Tiếng Việt trên truyền thông một mặt vẫn duy trì ở trạng thái ổn định, chuẩn mực để bảo đảm truyền đạt thông tin, mặt khác, luôn động để thay đổi bằng sự xuất hiện các biến thể mới (từ ngữ mới, ngôn từ mới, cách dùng mới, v.v.) nhằm đáp ứng nhu cầu của thông tin truyền thông. Chính trạng thái cân bằng động ấy đã tạo ra cho tiếng Việt trên truyền thông một sự “xung đột” giữa những biến thể ổn định, xem chừng đã cũ nhưng “chưa qua” với các biến thể mới xuất hiện, còn chưa định hình”.

Ông nêu thí dụ: Về từ ngữ, chẳng hạn: Đối với tên riêng: đã có Ý lại có Italia; đã có Mạc-tư-khoa lại có Mát-xcơ-va (để có thể giản hóa thành “đi Mát”), Moscow. Đối với từ ngữ mượn: đã có thế vận hội lại có ôlimpic, đã có dưỡng khí lại có ôxy.

Theo GS, TS Nguyễn Văn Khang, có những chiều hướng sử dụng ngôn ngữ có nguy cơ đang làm suy yếu tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông như vội vàng, cẩu thả tùy tiện theo kiểu: “viết như nói” và “nói như viết”; sai chính tả tràn lan; câu què câu cụt ngày càng trở nên phổ biến; đưa tin nước ngoài thì dùng luôn các từ ngữ và cách hành văn của tiếng nước ngoài mà không “thèm” chọn từ ngữ, cách hành văn của tiếng Việt. Sự hào phóng trong sử dụng ngôn từ đến mức làm sai lệch thông tin. Thí dụ: Tên bài, tên tin (đầu đề) được sử dụng bằng ngôn từ mạnh theo kiểu giật gân sai lệch với nội dung của bài viết, thông tin. Có lẽ chưa bao giờ từ “tuyệt vời” được sử dụng với tần số cao như hiện nay trong sự phung phí đến mức xa xỉ của những phát ngôn khen xuất hiện trên một số chương trình truyền thông. Trong tiếng Việt, có ba từ chỉ mức độ cao hay được dùng là rất, quá, lắm; nhưng, giờ đây, xem chừng ba từ này chưa diễn tả hết được mức độ, nên tiếng Việt được cấp thêm cực kì, cực; chưa thỏa mãn, tiếng Việt lại được cấp thêm tuyệt vời, tiếp là trên cả tuyệt vời và hiện nay lại có thêm bá đạo, vãi.

Nếu theo truyền thống thì vua, vương, hoàng đế mỗi thời chỉ có một. Nhưng nay, các đơn vị từ này được dùng để trở thành các yếu tố tạo từ cho các danh hiệu cao mang tính “độc vị” nhưng chưa có thước đo đánh giá theo mô hình: vua X, nữ hoàng X, ông hoàng X, nam vương X, thí dụ: vua bóng đá, nữ hoàng sexy, ông hoàng nhạc nhẹ, nữ hoàng thời trang, nam vương, á vương cùng các loại hoa hậu. Cùng với kiểu cấu tạo từ này, hàng loạt các từ chỉ chức vị khác cũng bị “trượt hóa” trong cách dùng: khắp nơi có các nhà, các chuyên gia, thậm chí có cả xà phòng/ bột giặt/ xà bông cũng trở thành“ chuyên gia giặt sạch/tẩy sạch vết bẩn”.

Nói đến sự sáng tạo của ngôn từ trên truyền thông, cũng cần nhắc đến một mô hình tạo từ điển hình là X tặc : tặc là yếu tố Hán Việt có nghĩa là “ kẻ cắp/kẻ trộm” vốn chỉ xuất hiện trong tiếng Việt trong từ mượn nguyên khối hải tặc, nay dùng để tạo ra hàng loạt các từ mới như: cát tặc, game tặc, cẩu tặc, sưa tặc, lâm tặc, đinh tặc,... ( theo dự đoán , hoàn toàn có thể có tình tặc)”.

Theo khảo sát của PGS, TS Đặng Thị Thu Hương thì 75% số người được hỏi cho rằng, với những ngôn ngữ thời @ được “chính thống hóa” trên báo chí sẽ làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.

Nhà báo lão thành Phan Quang trăn trở: “Cách dùng tiếng Việt xô bồ, méo mó, lai căng hiện nay trong xã hội dường như thoạt đầu xuất phát từ báo chí, truyền thông trước khi trở thành cách dùng ngày thường của số đông, nhất là lớp trẻ. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các nhà báo: “Bệnh dùng chữ là phổ biến trong tất cả các ngành. Đáng lẽ báo chí phải chống lại cái bệnh đó, nhưng trái lại, báo chí lại tuyên truyền cho cái tệ đó. Cố nhiên, có những chữ không thể dịch được thì ta phải mượn chữ nước ngoài... Nhưng có những tiếng ta sẵn có, thì tại sao lại dùng chữ nước ngoài?”. Trong bối cảnh tràn lan việc sử dụng tiếng Anh, tiếng Mỹ, tiếng Hoa như hiện nay, càng thấm thía nỗi trăn trở của Bác Hồ hơn sáu mươi năm về trước: “Có những người hình như sợ nói tiếng ta thì nó xấu hổ thế nào ấy!”.

Nhà báo Phan Quang kể lại kỷ niệm của 50 năm trước. Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới dự và phát biểu tại Hội thảo quốc gia về “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Bài nói của Thủ tướng ngắn gọn, được viết sau khi ông đã đọc toàn văn các báo cáo và tham luận trình bày mấy ngày trước, cũng như đã xem tóm tắt 120 bản tham luận. Phát biểu xong, Thủ tướng nán lại trao đổi, trò chuyện một lát với anh chị em tham dự hội thảo, rồi bình thản kẹp cái cặp mỏng vào nách, lững thững ra xe. Sáng hôm sau, các hãng thông tấn AP, UPI, Reuters, AFP đồng loạt đưa tin: “Trong khi tại Nhà Trắng, Bộ Tham mưu của Tổng thống Mỹ tới tấp hoàn thành kế hoạch tập kích Thủ đô Bắc Việt, thì tại Hà Nội Thủ tướng Việt Nam bình thản luận bàn về ngôn ngữ”.