Báo động ô nhiễm tiếng ồn

Ô nhiễm tiếng ồn đang trở nên đáng báo động, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Cùng với sự phát triển của các đô thị, ô nhiễm tiếng ồn cũng ngày càng nghiêm trọng gây nguy hại, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng nhưng lại ít được quan tâm như các loại ô nhiễm khác.

Trên thực tế 90% người dân đô thị ở Việt Nam đang phải sống trong tiếng ồn. Các đô thị Việt Nam đang vượt khá xa quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn. Theo kết quả nghiên cứu và đánh giá của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) tại 12 đường và nút giao thông chính ở Hà Nội cho thấy, tiếng ồn trung bình vào ban ngày là 77,8 đến 78,1 dBA, vượt tiêu chuẩn cho phép từ 7,8 đến 8,1 dBA, ban đêm là 65,3 - 75,7 dBA, vượt tiêu chuẩn từ 10-20 dBA.

Thực trạng này gây ra nhiều hệ lụy. Tiếng ồn tác động lên con người ở ba khía cạnh: che lấp âm thanh cần nghe làm suy giảm phản xạ tự nhiên của con người với âm thanh; gây bệnh đối với thính giác và hệ thần kinh, gián tiếp gây ra bệnh tim mạch; tiếp xúc với tiếng ồn cao lâu ngày dẫn tới bệnh đãng trí và bệnh điếc không thể phục hồi. Thậm chí sống trong  tiếng ồn với  cường độ dày, con người có thể bị tâm thần do mệt mỏi, stress, ù tai, rối loạn tiền đình, ảnh hưởng thần kinh.. Các chuyên gia y tế cho rằng, ô nhiễm tiếng ồn hiện chỉ xếp sau ô nhiễm không khí về những tác động đến sức khỏe của người dân.

Tình hình ô nhiễm tiếng ồn đã nghiêm trọng đến mức mới đây TP Hồ Chí Minh phải mở đợt cao điểm về xử lý tiếng ồn. Đà Nẵng lập đội phản ứng nhanh để xử lý ô nhiễm tiếng ồn.

Phản ánh đa chiều về thực trạng ô nhiễm tiếng ồn đang trở nên báo động, đồng thời phân tích những bất cập và gợi mở những giải pháp để giải quyết vấn nạn này là tiêu điểm số tháng 4 của Nhân Dân hằng tháng.