Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng Chính phủ số

Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc E-Cabinet do Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) phát triển, vừa được Văn phòng Chính phủ đưa vào hoạt động. E-Cabinet được kỳ vọng sẽ đổi mới phương thức làm việc của Chính phủ dựa trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hướng tới Chính phủ không giấy tờ, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành.

Chuyên gia Viettel hướng dẫn sử dụng hệ thống E-Cabinet.
Chuyên gia Viettel hướng dẫn sử dụng hệ thống E-Cabinet.

Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang tạo ra những bước chuyển mình, làm thay đổi nhiều phương thức truyền thống. Trong đó, việc đổi mới phương thức làm việc, vận hành đất nước và phục vụ người dân của Chính phủ sẽ dựa vào môi trường được số hóa và khai thác bằng các công nghệ số, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của Chính phủ, tạo môi trường làm việc hiện đại, minh bạch, nhất là thời điểm hiện nay đang có lượng lớn công văn, giấy tờ và các cuộc họp đã dẫn tới tình trạng vượt quá khả năng quản lý, xử lý tại các cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, ngày 27-2-2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã có Quyết định số 168/QÐ-VPCP phê duyệt Ðề án xây dựng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ. Ðề án có mục tiêu đổi mới phương thức làm việc trên cơ sở ứng dụng các thành tựu mới về công nghệ tiên tiến của thế giới, hướng tới Chính phủ không giấy tờ. Sau hơn ba tháng, hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ E-Cabinet đã được xây dựng, hoàn thiện và đưa vào hoạt động, với kỳ vọng sẽ giúp giảm 30% thời gian họp trung bình so với các năm trước; đạt mục tiêu họp Chính phủ không giấy tờ; sử dụng 100% văn bản điện tử trong các phiên họp Chính phủ (trừ những văn bản mật); 100% các nội dung xin ý kiến thành viên Chính phủ được xử lý trên môi trường mạng; bảo đảm kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel Phùng Văn Cường cho biết, E-Cabinet giúp đổi mới phương thức làm việc từ cách làm truyền thống sang làm việc trên môi trường mạng, sử dụng văn bản điện tử. Việc ứng dụng mạnh mẽ các giải pháp công nghệ thông tin trong các phiên họp và xử lý công việc, sẽ giúp văn bản và các quy trình xử lý công việc được quản lý đồng bộ, đầy đủ, khoa học và an toàn trên môi trường điện tử, thuận tiện cho việc lưu trữ, tra cứu và
sử dụng.

Theo nhận định của các chuyên gia đến từ Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, Ngân hàng Phát triển châu Á, các tập đoàn Viettel, FPT thì việc đưa E-Cabinet đi vào hoạt động là bước thí điểm ban đầu quan trọng trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nhất là khi ứng dụng E-Cabinet là một phương thức làm việc mới, việc chuyển đổi sang một phương thức làm việc sẽ có nhiều điểm bỡ ngỡ, có khi còn e ngại và thấy khó khăn. Thậm chí để thay đổi, phải mất thời gian làm quen, cập nhật và kể cả đào tạo lại. Tuy nhiên, việc xây dựng một chính phủ điện tử là xu thế tất yếu, việc này đã được nhiều nước tiên tiến trên thế giới triển khai và thành công. Lợi ích của hệ thống Chính phủ số không dừng lại ở việc tiết kiệm thời gian họp mà sẽ giúp công việc được chuẩn bị tốt hơn cả về chất lượng và thời hạn để các thành viên tham dự có thể nghiên cứu trước và cho ý kiến.

Tuy nhiên, hiện tại cần có các cơ sở pháp lý để hệ thống có thể vận hành tốt, trong đó vấn đề chính là quy định về chia sẻ dữ liệu, bảo vệ dữ liệu, xác thực điện tử, chế độ báo cáo giữa các cơ quan hành chính của Chính phủ, của Nhà nước. Việc phát triển hệ thống phần mềm phải phù hợp nội dung hoạt động, điều kiện, đặc điểm của Chính phủ Việt Nam. Ngoài ra, vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, chống tin tặc và các hình thức phá hoại thông tin cũng cần được quan tâm nhằm bảo đảm an toàn cho hệ thống.

Theo ông Phùng Văn Cường, E-Cabinet được thiết kế bảo đảm an toàn, an ninh với cơ chế bảo mật nhiều lớp, xác thực truy cập đa nhân tố, sử dụng các giải pháp mật mã và chứng thư số chuyên dùng sẽ bảo đảm được vấn đề an toàn an ninh thông tin. Thiết bị sử dụng kết nối trong hệ thống cũng được kiểm tra tính an ninh, an toàn trước khi sử dụng. Toàn bộ hệ thống do Viettel thiết kế và làm chủ, hệ thống được thiết kế mở về kiến trúc trên nền công nghệ điện toán đám mây dùng riêng. Sử dụng đường truyền kết nối của Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Ðảng, Nhà nước (Mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp I). Ðồng thời vẫn tuân thủ và phù hợp Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam và Văn phòng Chính phủ.

Việc triển khai hệ thống E-Cabinet thể hiện quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Ðây là bước đi giúp Việt Nam khẳng định mình trong xu thế chung của cuộc CMCN 4.0, ứng dụng các công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển đất nước và hội nhập với quốc tế.