Tổng doanh thu ngành báo chí năm 2019 ước đạt hơn 4,9 nghìn tỷ đồng

NDO -

NDĐT - Theo thông tin từ Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2019, tổng doanh thu của báo in và báo điện tử năm 2019 ước đạt 4.923 tỷ đồng, trong đó báo in là 3.558 tỷ đồng, báo điện tử 1.365 tỷ đồng.

Hội nghị tổng kết năm 2019 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020 Khối Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Hội nghị tổng kết năm 2019 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020 Khối Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ngày 13-12, tại Hà Nội, Khối Thông tin gồm Cục Báo chí, Cuc Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Thông tin đối ngoại, Cục Thông tin cơ sở, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2019 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020.

Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo; cùng dự có cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các đơn vị trong Khối.

Theo thông tin từ Cục Báo chí, năm 2019, công tác quản lý nhà nước về báo chí được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo sâu sát. Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành; công tác triển khai quy hoạch được thực hiện quyết liệt; công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí, ứng dụng công nghệ báo chí, hỗ trợ đặt hàng báo chí, phát triển báo chí được quan tâm với nhiều hoạt động thiết thực. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về báo chí được đánh giá, sơ kết đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời; công tác xử lý vi phạm được tăng cường, bước đầu đã hạn chế tình trạng “báo hóa tạp chí” thực hiện không đúng tôn chỉ mục đích, tình trạng sách nhiễu, tống tiền.

Cũng trong năm 2019, báo chí đã làm tốt công tác tuyên truyền, tích cực tham gia giám sát, phản biện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, phản bác các luận điệu sai trái, các cơ quan báo chí đã tích cực cơ cấu tổ chức, xây dựng mô hình hoạt động theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Mặt khác, sự phát triển mạnh mẽ của báo điện tử cùng những khó khăn của kinh tế, số lượng phát hành và quảng cáo của báo in giảm nhiều, ảnh hưởng đến kinh tế báo chí. Tuy nhiên, đã có nhiều cơ quan báo chí của các Bộ, ngành và các tổ chức đoàn thể cố gắng tiến tới tự chủ, đây là nỗ lực rất lớn của các cơ quan báo chí trong việc khắc phục khó khăn, bảo đảm hoạt động.

Theo đó, năm 2019, số cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về kinh phí hoạt động chiếm tỷ lệ 39%; số cơ quan báo chí tự chủ một phần kinh phí hoạt động chiếm tỷ lệ 36% và số cơ quan báo chí được ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động chiếm tỷ lệ 25%. Tổng doanh thu của báo chí in và báo chí điện tử năm 2019 ước đạt 4.923 tỷ đồng (trong đó báo in là 3.558 tỷ đồng, báo điện tử 1.365 tỷ đồng). So với năm 2018, tổng doanh thu của báo chí in và báo chí điện tử có tăng nhưng không đáng kể (năm 2018 tổng doanh thu là 4.898 tỷ đồng, trong đó báo in là 3.650 tỷ đồng, báo điện tử là 1.248 tỷ đồng).

Đối với lĩnh vực Phát thanh, Truyền hình và thông tin điện tử, năm 2019, thị trường dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền tiếp tục phát triển về thuê bao và doanh thu, tuy nhiên, tốc độ phát triển doanh thu rất chậm. Số lượng thuê bao truyền hình trả tiền năm 2019 ước đạt 16,5 triệu thuê bao.

Về thông tin điện tử, năm 2019 đã hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật với mục tiêu để doanh nghiệp nước ngoài phải bình đẳng với doanh nghiệp trong nước, tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam. Chủ động đàm phán, đấu tranh quyết liệt với Facebook và Google buộc hai nền tảng này phải tích cực hợp tác, gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam và có giải pháp ngăn chặn tình trạng phát tán tin giả, thông tin xấu độc, tài khoản giả mạo trên nền tảng Facebook và Youtube. Phối hợp cùng Bộ quản lý chặt chẽ các kênh Youtube có tính năng kiếm tiền về nội dung đăng tải quảng cáo và việc đóng thuế. Có chính sách thúc đẩy phát triển mạng xã hội Việt Nam, chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trong nước ngăn chặn các website không rõ nguồn gốc, đưa tin giả mạo, kiên quyết xử lý tình trạng “báo hóa”...