Tăng cường lợi ích cho doanh nghiệp khi tham gia Cổng Dịch vụ công quốc gia

NDO -

NDĐT - Ngày 19-5, tại Hà Nội, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến “Giới thiệu Cổng Dịch vụ công quốc gia và các lợi ích dành cho doanh nghiệp”.

Hội nghị trực tuyến “Giới thiệu Cổng Dịch vụ công quốc gia và các lợi ích dành cho doanh nghiệp”.
Hội nghị trực tuyến “Giới thiệu Cổng Dịch vụ công quốc gia và các lợi ích dành cho doanh nghiệp”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione đồng chủ trì hội nghị.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, thông qua Hội nghị này, VPCP, Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ cùng các đối tác WB, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Pháp và các cơ quan liên quan mong muốn lan tỏa được những thông tin hữu ích cho doanh nghiệp (DN). Hội nghị cũng là dịp ghi nhận ý kiến thực tiễn từ cộng đồng DN để cải thiện quá trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) và vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) ngày càng hiệu quả hơn. Theo Bộ trưởng, việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử đem lại lợi ích rất lớn cho người dân, DN. Cổng DVCQG là kênh hữu hiệu nhất để điện tử hóa TTHC, đồng thời còn tạo thêm kênh giám sát, bảo đảm tính minh bạch của các bộ, ngành, địa phương. Quá trình giải quyết được thông tin tới các DN, đồng thời, VPCP cũng đồng hành đôn đốc, theo dõi và chấn chỉnh kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong việc giải quyết.

Tại hội nghị, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione chia sẻ: Việt Nam đã phòng, chống đại dịch Covid-19 quyết liệt và hiệu quả. Thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát đại dịch đã được công nhận và ngợi ca trên toàn cầu. Nhưng bài học kinh nghiệm nổi bật nhất có lẽ là yêu cầu chuyển đổi kỹ thuật số và đáp ứng nhanh các nhu cầu dịch vụ công đặt ra đối với các chính phủ. Theo đại diện WB, giá trị của Cổng DVCQG đã được chứng minh trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 vừa rồi. Với các biện pháp giãn cách xã hội được đưa ra nhằm ngăn chặn lây nhiễm, người sử dụng dịch vụ và cán bộ cơ quan nhà nước có thể truy cập và cung cấp các dịch vụ công thiết yếu bằng phương thức trực tuyến, để bảo vệ người dân, DN và cán bộ cơ quan nhà nước.

Chúng ta đặc biệt vui mừng khi nghe về sự phát triển của Cổng DVCQG kể từ thời điểm khai trương cách đây năm tháng, với hơn 35 triệu lượt truy cập, hàng trăm dịch vụ được cung cấp cho người dân và DN thông qua cổng thông tin cũng như lượng thông tin và phản hồi được khởi tạo. Đại diện WB cũng đề xuất các biện pháp hành động đối với cộng đồng DN và Chính phủ để tăng cường tác động của các chính sách đổi mới kỹ thuật số trong thời gian sắp tới.

Theo đó, cộng đồng DN cần đẩy mạnh quá trình số hóa. Covid-19 cũng có thể coi là một hồi chuông nhắc nhở đối với các nhà lãnh đạo DN. Bảo đảm kinh doanh liên tục trong thời đại hiện nay gần như là bất khả thi nếu không có công nghệ phù hợp, trong đó các DN kinh doanh trực tuyến chịu ảnh hưởng vì sự gián đoạn ít nghiêm trọng hơn so với các DN kinh doanh thông thường như chúng ta đã chứng kiến trong cuộc khủng hoảng.

Từ góc độ kinh tế vĩ mô, việc số hóa DN cũng có thể giúp tăng cường hoạt động kinh tế của một quốc gia. Theo ước tính, việc số hóa các DN nhỏ và vừa của ASEAN có thể tạo ra thêm 1,1 nghìn tỷ USD giá trị GDP trên toàn khu vực vào năm 2025. Về phía Chính phủ, đại diện WB đề xuất, việc triển khai DVCTT nên bắt đầu từ việc đơn giản hóa các quy trình kinh doanh. Bởi cho dù có bao nhiêu dịch vụ được cung cấp trực tuyến chăng nữa, mà nếu những dịch vụ đó không giúp làm giảm thời gian và chi phí giao dịch cho DN thì cũng không mang lại nhiều ý nghĩa đối với họ. Chính phủ có thể đóng vai trò là nền tảng khởi động để hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển kỹ thuật số nhanh chóng hơn.

* Được khai trương từ ngày 9-12-2019, đến nay, Cổng DVCQG đã có những kết quả tích cực, thể hiện được mục tiêu Chính phủ phục vụ người dân, doanh nghiệp, cụ thể đã có hơn 140 nghìn tài khoản đăng ký, hơn 35 triệu lượt truy cập, hơn 7,3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, hơn 68 nghìn hồ sơ được thực hiện qua Cổng DVCQG. Hệ thống cũng tiếp nhận hỗ trợ hơn 11.000 cuộc gọi; tiếp nhận trên 5.600 phản ánh, kiến nghị của người dân, DN; đã tích hợp được 395 DVCTT lên Cổng DVCQG, trong đó có 232 DVC dành cho doanh nghiệp. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện DVCTT khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng DVCQG đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.

Sau sáu tháng triển khai Cổng DVCQG, từ tám nhóm dịch vụ ban đầu, đến nay đã tăng lên 389 DVCTT (160 cho công dân, 229 cho DN); cung cấp chức năng thanh toán trực truyến để người dân, DN nộp các nghĩa vụ tài chính liên quan, nhiều dịch vụ công được DN quan tâm thực hiện như thông báo hoạt động khuyến mại, cấp điện, nộp thuế, phí, lệ phí, kê khai, nộp thuế điện tử, đề nghị gia hạn thuế...