Sớm tháo gỡ bất cập trong họp trực tuyến

NDO -

NDĐT - Thời gian qua, việc triển khai tổ chức hội nghị trực tuyến trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã mang lại hiệu ứng tích cực, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở. Tuy vậy, quá trình triển khai họp trực tuyến trên địa bàn cũng xuất hiện những bất cập, khó khăn đòi hỏi sự chung tay tháo gỡ của các ngành, đơn vị liên quan.

Một buổi tham gia hội nghị trực tuyến của UBND huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Một buổi tham gia hội nghị trực tuyến của UBND huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Ngày 25-2, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến “Triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng, chống dịch bênh Covid-19”. Ngoài điểm cầu cấp tỉnh, hội nghị được đấu nối, truyền hình trực tuyến đến 13 điểm cầu tại các huyện, thị, thành phố trên địa bàn.

Theo lãnh đạo Văn phòng UBND huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), thay vì việc mời các thành phần liên quan đến dự họp tại phòng họp trực tuyến của UBND huyện Kỳ Anh, cuộc họp lần này lại được tổ chức tại Chi nhánh Viettel Kỳ Anh.

“Mặc dù phòng họp trực tuyến của UBND huyện được đầu tư đồng bộ, đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích, âm thanh, ánh sáng… Tuy nhiên, do đơn vị tổ chức cuộc họp này sử dụng hệ thống truyền dẫn của Viettel nên không thể đấu nối với hệ thống thiết bị mà phòng họp trực tuyến của UBND huyện sẵn có, vì vậy chúng tôi phải nhờ phòng họp của Chi nhánh Viettel Kỳ Anh”, Quyền Chánh Văn phòng UBND huyện Kỳ Anh, Võ Xuân Bằng cho biết.

Theo giới thiệu của đồng chí phụ trách công nghệ thông tin (CNTT) của Văn phòng UBND huyện Kỳ Anh, chúng tôi có mặt tại Chi nhánh Viettel Kỳ Anh tại xã Kỳ Đồng. Bên trong cửa hàng kinh doanh nằm sát QL1A, phòng họp trực tuyến của đơn vị này có diện tích khoảng 15m2, các thành phần tham gia đang chăm chú lắng nghe những thông điệp, chỉ đạo từ chủ trì cuộc họp. Do phòng họp quá chật chội, nhiều thành viên dự họp không có chỗ đặt sổ ghi chép và họ phải lựa mọi tư thế ngồi để tiếp thu nội dung được phổ biến. Cũng do không gian phòng họp không đáp ứng được nhu cầu, dù muốn mở rộng thành phần tham gia để quán triệt kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhưng địa phương này cũng đành gói gọn trong phạm vi 20 người, vừa sức chứa của phòng họp. Được biết, tình trạng này không chỉ diễn ra ở Kỳ Anh mà còn diễn ra ở nhiều địa phương khác.

Qua tìm hiểu được biết, ngoài thành phố Hà Tĩnh có phòng họp khá rộng rãi, phòng họp của Viettel ở các huyện khá hẹp, bởi đây vốn là phòng giao ban trực tuyến nội bộ của đơn vị này. Do vậy, khó đáp ứng được nhu cầu của các cuộc họp trực tuyến có sự tham gia của nhiều thành phần. Ngoài ra, do đặc thù là đơn vị kinh doanh, đơn vị này thường lựa chọn những địa điểm có lợi thế thương mại, nằm sát các trục đường lớn, việc tổ chức các cuộc họp tại đây cũng gây ái ngại cho người tham gia và khó tránh khỏi những tác động đến trật tự giao thông tại khu vực.

Giám đốc Trung tâm Thông tin - Công Báo -Tin học Hà Tĩnh, Dương Kim Nga cho biết, từ năm 2009, tỉnh Hà Tĩnh đưa vào vận hành hình thức hội nghị trực tuyến, kết nối với 13, huyện, thị, thành phố trên địa bàn. Bình quân mỗi năm, hệ thống tại đầu cầu UBND tỉnh tổ chức 100 phiên hội nghị/năm. Cá biệt, có nhiều hội nghị trực tuyến được tổ chức thu hút sự tham gia của hàng nghìn lượt người, thể hiện rất rõ tính ưu việt của việc ứng dựng CNTT trong cải cách hành chính.

Từ khi đưa vào vận hành đến nay, hệ thống họp trực tuyến hoạt động ổn định, chất lượng tốt, phát huy hiệu quả giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, mở rộng thành phần tham gia phổ biến, quán triệt. Đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của các cấp chính quyền và hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở. Hiện nay, hệ thống họp trực tuyến tại Hà Tĩnh được trang bị đồng bộ từ tỉnh đến huyện và kết nối trực tuyến với phòng họp điện tử của Chính phủ bằng hệ thống đường dẫn của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT).

Liên quan phản ánh về những bất cập trong quá trình triển khai hình thức họp trực tuyến do các nhà mạng chưa tích hợp hệ thống truyền dẫn, băng thông, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Công báo - Tin học Hà Tĩnh cho biết, hiện nay, ngoài các phiên họp trực tuyến của Chính phủ, các bộ ngành T.Ư cũng tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến.

Tuy nhiên, cái khó nằm ở chỗ, một số bộ, ngành T.Ư tổ chức các cuộc họp, hội nghị trực tuyến lại sử dụng hệ thống băng thông, đường dẫn của nhà mạng khác, không tích hợp hệ thống trang thiết bị của các phòng họp trực tuyến từ tỉnh xuống huyện được đầu tư bài bản từ trước đến nay. Với những hội nghị trực tuyến được tổ chức như thế này, không những các huyện, thị, thành phố mà đầu cầu cấp tỉnh cũng phải đến họp ở trụ sở, văn phòng của nhà mạng đó.

Với mong muốn tạo nên sự công bằng, minh bạch và hiệu quả thông qua việc ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, đề nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu và triển khai các giải pháp hỗ trợ, tạo sự tương tác, tích hợp giữa các hệ thống đường dẫn, nhà mạng nhằm phát huy tính ưu việt của hệ thống truyền hình hội nghị trực tuyến.