Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số

NDO -

NDĐT - Ngày 6-11, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo quốc tế châu Á lần thứ 18 của Hiệp hội Phát triển nguồn nhân lực quốc tế (AHRD) với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực: Đổi mới và phát triển trong kỷ nguyên số”.

Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực: Đổi mới và phát triển trong kỷ nguyên số.
Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực: Đổi mới và phát triển trong kỷ nguyên số.

Hội thảo do trường Đại học Ngoại thương, Hiệp hội Phát triển Nguồn nhân lực quốc tế và Học viện Viettel phối hợp tổ chức.

Đây là lần đầu tiên hội thảo về phát triển nguồn nhân lực được tổ chức ở Việt Nam, cũng là lần đầu tiên hội thảo gắn các vấn đề truyền thống về phát triển nguồn nhân lực với vấn đề đổi mới và sáng tạo trong kỷ nguyên số. Hơn 120 đại biểu từ 17 quốc gia, gồm nhiều học giả, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, nhà quản trị nhân lực trong và ngoài nước đã cùng nhau thảo luận, tập trung vào 10 nhóm vấn đề liên quan tới phát triển nguồn nhân lực như: Phát triển nguồn nhân lực trong nước, khu vực và quốc tế; phát triển nguồn nhân lực và phát triển bền vững; đào tạo tại doanh nghiệp và nơi làm việc…

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, PGS.TS Bùi Anh Tuấn, hội thảo được tổ chức xuất phát từ những đòi hỏi cấp thiết của việc phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế, tăng cường hội nhập quốc tế và sự ảnh hưởng sâu rộng của cách mạng công nghiệp 4.0. Nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam đã và đang đòi hỏi các nguồn nhân lực chất lượng cao vì đây là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững.

Tại hội thảo, Vụ trưởng Giáo dục Đại học (GDĐH) Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết: Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đang được coi là một trong những giải pháp chiến lược, mang tính đột phá để tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững. Trong bối cảnh hiện nay, đổi mới GDĐH là một trong những giải pháp trọng tâm để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và bền vững ở Việt Nam.

Vì vậy, trong thời gian tới, nhằm giải quyết những vấn đề còn hạn chế trong đổi mới GDĐH, về phía quản lý nhà nước, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và triển khai thực hiện có hiệu quả Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH năm 2018; tăng cường đầu tư và thu hút các nguồn lực mới, có cơ chế sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển GDĐH. Đối với các cơ sở GDĐH, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý; kết hợp chặt chẽ giữa cơ sở GDĐH và doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động; phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, đào tạo bằng tiếng nước ngoài, tập trung các ngành thế mạnh và các lĩnh vực ưu tiên; xây dựng các chương trình đào tạo cập nhật để tạo nguồn nhân lực cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.