Nhiều cơ hội cho Việt Nam trong chuyển đổi số thành công

NDO -

NDĐT - Ngày 23-8, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp UBND tỉnh Phú Yên, Hội Tin học Việt Nam tổ chức Hội thảo hợp tác phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam lần thứ 23.

Hội nghị hợp tác phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam lần thứ 23.
Hội nghị hợp tác phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam lần thứ 23.

Hơn 800 đại biểu đến từ các cơ quan của Chính phủ, các ngành, lãnh đạo UBND các địa phương, các chuyên gia, diễn giả, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông tham dự.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Bước tiếp theo của công nghệ thông tin là chuyển đổi số, đây sẽ là sự chuyển dịch mang tính “cách mạng” làm thay đổi diện mạo đất nước, sứ mạng này được giao cho những người làm công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Bộ Thông tin và Truyền thông được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia. Chuyển đổi số sẽ là thách thức cho chúng ta, tuy nhiên cũng là cơ hội lớn cho những người làm công tác công nghệ thông tin, tạo nên những bước phát triển mới cho đất nước. Theo Bộ trưởng, hạt nhân chuyển đổi số là doanh nghiệp công nghệ, ICT. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đóng vai trò mở cửa cho các doanh nghiệp công nghệ, tiếp nhận lắng nghe, tham mưu Chính phủ giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp công nghệ, Bộ cũng sẽ đóng vai trò “nhạc trưởng” trong chuyển đổi số, phát triển ICT.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về: Chuyển đổi số nâng cao hiệu quả chính quyền điện tử; chuyển đổi số-nông nghiệp, dịch vụ và biến đổi khí hậu, môi trường thông minh; xu thế chuyển đổi số-cơ hội và thách thức; giải pháp thúc đẩy nhanh chuyển đổi số; xu hướng an toàn thông tin trong chuyển đổi số; giải pháp đồng bộ xây dựng hệ thống kho dữ liệu dùng chung.

Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam, để nhận diện đúng thách thức và cơ hội đặt ra cho công cuộc phát triển kinh tế số ở Việt Nam cần giải quyết hai vấn đề: Thứ nhất, làm rõ thực chất, cốt lõi thời đại 4.0, với trục cốt lõi là kinh tế số. Thứ hai, cần định vị đúng Việt Nam tại “vạch xuất phát” (tức thực trạng) để tiến hành công cuộc chuyển đổi sang kinh tế số. Để đạt được mục tiêu trên, PGS, TS Trần Đình Thiên cho rằng, cần tạo ra nhanh các nguồn lực trí tuệ, năng lực công nghệ, doanh nghiệp hiện đại và hạ tầng số. Ngoài ra, xã hội công khai minh bạch, quản trị thông minh, hệ thống pháp luật bảo đảm cho quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện hiệu quả, bảo đảm an toàn số, đồng thời, cần có chính sách khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo, định hướng công nghệ cao.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương Lai Xuân Thành cho biết: Bình Dương đang thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, doanh nghiệp hoạt động tại các khu công nghiệp, lao động nhập cư, phát sinh nhiều hồ sơ, hành chính của người dân, doanh nghiệp. Bình Dương xác định yếu tố để phát triển bền vững là chính quyền phải công khai minh bạch và giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính, làm được điều này nhất định phải xây dựng Chính quyền điện tử. Để thực hiện Bình Dương đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách như quy chế ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, xây dựng cơ sở hạ tầng, nghiên cứu công nghệ cao, thành lập các phòng thí nghiệm chế tạo công nghệ. Ngoài ra, tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, lao động tri thức, xác định rõ nhân lực chất lượng đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định sự thành công của quá trình triển khai chính quyền điện tử...

Các đại biểu, nhà quản lý tại hội thảo cũng nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cốt lõi là chuyển đổi số, đang đưa nhân loại tiến sang một thời đại phát triển mới - thời đại số. Việt Nam cần phải nắm bắt thời cơ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số đất nước và vững vàng tiến bước cùng thời đại, trở thành một quốc gia hùng cường.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số là cuộc cách mạng toàn dân. Hạt nhân của quá trình chuyển đổi số là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và doanh nghiệp ICT Việt Nam. Vì vậy, phải phát triển 100 nghìn doanh nghiệp ICT, nhất là các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố. Tập trung tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, triển khai ứng dụng công nghệ vào mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội. Đào tạo một nghìn chuyên gia làm chuyển đổi số, phân tán ở tất cả các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

“Việc chuyển đổi số là sự chuyển dịch mang tính cách mạng, sẽ làm thay đổi diện mạo của đất nước. Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng đề án chuyển đổi số quốc gia và sẽ ban hành trong năm nay. Theo đó, sẽ đưa công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Năm lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông được định hướng phát triển cụ thể: Bưu chính bao gồm hạ tầng cho thương mại điện tử, hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT, công nghệ thông tin với định hướng Chính phủ điện tử, đô thị thông minh, xã hội số, kinh tế số; An toàn - An ninh mạng với định hướng bảo đảm an toàn cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia, công nghiệp ICT với định hướng là phát triển 100 nghìn doanh nghiệp ICT. Cả năm lĩnh vực này cần được đầu tư để đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về ICT. Chuyển đổi số không chỉ con người mà các vật vô tri vô giác, hình thành các mối quan hệ mới trong thế giới ảo, những mô hình quản trị mới này sẽ giúp phát huy hiệu quả của chuyển đổi số. Các yếu tố nền tảng chuyển đổi số là thể chế, hạ tầng, đổi mới sáng tạo, an ninh - an toàn mạng, doanh nghiệp ICT và đào tạo”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phan Đình Phùng cho rằng, chuyển đổi số chủ trương lớn của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông đang quyết liệt thực hiện góp phần giúp các địa phương xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh, đây là cơ hội lớn để người làm công tác thông tin truyền thông các địa phương học hỏi kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả về công nghệ thông tin tại các địa phương, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý, phát triển kinh tế-xã hội địa phương.