Khoa học ngày nay

Nhân giống thành công cây thông đất

Các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp (Trường đại học Nông lâm Thái Nguyên) đã xác định được xuất xứ 10 loài cây thông đất thông qua đặc điểm hình thái và ứng dụng chỉ thị sinh học phân tử, lựa chọn được ba loài cây thông đất có hàm lượng Huperzine A cao nhất, đăng ký được 11 đoạn trình tự gen trên ngân hàng gen quốc tế và đăng ký bản quyền trình tự gen.

Ðồng thời, hoàn thiện được quy trình nhân giống vô tính cây thông đất: Nhân giống nuôi cấy mô tế bào (in vitro), nhân giống giâm hom (in vivo) trên quy mô công nghiệp. Thông đất là cây dược liệu quý hiếm, được xếp vào sách đỏ, có nguy cơ tuyệt chủng. Cây thông đất chứa các chất có tác dụng chữa các bệnh alzheimer, parkinson, teo não và sa sút trí tuệ. Hiện nay, nhân giống thông đất theo phương pháp tự nhiên mất thời gian, hiệu quả thấp. Việc nhân giống vô tính thành công giúp tạo ra nguồn giống tốt để sản xuất quy mô công nghiệp.

Cảm biến giám sát nước ngầm

Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp Ô-xtrây-li-a vừa phát triển một hệ thống cảm biến để quản lý và giám sát nước ngầm nhanh hơn, rẻ hơn và chính xác hơn. Hệ thống cho phép người dùng thu thập dữ liệu về độ pH, nguy cơ giảm nguồn nước, đồng thời tiết kiệm được nhân lực, tài nguyên. Cảm biến có thể tích hợp vào các giếng nước ngầm, liên tục truyền dữ liệu trong nhiều tháng mà không cần phải đo lường thủ công hay bảo trì. Các nhà khoa học cho biết, thiết kế chịu được môi trường khắc nghiệt và đã được thử nghiệm thành công tại một khu mỏ. Với khả năng phân tích kịp thời, cảm biến có thể cung cấp cảnh báo sớm để giảm các vấn đề môi trường phát sinh trong quá trình quản lý nước ngầm.

Nghiên cứu chất giữ ẩm để chống hạn cho cây

Các nhà khoa học của Ðại học Riverside (Mỹ) nghiên cứu ra hóa chất gọi là opabactin giúp làm chậm quá trình giải phóng nước khỏi cây để giúp cây chịu hạn. Opabactin hoạt động tương tự một loại hoóc-môn tự nhiên được cây tạo ra trong mỗi lần hạn hán. Hoóc-môn này làm chậm sự tăng trưởng của cây, nhờ đó cây tiêu thụ ít nước hơn bình thường. Theo các nhà khoa học, opabactin hoạt động tốt hơn 10 lần so với hoóc-môn tự nhiên. Các nhà khoa học có kế hoạch tìm cách tăng tốc độ phát triển của cây mà vẫn giữ được nước trong cây.