Nghiên cứu sắp xếp báo chí thành cơ quan truyền thông đa phương tiện

NDO -

NDĐT- Ngày 29-5, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Triển khai Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP Hồ Chí Minh đến năm 2025 (Đề án).

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Trước khi sắp xếp, thành phố có 28 cơ quan báo chí đang hoạt động. Cụ thể, có 16 báo in, một đài phát thanh, một đài truyền hình, 10 tạp chí. Số lượng cơ quan báo chí thành phố thực hiện sắp xếp là 27/28 do Báo Công an TP Hồ Chí Minh thực hiện sắp xếp theo Đề án của Bộ Công an.

Theo đó, số lượng cơ quan báo chí cần sắp xếp đến năm 2025 là 27 cơ quan báo chí. Lộ trình thực hiện gồm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ khi Đề án được phê duyệt đến hết năm 2020. Kết quả sau sắp xếp giai đoạn 1 thành phố còn 19 cơ quan báo chí, gồm một đài phát thanh, một đài truyền hình, bảy báo (hai báo Tôn giáo) và 10 tạp chí. Giảm tám cơ quan báo chí (chuyển thành sáu ấn phẩm phụ và hai bản tin ).

Giai đoạn 2, từ năm 2021 - 2025 sẽ hoàn thành sắp xếp. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, các cơ quan báo chí thành phố nhanh chóng ổn định hoạt động và thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt xây dựng kế hoạch hoạt động theo yêu cầu mới.

Cùng với đó, là tập trung đầu tư ngân sách nghiên cứu thí điểm xây dựng cơ quan báo chí thành phố chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, bảo đảm yêu cầu thực hiện tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, có vai trò định hướng thông tin tạo đồng thuận trong xã hội, đồng thời định hướng tư tưởng văn hóa, góp phần phát triển kinh tế, xã hội thành phố.

Đến năm 2025, nghiên cứu việc sắp xếp báo chí theo Đề án còn một cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Việc sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP Hồ Chí Minh đến năm 2025 nhằm nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử, khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng dư luận xã hội, thông tin đối ngoại. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới.