Lưới điện thông minh cho một thành phố thông minh

NDO -

NDĐT- Nếu như trước đây, một sự cố điện phải mất vài giờ để xử lý, thì giờ đây chỉ cần vài phút là có thể đóng điện trở lại. Thay đổi đáng kể này có được là do Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đã thực hiện thành công xây dựng lưới điện thông minh, góp phần triển khai Đề án “Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025”.

Trung tâm Điều độ thống điện (Ảnh Ngọc Hà).
Trung tâm Điều độ thống điện (Ảnh Ngọc Hà).

Tái lập điện trong vòng bốn phút

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC, kể lại câu chuyện sự cố điện xảy ra tại khu vực đường Cây Trâm, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, hồi giữa tháng 3 năm 2019. Nếu trước đây, mỗi khi xảy ra sự cố trên lưới điện, công nhân phải trực tiếp đến hiện trường, tìm nguyên nhân rồi khắc phục sự cố một cách thủ công, thời gian cho việc này ít nhất phải hai tiếng. Nhưng giờ đây, chỉ sau bốn phút, việc tái lập điện đã được thực hiện một phần và sau 22 phút, toàn bộ hộ dân bị ảnh hưởng đã có điện trở lại bình thường. Toàn bộ quá trình từ khi phát hiệnsự cố, cho đến xử lý đều được điều khiển từ xatừ Trung tâm Điều độ hệ thống điện của EVN HCMC đặt tại Quận 1.

Đưa chúng tôi đến phòng điều hành của Trung tâm điều độ hệ thống điện TP Hồ Chí Minh, chỉ vào hệ thống thông tin điều hành hiện đại treo kín mặt tường, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Thanh giải thích, tất cả lưới điện thuộc sự quản lý của các Công ty điện lực thành viên đều hiển thị ở đây. Đây là trung tâm với dữ liệu trăm phần trăm “made in Vietnam” được xây dựng bằng trí tuệ của đội ngũ kỹ sư của EVNHCMC. Đó luôn là niềm tự hào mà đội ngũ cán bộ công nhân viên (CBCNV) Tổng công ty chia sẻ khi nói về Trung tâm điều khiển từ xa - mô hình thí điểm đầu tiên của ngành điện trên toàn quốc.

Với hệ thống thiết bị tự động được lắp đặt trên lưới điện, các kỹ sư tự lập trình phần mềm điều khiển. Mỗi khi có sự cố xảy ra, lập tức hệ thống sẽ báo động chính xác vị trí sự cố. Từ đó, nhân viên điện lực trực có thể cô lập khu vực xảy ra sự cố. Thông qua các thiết bị đóng - mở điện tự động đã lắp trên lưới điện, nhân viên điều hành sẽ thực hiện việc chuyển tải để khu vực bị mất điện được hạn chế ở mức thấp nhất.

Việc xây dựng lưới điện thông minh còn chứng minh tính hiệu quả trong những điều kiện thời tiết đặc biệt. Ôn lại chuyện cơn bão đổ bộ vào thành phố năm 2018, ông Thanh cho biết, chỉ có tám nhân viên trực tại Trung tâm, nhưng đã điều hành toàn bộ hệ thống lưới điện của 16 quận huyện, kịp thời cắt điện tại những khu vực ngập sâu, giúp bảo đảm điều hành chuyển tải điện một cách an toàn, hạn chế tối đa rủi ro, thiệt hại do thiên tai. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động khó lường đến triều cường, và các hiện tượng thời tiết cực đoan gây nên tình trạng ngập úng đô thị, EVN HCMC cũng đã phối hợp để thiết lập bản đồ quản lý các điểm có nguy cơ ngập, lắp camera theo dõi thường xuyên để kịp thời đánh giá tình hình thực tế và lên phương án vận hành lưới hiệu quả, an toàn.

Nâng cao chỉ số độ tin cậy lưới điện

Đề án Lưới điện thông minh được EVN HCMC triển khai từ năm 2016 nhằm xây dựng một hệ thống lưới điện tiên tiến, quản lý nhu cầu điện năng theo thời gian thực tế, chất lượng điện tin cậy, ổn định và liên tục. Tổng công ty đã hoàn tất việc xây dựng Hệ thống điều hành lưới điện hiện đại (SCADA/DMS). Theo đó, 100% các trạm 110 kV được điều hành từ xa (trong đó đã rút người hoàn toàn cho 40/54 TBA, số còn lại sẽ hoàn tất trong năm 2019). Bên cạnh đó, Tổng công ty đang thực hiện kế hoạch tự động hóa lưới điện phân phối 22kV; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thi công, sửa chữa trên đường dây đang mang điện (live-line working) để giảm thiểu thời gian gián đoạn cung cấp điện. Cũng như đã tự nghiên cứu chế tạo thành công và đã đưa vào sử dụng 21 bộ vệ sinh cách điện lưới 110kV, 22kV bằng vòi nước áp lực cao (rửa sứ online) để phục vụ công tác bảo trì lưới điện mà không phải cắt điện, góp phần giảm sự cố và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng. EVN HCMC cũng thực hiện thí điểm mô hình Micro Grid (lưới điện thông minh khu vực) tại một số khu vực như: Khu Công nghệ cao quận 9; Khu văn phòng thương mại dọc các trục đường chính quận 1; Khu dân cư Miếu Nổi quận Phú Nhuận và Khu dân cư quận 7, làm cơ sở cho việc nhân rộng mô hình này trong các năm tới.

Sau quá trình triển khai các giải pháp công nghệ mới đã mang lại hiệu quả rất lớn về mặt kinh tế, kỹ thuật, độ tin cậy lưới điện được nâng cao với chỉ số SAIFI (số lần mất điện trung bình một khách hàng) của 9 tháng đầu năm 2019 là 0,64 lần, tốt hơn 50,51% và chỉ số SAIDI (số thời gian mất điện trung bình của 1 khách hàng) là 47,49 phút tốt hơn 53,22% so với cùng kỳ năm 2018. Chỉ số tiếp cận điện năng tiếp tục được cải thiện: đạt 87,94/100 điểm, tăng 37 bậc so với năm 2018 (từ vị trí 64 lên vị trí 27 trên 190 quốc gia, vùng lãnh thổ), là năm thứ tư liên tiếp tăng bậc và cũng là mức tăng cao nhất từ trước đến nay.

Chỉ tính riêng khu vực quận Gò Vấp, ông Nguyễn Tự Hùng, Giám đốc Công ty Điện lực Gò Vấp cho biết, nhờ ứng dụng công nghệ, chỉ số SAIFI trên địa bàn đã giảm từ con số 6,32 lần của năm 2016 xuống còn 0,76 lần năm 2018 và năm nay dự kiến là còn 0,42 lần. Chỉ số SAIDI cũng giảm từ 616 phút của năm 2016 xuống còn 35 phút của năm 2018, dự kiến năm 2019 là 22 phút.

EVN HCMC cũng là đơn vị tiên phong trong áp dụng phần mềm quản lý dữ liệu mất điện (OMS) và thực hiện đề án bảo trì lưới điện theo mô hình tiên tiến. Để rồi từ những kinh nghiệm đúc kết được trong thực tế, các giải pháp công nghệ quan trọng ấy đã được nhân rộng trong toàn tập đoàn EVN, góp phần vào việc nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.

AI xóa nhòa khoảng cách

Ứng dụng khoa học công nghệ và đặc biệt đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động của doanh nghiệp đã góp phần gia tăng năng suất lao động và cải thiện độ tin cậy, hài lòng của khách hàng. Tất cả những điều này tác động sâu sắc đến hiệu quả chung của doanh nghiệp. Đó là điều ông Nguyễn Văn Thanh tâm đắc chia sẻ. Con số 4,5 triệu kWh/người là năng suất lao động mà EVNHCMC ước thực hiện đạt được trong năm 2019. Đồng thời, ông Thanh còn cho biết thêm gần 5 triệu kWh/người là mục tiêu phấn đấu của EVN HCMC đến năm 2020.

Với một đơn vị tiên phong đổi mới như EVN HCMC, việc xây dựng Trung tâm chăm sóc khách hàng được hoạch định từ rất sớm. Là mô hình thí điểm đầu tiên trong toàn tập đoàn, trung tâm đang đi đầu trong ứng dụng AI vào việc kết nối với khách hàng. Người dân tại TP Hồ Chí Minh đã quen thuộc với dãy số của tổng đài điện thoại, nơi họ có thể gọi bất cứ khi nào để báo tin hoặc hỏi han thông tin về dịch vụ điện. Giải đáp nhanh gọn, chuyên nghiệp và thân thiện là những yêu cầu đặt ra đối với mỗi nhân viên trực. Tuy nhiên, kể từ khi phần mềm chatbot được đưa vào sử dụng, công việc kết nối với khách hàng càng trở nên nhanh chóng, dễ dàng hơn. Các chatbot trả lời tự động đang được hoàn thiện dần mỗi ngày đã trở thành “cộng sự đặc biệt” của mỗi nhân viên tư vấn tại trung tâm.

Ông Nguyễn Văn Thanh cũng chia sẻ thông tin về một App ứng dụng sẽ được chính thức đưa vào phục vụ khách hàng trong năm 2020. “Hãy tưởng tượng như khi bạn gọi xe qua ứng dụng công nghệ, bạn sẽ được biết tài xế, biển xe, số tiền, mọi thứ rõ ràng minh bạch khiến cho bạn thoải mái ấn nút lựa chọn. Giờ đây, khi đặt một dịch vụ liên quan đến xử lý điện, bạn cũng sẽ được biết mã số và hình ảnh của nhân viên xử lý, thậm chí biết được cả quãng đường mà người đó di chuyển đến địa điểm của bạn… Tất cả nhờ vào phần mềm giám sát nhân viên xử lý, sửa chữa điện”, ông Thanh mô tả. Với Giám đốc Công ty điện lực Gò Vấp, phần mềm giám sát này còn giúp cho việc quản lý nhân viên được hiệu quả hơn. Khi các nhóm, tổ công tác tại hiện trường kết nối trực tiếp về, người trực ở nhà có thể giám sát được nhân viên tại hiện trường làm đúng quy trình và tuân thủ yêu cầu bảo hộ lao động hay không?

Năm 2020 cũng là mốc thời gian để EVN HCMC hoàn tất tích hợp phần mềm đo xa vào phần mềm quản lý mất điện. Phần mềm viết riêng này có thể giúp tự động cập nhật mất điện ở trạm nào, đường dây nào và thậm chí lập tức đo đếm được con số hộ khách hàng chịu ảnh hưởng… để từ đó lên phương án xử lý nhanh nhất.

Cải tiến các chỉ số về mức độ tiếp cận điện năng, đi đôi với nâng cao độ tin cậy lưới điện, giảm thiểu tổn thất điện… những giải pháp này chỉ có thể đạt được khi tích hợp trí tuệ, năng lực của đội ngũ CBCNV với những bước tiến của công nghệ. Lưới điện thông minh “đi trước” là điều kiện tiên quyết để TP Hồ Chí Minh có thể về đích sớm trong quá trình xây dựng một thành phố thông minh.