Kiểm soát công nghệ đốt rác phát điện

Là công nghệ tối ưu của thế giới trong xử lý rác thải sinh hoạt, công nghệ đốt rác phát điện bước đầu áp dụng ở một số địa phương, được kỳ vọng giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt theo hướng tối ưu, giảm phát thải, thu hồi năng lượng, phù hợp với định hướng nền kinh tế tuần hoàn của Chính phủ. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần kiểm tra, giám sát việc áp dụng công nghệ mới, tránh ô nhiễm môi trường khí.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta là 25 triệu tấn. Trong đó, 70% chôn lấp trực tiếp, 30% được xử lý đốt không thu hồi năng lượng hoặc làm phân bón hữu cơ. Các phương pháp xử lý rác thải sinh hoạt nêu trên chưa giải quyết được triệt để rác thải sinh hoạt.

Theo Phó Tổng cục trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Văn Thức, đốt rác phát điện là xu hướng chung của thế giới, được áp dụng rộng rãi ở các nước phát triển. Công nghệ này mang lại nhiều hiệu quả trong xử lý rác thải, như: giảm đáng kể thể tích rác, giảm diện tích chôn lấp, giảm phát thải ra môi trường, biến rác thải thành tài nguyên thứ sinh tạo ra năng lượng phục vụ đời sống. Hiện nay, một số địa phương bắt đầu chuyển sang công nghệ đốt rác phát điện.Thí dụ, tháng 12-2018, Nhà máy Xử lý rác phát điện Cần Thơ (ấp Trường Thọ, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) đi vào hoạt động với công suất xử lý 400 tấn rác thải sinh hoạt và phát 150.000 kWh điện mỗi ngày. Tháng 5 vừa qua, tỉnh Bắc Ninh khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện với công nghệ phù hợp đặc điểm rác thải sinh hoạt ở Việt Nam, có thể xử lý tốt rác thải hỗn hợp, kiểm soát hiệu quả lượng khí thải và tro đáy. Dự kiến khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ tiếp nhận xử lý 500 tấn rác/ngày đêm, giải quyết cơ bản vấn đề rác thải sinh hoạt tại địa phương. TP Hồ Chí Minh đã khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện. Giai đoạn đầu nhà máy có hai mô-đun với công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày đêm. Ðến năm 2021 sẽ đầu tư thêm hai mô-đun tăng công suất lên 4.000 tấn rác/ngày đêm.

Theo PGS, TS Trịnh Văn Tuyên, Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), hiện nay trên thế giới, có hai dòng công nghệ đốt rác phát điện, gồm đốt rác phát điện từ nguồn rác nhiệt trị cao, với yêu cầu rác được phân loại kỹ và đốt rác phát điện từ nguồn rác nhiệt trị thấp, với rác được phân loại sơ bộ. Trong điều kiện Việt Nam chưa thực hiện được phân loại rác tại nguồn, có thể áp dụng công nghệ đốt rác phát điện từ nguồn rác nhiệt trị thấp. So với công nghệ đốt rác từ nguồn rác nhiệt trị cao thì công nghệ này cho thu hồi năng lượng thấp hơn, tỷ lệ tro đáy cao hơn nhưng phù hợp với đặc điểm rác thải hỗn hợp tại Việt Nam. Công nghệ điện rác phù hợp với các thành phố lớn, vùng đông dân cư, bởi công nghệ này cần vốn đầu tư lớn, lượng rác dồi dào (hơn 500 tấn/ngày).

Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức cho biết, xu hướng đốt rác phát điện đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến khích, nhất là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu đến năm 2025, hai thành phố này cơ bản chuyển sang đốt thu hồi năng lượng là chính, giảm tỷ lệ chôn lấp còn 20%. Các chuyên gia môi trường cho rằng, khi áp dụng công nghệ này, cơ quan quản lý phải có đủ năng lực giám sát chặt chẽ, bởi công nghệ xử lý rác nào cũng tiềm ẩn nguy cơ về ô nhiễm môi trường khí thải, nhất là phát thải các hợp chất dioxin, furan ra ngoài. Ðể giảm phát thải các hợp chất này, trong quá trình xử lý rác, cần có hệ thống hấp thụ với các hóa chất hấp thụ, nhưng hiện nay chi phí mua hóa chất đắt đỏ. Do đó, cần thực hiện những nghiên cứu khoa học và từng bước nội địa hóa hệ thống lọc khói cũng như một số chi tiết, thiết bị quan trọng khác của nhà máy đốt rác phát điện để giảm chi phí đầu tư. TS Trần Thế Loãn, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, công nghệ đốt rác tiên tiến của thế giới có thể hạn chế tốt khí thải từ quá trình đốt. Vấn đề quan trọng là cần đưa ra hàng rào kỹ thuật để các công nghệ tiên tiến, hiện đại bảo đảm tốt quá trình xử lý khí thải sau đốt. Bên cạnh đó, cần có công cụ đủ mạnh để giám sát hoạt động đốt rác theo các quy chuẩn đã được xây dựng.

Từ thực tế nhiều công nghệ xử lý rác hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý cần xây dựng các mô hình xử lý rác thải để các địa phương lựa chọn giải pháp phù hợp. Các địa phương dân cư đông, lượng rác thải lớn, thu gom tập trung có thể áp dụng mô hình đốt rác phát điện. Các địa phương quỹ đất dồi dào, rác thải phân tán có thể áp dụng chôn lấp hợp vệ sinh kết hợp làm phân hữu cơ.