Khởi tạo cuộc sống số trong mùa dịch Covid-19

NDO -

NDĐT - Ngày 25-3, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-BTTTT phát động Cuộc vận động ứng dụng công nghệ Việt cho cuộc sống số. Đây là Chỉ thị thứ hai mà Bộ trưởng chỉ đạo toàn ngành cùng vào cuộc phòng, chống dịch bệnh Covid-19, giúp cuộc sống tiếp diễn bình thường và thúc đẩy phát triển CNTT, chuyển đổi số, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Việt Nam đang cần thêm nhiều ứng dụng công nghệ Việt cho cuộc sống số.
Việt Nam đang cần thêm nhiều ứng dụng công nghệ Việt cho cuộc sống số.

Trong thời đại số, con người được bủa vây bởi các thiết bị công nghệ, giao tiếp và trao đổi thông tin trên mạng nhiều hơn trong đời thực, chơi các trò chơi trên máy tính nhiều hơn vận động bên ngoài.

Đã có những lúc chúng ta nghĩ cần tạm dẹp hết thiết bị công nghệ sang một bên để quay về với thiên nhiên, quay về với gia đình và những người bạn thật sự. Nhưng Covid-19 ập tới khiến nhiều thứ thay đổi, con người nhận ra không hẳn như vậy.

Hóa ra chúng ta vẫn chưa có đủ công nghệ số như chúng ta vẫn tưởng. Khi đại dịch bùng lên, chúng ta vẫn thiếu phần mềm trợ giúp theo dõi sức khỏe cho mỗi người dân. Việc họp trực tuyến trong nhiều cơ quan vẫn lúng túng. Việc dạy và học trực tuyến đối với cả giáo viên và học sinh vẫn còn xa lạ.

Và rồi doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vào cuộc, thể hiện năng lực nhanh nhạy của mình. Có những phần mềm phục vụ phòng, chống Covid-19 được làm xong chỉ trong vòng 48 giờ. Hưởng ứng lời hiệu triệu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, rất nhiều doanh nghiệp đã tham gia xây dựng ứng dụng độc đáo, mới lạ, hiệu quả, đi trước so với thế giới.

Môi trường sống thay đổi tạo ra nhiều thách thức hơn, nhưng nó cũng là một phép thử không thể tốt hơn cho sự phát triển, như một sự chọn lọc tự nhiên. Covid-19 không chỉ là thách thức cho mỗi cá nhân, mà còn là bài kiểm tra khắt khe về sức khoẻ doanh nghiệp, tính thích ứng và phản ứng của mỗi quốc gia. Nhưng chính nó cũng tạo ra cơ hội để thúc đẩy chuyển biến tích cực trong xã hội.

Bằng bản năng vốn có, mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp không đứng yên khi buộc phải hạn chế các hoạt động thường ngày bởi dịch bệnh. Chúng ta hạn chế trò chuyện trực tiếp, vì vậy chúng ta sử dụng các mạng xã hội nhiều hơn, chúng ta gọi đồ ăn về nhà thay vì ra ngoài hàng, và chúng ta làm việc trên mạng thay vì đến văn phòng. Xã hội rất nhanh chóng duy trì lại tính cân bằng động của mình theo cách này hay cách khác.

Trong dịch bệnh, người dân vẫn cần được làm việc. Xã hội cần các nền tảng để mỗi người có thể trao đổi, hội họp trực tuyến, sử dụng các công cụ quản trị số, các dịch vụ lưu trữ dữ liệu, văn phòng trực tuyến.

Chúng ta cần các nền tảng, ứng dụng dịch vụ phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân từ xa, kết nối bác sĩ, giảm tải cho các cơ sở khám bệnh.

Trong dịch bệnh, con người cũng không ngừng học tập. Cần các nền tảng kết nối học sinh với thầy cô giáo và nhà trường, kết nối các kho dữ liệu kiến thức, tạo ra các bài giảng với mục tiêu lấy người học làm trung tâm, có thể lựa chọn kiến thức mình mong muốn nhất dựa trên nhu cầu được cá nhân hóa.

Các nhu cầu sinh hoạt cũng cần được bảo đảm. Cuộc sống hàng ngày vẫn tiếp diễn. Việc “không tiếp xúc” cần các ứng dụng hỗ trợ như nhà thông minh, mua sắm trực tuyến, các dịch vụ sửa chữa, giúp việc trực tuyến. Bên cạnh đó, một trong những yếu tố quan trọng giúp nâng cao chất lượng sống là các hoạt động giải trí và dần dần chúng ta đều thấy các hoạt động trên các nền tảng số như nghe nhạc, xem phim đã “cám dỗ” chúng ta đến mức nào.

Công nghệ phát triển giúp chúng ta tiết kiệm nhiều thời gian và tối ưu các nguồn lực, các dịch vụ vận chuyển đóng vai trò quan trọng trong việc đó. Song song với việc vận chuyển, tối ưu hoá, tự động hoá hoạt động sản xuất giúp tăng năng suất lao động, giảm nhân công và kiểm soát chất lượng đầu ra.

Một xã hội phát triển không thể thiếu đi các các hoạt động thanh toán và giao dịch tiền tệ. Công nghệ phát triển giúp các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt diễn ra thuận tiện và an toàn hơn.

Cuối cùng, trên xã hội số, chúng ta cũng cần được bảo vệ như chính chúng ta trong xã hội thật.

Mỗi xã hội phát triển đều cần những cú hích đủ lớn và những yếu tố thay đổi mang tính bước ngoặt. Công nghệ dần được đánh giá là một thành tố quyết định giúp tạo ra “bước ngoặt” này. Covid-19 tạo ra khó khăn “trăm năm”, và vì thế tạo ra cơ hội “trăm năm”.

Dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên toàn cầu đặt ra thách thức rất lớn cho tất cả các quốc gia, có thể làm thay đổi thứ hạng và năng lực cạnh tranh quốc gia. Thế nhưng, thách thức luôn đi cùng cơ hội. Những quốc gia phản ứng chậm sẽ có rủi ro và chịu nhiều thiệt hại. Những quốc gia thích ứng nhanh sẽ phục hồi sớm hơn và tạo được đà phát triển mới. Do đó, đây là cơ hội xuất hiện trong tình huống khó khăn để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, phát triển dịch vụ công trực tuyến, y tế số, giáo dục số, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử và kinh tế số; đồng thời cũng là cơ hội hướng dẫn, từng bước phổ cập kỹ năng số cho đông đảo người dân, là lực lượng chính sử dụng các dịch vụ Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số trong tương lai.

Chỉ thị số 16/CT-BTTT của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông thể hiển quyết tâm toàn ngành đồng lòng, chung tay, nhanh hơn nữa, sáng tạo hơn nữa thực hiện công cuộc chuyển đổi số, khởi tạo cuộc sống số, tạo ra động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Và đây cũng là cách mà toàn thể cộng đồng công nghệ Việt Nam nỗ lực để bao mạng sống mà Covid-19 đã lấy đi, để sự cố gắng mà tất cả chúng ta đang chung tay chống dịch sẽ không bị phí hoài.