Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử

NDO -

NDĐT - Ngày 23-7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) chủ trì Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về CPĐT với Ban Chỉ đạo CPĐT, chính quyền điện tử (CQĐT) bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến về thúc đẩy Chính phủ điện tử.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến về thúc đẩy Chính phủ điện tử.

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ - Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về CPĐT; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư; đầu cầu trực tuyến các địa phương.

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, CPĐT là vấn đề mới, khó, nếu không quyết tâm, không bỏ nếp cũ thì khó triển khai thành công. Do đó, Thủ tướng yêu cầu không được để khó khăn tài chính, khó khăn về kết nối, chia sẻ dữ liệu mà không triển khai mạnh mẽ xây dựng CPĐT.

Thủ tướng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương (BNĐP) thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong xây dựng CPĐT, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số. Trong đó, các BNĐP đang triển khai Nghị quyết 17/NQ-CP của Chính phủ: nhiều ngành đã xây dựng cơ sở dữ liệu lớn; một số địa phương triển khai tốt CQĐT như Thừa Thiên - Huế, Tây Ninh, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...

Tuy vậy, Thủ tướng cũng nêu ra không ít tồn tại. Đó là số lượng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) có tăng lên nhưng tỷ lệ sử dụng còn thấp, hiệu quả chưa cao, nhất là các dịch vụ mức độ 3, mức độ 4. Thủ tướng nhấn mạnh, người dân sử dụng dịch vụ công thấp thì CPĐT chưa thành công. Một số văn bản pháp lý chậm được ban hành, như về việc định danh cá nhân. Tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia còn chậm, nhất là dữ liệu về dân cư. Vừa qua CQĐT phát triển theo kiểu “trăm hoa đua nở”, dùng nhiều phần mềm, nền tảng công nghệ thông tin khác nhau dẫn đến thiếu tương thích, liên thông, có sự trùng lắp và không đồng bộ. Tuy vậy, việc xây dựng CPĐT gặp vướng mắc, như mặc dù công tác gửi, nhận văn bản điện tử đã được triển khai rộng khắp, nhưng việc bảo đảm giá trị pháp lý của văn bản điện tử chưa được đồng bộ; thể thức, hình thức chữ ký số văn bản của các BNĐP chưa thống nhất. Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử tại một số địa phương chưa bảo đảm chức năng; số lượng dịch vụ công trực tuyến nhiều nhưng tỷ lệ phát sinh hồ sơ thấp, kém hiệu quả, có dịch vụ không phát sinh hồ sơ gây lãng phí...

Ngoài ra, một số địa phương còn chưa chủ động thực hiện nhiệm vụ, trông chờ vào đề án của Văn phòng Chính phủ. Thủ tướng nhấn mạnh, Ủy ban quốc gia không làm thay bất kỳ cơ quan nào mà là đôn đốc, kiểm tra các BNĐP thực hiện CPĐT, CQĐT. Việc bố trí ngân sách cho xây dựng CPĐT còn gặp khó khăn, điển hình là đề án xây dựng CSDLQG về dân cư. Thủ tướng đề nghị Bộ Công an nên tính toán, đề xuất phương án hợp tác đối tác công-tư (PPP) để thực hiện nhiệm vụ này. Vấn đề an ninh, an toàn mạng (AT-ANM) tuy được quan tâm, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề phải lo lắng. Do đó cần phải có biện pháp làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cơ quan.

Từ các phân tích trên, Thủ tướng nêu rõ tầm nhìn trong xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số. Đây là ba cấp độ phát triển khác nhau, không phải xong cấp độ 1 rồi mới tới cấp độ 2 mà ngay cấp độ 1 đã có các yếu tố của cấp độ 2 và 3. Việc xây dựng Chính phủ điện tử là giải quyết bốn mối quan hệ, gồm hai quan hệ với bên ngoài (Chính phủ với người dân, Chính phủ với doanh nghiệp) và hai quan hệ nội bộ (giữa các cơ quan Chính phủ với nhau, giữa Chính phủ với cán bộ công chức). Làm tốt mối quan hệ bên trong thì mới làm tốt mối quan hệ bên ngoài. Mục tiêu của CPĐT là cung cấp thông tin và dịch vụ công dựa trên nền tảng số tới mọi người, mọi lúc, mọi nơi; tăng cường công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng; tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định của Chính phủ. Về nguyên tắc, phải bảo đảm liên thông, không trùng lắp, có thể mở rộng và bảo đảm AT-ANM. Các dự án triển khai phải đặt dưới sự bảo đảm về AT-ANM của một đơn vị có thẩm quyền, có trách nhiệm.

Về phương châm thực hiện CPĐT, phải lấy người dân làm trung tâm, lấy sự thuận tiện, hài lòng của người dân làm mục tiêu và phải bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Dịch vụ công trên nền tảng số phải thuận tiện. Nếu người dân không dùng, doanh nghiệp, tổ chức không dùng thì coi như CPĐT thất bại, đầu tư là lãng phí. Về cách tiếp cận, cách làm CPĐT, Thủ tướng lưu ý sử dụng hình thức PPP một cách chặt chẽ. “Những gì đã phát triển, đang chạy tốt thì phải liên thông lại. Cái gì chưa làm thì làm theo cách mới, tức là xây dựng các nền tảng dùng chung cho các tỉnh, các bộ, ngành, tránh lãng phí, triển khai đồng bộ và nhanh theo hướng Chính phủ đầu tư hoặc thuê dịch vụ của nền tảng này”.

Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) chủ trì đề xuất các nền tảng dùng chung của CPĐT và phương án đầu tư hay thuê dịch vụ, trình Thủ tướng phê duyệt. Cần chú ý việc thiết kế lại các quy trình cung cấp dịch vụ công để phù hợp, đưa lên trực tuyến. Ưu tiên làm trước các dịch vụ công thiết yếu với người dân, doanh nghiệp. Dữ liệu là tài nguyên trong nền kinh tế số, là vấn đề cốt lõi của chuyển đổi số và CPĐT. Bởi vậy, Bộ TT-TT chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản trị dữ liệu.

Thủ tướng yêu cầu tập trung xây dựng, sớm đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia, dự kiến trong tháng 11-2019; nhấn mạnh, CPĐT là một chặng đường dài, sẽ có rủi ro trong quá trình thực hiện. Do đó, Thủ tướng giao Bộ TT-TT chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của Ủy ban hằng năm đánh giá các rủi ro và đề xuất giải pháp giảm thiểu rủi ro trong quá trình thực hiện. “Cơ quan, địa phương nào, cá nhân nào không làm, bàn lùi, làm chậm phải được báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để kiểm điểm, nhắc nhở, đôn đốc và xử lý thì công cuộc này mới thành công”, Thủ tướng nêu rõ.

Tính đến quý II-2019, tại địa phương đã cung cấp 43.369 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, trong đó có 6.575 dịch vụ có phát sinh hồ sơ trực tuyến (đạt tỷ lệ 15,16%), còn tại các bộ, ngành là 1.758 dịch vụ, trong đó có 506 dịch vụ có phát sinh hồ sơ trực tuyến (đạt 28,78%).