Đằng sau vụ iCMS - sản phẩm đoạt giải nhất cuộc thi Trí tuệ Việt Nam 2003

Trưởng nhóm Nguyễn <br>Công Kha (giữa) và <br>hai đồng tác giả iCMS<br> tại cuộc họp ngày 7-12.
Trưởng nhóm Nguyễn <br>Công Kha (giữa) và <br>hai đồng tác giả iCMS<br> tại cuộc họp ngày 7-12.

Tại cuộc làm việc, anh Dương Vi Khoa, đại diện Diễn đàn tin học Việt Nam đã chính thức nêu một số câu hỏi chung quanh vấn đề Ban tổ chức có công nhận sản phẩm iCMS có sử dụng phần mềm mã nguồn mở không và sẽ xử lý giải nhất cuộc thi TTVN 2003 của nhóm iCMS như thế nào; vào thời điểm tham dự cuộc thi TTVN 2003, trưởng nhóm iCMS Nguyễn Công Kha là thành viên sáng lập Công ty cổ phần truyền thông  Việt  Nam  (Vinacom), vậy Ban tổ chức có xác nhận sản phẩm này là của Vinacom không?

Theo đại diện nhóm iCMS, sản phẩm đoạt giải nhất TTVN 2003 của nhóm là một giải pháp gồm ba phần, trong đó phần module CMS được xây dựng dựa trên nền tảng lý thuyết và mã nguồn mẫu mang tên CMS.NET kèm theo quyển sách "Real World ASP.NET: Building a Content Management System" của tác giả Stephen R.G.Fraser, nhà xuất bản Apress, năm 2002.

Là các sinh viên, lập trình viên trẻ, thiếu kinh nghiệm, nhóm iCMS thừa nhận đã bỏ qua phần bản quyền tác giả (copyright) ghi trên sách, cho nên đã sử dụng chương trình mẫu trong đó tùy ý mà không xin phép hay dẫn chứng gì với tác giả và nhà xuất bản. Do thiếu sót, cho nên khi tham dự cuộc thi TTVN 2003, nhóm iCMS cũng không bổ sung những thông tin về việc sử dụng mã nguồn trong quyển sách nêu trên vào tài liệu thuyết minh dự thi. Nhóm iCMS chính thức xin lỗi công khai trước cộng đồng giới công nghệ thông tin.

Liên quan việc bảo vệ quyền lợi khách hàng sử dụng phần mềm iCMS đã được thương mại hóa, nhóm iCMS cho biết sẽ thay thế những đoạn mã của chương trình mẫu trong sản phẩm, nhanh chóng tìm ra lỗ hổng và những biện pháp khắc phục, đồng thời cập nhật thường xuyên cho khách hàng những phiên bản sửa lỗi mới nhất.

Kết thúc buổi làm việc, đại diện Ban tổ chức cuộc thi TTVN cho biết Ban tổ chức sẽ xem xét lại sản phẩm của nhóm iCMS, xin ý kiến của hội đồng giám khảo cuộc thi, các chuyên gia pháp lý và tin học để sớm đưa ra thông báo kết luận chính thức nhằm bảo đảm uy tín và chất lượng cuộc thi TTVN.

Nguyễn Ngọc Xuân là ai ?

 Vụ tai tiếng chung quanh sản phẩm iCMS đoạt giải nhất cuộc thi Trí tuệ Việt Nam 2003 đã trở nên khá rõ ràng sau khi nhóm lập trình chính thức nhận lỗi sử dụng mã nguồn mở không xin phép tác giả và khai báo với ban tổ chức giải. Tuy nhiên, câu chuyện này còn có những tình tiết ít người biết đến, và những câu hỏi chưa có lời giải...

Tại buổi giải trình của nhóm iCMS diễn ra chiều 7-12 tại Hà Nội, Ban tổ chức chính thức công bố Nguyễn Ngọc Xuân - người đầu tiên gửi e-mail khiếu nại đến Ban tổ chức về iCMS là một người không có thật. Ban đầu thì Xuân đưa thông tin là sinh viên năm cuối học tại Trung Quốc tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh - khoa Toán - Tin ứng dụng. Xuân trú tại số 23 tổ 11 phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Thế nhưng khi Ban tổ chức và một số báo đi điều tra thì không có tổ 11 tại phường Khương Đình.

Ông Vũ Mạnh Cường (Báo Lao Động) thành viên Ban tổ chức chính thức khẳng định: "Ban tổ chức không thể xem xét khiếu nại của ông Nguyễn Ngọc Xuân một cách chính thức bởi những lý do này". Trong khi đó lá thư của Nguyễn Ngọc Xuân được một cơ quan có liên quan đến một cuộc thi khác mới phát động tương tự như cuộc thi Trí tuệ Việt Nam nhiệt tình ủng hộ !

Những bí ẩn khác

Đối với ông Stephen R.G.Fraser, tác giả của CMS.NET thì các thông tin đến với ông này cũng khá thú vị. Sau khi nhận được e-mail đầu tiên thông báo việc có người đã sử dụng mã nguồn của ông mà không xin phép, ông Fraser đã gửi thư trả lời là "rất thú vị" về điều đó bởi có người đã sử dụng sản phẩm của ông và thành công. Thế nhưng, ông Fraser sau đó đã thay đổi hẳn quan điểm sau khi nhận được một e-mail khác của một người có tên Duy Nguyễn với lời lẽ khá kích động: "1 triệu USD đang chờ ông ở Việt Nam nếu ông đòi tiền bản quyền của nhóm đã sử dụng sản phẩm của ông".

Một trong những người từng tham dự cuộc thi Trí tuệ Việt Nam 2003 với sản phẩm tương tự như iCMS và không đoạt giải lại có người thân làm việc tại một cơ quan báo chí lớn. Chính cơ quan này đã cực lực lên án nhóm iCMS và người viết bài không ký tên cụ thể. Một cơ quan khác cũng góp phần quan trọng trong việc đẩy sự việc của iCMS lên tới đỉnh điểm của sự căng thẳng với việc trích đăng hàng loạt các thông tin, tin đồn không được kiểm chứng lại là đơn vị trực thuộc công ty tài trợ chính của một cuộc thi mới được phát động có nội dung tương tự như cuộc thi Trí tuệ Việt Nam.

Câu hỏi được đặt ra là những sự "tình cờ" trên có liên quan gì đến vụ ầm ĩ này ? Chắc hẳn đó không chỉ là vấn đề đúng sai trong việc sử dụng phần mềm mã nguồn mở của nhóm iCMS.

Tác giả CMS.NET đòi bồi thường danh dự

Ông R.G.Fraser.

Theo BBC, ông R.G.Fraser nói rằng ông không tức giận về việc nhóm iCMS sử dụng mã nguồn của ông, nhưng ông bực vì: "Họ đã không ghi nhận công của tôi trong phần mềm của họ".

Ông Fraser nói vì lý do mà theo ông có thể gọi là ích kỷ đó, ông không cho phép bằng giấy theo Luật Bản quyền để nhóm iCMS tiếp tục sử dụng mã của ông. Ông Fraser nói rằng nếu lấy mã của ông ra, iCMS sẽ không hoạt động được nữa. Nhưng ông Fraser cũng nói thêm ông có thể đổi ý, ít ra là với hai điều kiện. "Một là họ phải chính thức xin lỗi, và tôi đã nhận được lời xin lỗi đó. Hai là họ phải trả lại giải thưởng đã nhận vì tôi nghĩ họ không xứng đáng do không phải viết 100% như họ nói". Từ trước khi được trao giải Trí tuệ Việt Nam 2003, iCMS là sản phẩm của Công ty Vinacom do ông Vương Vũ Thắng đứng đầu, và bán cho một số website lớn ở Việt Nam sử dụng. Ông Fraser nói ông biết chuyện khai thác thương mại này và nhấn mạnh rằng chỉ đến gần hết tháng 10-2003 ông mới đưa mã CMS.NET lên Source Forge theo GNU General Public License.

"Tháng 9-2003 Vinacom tuyên bố iCMS đã chạy, như vậy trong lúc phát triển phần mềm, mã sử dụng vẫn thuộc bản quyền của tôi", ông Fraser nói. Ông Fraser nói ông cần được bồi thường về tài chính do danh dự bị xúc phạm nhưng ngay lúc này ông muốn để nhóm iCMS tự quyết định. "Nhưng tôi hy vọng là họ cũng thấy tôi xứng đáng được bồi thường. Tôi nghĩ từ trước đến nay tôi rất sẵn sàng đối với bất kỳ ai xin phép sử dụng mã của tôi, cho nên sẽ không công bằng cho họ nếu có người không giữ theo luật". Khi được hỏi ông có nghĩ đến chuyện kiện Vinacom ra tòa hay không, ông Fraser nói ông hy vọng chuyện đó sẽ không xảy ra vì ông không muốn gây tác hại cho các nơi đang sử dụng iCMS.

"Tôi không muốn có người hay công ty nào phải trả giá cho việc làm sai trái của người khác. Tôi hy vọng là các tác giả của iCMS hãy giữ danh dự và trả lại giải thưởng bởi vì thực ra đây là sản phẩm chung của Canada và Việt Nam".

Tổng hợp