Đác Lắc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính

Nhằm nâng cao chỉ số về cải cách hành chính, bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, hướng đến phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, tỉnh Đác Lắc đã triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện các thủ tục hành chính, từng bước xây dựng, hoàn thiện hoạt động mạng thông tin điện tử hành chính trên in-tơ-nét.

Cán bộ Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả hành chính của Bảo hiểm xã hội tỉnh Đác Lắc giải quyết chế độ chính sách cho người dân. Ảnh: NGUYỄN XUÂN
Cán bộ Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả hành chính của Bảo hiểm xã hội tỉnh Đác Lắc giải quyết chế độ chính sách cho người dân. Ảnh: NGUYỄN XUÂN

Thực hiện chương trình ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính, tỉnh đã triển khai thư điện tử công vụ, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, chữ ký số trên văn bản điện tử, từng bước hiện đại hóa công tác hành chính; mô hình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính qua hệ thống Một cửa điện tử liên thông, hệ thống cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 và 4 từ cấp tỉnh đến tất cả 184 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Tỉnh xây dựng môi trường điện tử hiện đại, minh bạch thông tin về giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan nhà nước đối với người dân và doanh nghiệp.

Thời gian tới, tỉnh chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh. Các sở, ngành, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố cần tiếp thu, phân tích đánh giá những bất cập, hạn chế, tìm ra nguyên nhân để có hành động cụ thể, quyết liệt hơn nữa, ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính.

* Tỉnh Quảng Ninh đã thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản, đặt tại xã Tân Lập và xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà, có quy mô 169,5 ha; tổng mức đầu tư khoảng 829 tỷ đồng.

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản sẽ tập trung thực hiện hoạt động nghiên cứu ứng dụng các thành tựu về khoa học - công nghệ và phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực thủy sản mà trọng tâm là phát triển tôm; phòng, chống dịch bệnh; phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ như chọn tạo, sản xuất giống thủy sản cho năng suất, chất lượng cao; trình diễn, chuyển giao nhân lực, các loại vật tư, máy móc, thiết bị sử dụng trong ngành công nghiệp tôm… Theo lộ trình đến năm 2020, tỉnh Quảng Ninh sẽ giao cho Ban Quản lý khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản thực hiện điều chỉnh quy hoạch, thực hiện giải phóng mặt bằng, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, đưa vào hoạt động phân khu trung tâm và phân khu sản xuất, thực nghiệm, khu đào tạo, giới thiệu công nghệ, trình diễn.

Mục tiêu của tỉnh Quảng Ninh trong việc thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản là góp phần thúc đẩy ngành thủy sản nói chung và ngành nuôi tôm nói riêng phát triển, giúp tạo ra các con giống thủy sản chất lượng cao, an toàn dịch bệnh, thích ứng với điều kiện tự nhiên, từ đó nâng cao chất lượng xuất khẩu thủy sản; đồng thời thu hút nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào phát triển nuôi trồng, xuất khẩu thủy, hải sản, qua đó tạo ra những vùng sản xuất thủy sản chuyên biệt, có chất lượng, góp phần đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ sản phẩm thủy, hải sản, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.