Đã có gần 2,7 triệu chứng thư số được cấp trên cả nước

NDO -

NDĐT - Theo số liệu thống kê của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), các đơn vị cung cấp chứng thực số đã cấp gần 2,7 triệu chứng thư số, trong đó có hơn 1,1 triệu chứng thư số đang hoạt động.

Đã có gần 2,7 triệu chứng thư số được cấp trên cả nước

Sáng 11-10, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức Hội nghị "Tuyên truyền, đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong các hoạt động của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, xã hội năm 2019".

Năm 2009, VNPT-CA trở thành đơn vị cung cấp chứng thực số đầu tiên được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động. Từ đó đến nay, đã có 14 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực này. Trong đó, có mười doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, ba doanh nghiệp đang hoàn thiện và một doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép.

Theo báo cáo của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), đến hết tháng 6-2019, các đơn vị cung cấp chứng thực số công cộng đã cấp gần 2,7 triệu chứng thư số, trong đó hơn 1,1 triệu hiện đang hoạt động. Tính đến tháng 9-2019, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin (Ban Cơ yếu Chính phủ) đã triển khai gần 220 nghìn chứng thư số cho các cơ quan Đảng và Nhà nước.

Các chứng thư số được cấp chủ yếu cho các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện giao dịch trong các lĩnh vực thuế, hải quan và bảo hiểm xã hội điện tử. Ngoài ra, còn có tài chính điện tử (chứng từ, hóa đơn điện tử), giao dịch ngân hàng điện tử, chứng khoán điện tử, giao dịch thương mại điện tử, hợp đồng điện tử...

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động cung cấp, quản lý, sử dụng chữ ký số vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đáng chú ý có tình trạng nhiều đơn vị chưa bố trí được kinh phí triển khai, nâng cấp các hệ thống quản lý văn bản điều hành để gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia.

Ngoài ra, thời gian cấp, đổi chứng thư số còn chậm, dẫn tới nhiều vấn đề phát sinh khi cán bộ thay đổi vị trí làm việc hoặc chức vụ, gây khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương khi triển khai ký số trên văn bản điện tử. Một số cán bộ lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa nhận thức được tầm quan trọng của chữ ký số chuyên dùng.

Hội nghị "Tuyên truyền, đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong các hoạt động của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, xã hội năm 2019" được kỳ vọng tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng chữ ký số trong cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, xã hội; tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị về việc quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng.