Chuyển đổi số - Hành động để không tụt hậu

Bài 2: "Số hóa" doanh nghiệp là nhiệm vụ tất yếu

Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang tăng tốc, tạo ra chuyển biến có tính đột phá trên phạm vi toàn cầu. Riêng đối với các doanh nghiệp (DN), một trào lưu mới đang nổi lên mạnh mẽ. Ðó là thông qua quá trình chuyển đổi số (CÐS) để tạo ra thay đổi về năng lực quản trị, trải nghiệm khách hàng hoặc mô hình kinh doanh. Nền kinh tế Việt Nam, DN Việt Nam cũng không nằm ngoài bối cảnh và tiến trình CÐS này. Ðây vừa là yêu cầu phát triển tự thân của DN, cũng là đòi hỏi của cả nền kinh tế đang cần tái cấu trúc, thay đổi mô hình tăng trưởng, dựa nhiều hơn và

Nhân viên Ngân hàng Tienphong Bank giới thiệu các dịch vụ công nghệ số cho khách tham quan tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019. Ảnh: QUANG MINH
Nhân viên Ngân hàng Tienphong Bank giới thiệu các dịch vụ công nghệ số cho khách tham quan tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019. Ảnh: QUANG MINH

Áp lực từ "cuộc chơi mới"

Ðã có thời điểm các hãng ta-xi truyền thống như Mai Linh, Vinasun với hàng chục nghìn phương tiện và lái xe gần như thống trị hoàn toàn thị trường vận tải ta-xi ở các thành phố lớn của Việt Nam. Thế nhưng, tình hình đã thay đổi khi các mô hình kinh doanh ta-xi công nghệ như Uber, Grab,… gia nhập thị trường. Không sở hữu bất kỳ phương tiện hay tài xế nào, phần lớn sức mạnh Grab hay Uber có được là nhờ một phần mềm ứng dụng số. Thông qua hệ thống định vị toàn cầu, ứng dụng này tạo ra kết nối "số" giữa người có nhu cầu đi lại với người có phương tiện nhàn rỗi. Quá trình "quản trị DN" lúc này cũng được "số hóa" thông qua sử dụng quyền lực thông tin mà những người tham gia cần được cung cấp. Dựa trên quyền lực thông tin này, một "luật chơi" đã được thiết lập và những người sở hữu phương tiện muốn tham gia hệ thống đều phải tuân thủ một cách tự nguyện nhưng cũng rất chặt chẽ. Hiệu quả quản trị của cơ chế mới vì thế vừa tiết kiệm chi phí, lại hiệu quả hơn nhiều so với các hệ thống cũ trước đây. Kết quả, chỉ sau ít năm, Uber và Grab làm thay đổi hoàn toàn cách thức vận hành của thị trường cũng như hành vi tiêu dùng. Thị phần của ta-xi truyền thống nhanh chóng bị thu hẹp đến mức nhiều hãng phải bán bớt xe và cắt giảm nhân viên. Cuối cùng, các hãng ta-xi truyền thống đã buộc phải chấp nhận "cuộc chơi CÐS", bắt đầu phát triển các nền tảng hay ứng dụng công nghệ nhằm cạnh tranh với đối thủ.

Kinh tế số với bản chất bên trong là quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp (CÐSDN) đang có tốc độ tăng trưởng và sức lan tỏa cao trong những năm gần đây. Áp lực CÐSDN càng trở nên rõ ràng, gay gắt hơn khi việc sử dụng và ứng dụng công nghệ của cá nhân tăng mạnh mẽ. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, đến năm 2019, số người sử dụng in-tơ-nét trên toàn cầu là 4,3 tỷ người, chiếm 57% dân số; 5,1 tỷ người sử dụng điện thoại di động, chiếm 67% dân số, trong đó 42% sử dụng mạng xã hội nghĩa là có kết nối in-tơ-nét qua thiết bị di động. Tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh và in-tơ-nét ngày càng nhiều hơn đã làm thay đổi dần thói quen tiêu dùng, tạo áp lực buộc DN phải đổi mới cách thức cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Theo một khảo sát gần đây của IDC (tập đoàn chuyên cung cấp thông tin về thị trường công nghệ của Mỹ) trên phạm vi toàn cầu, gần 90% số DN tham gia khảo sát đã bắt đầu CÐS ở các cấp độ khác nhau. Hơn 30% số lãnh đạo DN được khảo sát cho rằng CÐS là vấn đề sống còn với DN vì đem lại nhiều hiệu quả tích cực, bao gồm: tăng năng suất lao động, giảm giá thành cạnh tranh, tăng tốc sáng tạo và cả sự vượt trội trong việc thấu hiểu và nắm tâm lý khách hàng.

TS Phương Trầm, Tư vấn trưởng CÐS của Tập đoàn FPT và là cựu Giám đốc các chương trình CÐS của Dupont ("doanh nghiệp tỷ USD" chuyên về hóa chất của Mỹ) nêu thí dụ: Thông qua CÐS, Dupont đã tiết kiệm được 1,6 tỷ USD cho công nghệ thông tin, tạo thêm hàng tỷ USD lợi nhuận, giảm 90% thời gian xử lý đơn hàng,… Do đó, trong thời đại 4.0 và "số hóa" hiện nay, DN chắc chắn sẽ phải đối mặt với thách thức: "CÐS để tiến lên hay sẽ lụi tàn". Với việc đem lại những giá trị vô cùng thiết thực cho DN, CÐS phải thật sự là ưu tiên quan trọng bậc nhất và mang tính sống còn. Nếu chậm CÐS, chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường cho DN như năng suất lao động thua kém, gắn kết không chặt chẽ với khách hàng, giảm khả năng cạnh tranh hay chậm trễ ra quyết định và không nắm bắt được cơ hội.

Nghĩ lớn, làm từ việc nhỏ

Nghiên cứu của Appota (DN chuyên cung cấp các nền tảng tiện ích cho điện thoại thông minh) cho thấy, 72% dân số Việt Nam đang sử dụng điện thoại thông minh và hầu hết trong số đó được kết nối in-tơ-nét. Nhiều người Việt Nam thậm chí sở hữu hơn hai thiết bị di động kết nối mạng với bình quân là 1,7 thiết bị/người. Cộng thêm sức ép cạnh tranh từ các mô hình kinh doanh số, áp lực CÐS lên DN Việt Nam cũng rất gay gắt. Thực tế, vài năm trở lại đây, công nghệ cao và nhất là "số hóa" đã lan tỏa đáng kể trong cộng đồng DN Việt Nam, tạo ra cơ hội "trưởng thành" cho các DN có đủ nhận thức và biết chớp cơ hội. Có thể kể đến những cái tên như Viettel, FPT, CMC, Thaco,… là những tập đoàn khẳng định sẽ là DN số trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, số DN khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam cũng đang tăng rất nhanh, đạt con số 4.000 DN vào năm 2018 (hơn gấp hai lần so năm 2016).

Tuy nhiên, đánh giá về bức tranh tổng thể DN Việt Nam, PGS, TS Trần Ðình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: DN Việt Nam chủ yếu đang ở vị trí nhập cuộc CMCN 4.0 và CÐS. Cụ thể, điều tra năm 2018 của Bộ Công thương cho thấy, có tới 82% số DN và 16 trong số 17 ngành kinh tế được khảo sát có mức độ sẵn sàng thấp dù phần lớn có ý thức "số". Còn theo Khảo sát công nghiệp chế tác trong Ueki (2019), 35% số DN Việt Nam chưa có kế hoạch áp dụng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) cho quản lý chuỗi cung ứng; 77% DN không chia sẻ dữ liệu về hoạt động nhà máy với khách hàng hoặc nhà cung ứng; mức áp dụng ICT cho giám sát sản xuất, kiểm soát chất lượng cũng rất thấp. Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng chỉ ra, chỉ 6,6% DN đủ nguồn lực để thay đổi hoàn toàn từ hệ thống cũ sang hệ thống công nghệ mới; 34,6% sẽ thay đổi từng bước do không đủ nguồn lực; 27,5% đang chuẩn bị vốn và tới hơn 31% chưa làm gì. Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Phát triển công nghệ FSI Nguyễn Hùng Sơn lý giải: Nguyên nhân là rất nhiều DN ngại thay đổi, lại thiếu nguồn lực cũng như khả năng, tri thức để thực thi và vận hành mô hình CÐS. Quan trọng nhất là DN còn đắn đo vì chi phí đầu tư cho công nghệ quá lớn cũng như e ngại không thu được kết quả như kỳ vọng.

Vậy hướng đi nào sẽ thích hợp cho DN trong hành trình CÐS hiện nay? Thực tế, không có đáp án sẵn cho CÐS đối với mọi DN. Song đúc rút từ kinh nghiệm thực tế về cách tiếp cận, xử lý những vấn đề trọng tâm và việc hình thành, triển khai chiến lược CÐS là rất đáng tham khảo để CÐS thành công. Theo TS Phương Trầm, có ba bài học lớn ở đây: trước hết, cần "nghĩ lớn, nhưng hãy làm từ những bước nhỏ một cách thông minh". Nghĩa là tầm nhìn chiến lược phải đủ dài, đủ sâu, song cần bắt đầu thực thi quyết liệt từ những việc "nhỏ", có tính sáng tạo và mức độ lan tỏa cao. Tiếp đó, phải gắn bó chặt chẽ CÐS với chiến lược phát triển của DN. Khảo sát năm 2016 của McKinsey (công ty tư vấn quản lý toàn cầu của Mỹ) cho thấy, 55% những người tham gia đến từ các DN triển khai thành công CÐS cho biết, chiến lược CÐS của họ liên kết rất chặt chẽ với chiến lược kinh doanh; thậm chí, sẵn sàng điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp CÐS. Bí quyết cuối cùng là "lãnh đạo phải luôn đi tiên phong". Lãnh đạo, giám đốc điều hành và giám đốc công nghệ của DN trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong CÐS. Chính họ là những người phải đối mặt nhiều nhất với các công việc/quy trình liên quan kiến thức số hay các xu hướng chuyển đổi.

Ngoài ra, trong bối cảnh mới, nỗ lực tự thân của DN là chưa đủ mà còn cần những hỗ trợ thiết thực của Nhà nước mới có thể giúp DN ngày càng trưởng thành. Thực tế, rào cản cho sự lớn mạnh của khu vực DN tư nhân, nhất là DN vừa và nhỏ còn rất lớn. Báo cáo Việt Nam 2035 đã chỉ ra, đó là những yếu kém trong bảo đảm quyền tài sản, một "sân chơi" cạnh tranh không công bằng, sự méo mó của các thị trường nhân tố sản xuất (vốn, đất đai, lao động, công nghệ) cũng như việc khó tiếp cận các nguồn lực và chi phí giao dịch cao. Mặt khác, trở ngại còn nằm ở sự yếu kém của bản thân DN cả về hiểu biết pháp luật, thị trường, tầm nhìn phát triển và nhất là khả năng kết nối, hợp tác trong sản xuất - kinh doanh. Ðây cũng chính là những điểm yếu mà chính sách phải hướng tới trong hỗ trợ các DN vừa và nhỏ. Thêm nữa, sáng tạo luôn gắn với cá nhân và trong nhiều trường hợp có khi sẽ bắt nguồn từ chính DN vừa và nhỏ hoặc DN khởi nghiệp sáng tạo. Do đó, rất cần một hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả, trong đó phải lưu ý đến vai trò then chốt của vốn đầu tư mạo hiểm, tư vấn có kinh nghiệm, những "vườn ươm công nghệ" hay các trung tâm sáng tạo. Cùng với đó là việc bảo đảm tốt quyền sở hữu trí tuệ và thiết lập những quy chế điều tiết tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và CÐS. CÐS DN là một tiến trình đầy gian lao, thách thức, không ngưng nghỉ để có được kết quả thật sự ý nghĩa và thành công. Nhưng đó cũng là xu hướng có tính tất yếu, là yêu cầu tự thân của mỗi DN. Trước làn sóng CÐS đang lan rộng ở Việt Nam, cộng đồng DN Việt Nam cần có đủ tự tin, năng lực học hỏi và sáng tạo để CÐS thành công, tạo sự phát triển lên tầm cao mới cho mình và cho đất nước.

(Còn nữa)

---------------------------------------

(★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 17-9-2019.

Chuyển đổi số - Hành động để không tụt hậu (Kỳ 1)

Trong kỷ nguyên CMCN 4.0, DN dù lớn hay nhỏ, nếu muốn tạo lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, tăng cường cải tiến sản phẩm, dịch vụ hay mở rộng thị trường đều không thể "nói không" với CÐS hay số hóa quy trình vận hành và quản lý. CÐS là con đường tất yếu, cho nên các DN cần hiểu rõ và có chiến lược cụ thể để theo đuổi.

GS, TSKH HỒ TÚ BẢO

Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán học