Cần loại bỏ “máu độc, máu xấu” trong “mạch” thông tin

NDO -

NDĐT - Chiều 13-11, trong phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật An ninh mạng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho rằng an ninh mạng là vấn đề phi truyền thống, nhưng lại là vấn đề rộng khắp từ toàn cầu cho đến mỗi cá nhân. Nếu thông tin như "mạch máu" trong cơ thể con người, thì cần loại bỏ những "máu độc, máu xấu" để cơ thể phát triển khỏe mạnh.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm phát biểu chiều 13-11.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm phát biểu chiều 13-11.

Có chồng chéo và trùng lặp khi xây dựng luật

Góp ý với dự thảo Luật An ninh mạng, nhiều đại biểu cho rằng dự thảo Luật An ninh mạng lần đầu còn có nhiều nội dung trùng lặp, chồng chéo, câu chữ lộn xộn. Theo đại biểu Hứa Văn Nghĩa (Trà Vinh), có nhiều nội dung dự thảo còn nhiều nội dung trùng lặp với Luật cơ yếu và Luật An toàn thông tin. Cần tách bạch an ninh mạng và an toàn thông tin mạng để phân biệt hành vi nào là tội phạm, hành vi nào vi phạm hành chính.

Đồng tình với quan điểm có sự trùng lặp, đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) đề nghị sáp nhập hai luật An ninh mạng và An toàn thông tin và đề nghị các đại biểu xem xét thấu đáo trước khi thông qua luật này vì chắc chắn sẽ có những bức xúc, vướng mắc khi thực hiện.

Nhiều đại biểu lo lắng về việc thiếu nhân lực an ninh mạng. Đại biểu Lê Quang Huy (Nghệ An) đề xuất, để thực hiện được an ninh mạng, ngoài lực lượng của quốc phòng, an ninh cần huy động cả lực lượng dân sự.

Đại biểu Hồ Văn Thái (Kiên Giang) cũng cho rằng lực lượng chuyên trách an ninh mạng còn mỏng, chủ yếu là công an, đề nghị bổ sung cả lực lượng thông tin truyền thông, cơ yếu và quốc phòng vì bốn lực lượng này đều có liên quan.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị bổ sung an ninh mạng trong một số lĩnh vực trọng yếu như ngân hàng, hàng không, điện lực... Đại biểu này đề nghị, để phát triển nhân lực an ninh mạng, không chỉ đãi ngộ những người làm trong lĩnh vực này mà cần quy định đãi ngộ cả những người giảng dạy lĩnh vực an ninh mạng.

"Khó" vì an ninh mạng là vấn đề phi truyền thống

Phát biểu tại phiên họp tổ, Bộ trưởng Công an Tô Lâm thừa nhận Luật an ninh mạng là vấn đề rất khó vì đây là vấn đề phi truyền thống. Đó là vấn đề của quốc tế, của thế giới và của từng quốc gia, của tất cả các diễn đàn song phương, đa phương của liên hợp quốc, các diễn đàn liên minh nghị viện thế giới cũng nhiều phiên bàn về an ninh mạng. Các tổ chức quốc tế khu vực như ASEM, ASEAN cũng rất nhiều băn khoăn lo lắng.

“Chúng tôi xác định vấn đề an ninh mạng nếu chỉ một quốc gia riêng lẻ không thể giải quyết được, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất của các quốc gia”, Bộ trưởng nói.

Ông Tô Lâm cũng cho rằng, vấn đề mạng đã đi vào mọi mặt của đời sống xã hội, không còn lĩnh vực nào tách riêng khỏi mạng, cũng không thể chỉ để phục vụ cho một khía cạnh nào, lĩnh vực nào.

“ An ninh mạng trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, điện lực, hàng không, ngân hàng… là những vấn đề có thể nhìn thấy được, nhưng chúng tôi cho rằng an ninh mạng đã đi vào tất cả mọi thứ, kể cả bí mật đời tư, hoạt động cá nhân của từng con người trên không gian mạng”.

Bộ trưởng nhấn mạnh, công nghệ thông tin, internet đã biến đổi nhiều quan hệ xã hội, tác động vào sản xuất đời sống kinh tế văn hóa xã hội, giúp chúng ta cải tiến lao động, tăng năng suất, giao lưu xã hội hiệu quả. Con người không thể cản trở được thông tin mạng vì bất kỳ lý do gì, nếu không sẽ lạc hậu, không thể hội nhập với thế giới.

Mặt khác, chúng ta còn rất nhiều tiềm năng để phát triển ứng dụng internet. Chính phủ đang phát triển Chính phủ điện tử, xu thế công nghiệp 4.0 đang là ứng dụng tiến bộ của internet. Nếu phát triển được đến đâu thì an ninh, an toàn mạng phải đi theo đến đó, song hành phát triển với nhau.

Đáp lại những ý kiến đại biểu về nguồn nhân lực, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, về lực lượng không có cơ quan nào có thể đứng ra, kể cả Bộ Công an, mà phải huy động toàn xã hội. Luật này ra đời mới huy động được toàn bộ xã hội, hiểu được thế nào là an ninh mạng, những gì là nguy cơ, và phải hiểu thấy trách nhiệm của mình để bảo đảm an ninh mạng.

“Dòng chảy của thông tin như hệ tuần hoàn của cơ thể con người, mạch máu đó, dòng tuần hoàn đó càng lưu thông phát triển tốt thì cơ thể con người càng khỏe mạnh. Chúng ta không thể ngăn được dòng tuần hoàn đó mà nó phải phát triển để nuôi sống cơ thể. Bảo vệ an ninh, an toàn là để hệ thông tin đó không bị tắc nghẽn. Dòng máu đó phải nhiều oxy, chất dinh dưỡng mới nuôi được cơ thể, còn nếu máu đỏ ít, máu đen thì nhiều thì hệ tuần hoàn sẽ ảnh hưởng ngay. Trên thực tế, hệ thống thông tin của chúng ta đang rất không an toàn ở chỗ nhiều thông tin độc hại. Việc đó phải xử lý để hệ tuần hoàn nuôi dưỡng được cơ thể một cách tích cực. Đó cũng là mục tiêu để chúng tôi xây dựng luật”, Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu.

Bộ trưởng cũng cho rằng, đời sống thực có những hoạt động gì thì trên mạng cũng có, nhưng trên thực tế đời sống chúng ta có thể xử lý ngay, còn trên không gian mạng thì phải làm thế nào? Chứng cứ số, chứng cứ ảo có được công nhận hay không. Chứng cứ có thể bị xóa đi ngay nhưng bằng khoa học kỹ thuật có thể khôi phục được dấu vết để phục vụ điều tra, xét xử. Nếu điều này không được quy định trong Bộ luật Hình sự thì sẽ rất khó khăn khi xét xử những tội phạm mạng.