Bước tiến mới của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo

Năm 2019, đánh dấu hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (KNST) ở Việt Nam có bước tiến mới, đó là kết nối hệ sinh thái KNST Việt Nam với thế giới. Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đã tiến hành triển khai nhiều hoạt động để đưa startup Việt Nam sang nhiều quốc gia khởi nghiệp để giới thiệu, cọ xát và thu hút đầu tư.

Startup giới thiệu sản phẩm công nghệ tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2019.
Startup giới thiệu sản phẩm công nghệ tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2019.

Tháng 5-2019, tại cái nôi khởi nghiệp của thế giới, thung lũng si-li-côn (Silicon Valley, Mỹ) startup Việt Nam là Abivin đã vượt qua 40 startup các nước để giành ngôi vô địch cuộc thi Startup World Cup thế giới với phần thưởng trị giá một triệu USD. Cũng trong năm 2019, lần đầu Bộ KH và CN tổ chức Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại Mỹ nhằm giới thiệu hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam. Tháng 9-2019, Medlink giành quán quân cuộc thi khởi nghiệp cho người Việt toàn cầu Vietchallenge tại Hàn Quốc. Tháng 11-2019, các startup cũng được giới thiệu tại Xin-ga-po nhằm đưa hình ảnh của hệ sinh thái KNST Việt Nam tới gần với cộng đồng quốc tế. Theo các chuyên gia, hệ sinh thái KNST Việt Nam đang nhận được sự quan tâm của quốc tế nhờ lợi thế số dân đông, thị trường rộng lớn và các chính sách hỗ trợ KNST.

Thực tế thời gian qua, nền tảng pháp lý cho KNST đã dần được hoàn thiện. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ 1-1-2018 quy định về nguyên tắc, nội dung, nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có doanh nghiệp KNST; điều kiện để xác định doanh nghiệp KNST; các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp KNST. Nghị định số 38/2018/NÐ-CP quy định về việc sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư cho KNST. Với nghị định này, lần đầu tiên quy định trách nhiệm hỗ trợ và đầu tư KNST cho các chủ thể đầu tư (doanh nghiệp, quỹ và công ty đầu tư) và các cơ quan quản lý nhà nước (như Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

Thời gian qua, hệ thống các tổ chức trung gian hỗ trợ KNST trong phạm vi cả nước có sự phát triển nhanh về số lượng, với 23 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 38 vườn ươm khởi nghiệp, hơn 170 khu làm việc chung với những thương hiệu đang mở rộng ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, các trường đại học đã hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, một số trường đã đưa môn học về KNST vào chương trình chính thức, làm cơ sở cho việc hình thành các doanh nghiệp KNST có năng lực tốt trong thời gian tới. Ðáng chú ý, số lượng các quỹ đầu tư KNST tăng nhanh, với 61 quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam. Nhiều tập đoàn lớn trong nước bắt đầu đầu tư, hỗ trợ hệ sinh thái KNST như Vingroup, Viettel, CMC. Nhiều quỹ đầu tư được thành lập như Vintech Fund, CMC Fund. Các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế không chỉ quan tâm đến đầu tư mà còn quan tâm đến đào tạo, kết nối, đồng hành cùng các startup Việt Nam.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH và CN ( Bộ KH và CN) cho biết, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng phi thường về số lượng startup, từ 400 vào năm 2012 lên hơn 3.000 trong năm 2018. Lượng vốn đầu tư mạo hiểm cho startup Việt tăng gấp ba lần trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2018, với từ 205 triệu USD lên gần 900 triệu USD. Những bước tăng trưởng nhảy vọt đã đưa hệ sinh thái KNST Việt Nam lọt tốp 3 Ðông - Nam Á, có mức tăng trưởng thuộc hàng nhanh nhất thế giới.

Các chuyên gia về khởi nghiệp cho rằng, Việt Nam cần tạo ra môi trường hỗ trợ KNST, trong đó các chính sách phải tập trung tháo gỡ các khó khăn của những startup. Vướng mắc lớn nhất là thiếu quy định khiến nhà đầu tư nước ngoài gặp trở ngại khi rót vốn vào doanh nghiệp KNST ở Việt Nam. Thiếu chính sách gọi vốn, thủ tục thoái vốn phức tạp, mức thuế suất cao đã ngăn dòng vốn đến các startup trong nước. Bên cạnh đó, chưa có chính sách thu hút nguồn lực, chuyên gia, nhân sự có chuyên môn về KNST. Hiện nay, việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp KNST để phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh đã được đưa vào Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các Nghị định hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, các luật nêu trên mới triển khai năm 2018, cho nên chưa có đủ hành lang pháp lý để triển khai đồng bộ.