Ðẩy nhanh chuyển đổi số tại Việt Nam

Chuyển đổi số (CÐS) đang diễn ra trên thế giới với tốc độ cao, tác động đến nhiều lĩnh vực và các mối quan hệ trong nền kinh tế toàn cầu. Hiệu quả từ CÐS là nâng cao năng suất, tối ưu hóa các nguồn lực và mở ra những cơ hội lớn cho doanh nghiệp để tăng năng lực cạnh tranh. Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia số nếu biết nắm bắt cơ hội để bứt phá.

Các kỹ sư của FPT đang nỗ lực phát triển các sản phẩm dịch vụ chuyển đổi số. Ảnh: MINH NHẬT
Các kỹ sư của FPT đang nỗ lực phát triển các sản phẩm dịch vụ chuyển đổi số. Ảnh: MINH NHẬT

Tổng Giám đốc Công ty Nashtech Việt Nam Nguyễn Hùng Cường cho biết, trong kỷ nguyên số, một doanh nghiệp có thể mất đi lợi thế cạnh tranh sau một đêm nếu xuất hiện những doanh nghiệp cung ứng sản phẩm tương tự với những dịch vụ sáng tạo, đổi mới, thông qua ứng dụng nền tảng công nghệ mới. Sự phát triển của dịch vụ số đã và đang giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi doanh nghiệp, vươn tới những thị trường rộng lớn hơn do số lượng người dùng trực tuyến luôn tăng trưởng đều đặn. Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu CÐS của các doanh nghiệp ngày càng tăng cao, nhất là các lĩnh vực: Tiếp thị, truyền thông, giáo dục, tài chính và tự động hóa chu trình làm việc. Các chuyên gia nhận định, từ việc CÐS sẽ xuất hiện kinh tế số, xã hội số và các mối quan hệ mới trong thế giới ảo, các mô hình kinh doanh mới. Thí dụ, tập đoàn bán lẻ toàn cầu Amazon xây dựng ứng dụng giúp người mua hàng mua và thanh toán trực tuyến; cửa hàng Walmart rút ngắn thời gian thanh toán của khách hàng bằng những công nghệ mới và xây dựng trung tâm thông tin về thị trường và người tiêu dùng; các mô hình kinh doanh mới được hình thành từ việc sử dụng công nghệ mới đã tạo nên Uber, Grab, Facebook, Google…

Xu hướng người dân sử dụng điện thoại thông minh ngày càng nhiều dẫn đến thay đổi thói quen tiêu dùng và tạo sức ép đối với doanh nghiệp, tổ chức trong việc đổi mới cách thức cung cấp các sản phẩm, dịch vụ. Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin (Vinasa) Trương Gia Bình cho biết, tại Việt Nam, đã có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Viettel, FPT, CMC… tham gia vào công cuộc CÐS và có được những kết quả bước đầu. FPT đã triển khai chiến lược dài hạn về xây dựng năng lực, dịch vụ và sản phẩm số, đưa CÐS gắn liền với tăng cường năng lực công nghệ mới chuyên sâu và không ngừng sáng tạo. Hiện, FPT đã có một loạt giải pháp đưa ra thị trường trong nước và nước ngoài, thuộc các lĩnh vực: bệnh viện thông minh, công cụ bán hàng trực tuyến, hệ thống quản lý dự án…

Sự phát triển của công nghệ số sẽ tạo ra sự phát triển của quốc gia. Nhiều cuộc khảo sát trên thế giới cho thấy, xu hướng CÐS ở cấp chính phủ tăng trưởng nhanh, đẩy mạnh tốc độ số hóa tại các cơ quan cung cấp dịch vụ công. Tuy nhiên, việc phát triển ứng dụng tại một số cơ quan nhà nước vẫn gặp vướng mắc về nguồn dữ liệu, cơ sở hạ tầng để có thể ứng dụng được dịch vụ. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ðầu tư thương mại và Phát triển công nghệ (FSI) Cao Hoàng Anh cho rằng, đối với CÐS tại các cơ quan cung ứng dịch vụ công thì cơ sở dữ liệu là tài sản chính của tổ chức, nếu không có thì không thể thực hiện được việc CÐS. Do đó, cần xây dựng hạ tầng dữ liệu ở các tổ chức, bộ, ngành, địa phương với các loại dữ liệu đóng, mở và có nền tảng ứng dụng phục vụ nhu cầu CÐS của các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp và cá nhân. Trước mắt có thể khai thác và sử dụng nguồn dữ liệu sẵn có, nhưng về lâu dài cần có các quy định chuẩn và kiến trúc thống nhất trước khi xây dựng các cơ sở quốc gia để có thể kết nối và chia sẻ. Qua đó có thể giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Để đẩy nhanh CÐS tại Việt Nam, cần có các giải pháp đồng bộ, như: xây dựng môi trường pháp lý, chính sách thuận lợi; xóa bỏ mọi rào cản đối với CÐS cho phép thử nghiệm các mô hình mới; xây dựng và phát triển hạ tầng số, nhất là hạ tầng dữ liệu; bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu; bảo đảm an toàn, an ninh không gian mạng; phát triển nguồn nhân lực số trình độ cao; phát triển các công nghệ số, nhất là công nghệ thu thập, xử lý, phân tích dữ liệu; phát triển hạ tầng cho nghiên cứu và phát triển. Ðồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng một số trung tâm sáng tạo công nghệ và phát triển trí tuệ nhân tạo.