Ðà Nẵng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo

Nhiều năm qua, TP Ðà Nẵng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) - một trong hai lĩnh vực thiết yếu đầu tiên tạo tiền đề cho việc xây dựng thành phố thông minh. Việc ứng dụng CNTT trong ngành GD và ÐT bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng dạy, học.

Giờ tin học tại Trường THCS Tây Sơn, quận Hải Châu, TP Ðà Nẵng. Ảnh: NGUYÊN ANH
Giờ tin học tại Trường THCS Tây Sơn, quận Hải Châu, TP Ðà Nẵng. Ảnh: NGUYÊN ANH

Những giờ học hứng thú

Chúng tôi có mặt tại Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu) và hòa mình vào không khí học tập sôi nổi của các em học sinh khối cuối cấp trong giờ học môn Ngữ văn. Cảm nhận ngay khi vào tiết học là môn học gắn với cách dạy truyền thống phấn trắng, bảng đen bao năm qua, đã trở nên sinh động rất nhiều khi ứng dụng CNTT. Sự tương tác mạnh mẽ của học sinh với giáo viên mang lại không khí sôi nổi. Sau khi giáo viên giới thiệu bài học tổng quát bằng hình ảnh minh họa sinh động qua phần mềm máy chiếu Projector, các em học sinh chia nhóm để học theo chủ đề. Thầy giáo Phạm Thanh Bửu, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Lương Bằng cho biết, thời gian qua, nhà trường được Sở GD và ÐT trang bị 22 bộ thiết bị tương tác thông minh U-pointer; 16 máy chiếu, bảng trượt, 25 máy tính để bàn. Hiện tất cả các phòng học đều được trang bị hệ thống bảng trượt, thiết bị tương tác thông minh U-pointer, máy chiếu Projector, máy tính để bàn và hệ thống loa phục vụ dạy học trên lớp. Vì vậy, các em học sinh tham gia tiết học có ứng dụng CNTT, sẽ có hứng thú, tiếp thu bài giảng nhanh.

Hiện nay, các trường tại Ðà Nẵng đều xây dựng và sử dụng hiệu quả thư viện điện tử, chia sẻ hai chiều nguồn dữ liệu giữa các trường, giữa nhà trường và phụ huynh. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp các đơn vị viễn thông để sử dụng hiệu quả hệ thống đường truyền, mạng Wi-fi và đăng tải nguồn dữ liệu lên trang thông tin điện tử của trường để cùng khai thác, sử dụng. Các trường cũng đều có các phần mềm quản lý giáo viên, học sinh, đội ngũ, quản lý bán trú, thư viện, phần mềm công tác tuyển sinh trực tuyến. Ðáng chú ý, trong thời gian ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19, hệ thống CNTT thật sự mang lại hiệu quả thiết thực trong dạy học trực tuyến. Tại Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu), việc đón đầu trong đầu tư, xây dựng hệ thống CNTT phục vụ dạy và học đã mang lại nhiều kết quả. Thầy giáo Nguyễn Ðức Tú Anh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc ứng dụng CNTT được lãnh đạo nhà trường, toàn thể giáo viên rất quan tâm, đem lại nhiều kết quả cả trong nhận thức, lề lối làm việc, hiệu quả công tác của các bộ phận, tổ chức đoàn thể, mỗi cá nhân trong trường. Nhà trường được thành phố hỗ trợ kinh phí hơn 600 triệu đồng xây dựng một phòng tin học khang trang, hiện đại để chuẩn bị cho chương trình thay sách giáo khoa mới khi Tin học được đưa vào chương trình là môn học bắt buộc. Hiện nay tất cả phòng học, phòng máy của nhà trường đều có máy chiếu, thiết bị trợ giảng, công nghệ hỗ trợ giáo viên. Việc ứng dụng CNTT được triển khai tại tất cả các bộ phận từ hành chính đến các tổ chuyên môn. Vì thế, thông tin giữa nhà trường với phòng, Sở GD và ÐT, UBND quận, được cập nhật liên tục, thường xuyên, kịp thời xử lý các khó khăn ngay từ đầu. Ngoài ra, Trường THCS Tây Sơn khuyến khích các giáo viên tăng cường áp dụng CNTT để làm phong phú, sinh động cho giờ giảng nhưng vẫn giữ cách dạy truyền thống bảng đen, phấn trắng để cân bằng thị giác cho học sinh. Nhờ đó, việc ứng dụng CNTT tại trường, thật sự đã có kết quả đáng ghi nhận ngay trong hai tháng học sinh phải nghỉ đến trường vì dịch Covid-19 khi cả giáo viên, phụ huynh học sinh đều yên tâm, hài lòng.

Cô giáo Nguyễn Thị Bảo Châu, giáo viên Tin học, Trường THCS Tây Sơn chia sẻ: Ðối với bộ môn Tin học, khi có được một phòng tin học được trang bị đầy đủ máy móc hiện đại, là niềm hạnh phúc và điều kiện để giáo viên và học sinh dạy tốt, học tốt. Tin học bắt buộc phải thực hành và các em học sinh đã có được sự hứng thú khi học lý thuyết, hiểu lý thuyết để thực hành trên máy. Việc ứng dụng CNTT trong dạy học, nhất là đối với bộ môn Tin học, thật sự cần thiết, giúp học sinh và giáo viên có được hình ảnh minh họa rõ ràng, các thao tác trên máy tính dễ dàng, thực hiện thao tác văn bản trên máy một cách nhanh nhất theo kiến thức đã lĩnh hội từ tiết học lý thuyết.

Tập trung đầu tư cho CNTT

Năm 2017, UBND thành phố Ðà Nẵng công bố “Kiến trúc ứng dụng CNTT ngành GD và ÐT” với tổng kinh phí hơn 135,980 tỷ đồng. Mục tiêu xây dựng nền tảng để ngành GD và ÐT triển khai ứng dụng CNTT phục vụ cho công tác dạy và học, nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục ở các cấp. Hiện nay, tất cả các trường học đều được xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT như máy vi tính phục vụ quản lý và dạy học; đường truyền in-tơ-nét băng thông rộng, tốc độ cao; phòng CNTT… Ðể đáp ứng yêu cầu đặt ra, ngành GD và ÐT thành phố đã không ngừng tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ CNTT trong tất cả các ngành học, bậc học. Từ ứng dụng và hỗ trợ của CNTT, học sinh và giáo viên tiếp cận được với bài giảng điện tử, tài liệu điện tử, thông tin giáo dục nhanh chóng, tối ưu hiệu quả dạy và học.

Bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng GD và ÐT quận Hải Châu, cho biết: Thời gian qua, Phòng GD và ÐT quận đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các cấp về cơ chế, chính sách và nguồn kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu CNTT trong quản lý, dạy và học. Quận Hải Châu phê duyệt đề án hiện đại hóa các trang thiết bị trong ngành giáo dục giai đoạn 2015-2020, với tổng kinh phí gần 80 tỷ đồng để mua sắm các trang thiết bị hiện đại phục vụ việc ứng dụng CNTT và đáp ứng đổi mới phương pháp giảng dạy. Hiện tất cả các trường trên địa bàn quận được trang bị hệ thống ca-mê-ra giám sát, ti-vi kết nối mạng, màn hình tương tác, máy chiếu thông minh hỗ trợ cho giảng dạy. Trước đây, quận Hải Châu chỉ có 50 đến 70 bài giảng mỗi năm thì ba năm trở lại đây, mỗi năm có 450 bài giảng. Ngành GD và ÐT quận đã hình thành kho học liệu số dùng chung toàn ngành, gồm: Bài giảng, ngân hàng đề, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác để sử dụng cho việc dạy và học trực tuyến sau này”, bà Hà chia sẻ.

Bà Phạm Hồ Quỳnh Trang, Trưởng phòng GD và ÐT huyện Hòa Vang cho biết: Do được đầu tư tốt về CNTT cho nên việc sử dụng phần mềm vnEdu.vn đã giúp các trường học trên địa bàn huyện quản lý tốt hồ sơ giáo viên, quản lý được thời khóa biểu chỉ với một cái “nhấp chuột”, giảm hơn 80% khối lượng công việc, tiết kiệm thời gian cho những người làm công tác quản lý giáo dục. Ðể thực hiện tốt công tác dạy và học trong môi trường CNTT, các trường học trang bị hệ thống máy chiếu, máy vi tính, tập huấn cho tất cả giáo viên soạn thảo, sử dụng thành thạo giáo án, bài giảng điện tử. Ðối với học sinh, các trường tăng cường giờ học, thực hành CNTT, giúp các em sử dụng tốt tài liệu điện tử với hàng nghìn bài giảng được lưu giữ trên hệ thống trang tin điện tử của nhà trường. Với phụ huynh học sinh, phần mềm này đã góp phần làm “cầu nối” với nhà trường để họ có thể theo dõi và giám sát việc học của con em mình.

Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD và ÐT thành phố Ðà Nẵng cho biết, đến nay, Sở đã triển khai dự án kiến trúc ứng dụng CNTT và đề án xây dựng thành phố thông minh. VNPT Ðà Nẵng cũng đã cài đặt miễn phí hệ thống Quản lý Giáo dục Việt Nam vnEdu cho hơn 200 trường học trên địa bàn. Trong đó, tất cả các trường THPT đang sử dụng hiệu quả hệ thống này, góp phần mang lại những tiện ích kịp thời, thiết thực trong quản lý giáo dục giữa nhà trường và phụ huynh học sinh. Trong năm 2020, Sở tiếp tục lập đề án bổ sung, trang bị phòng học tin học cho các cấp để đáp ứng yêu cầu dạy và học, nhất là các trường thuộc địa bàn huyện Hòa Vang. Ðối với các trường học vùng sâu, vùng xa, Ðà Nẵng sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn ứng dụng CNTT cho cán bộ, giáo viên trong ngành để ứng dụng vào hoạt động giảng dạy, quản lý. Toàn thành phố chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất cho ngành GD và ÐT, trong đó, hạ tầng kỹ thuật CNTT là bước đệm quan trọng để hoàn thiện cơ sở dữ liệu kết nối, mang lại hiệu quả bền vững đối với dạy, học. Tính tiện ích và hiệu quả “kép” mang lại khi ứng dụng CNTT trong dạy và học, rút ngắn thời gian cho giáo viên trong quản lý, giảng dạy, là chìa khóa mở cửa thành công, giúp học sinh có điều kiện phát triển toàn diện, tiếp cận với nhiều nguồn tri thức mới.